Phim Việt bây giờ không chỉ đẹp ở bối cảnh, mà phải đẹp đến từng chiếc quần, chiếc áo!
Trong bối cảnh người người làm phim, nhà nhà làm phim, tự khắc người ta phải tìm cho mình những công cụ hữu ích để đánh bóng giá trị của sản phẩm mình làm ra. Đối với phim Việt bây giờ, hay thôi chưa đủ mà còn phải đẹp. Không chỉ đẹp ở bối cảnh, ở nhan sắc diễn viên mà còn phải đẹp đến từng bộ trang phục.
Thời trang trong phim ảnh luôn là một yếu tố quan trọng, cần thiết. Thế nhưng bao nhiêu lâu nay, thời trang thường bị xem nhẹ trong phim Việt Nam. Vì nhiều yếu tố, nhưng dễ lí giải nhất vẫn là do kinh phí, còn “vĩ mô” hơn là ở tầm nhìn khi mà nhà sản xuất không cảm nhận được tầm quan trọng của nó.
Phim Cô Ba Sài Gòn lấy áo dài làm chủ đạo
Cũng nên nhìn nhận rõ, trang phục trong phim được đánh giá cao không phải vì lúc nào cũng đẹp lung linh mà phải tùy vào từng phim, từng bối cảnh, nhân vật. Với những bộ phim truyền hình thập niên chín mươi hay xoay quanh chủ đề thời chiến, tất nhiên trang phục phải lấm lem, tối màu, mang hơi thở thời cuộc. Còn những bộ phim tình cảm thời hiện đại tất nhiên phải có trang phục hợp thời, hợp “mốt”, đôi khi phải hợp cả tính cách nhân vật nữa. Còn những phim học đường thì đồng phục lại chính là trang phục chủ đạo.
Phim truyền hình vốn có kinh phí thấp, thời gian thực hiện lại lâu nên việc các diễn viên mặc đi mặc lại một bộ đồ, hoặc người phim này mặc đồ phim kia là chuyện vẫn có thể xảy ra (tình trạng hay nhìn thấy trong các phim cổ trang Hoa ngữ). Cũng có những phim điện ảnh với câu chuyện, bối cảnh đời thường nên diễn viên tự chuẩn bị trang phục, thế là không tránh khỏi nhiều trường hợp tréo ngoe khi lên set sẽ bị chõi màu với bối cảnh hoặc bạn diễn. Nhưng gần như vì vấn đề kinh phí mà các nhà sản xuất, đạo diễn phải nhắm mắt cho qua. Cộng với cách nhìn nhận về “sức nặng” của trang phục trong các khuôn hình, trong việc kiến tạo nên nhân vật vẫn chưa thực sự quan trọng.
Mỹ Nhân Kế chọn áo yếm để sáng tạo
Tấm Cám: Chuyện chưa kể cũng là một phim mang đậm dấu ấn thời trang
Chưa kể có những bộ phim rõ ràng là mang bối cảnh nông thôn, hoặc nhân vật ở tầng lớp lao động nhưng quần áo thì luôn bóng loáng tinh tươm. Điều này trái ngược với chuyện kinh phí thấp vì đó đều là những bộ đồ được may mới, mua mới. Thế nhưng, đó lại là một sự đầu tư sai cách khi mà những bộ quần áo của người lao động, nông dân, hay những cô đào hát lô tô hội chợ cần nhất là dấu ấn thời gian. Sự tươi mới không cần thiết vô tình lại khiến trang phục trở nên “xấu” với chính nhân vật đang mặc.
Thế nên, sự xuất hiện của Cô Ba Sài Gòn hay Mẹ chồng vào cuối năm nay chính là những bước tiến quan trọng trong cả cách mà khán giả nhìn nhận về thời trang trong phim Việt cũng như cách mà các nhà làm phim nhận thấy tầm quan trọng của quần áo.
Với Cô Ba Sài Gòn, một bộ phim thời trang, tất nhiên yếu tố trang phục được đặt lên hàng đầu. Suốt thời lượng phim diễn ra, khán giả không chỉ nhìn thấy cả một bộ sưu tập áo dài, những bộ cánh thời thượng của năm 2017, những phong cách thời trang hiện đại của các nhân vật mà còn được nghe và tiếp nhận rất nhiều những kiến thức thời trang của thế giới. Điều này chứng tỏ được việc nhà sản xuất đặt ra mục tiêu gì từ đầu và cố gắng đi theo nó đến cùng. Sẽ thật kệch cỡm nếu như một phim về thời trang mà có một khung hình nào đó nhân vật ăn mặc bị “sai”, rất may Cô Ba Sài Gòn hoàn toàn không mắc phải. Nội dung phim có thể chưa hoàn hảo, còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản nhưng rõ ràng về mặt thời trang, Cô Ba Sài Gòn gần như ghi điểm tuyệt đối.
Quan trọng hơn, bộ phim còn tìm được cái đích giá trị trong khi chọn hướng triển khai. Phim về thời trang khác với những cuộc thi thiết kế hay một MV ca nhạc “khoe” những bộ cánh, trang sức đắt tiền. Cô Ba Sài Gòn khéo léo chọn áo dài làm “nhân vật” trung tâm, là điểm gút thú vị để phô diễn được nhiều thứ hay ho của giá trị truyền thống lẫn phong cách thời trang hiện đại.
Khẳng định áo dài là loại trang phục truyền thống của Việt Nam, cộng với ý nghĩa “không thể sáng tạo thêm” cúa nhân vật Như Ý dành cho áo dài, Cô Ba Sài Gòn nhẹ nhàng chuyển sự tập trung của khán giả theo hướng nhìn của Như Ý, khiến ai nấy cũng choáng ngợp trước sự thay đổi đồ sộ của dòng chảy thời trang trên thế giới khi cô xuyên không đến 2017. Thế là từ xuất phát điểm là trang phục truyền thống, bộ phim trở thành một “tư liệu” thú vị về thời trang đương thời, vừa gây được hứng thú với giới trẻ, vừa dễ dàng kêu gọi được tài trợ.
Video đang HOT
Nhưng sau đó, đến cuối phim, áo dài lại được tôn vinh cực kì thuyết phục qua bộ sưu tập mang họa tiết gạch bông. Tất cả những gì tinh hoa mà nhà thiết kế Thủy Nguyễn đặt để vào sự sáng tạo cho áo dài trong phim đều được giấu đến cuối cùng, để khi bung ra nó sẽ hoàn toàn chinh phục người xem. Để không chỉ những giá trị mang tính truyền thống được tôn vinh mà bản thân khán giả cũng muốn mặc áo dài lên người. Đó cũng chính là thành công lớn nhất của Cô Ba Sài Gòn, của nhà thiết kế Thủy Nguyễn khi mà gần như lần đầu tiên trong phim Việt, yếu tố thời trang được đặt nặng, tôn vinh và mang đến những thay đổi trong cách mà số đông người Việt đang nhìn nhận về áo dài.
Một trường hợp khác cũng cần đề cập chính là Mẹ chồng. Đây cũng là bộ phim được nhà thiết kế Thủy Nguyễn đảm nhiệm phần trang phục. Khác với Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng không phải phim về thời trang hay mang sứ mệnh tôn vinh loại trang phục nào. Nhưng cũng có thể dễ dàng nhìn thấy ý muốn đẩy mạnh hình ảnh về những bộ áo bà ba trong phim.
Áo bà ba cũng là một loại hình trang phục truyền thống, nhưng chỉ phổ biến ở các tỉnh Nam bộ và thường được may bằng các loại vải thô, trơn. Thế nên, nhà thiết kế Thủy Nguyễn đã “tấn công” vào những điểm hạn chế đó để tạo nên những chiếc áo bà ba lạ mắt, ấn tượng trên phim với nhiều chất lượng từ gấm, lụa đến cả vải nhung cùng nhiều họa tiết thêu may đặc sắc.
Tuy nhiên, dù ấn tượng về áo bà ba trong Mẹ chồng không mạnh mẽ và tích cực như áo dài của Cô Ba Sài Gòn vì nhiều người không cảm nhận được tính “ứng dụng” của những bộ cánh này trong đời thực. Một phần vì bộ phim không đi theo hướng tôn vinh thời trang, tôn vinh áo bà ba mà chỉ là công cụ để các nhân vật được lộng lẫy và bắt mắt hơn trên màn ảnh. Với những phim mang chủ đề “thâm cung nội chiến” như Mẹ chồng thì rõ ràng điểm nhấn trong trang phục là bắt buộc. Bối cảnh bộ phim không phải trong hoàng cung mà ở Nam bộ, thế nên có thể nói với những gì đã thể hiện trên những chiếc áo bà ba vốn đơn sơ, Mẹ chồng đã thành công nhất định.
Nhưng hơn hết, Mẹ chồng đã minh chứng cho tính chỉn chu đến từng bộ trang phục xuất hiện trên phim và hợp với bối cảnh câu chuyện diễn ra. Cùng với Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng hay những bộ phim gây điểm nhấn về thời trang lúc trước như Mỹ nhân kế, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, những tác phẩm này giống như các đốm sáng rực rỡ giữa bức tranh nhạt nhòa về trang phục của điện ảnh Việt.
Và tin chắc rằng với những bộ phim này, nhiều suy nghĩ về vấn đề thời trang trên phim Việt cũng đã đổi khác. Người ta ngày càng có thể tin tưởng và hy vọng hơn vào một tương lai với những bộ phim Việt được chăm chút hơn không chỉ về bối cảnh, kĩ xảo mà đến từng chiếc quần, chiếc áo.
Theo Trí Thức Trẻ
Top 10 phim Việt có doanh thu cao nhất trong lịch sử
1. Cô Ba Sài Gòn (60 tỷ)
Với con số 60 tỷ đồng, doanh thu của Cô Ba Sài Gòn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngô Thanh Vân khi đầu tư cho bộ phim này. Theo nhà sản xuất phim, so với Tấm Cám: Chuyện chưa kể thì số lượng vé bán ra của Cô Ba Sài Gòn năm nay gần như gấp đôi. Tuy nhiên, doanh thu của bộ phim chỉ xấp xỉ trên 60 tỷ đồng, trong khi Tấm Cám mang về gần 70 tỷ.
Ngay khi vừa ra rạp được ít ngày, Cô Ba Sài Gòn đã bị tung lên mạng trái phép. Đây được coi là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến doanh thu bộ phim.
2. Tấm Cám: Chuyện chưa kể (67 tỷ đồng)
Khi vừa ra mắt, Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã gây ra tranh cãi về vấn đề "chia chác" doanh thu với các rạp chiếu tại Việt Nam. Kết quả, một hệ thống chiếu rạp lớn của Việt Nam từ chối phát hành Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Tuy vậy, doanh thu bộ phim vẫn lên con số 67 tỷ đồng sau một tháng công chiếu.
Bộ phim là tâm huyết của Ngô Thanh Vân trong việc phát triển phim Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám, bộ phim do Ngô Thanh Vân đạo diễn đã có thêm nhiều chi tiết kỳ ảo và cảnh hành động đẹp mắt.
3. Chàng trai năm ấy (70 tỷ)
Nhân vật chính trong phim là ca sĩ Đình Phong (do Sơn Tùng MTP thủ vai) - hình tượng được xây dựng dựa trên nguyên mẫu - ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Đình Phong là một ca sĩ triển vọng với tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt dành cho ca hát. Bên cạnh Đình Phong là người bạn thân Ngô Kiến Hà (Ngô Kiến Huy, bà chị Phạm Quỳnh Băng (Phạm Quỳnh Anh), cô bạn gái Sky (Hari Won) và chàng quản lý Lâm (Hứa Vĩ Văn).
Cuộc sống hồn nhiên, vui vẻ của Đình Phong bỗng chốc thay đổi bởi bệnh tật. Nhưng nhờ tình yêu của mọi người và lòng đam mê âm nhạc, khát khao với cuộc sống, Đình Phong đã không chịu khuất phục số mệnh.
4. Cô gái đến từ hôm qua (70 tỷ)
Bộ phim về tuổi học trò của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng là một tác phẩm điện ảnh Việt được trông đợi trong năm 2017. Với sự tham gia của Miu Lê, Ngô Kiến Huy, Will (365) và chuyện phim dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Cô gái đến từ hôm qua đã được khán giả "ngóng" từ khi mới công bố dự án.
Sau 3 tuần ra rạp, bộ phim đạt doanh thu 65 tỷ đồng, doanh thu cuối cùng của phim đạt 70 tỷ. Tuy không thể làm nên điều bất ngờ như tác phẩm Em là bà nội của anh mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã làm được trước đó, đây vẫn là một sản phẩm chỉn chu của điện ảnh Việt.
5. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (77 tỷ)
Khi ra mắt, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trở thành một hiện tượng phòng chiếu, khán giả đổ xô đi xem. Bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những cảnh phim đẹp đến nao lòng được quay tại Phú Yên.
Không chỉ gây nên cơn sốt tại Việt Nam, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh còn được mua bản quyền và chiếu tại nước ngoài. Phim vinh dự được công chiếu tại LHP Cannes 2015.
6. Tèo em (80 tỷ)
Bộ đôi Johnny Trí Nguyễn cùng Thái Hòa đã "quậy" tung phòng chiếu với bộ phim này. Mang tính chất hài hước - tâm lý, Tèo Em kể về hai anh em Tí - Tèo với những tình huống dở khóc dở cười. Nội dung phim đơn giản nhưng sự tung hứng của Thái Hòa và Johnny Trí Nguyễn đã tạo ra tiếng cười bùng nổ trong bộ phim đậm tính giải trí.
Sự thành công của Tèo Em, cùng hai phần Để Mai tính, Quả tim máu đã đưa Thái Hòa lên ngôi vị "ông hoàng phòng vé".
7. Quả tim máu (85 tỷ)
Đây là bộ phim kinh dị hiếm hoi có doanh thu phòng vé khủng. Dựa trên vở kịch cùng tên, Quả tim máu được đạo diễn Victor Vũ xử lý lại đầy kịch tính, bất ngờ, hấp dẫn. Phim bắt đầu khi nhân vật chính Linh (Nhã Phương) tỉnh dậy từ sau ca phẫu thuật thay tim. Quả tim cũ đã đưa cô tìm đến những bí mật khủng khiếp trong quá khứ .
Với sự tham gia của Thái Hòa, Nhã Phương, Quý Bình, kim Xuân... Quả tim máu cũng trở thành phim khiến khán giả đổ xô ra rạp.
8. Để Mai tính 2 (101 tỷ)
Đây là phần 2 của bộ phim cùng tên đã được ra mắt năm 2010, đều do Charlie Nguyễn đạo diễn. Diễn xuất đáng yêu của Thái Hòa trong vai người đàn ông đồng tính Phạm Hương Hội đã khiến khán giả bùng nổ trong những tiếng cười thích thú. Không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, Để Mai tính 2 chỉ là bộ phim giải trí đơn thuần nhưng về mặt cảm xúc, nó đã hoàn thành trọn vẹn vai trò đem lại những phút giây thư giãn cho khán giả.
9. Em là bà nội của anh (102 tỷ)
Bộ phim này được xem như một phép màu với đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh và nữ diễn viên Miu Lê. Bởi tác phẩm đầu tay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã xô đổ kỷ lục của hàng loạt phim Việt Nam khác đã nắm giữ từ rất lâu, trước khi bị Em chưa 18 soán ngôi.
Được chuyển thể từ tác phẩm đình đám Miss Granny của Hàn Quốc, phim xoay quanh nhân vật bà Đại (NSƯT Minh Đức) - một bà già khó tính, hay bắt bẻ người khác. Một lần, bà tò mò đến một tiệm ảnh kỳ quái và bỗng nhiên hóa thân thành cô gái trẻ trung tuổi đôi mươi và lấy cái tên Thanh Nga (Miu Lê). Trong thân xác cô gái trẻ, bà Đại được trải nghiệm cuộc sống thêm một lần nữa và cũng thấu hiểu được những suy nghĩ, tình cảm của người thân trong gia đình.
10. Em chưa 18 (169 tỷ)
Không hề có những cái tên nổi tiếng nhưng Em chưa 18 đã tạo ra một hiệu ứng truyền miệng vô cùng tốt với khán giả. Chỉ sau 9 ngày công chiếu, Em chưa 18 xác lập kỷ lục phòng vé với doanh thu là 115 tỷ, soán ngôi Em là bà nội của anh để trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Những lời khen dành cho bộ phim lan rộng khiến số tiền thu được từ bộ phim cũng không ngừng tăng lên.
Phim được đạo diễn Lê Thanh Sơn xử lý hiện đại, mang đậm phong cách Mỹ. Câu chuyện tình yêu trong phim cũng đơn giản nhưng vô cùng đáng yêu. Cô bé "chưa 18" Linh Đan (Kaity Nguyễn) đã tìm cách gài bẫy anh chàng play boy Hoàng (Kiều Minh Tuấn) để bắt anh giả làm bạn trai của mình, nhằm "dằn mặt" cậu bạn trai cũ Tony (Will). Để rồi sau những lần tiếp xúc, cả hai đã có những rung động về nhau, bỏ mặc khoảng cách tuổi tác.
Theo VNE
"Người phụ nữ bí ẩn" làm lu mờ Vân Ngô, Lan Ngọc trong "Cô Ba Sài Gòn" Và cũng chính người này đã góp phần lớn che đi những hạt sạn của "Cô Ba Sài Gòn". Nhiều tháng qua, khán giả Việt khá tò mò về bộ phim tiếp theo được nhào nặn bởi ekip của "đả nữ" Ngô Thanh Vân - Cô Ba Sài Gòn. Quy tụ dàn diễn viên hùng hậu gồm những sao nữ và những nghệ...