Phim về Hoàng Sa – Trường Sa xúc động, đẫm chất sử thi
“ Bọt biển và sóng ngầm” – bốn tập phim với nhiều tư liệu quý giá và câu chuyện đầy cảm xúc về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vừa được phát sóng trên VTV1.
Ngoài kia, Biển Đông đang dậy sóng với việc Trung Quốc cấp tập bồi đắp các đảo chiếm của Việt Nam, biến chúng thành những hòn đảo nhân tạo và từng bước quân sự hóa với việc bố trí tên lửa và radar trên một số đảo; với việc tàu Trung Quốc cướp phá, đánh đập ngư dân Việt Nam đang hành nghề ngay trên vùng biển của mình với một nhịp độ ngày càng dày hơn, thường xuyên hơn.
Trong bối cảnh đó, bốn tập đầu của bộ phim tài liệu sử thi Bọt biển và sóng ngầm đã được phát trên kênh truyền hình VTV1.
Một lịch sử bi tráng, với những tư liệu từ cổ sử, những hiện vật được tìm thấy, những nghiên cứu của các nhà sử học trong nước và thế giới… càng là những minh chứng hùng hồn và sống động cho câu chuyện chủ quyền đang mỗi ngày làm nhức nhối người dân Việt hôm nay.
Đoàn làm phim thực hiện một cảnh quay trong phim Bọt biển và sóng ngầm – Ảnh: VTL
“Khác với một số bộ phim đã thực hiện về đề tài này (Biển Đông), Bọt biển và sóng ngầm là một tác phẩm mang tính bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam, khắc họa những yếu tố cốt lõi tạo nên lãnh thổ, cương vực và chủ quyền của dân tộc ngay từ thuở bình minh của lịch sử, trong bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc đang leo thang các chiến lược bành trướng lãnh thổ của họ ở Biển Đông”, đó là ý tưởng xuyên suốt của những người thực hiện bộ phim tài liệu sử thi này.
Đạo diễn kiêm người viết kịch bản, nhà báo Nông Thanh Vân cho biết tựa của bộ phim lấy cảm hứng từ cuốn sách Bọt biển và sóng ngầm xuất bản trước năm 1975 của cố giáo sư Lý Chánh Trung, cái tựa gợi cho người xem liên tưởng tới cuộc đấu tranh chưa bao giờ ngưng nghỉ của người Việt nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà có lúc thoạt trông như bọt biển nhưng ở trong tầng thâm sâu là những cơn sóng ngầm không bao giờ thôi vận động.
Sau năm năm ấp ủ, cưu mang đề tài, phim được bấm máy cuối tháng 12/2013, hoàn thành và tiếp tục chỉnh sửa đến tháng 11/2015. Đoàn làm phim đã công phu đi đến nhiều quốc gia, gặp gỡ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, lịch sử Biển Đông để phỏng vấn, thu thập tài liệu.
Quá trình quay phim Bọt biển và sóng ngầm – Ảnh: VTL
Video đang HOT
Bốn tập đầu của phim bao quát một không gian và thời gian rộng lớn, đi từ Những nhà nước cổ đại ở Biển Đông (tập 1), qua Đại Việt và hành trình tiến ra biển lớn (tập 2) đến Chủ quyền Biển Đông (tập 3) và Đội Hoàng Sa Bắc Hải (tập 4).
Có thể nói đây là một bộ phim đầu tư lớn, cả về chất xám, trí tuệ công sức của hàng trăm người, một bộ phim vừa nghiêm túc, công phu và giàu chất điện ảnh với việc tái hiện, phục dựng nhiều thời khắc, sự kiện lịch sử khiến bộ phim không mang dáng dấp khô khan của một bộ phim tài liệu mà đẫm chất sử thi làm xúc động lòng người mang trong mình dòng máu Việt.
Phải có một tấm lòng, một sự thôi thúc lớn lao và một nỗ lực ghê gớm mới có thể bỏ ra bốn năm trời để thực hiện một bộ phim công phu như vậy.
Xem phim rồi, bỗng ước giá như mỗi lớp học sinh trên khắp cả nước có một bộ đĩa phim Bọt biển và sóng ngầm thì những “buổi học sử chay” trong nhà trường sẽ đỡ nhàm chán biết bao.
Rồi lại quẩn quanh nghĩ sao việc thực hiện một bộ phim có giá trị giáo dục và nghệ thuật như vậy lại không được thực hiện bởi một trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục – Đào tạo mà phải đợi đến sự góp sức của một công ty tư nhân?
Bộ phim Bọt biển và sóng ngầm do nhà báo Nông Thanh Vân viết kịch bản và đạo diễn, VTL Comunication Group – đơn vị đầu tiên hợp tác với VTV theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa truyền thông của Nhà nước – phối hợp với VTV sản xuất.
Phim được thực hiện với sự cố vấn của nhiều vị lãnh đạo nhà nước, sự giúp đỡ của nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học trong và ngoài nước, giáo sư Phan Huy Lê hiệu đính lịch sử. Người viết lời bình là Lê Phong (Lý Tiến Dũng) – con trai của giáo sư Lý Chánh Trung.
Phim phát sóng bốn tập phần 1 vào 20h trên VTV1 các ngày 11, 16, 18, 25/3. Khán giả có thể xem lại trên website của VTV.
Theo nhà sản xuất, phần 2 cũng gồm bốn tập (Hoàng Sa – Trường Sa và những âm mưu từ Trung Nam Hải) đang trong giai đoạn hoàn tất.
Theo Đoàn Khắc Xuyên/ Tuổi Trẻ
Hành trình đến Oscar của phim về nạn nhân chất độc da cam VN
Trên trang Indiewire, nữ đạo diễn Courtney Marsh thuật lại cuộc gặp gỡ Lê Minh Châu và hành trình thực hiện bộ phim tài liệu ngắn "Chau, beyond the Lines" kéo dài 8 năm sau đó.
Năm 2007, Courtney Marsh còn đang theo học chương trình cử nhân khoa phim tài liệu tại trường điện ảnh trực thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA). Tuy chưa từng thực hiện một tác phẩm nào trước đó, cô luôn mang khao khát ghi lại một điều gì đó thật khác biệt so với những gì mình từng trải qua trong đời.
Nữ đạo diễn chia sẻ: "Tôi luôn luôn muốn khám phá. Một người bạn thân lúc đó của tôi đến từ Việt Nam, và tôi đi đến quyết định thực hiện một bộ phim tài liệu về những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ tại TP HCM. Thực lòng mà nói, khi đó tôi còn chẳng biết đến thể loại phim tài liệu ngắn. Rồi với số tiền đến từ vài khoản quyên góp và tiết kiệm, chúng tôi bay đến Việt Nam để bắt đầu ghi hình".
Nữ đạo diễn Courtney Marsh bên cạnh nhà sản xuất Jerry Franck của Chau, beyond the Lines. Quãng thời gian thực hiện bộ phim tài liệu ngắn 34 phút về Lê Minh Châu là 8 năm. Ảnh: Getty Images
Để quay phim tại quốc gia Đông Nam Á, Courtney Marsh phải xin giấy phép chính quyền và tin tức bắt đầu lan ra. Một nhà sản xuất truyền hình tại TP HCM tới gặp cô ở khách sạn. Người đó cho rằng chủ đề mà Marsh muốn theo đuổi khá ổn, "nhưng đã nhàm rồi. Anh ấy đề nghị đưa chúng tôi đến thăm một &'ngôi làng hòa bình' khuất phía sau bệnh viện phụ sản. Đó chính là làng Hòa Bình, trung tâm chuyên chăm sóc trẻ em bị dị tật bởi chất độc da cam".
Tại thời điểm đó, Courtney Marsh mới bước sang tuổi 21, không hề biết đến thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam hơn bốn thập kỷ trước. Cô nói: "Khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng thứ hóa chất đó đã khiến cây rừng rụng sạch lá. Nhiều năm sau, lũ trẻ mắc dị tật chính là vì nó".
Cô quyết định tham gia hoạt động tình nguyện ở làng Hòa Bình trong hai tuần. Hàng ngày, nhà làm phim trẻ giúp đỡ những em bé hơn tắm rửa, ăn uống, rồi chơi bóng đá với những em lớn hơn - trong đó có Lê Minh Châu. "Các em đều chỉ là những đứa trẻ, không bao giờ cảm thấy mình khác biệt so với chúng bạn. Chính thế giới bên ngoài mới coi các em là dị biệt. Tôi chợt nhận ra đây chính là câu chuyện mà mình muốn khám phá", Marsh hồi tưởng.
Tại làng Hòa Bình, Marsh ban đầu chơi bóng đá với Lê Minh Châu. Sau đó, cô quyết định dành trọn tác phẩm đầu tay của mình cho cậu. Ảnh: Witness
Do là phụ nữ, cô gái người Mỹ được trung tâm sắp xếp cho làm việc cùng đội ngũ y tá. Đó là cơ hội giúp Courtney Marsh được trải nghiệm cuộc sống tại làng Hòa Bình. Cô nói: "Ban đầu, tôi muốn làm phim về năm đứa trẻ ở những độ tuổi khác nhau nhưng cùng lớn lên tại trung tâm. Nhưng rốt cuộc, tôi quyết định tập trung vào Lê Minh Châu, bởi em sở hữu niềm đam mê và tính cách sôi nổi. Ở tuổi 15, Châu đã biết mình muốn làm gì, và không chấp nhận câu trả lời không".
Điều đó tạo ra sự đồng cảm giữa hai người, bởi Marsh đang muốn chứng tỏ mình là một nhà làm phim thực thụ. Nhưng trên hết, cô nhận ra câu chuyện của Châu cần được người ta biết đến, bởi "nó giống như những gì tất cả chúng ta đều phải trải qua: lớn lên, vật lộn với ước mơ và những suy nghĩ tiêu cực, băn khoăn rằng cuộc đời mình rồi sẽ ra sao".
Khi trở về Mỹ, Courtney Marsh tính toán rằng cô sẽ hoàn thành bộ phim ngay trong cuối năm. Nhưng người bạn của cô không còn muốn theo đuổi dự án, khiến nữ đạo diễn chỉ còn lại một mình. Ngoài ra, Marsh cũng gặp khó khăn và buộc phải trì hoãn tất cả khi không tìm được người phiên dịch ưng ý.
Song, đó dường như lại là điều may mắn, bởi nó giúp cô chứng kiến chặng đường tiếp theo trong cuộc đời Lê Minh Châu. Hẳn Courtney Marsh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ ra tới 7 năm liền sau đó để ghi lại tất cả, từ lúc cậu bé gặp rất nhiều khó khăn cho tới lúc trưởng thành và gặt hái thành công.
Dù không biết câu chuyện cuộc đời Lê Minh Châu sẽ đi tới đâu, nữ đạo diễn trẻ vẫn quyết tâm theo đuổi nhân vật của cô tới cùng. Ảnh: Witness
Nhà làm phim thổ lộ: "Xây dựng cấu trúc cho một bộ phim mà bạn không biết nó sẽ kết thúc ra sao là công việc đầy khó khăn. Tôi chỉ biết rằng dù câu chuyện của Châu có đi đến đâu, chúng tôi cần phải dành nhiều thời gian ở trung tâm để hiểu được thế giới của em, để nhìn nhận em không chỉ là một người khuyết tật".
Quy tắc bất di bất dịch của Courtney Marsh khi thực hiện Chau, beyond the Lines ngay từ những ngày đầu tiên là không dàn dựng, tái hiện hay sử dụng bất cứ thứ ánh sáng nào ngoài ánh sáng tự nhiên. Có những khoảnh khắc Lê Minh Châu trải qua khi Marsh không có mặt, cô cũng không bao giờ yêu cầu cậu thể hiện lại.
Chỉ có khi nào Lê Minh Châu muốn nói chuyện, đoàn làm phim của Marsh mới bấm máy, bởi "càng để nhân vật thoải mái, tôi mới lưu lại được càng nhiều khoảnh khắc chân thực". Rốt cuộc, sau 8 năm ròng rã,Chau, beyond the Lines đã ra đời, chỉ dài đúng 34 phút.
Trailer bộ phim tài liệu 'Chau, beyond the Lines'
Theo Courtney Marsh, trong quãng thời gian đó, Lê Minh Châu đã dạy cho cô rằng: "Nếu tập trung vào những gì mình đang có, thay vì những gì mình không có, chúng ta có thể sẽ đạt được điều tưởng chừng như bất khả thi. Đức tính kiên trì và lòng kiên định sẽ bù đắp cho những lúc ta phải lui bước.
Trên hết, chất độc da cam không phải là vấn đề của quá khứ. Nó vẫn đang diễn ra và gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Việt Nam, cũng như nước Mỹ ngày nay. Đó là vấn đề nhân đạo mà chúng ta cần có những tác động tích cực".
Giờ thì Courtney Marsh đã sẵn sàng để đặt chân tới thảm đỏ Oscar vào ngày 28/2. Bộ phim Chau, beyond the Lines của cô sẽ tranh tài ở hạng mụcPhim tài liệu ngắn xuất sắc.
Theo Zing
Trao tặng phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh Chiều 22/2 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng 5 phim tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Có mặt tại sự kiện, ngoài Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son còn có Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Báo chí và Hợp tác...