Phim Việt ngập cảnh cấm trẻ em
Với liên tiếp 7/8 phim trình chiếu trong 3 tháng qua đều bị xếp loại cấm trẻ em, người ta buộc phải tự hỏi chuyện gì đang xảy ra trên màn ảnh phim Việt?
Việc xếp loại phim ở nước ta hiện chỉ có cột mốc duy nhất là cấm hoặc cho phép người trên 16 tuổi vào rạp. Dù đây là hạn chế đòi hỏi phải có một hệ thống phân loại theo từng độ tuổi cụ thể, phản ánh độ biến chuyển, trưởng thành tâm sinh lý ở lớp khán giả trẻ tuổi. Nhưng người ta có thể tạm chấp nhận, 16 là ranh giới hiện có để ngăn trẻ em tiếp cận với những nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ chỉ thích hợp với người lớn.
Các phim bị xếp loại 16 gần đây gồm: Mất xác, Đoạt hồn, Scandal: Hào quang trở lại, Hiệp sĩ mù, Lạc giới, Hương ga, Bước khẽ tới hạnh phúc. Chúng đa dạng về đề tài và thể loại, nhưng tựu chung có ba yếu tố để phải giới hạn độ tuổi, gồm: tình dục, bạo lực và siêu nhiên.
Cảnh trong phim Hương ga.
Những cận cảnh “ nóng mặt” khán giả
Tình dục trước nay vẫn luôn là lý do dễ khiến phim bị xếp loại cấm trẻ em. Bất cứ nội dung hay hình ảnh nào ám chỉ tới tình dục đều gây những phản ứng rất nhạy cảm từ phía người xem lẫn truyền thông. Không ít thì nhiều, nhóm phim trên đều “dính” đến yếu tố này. Những cảnh tấn công tình dục hay ân ái gần như rải đều khắp từ đầu đến cuối Hương ga, với diễn xuất chính của Trương Ngọc Ánh và Kim Lý.
Phim này kể lại hành trình từ một nữ sinh hiền lành đất cảng trở thành bà trùm khét tiếng trong giang hồ Sài Gòn. Dù chỉ dừng lại ở mức độ bán khỏa thân và không trực diện, nhưng phim lại làm “nóng mặt” khán giả vì những cận cảnh cơ thể, rõ mồn một và sắc nét trên màn hình lớn.
Hai phim Bước khẽ đến hạnh phúc và Lạc giới thậm chí táo bạo hơn với cảnh khỏa thân hoàn toàn của các diễn viên chính. Phim đầu kể chuyện cô gái Mỹ gốc Việt (Ngân Khánh đóng) phải lòng một anh chàng nghệ sĩ (Quách Ngọc Ngoan) trong chuyến về làm việc tại quê hương.
Cảnh cả hai đứng “trần trụi” trên một công trình cao ốc đang xây để nhìn xuống thành phố về đêm đã làm khán giả ngượng chín người, bật ra tiếng cười vì sự đột ngột, vô duyên lẫn không cần thiết của nó.
Video đang HOT
Ở Lạc giới, cảnh khỏa thân chỉ dừng lại ở mức độ… tắm chung, không gắn với nội dung tình dục cụ thể. Nhưng câu chuyện về gã tội phạm có tình cảm và “mặn nồng” cùng lúc với cô y tá và chàng bệnh nhân ở chung nhà, chắc chắn không phải là điều mà các phụ huynh lựa chọn cho con em mình.
Các phim còn lại thuộc thể loại hành động và kinh dị, nên yếu tố tình dục được giảm bớt, chỉ dừng ở mức độ nhấn nhá cho có hương vị lãng mạn, hoặc các cảnh tấn công tình dục làm nổi bật hiện thực khô khốc và thù hận. Hoặc việc hài tục cũng có thể khiến phim bị xếp 16 .
Cảnh trong phim Hiệp sĩ mù.
Từ rượt đuổi tới tra tấn
Bạo lực là nguyên nhân chính tiếp theo khiến phim bị xếp loại cấm trẻ em. Nhóm 7 phim trên đều có các cảnh rượt đuổi, đánh đấm, đâm chém hoặc bắn giết, nhưng ở mức độ nặng nhẹ khác nhau. Dẫn đầu trong tính chất bạo lực phải kể tới Hiệp sĩ mù của đạo diễn Lưu Huỳnh và Hương ga của Cường Ngô. Hai phim này từ đầu đến cuối tràn ngập các cảnh giang hồ thanh toán, hoặc tra tấn lẫn nhau.
Cả hai mô tả rất cận các cảnh máu me và thương tích, phim vượt xa các tiêu chí thông thường trên thế giới về những màn chiến đấu (thường trong phim sử thi hoặc cổ tích) mà trẻ em có thể xem, đó là không đổ máu, không thương tích, các hành động tấn công chỉ thoáng qua.
Một yếu tố quan trọng làm gia tăng cảm giác bạo lực ghê rợn, đó là các hành vi tội ác thường được thực hiện bằng hung khí (dao, rựa, kiếm, mã tấu…) hơn là bằng súng. Để hư cấu gần hơn với hiện thực cuộc sống, các phim đều phải chú trọng yếu tố này. Điều này giải thích vì sao các phim kinh dị như Đoạt hồn, Mất xác hay Scandal: Hào quang trở lại dù không nhiều hành động bạo lực, nhưng mỗi khi diễn ra thường rất ghê sợ.
Nguyên nhân cuối cùng khiến phim bị xếp 16 là các nội dung siêu nhiên, thần bí hoặc mô tả tội ác kinh khủng. Nhóm phim kinh dị nói trên đều có những nội dung này ở mức độ khác nhau. Dù đã được xếp loại cấm trẻ em, nhóm này vẫn thường được Hội đồng duyệt phim yêu cầu cắt bớt các cảnh chém giết.
Hoặc với phim siêu nhiên, hồn ma, bùa chú, phải được kết thúc bằng tình tiết cho thấy những gì khán giả vừa xem chỉ là… một giấc mơ. Đây là lý do khiến nhiều người cho là đã làm bộ phim kinh dị Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần dở đi rất nhiều.
Cảnh trong phim Đoạt hồn.
Về lý thuyết, việc bị hạn chế người xem có thể gây hại đến doanh thu, nếu các rạp chiếu làm nghiêm việc yêu cầu khán giả xuất trình giấy tờ chứng minh đủ tuổi vào xem. Nhưng ở đây, sự lạm phát nội dung người lớn cho thấy các nhà sản xuất đã không đặt nặng vấn đề này. Thống kê của nhiều hệ thống rạp cho thấy hơn 70% lượng khán giả đến rạp là những người từ 18 đến 30 tuổi.
Dù phải qua cửa duyệt phim mới biết phim có bị dán nhãn 16 hay không, nhưng nhìn trên trên lịch chiếu dự kiến hiện tại, có thể thấy dòng phim người lớn sẽ được nối tiếp với: Tốc độ và đường cong – phim Việt đầu tiên về đua xe; Chuyến đi thất lạc – phim Việt đầu tiên về xác sống (zombie); Để Hội tính – phim hài tục xoay quanh một nhân vật đồng tính; Chung cư – phim kinh dị với mô típ về một oan hồn lẩn khuất trong khu chung cư cũ…
Theo Khải Trí/Vietnamnet
Phim Việt phải 'đen tối' mới ăn khách?
Có ý kiến cho rằng yếu tố thương mại khiến phim Việt gần đây thiếu vắng những nhân vật trung tâm tích cực, có tính cách và hành động đáng khâm phục.
Đạo đức trong phim Việt là chủ đề nhận được nhiều tham luận tại cuộc hội thảo khoa học Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo quy tụ nhiều nhà quản lý, nghiên cứu, lý luận phê bình và văn nghệ sĩ, diễn ra trong hai ngày 11 và 12/11 tại TP. HCM.
Phim Hương ga với nhân vật chính được cho là lấy nguyên mẫu từ trùm giang hồ Dung Hà.
Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, khi xem phim của các bạn trẻ dòng phim độc lập có tài trợ từ các quỹ văn hóa của nước ngoài, bà có cảm tưởng "đôi khi không biết là của nước nào, văn hóa truyền thống không còn dấu ấn trong tác phẩm của họ. Nói tiếng mẹ đẻ không sõi, cách sống lai căng, pha tạp".
Bà Ngát nêu cái nhìn so sánh tuổi 20 ngày xưa phơi phới lên đường chống Mỹ hay xây dựng đất nước. Nay tuổi 20 trong một vài phim của họ có khi chỉ biết đi làm điếm, coi như một nghề, sau đó vẫn có thể nhí nhảnh hồn nhiên được với người mình yêu, đưa đồng tiền mình kiếm được trong sự nhơ nhớp đó cho người yêu mua vé cùng đi du lịch....
Bà cho biết lứa tuổi già hay trung niên như bà, dù đã trải nghiệm rất nhiều cũng không khỏi "kinh hãi trước sự trơ lỳ về cảm xúc, về sự lạnh lùng làm điều xấu cứ như không của không ít người trong giới trẻ hôm nay", điển hình là nhân vật trong Khi tôi 20 (đã bị cấm chiếu).
Nêu góc nhìn từ phía truyền thông, bà Nguyễn Thị Kim - tổng biên tập tạp chí Kiến thức Ngày nay - nói: "Không kể các phim hài nhảm, nếu chúng ta thử nhìn lại một số phim tâm lý xã hội Việt Nam chiếu rạp gần đây thiếu vắng những nhân vật trung tâm tích cực, nhân vật anh hùng có tính cách và hành động đáng cảm phục".
Phim Đoạt hồn với nhiều cảnh kinh dị.
Điển hình như Bước khẽ đến hạnh phúc, là câu chuyện tìm lại cội nguồn của một cô gái trẻ Việt kiều nhưng mang phong cách hơi áp đặt, gượng ép. Đoạt hồn mang màu sắc u trầm, bí ẩn, pha màu kinh dị. Mất xác mô tả sự biến chất của một gã bác sĩ và nỗi khổ của một cô gái trên sông lúc nào cũng bị dằn vặt bởi bóng ma quá khứ. Scandal - Hào quang trở lại là câu chuyện một nữ diễn viên vì không muốn mình là bóng mờ trong làng điện ảnh nên đã biến mình thành nạn nhân của một ca mổ thẩm mỹ tắc trách.
Gần đây nhất là Hương ga, kể chuyện một cô gái hiền lành bán hương ở ga bị đẩy đưa đến thành nữ giang hồ. Bộ phim của đạo diễn Cường Ngô được coi là tái hiện bóng dáng của những nhân vật trong vụ án Dung Hà, Năm Cam. Cùng với Scandal, Hương ga cho thấy các nhà sản xuất phim Việt đang ngày càng nhanh nhạy chẳng kém gì báo chí khi đưa lên phim các câu chuyện đời thật chấn động nhất về mặt đạo đức.
Bà Kim cho rằng làm phim về sự suy đồi, xuống cấp đạo đức có thể dễ ăn khách. Yếu tố giáo dục thẩm mỹ không phải là vấn đề trọng tâm, để mang thông điệp hữu ích đến công chúng. Sự thiếu vắng hoặc mờ nhạt các nhân vật tích cực cũng là điều dễ hiểu khi các nhà sản xuất phim đặt tính thương mại, giải trí lên hàng đầu.
Do vậy, đạo đức xã hội, đạo đức con người, góc khuất, nội tâm sẽ không được ưu tiên bằng những pha hành động đánh đấm, bạo lực trong phim. Đó cũng là mẫu số chung mà người ta tìm thấy trong hầu hết các phim Việt chiếu rạp gần đây.
Theo Khải Trí/VietNamNet
Cuộc đua ngoạn mục cuối năm của làng phim Việt Bộ phim kinh dị "Đoạt hồn" đã nổ phát pháo ngoạn mục cho một loạt những tác phẩm mới của điện ảnh Việt ra rạp từ nay đến cuối năm 2014. Cảnh phim Đoạt hồn. Khởi chiếu từ ngày 18/7, theo nhà sản xuất BHD, tác phẩm thứ 2 của đạo diễn Việt kiều Hàm Trần thực hiện tại Việt Nam đã thu...