Phó bí thư Quảng Nam: Từ chức nói thì rất dễ
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng trao đổi với VietNamNet về quy định mới ban hành yêu cầu cán bộ chủ chốt không đủ năng lực nên từ chức.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Quy định có 8 điều nêu rõ những việc cán bộ, đảng viên mà trước hết là những cán bộ chủ chốt nên làm và không nên làm cũng như cơ chế giám sát, đánh giá, tổ chức thực hiện…
Quy định cán bộ chủ chốt phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ đang được dư luận quan tâm.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng có trao đổi, làm rõ hơn về quy định mới ban hành.
Ông Lê Văn Dũng
Cán bộ chủ chốt phải dũng cảm
Tỉnh ủy Quảng Nam vừa có thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm nêu gương, trong đó có yêu cầu, cán bộ chủ chốt không đủ năng lực nên từ chức. Vậy năng lực được hiểu như thế nào để đi đến quyết định từ chức?
Năng lực ở đây được hiểu, Đảng và nhân dân giao cho anh một công việc, nhưng anh không đảm đương được, không hoàn thành. Hoặc trong quá trình thực hiện công việc anh vi phạm khuyết điểm đến mức nghiêm trọng thì trước hết phải tự giác xin từ chức.
Năng lực được tính theo nhiều phương diện: kiến thức, sự am hiểu, tính trách nhiệm.
Nhiều cán bộ học hành rất cao, kiến thức rất uyên bác nhưng có thể không hoàn thành được nhiệm vụ. Vì trách nhiệm của cán bộ đối với công việc không được cao, làm việc mang tính riêng tư, phục vụ lợi ích nhóm. Hoặc cán bộ đó không gần dân, không trọng dân và không có trách nhiệm với nhân dân.
Video đang HOT
Năng lực còn được hiểu là uy tín. Cán bộ có uy tín, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm thì mới hiệu triệu được lực lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Uy tín này không phải tự nhiên mà có, phải trải qua quá trình rèn luyện tốt, để cán bộ đó thể hiện bản chất, tính hiệu quả và năng lực trong công việc.
Quy định từ chức này yêu cầu cán bộ chủ chốt phải dũng cảm trong việc nhận khuyết điểm, phải từ chức khi không đảm đương được nhiệm vụ được giao.
Ông có nghĩ tính tự giác trong mỗi cán bộ đạt đến ngưỡng xin từ chức? Vì văn hóa từ chức ở Việt Nam đang còn xa lạ?
Theo tôi, văn hóa từ chức nói thì rất dễ, có rất nhiều người nói nhưng trong thực tiễn xin từ chức chưa nhiều, văn hóa từ chức chưa được thể hiện cụ thể trong xã hội.
Hiện nay, nhiều cán bộ cứ cho rằng việc họ làm luôn tốt, đúng, không có điều gì sai nên việc cán bộ thôi vị trí, xin từ chức rất khó. Để thực hiện văn hóa từ chức phải trải qua một quá trình tuyên truyền, vận động, nhằm giúp các cán bộ đảng viên có chức có quyền hiệu về năng lực của họ không đảm đương được công việc, qua đó xin từ chức.
Phải đánh giá cán bộ thông qua nhiều kênh, trong Đảng phải đánh giá đa chiều, tức trên xuống và dưới lên, đặc biệt phải có đánh giá của nhân dân.
Qua đó, cán bộ biết được bản thân mình có năng lực, uy tín và đảm đương được công việc hay không, rồi mới từ chức hay không.
Không lạm quyền để làm lợi cá nhân
Khi ban hành quy định này, Tỉnh ủy Quảng Nam hy vọng gì vào sự chuyển biến của đội ngũ cán bộ?
Ban Thường vụ kỳ vọng cán bộ lãnh đạo chủ chốt là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy và người đứng đầu các cấp, các ngành phải tiên phong thực hiện quy định, là tấm gương để mọi người soi và noi theo.
Từ đầu nhiệm kỳ 21, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo, xử lý được một số công việc khó, mới, tồn tại từ nhiều năm nhờ sự đoàn kết, thống nhất rất tốt của tập thể Thường trực Tỉnh ủy. Đó là tấm gương để các cấp ủy Đảng noi theo.
TƯ đã và đang chỉ đạo phải kiểm soát được quyền lực. Tức là giao cho cán bộ một quyền hành thì anh phải thực thi quyền đó đến đâu, không được lạm quyền, dùng quyền lực để làm lợi cho cá nhân. Nếu giao cho cán bộ một quyền hành nhưng không kiểm soát thì cán bộ đó sẽ lạm quyền rồi làm sai trái. “Đức trọng thì quyền cao”, đạo đức của cán bộ phải đi đôi với quyền hạn được giao.
Với những cán bộ không tự giác, phạm những điều không được làm trong quy định thì có hình thức xử lý thế nào, thưa ông?
Trước khi ra quy định 1224, Ban Thường vụ tỉnh đã tập trung thực hiện quy định 121 và quy định 55 của TƯ về noi gương, nghiêm túc xử lý những tập thể, cá nhân có sai sót.
Tập thể Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam sẽ nghiêm túc thực hiện quy định này. Tới đây, Ban Thường vụ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ, các lĩnh vực như đất đai, đầu tư công…
Thực tế, ở Quảng Nam đã có cán bộ nào xin từ chức và lý do từ chức chưa thưa ông?
Quảng Nam có nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên xin từ chức vì lý do không đảm đương được nhiệm vụ, từ chức để làm kinh tế như: Chủ tịch xã Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước) xin từ chức vì không đảm đương được nhiệm vụ. Ở huyện Hiệp Đức, có Phó chánh thanh tra huyện xin từ chức để ra làm doanh nghiệp.
Năm 2018, ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai xin từ chức để ra lập công ty riêng.
Theo tôi, khi thực hiện tốt quy định này, sẽ có đồng chí xin từ chức khi cảm thấy không đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ. Nếu thực hiện tốt, việc từ chức sẽ là chuyện bình thường.
Theo Vietnamnet
Tân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam là ai?
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chuẩn y ông Lê Văn Dũng giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ngày 24/4, tại Hội nghị công tác cán bộ, thừa ủy nhiệm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu công bố quyết định chuẩn y ông Lê Văn Dũng (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chuẩn y ông Lê Văn Dũng giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam.
Phát biểu tại buổi nhận nhiệm vụ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cảm ơn các cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các Tỉnh ủy viên đã tín nhiệm giới thiệu, bầu ông giữ trọng trách quan trọng này.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng hứa sẽ ra sức phấn đấu, cố gắng hết mình, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo đi trước.
Bên cạnh đó, ông Dũng nguyện dốc sức cùng tập thể Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để lãnh đạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng về kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam, ngày 8/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị bàn về công tác cán bộ để bầu chức danh Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam.
Với tỷ lệ 100% phiếu bầu, ông Lê Văn Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam chính thức được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ông Lê Văn Dũng sinh ngày 20/10/1966, quê quán xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.
Trình độ chuyên môn: Đại học Kinh tế nông nghiệp, Cử nhân chính trị. Ông Lê Văn Dũng vào Đảng chính thức ngày 27/10/1987.
Trước khi đảm nhận chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng từng trải qua các chức vụ: Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Hiệp Đức, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam.
THANH BA
Theo VTC
Quảng Nam có tân Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ông Lê Văn Dũng được bầu giữ chức Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020 với 100% số phiếu bầu. Sáng 8/4, Ban Chấp hành Đảng bộ Quảng Nam tổ chức Hội nghị bàn về công tác cán bộ, bầu chức danh Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam khóa XXI nhiệm kỳ 2015-2020. Tại hội...