Phim tài liệu Việt Nam: “Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước…”
Từ trước tới nay, phim tài liệu vẫn được giới phê bình coi là thể loại phim đồng hành cùng cuộc sống, tác động tới cuộc sống và định hướng lại dư luận xã hội bằng lòng nhân ái, bằng lương tri và lẽ phải.
Từng được coi là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam với những thước phim tài liệu “vàng” được bạn bè quốc tế vinh danh như: Nước về Bắc Hưng Hải Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai Chị Năm khùng Chuyện tử tế…”. Vậy mà, trong một cuộc hội thảo gần đây của Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiều người nhận định rằng, phim tài liệu của nước ta không những không bắt kịp được nhịp chung của thế giới, mà còn đang trên đà tuột dốc, lạc hậu với chính mình.
Một cảnh trong phim tài liệu “Ngọn cờ Lũng Cú” do Điện ảnh BĐBP sản xuất năm 2011.
Gần đây, nhiều bộ phim được đánh giá cao tại các Liên hoan phim trong nước thường có chủ đề truyền thống cách mạng, về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người vùng biên giới, biển đảo và dân tộc miền núi như “ Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc” của Điện ảnh Quân đội “ Bài ca trên đỉnh Tà Lùng” của Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương ” Lời thề giữ biển” của Bộ Tư lệnh Hải quân “ Tội ác rừng xanh” của đạo diễn Lê Hoài Phương… Tất nhiên, mỗi bộ phim đều có giá trị riêng, nhưng nếu nhìn vào một danh sách “na ná” nhau về chủ đề, chủ điểm ấy, ta sẽ thấy thiếu đi sự bứt phá mang tính dấu ấn và những vấn đề mà xã hội, thời đại đang cần.
Video đang HOT
Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, Cục Điện ảnh Việt Nam đã trình chiếu những bộ phim tài liệu của các nhà làm phim tài liệu đến từ các quốc gia Anh, Pháp, Bỉ… tham dự Liên hoan phim tài liệu Việt Nam – châu Âu lần thứ 4. Những bộ phim được trình chiếu lần này hầu hết đã được trình chiếu tại các rạp chiếu lớn của nước sở tại và đạt doanh thu rất cao.
Chưa cần bàn đến nội dung, hình thức thể hiện của họ mới mẻ và tạo ấn tượng tốt với khán giả đến mức nào, song điều khác biệt dễ dàng nhận thấy là phim tài liệu của chúng ta hiện nay còn nặng yếu tố tuyên truyền, thiếu tính triết lí, tầm tư tưởng và hình ảnh đôi khi chỉ phục vụ cho lời bình mà không bật lên được những “khoảnh khắc vàng”, nghĩa là chỉ cần hình ảnh thôi cũng đã đủ giúp khán giả hiểu và cảm nhận được thông điệp mà bộ phim muốn chuyển tải.
Bên cạnh đó, yếu tố ngại va chạm với những vấn đề “ nóng” của xã hội hiện nay như sự suy thoái đạo đức, lối sống khoảng cách giàu nghèo sự tham ô, cửa quyền… nghĩa là làm phim cốt sao cho “an toàn” cũng khiến cho phim tài liệu Việt càng mất đi sự hẫp dẫn.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy, tác giả của những bộ phim tài liệu nổi tiếng như: Chuyện tử tế Hà Nội trong mắt ai Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai… cho rằng, muốn làm được một bộ phim tài liệu hấp dẫn, có chiều sâu và đạt được sự đồng cảm của xã hội, đòi hỏi người làm phim tài liệu phải hết sức nhạy cảm trước cuộc sống, có cái nhìn tinh tế về xã hội và cách thể hiện cũng phải luôn luôn mới.
Đã vậy, người làm phim tài liệu phải tìm được nguồn đầu tư cho phim của mình thì mới có thể bắt tay vào làm phim và khi phim đã hoàn thành rồi thì cũng chẳng biết đem chiếu ở đâu. Điều quan trọng không kém là những người làm phim tài liệu sẽ chẳng được ai biết đến. Những khó khăn ấy là thách thức không nhỏ đối với những đạo diễn, biên kịch phim tài liệu hiện nay và là rào cản rất lớn đối với các bạn trẻ yêu thích điện ảnh tài liệu.
Trước thực trạng trên, ngành Điện ảnh – Truyền hình cả nước cũng đã có nhiều đầu tư cho hoạt động làm phim tài liệu, song mục đích chính của những bộ phim được đầu tư theo kiểu này là để tham dự các Liên hoan phim trong và ngoài nước, rồi sau đó là để “cất kho” hoặc đem phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam vào khung giờ mà hầu hết mọi gia đình Việt Nam đều bắt đầu… đi ngủ! Đây cũng là một thiệt thòi lớn đối với phim tài liệu nói riêng và người làm phim tài liệu nói chung.
Trao đổi với báo chí về thực trạng của điện ảnh tài liệu nước ta hiện nay, bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Việt Nam cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của điện ảnh tài liệu là lưu trữ tài liệu cho các thế hệ mai sau. Các phim làm ra không phải chỉ sống được trong một hai năm như phim điện ảnh, có khi những phim tài liệu sống được cả trăm năm và sẽ rất hữu ích để cung cấp cho thế hệ tương lai những cái nhìn chân thực về quá khứ. Bà Tuyết cũng cho rằng, phim tài liệu không chỉ cần được chiếu rộng rãi tại các rạp mà cũng cần được phát nhiều hơn ở kênh truyền hình, cụm rạp, thậm chí là tại các bảo tàng…
Nhiều bạn trẻ đã thử sức với điện ảnh tài liệu thông qua cuộc thi “ Lần đầu làm phim với Discovery” nhằm tìm kiếm những ý tưởng và kịch bản hay của Việt Nam do Quỹ Ford phối hợp với kênh Truyền hình Discovery châu Á, Hãng sản xuất phim Uproar Asia tổ chức. Thêm vào đó, kỹ thuật tạo hình 3D cũng tạo nên nhiều “cú hích” đối với những người trẻ làm điện ảnh đam mê khám phá, tìm tòi hướng thể hiện mới. Nhưng ít người trong số họ có dự định sẽ đi suốt cuộc đời cùng điện ảnh tài liệu, bởi vô vàn những khó khăn như đã nói ở trên. Ở chừng mực nào đó, dường như điện ảnh tài liệu Việt Nam đang đứng giữa dòng, chờ một cơ chế, một chính sách hợp lí để “lội ngược dòng” hoặc tiếp tục… để nước cuốn trôi!
Theo Báo biên phòng
Công chiếu "Mùi cỏ cháy" trong Tuần phim kỷ niệm ngày 27/7
Tuần phim kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ sẽ diễn ra trong phạm vi cả nước từ ngày 20 - 30/7. Bộ phim đoạt giải Cánh diều Vàng 2012 "Mùi cỏ cháy" là tác phẩm quan trọng của tuần phim.
Bộ phim truyện nhựa Mùi cỏ cháy (kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn NSƯT Hữu Mười - Vũ Đình Thân) tái hiện chân thực không khí hào hùng, bi tráng ở chiến trường Quảng Trị rực lửa năm 1971 - 1972. Được sản xuất từ nguồn kinh phí đặt hàng khiêm tốn của nhà nước, nhưng bộ phim đã được ghi nhận về chất lượng nội dung, nghệ thuật và cả giá trị tác động xã hội.
Phim đã dành giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ 17 - năm 2012 tại Phú Yên và dành giải Cánh diều Vàng 2012 tại Hà Nội, cùng nhiều giải cá nhân cho Biên kịch, Quay phim, Âm nhạc...
Hình ảnh trong phim Mùi cỏ cháy
Không có điều kiện công chiếu rộng rãi như nhiều tác phẩm điện ảnh tư nhân, Mùi cỏ cháyvẫn tạo được hiệu ứng tích cực trong khán giả qua các buổi chiếu trong khuôn khổ hẹp ở các giải thưởng điện ảnh, các buổi chiếu mang tính chất giao lưu...Ở tuần phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4 - 1/5 năm nay, Mùi cỏ cháy được Cục Điện ảnh chọn chiếu khai mạc và tổ chức công chiếu tại hơn 40 tỉnh, thành.
Bộ phim của đạo diễn Hữu Mười sẽ tiếp tục là tác phẩm quan trọng trong Tuần phim kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ năm nay.
Được biết, Cục Điện ảnh sẽ in ấn 400 đĩa phim truyện Mùi cỏ cháy gửi tới các đội chiếu bóng lưu động của Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ công tác chiếu phim.
Tuần phim do Bộ VH,TT&DL giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên FAFIM Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Truyện Việt Nam tổ chức.
Tuần phim sẽ công chiếu hơn 10 tác phẩm phim truyện nhựa, phim tài liệu của các đơn vị điện ảnh nhà nước, như Hãng phim Tài liệu Khoa học TW, Hãng phim Truyện Việt Nam, Hãng phim Quân đội...
Kinh phí thực hiện Tuần phim trích từ nguồn kinh phí hoạt động triển lãm, thông tin thuộc lĩnh vực văn hóa và kinh phí trợ giá (phát hành và phổ biến phim) của Cục Điện ảnh.
Đây là một trong những hoạt động lớn của ngành Văn hóa -Thông tin nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và đẩy mạnh công tác giáo dục phát huy truyền thống nhất là đối với thế hệ trẻ.
Theo VnMedia
Bật mí chuyện "phục dựng" trong phim tài liệu khoa học Giúp khán giả dễ hiểu và dễ hình dung những nội dung mà hình ảnh thực không thể làm được phục dựng trong phim tài liệu là một thủ pháp quan trọng. Vây phục dựng trong phim tài liệu khoa học là gì và có những gì khác biệt với phim truyện? Hình ảnh phục dựng trong PTL "Trường Lũy" (Ảnh: vtv.vn) Phục...