Phim siêu anh hùng ‘Shazam!’ thu gần 160 triệu USD sau ba ngày
Tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng mới nhất của DC không mấy khó khăn trong việc chinh phục ngôi đầu phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua.
Trailer bộ phim ‘Shazam!’ Tác phẩm siêu anh hùng duy nhất của DCEU trong năm 2019.
Chính thức khởi chiếu từ 5/4 tại 4.217 rạp Bắc Mỹ, Shazam! của Warner Bros. và DC lập tức thu 53,4 triệu USD. Cộng thêm 3 triệu USD từ các buổi chiếu sớm hồi tháng 3, bộ phim duy nhất của Vũ trụ siêu anh hùng DC (DCEU) trong năm nay hiện có khoảng 56 triệu USD doanh thu nội địa.
Đây là kết quả cao hơn dự đoán của giới quan sát. Trước đó, báo chí cho rằng Shazam! sẽ dừng lại ở mức 40-50 triệu USD nội địa sau ba ngày trình chiếu. Cộng thêm 102 triệu USD từ 79 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bộ phim hiện có tổng doanh thu toàn cầu là 158,6 triệu USD.
Shazam! không gặp khó khăn trong việc chinh phục phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua. Ảnh: Warner Bros.
Các con số phòng vé của Shazam! có thể không quá ấn tượng nếu so với nhiều tác phẩm cùng thể loại, nhất là Captain Marvel (2019) của Marvel Studios trong thời gian qua. Tuy nhiên, Warner Bros. hoàn toàn cảm thấy hài lòng về phong độ của bộ phim.
Cùng với hãng New Line, họ chỉ phải bỏ ra 98 triệu USD để sản xuất tác phẩm. Shazam! cho thấy Warner Bros. hoàn toàn có thể thực hiện các dự án phim siêu anh hùng thuộc dạng “giá rẻ”, thay vì bỏ ra hàng trăm triệu USD cho các bộ phim thất bại như Justice League (2017).
Shazam! đồng thời đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của DCEU. Bộ phim hài hước hơn tất thảy các tác phẩm trước đây của vũ trụ điện ảnh khi xoay quanh nhân vật siêu anh hùng Shazam (Zachary Levi). Nhưng đó thực chất chỉ là cậu thiếu niên 14 tuổi Billy Batson (Asher Angel) sở hữu siêu năng lực nhờ câu thần chú “SHAZAM!”.
Giới phê bình hết sức ủng hộ Shazam! khi 91% bài bình luận bộ phim mang chiều hướng tích cực theo kết quả tổng hợp của Rotten Tomatoes. Còn theo điều tra sau suất chiếu của Cinema Score, khán giả chấm phim điểm A. Có khoảng 57% lượng khán giả xem phim là nam giới; và 45% tổng lượng người xem có độ tuổi dưới 25.
Thắng lợi của Shazam! cho thấy tương lai tươi sáng dành cho nhân vật Shazam nói riêng, và DCEU nói chung. Trong năm 2020, họ dự kiến tung ra hai bộ phim mới là Wonder Woman 1984 và Birds of Prey.
Phim kinh dị Pet Semetary cũng có khởi đầu đáng khích lệ tại phòng vé. Ảnh: Paramount.
Trở lại phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua, tác phẩm kinh dị Pet Sematary của hãng Paramount cũng tỏ ra hết sức đáng gờm. Phim thu 25 triệu USD từ 3.585 rạp chỉ sau ba ngày trình chiếu.
Đây là phiên bản làm lại từ bộ phim cùng tên, với nội dung dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Stephen King. Theo Paramount, họ chỉ phải bỏ ra 21 triệu USD để sản xuất dự án.
Tuy nhiên, khả năng trụ rạp của Pet Sematary hiện là dấu hỏi lớn. Theo Rotten Tomatoes, có 61% bài bình luận về bộ phim là tích cực. Điều nguy hiểm hơn là khán giả chỉa chấm phim điểm C theo điều tra sau suất chiếu của Cinema Score.
Tác phẩm “tân binh” cuối cùng khởi chiếu trên diện rộng trong tuần qua tại Bắc Mỹ là Best of Enemies. Có sự tham gia của hai ngôi sao Taraji P. Henson và Sam Rockwell, câu chuyện về một người hoạt động dân sự và một thủ lĩnh của tổ chức phân biệt chủng tộc KKK chỉ thu 4,5 triệu USD từ 1.705 rạp.
Song, hãng STX tỏ ra không hề lo lắng. Họ cho rằng tác phẩm của mình nhắm đến đối tượng khán giả lớn tuổi, nên vẫn có thể tiếp tục bán vé ở tốc độ tương tự trong các tuần tiếp tới.
Từ vị trí quán quân của tuần trước, Dumbo tụt xuống thứ ba với 18,2 triệu USD, tức giảm 60% doanh thu nội địa so với tuần ra mắt. Dự án của đạo diễn Tim Burton hiện đã cán mốc 200 triệu USD toàn cầu, trong đó có 76 triệu USD từ riêng quê hương Bắc Mỹ.
Ở tuần thứ ba trình chiếu, phim kinh dị Us có thêm 13 triệu USD, qua đó nâng thành tích nội địa lên mức 152 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ kiếm tiền có phần chậm chạp bên ngoài Bắc Mỹ khiến Us hiện mới chỉ có hơn 200 triệu USD doanh thu toàn cầu.
Gương mặt cuối cùng trong top 5 phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua là gương mặt quen thuộc: Captain Marvel. Nữ chiến binh nhà Marvel kiếm thêm 12,7 triệu USD, và đã chính thức cán mốc doanh thu 1 tỷ USD toàn cầu hồi cuối tuần qua.
Theo tính toán, tốc độ kiếm tiền tại phòng vé Bắc Mỹ hiện kém khoảng 16% so với cùng kỳ 2018. Sau hai tháng đầu năm có phần ảm đạm, lần lượt Captain Marvel và Us đã giúp ngành công nghiệp thu ngắn khoảng cách. Và mọi chuyện chắc chắn sẽ trở nên tươi sáng hơn nhờ Avengers: Endgame vào cuối tháng 4, cùng chuỗi phim bom tấn hè tới đây.
Trailer đặc biệt của ‘Avengers: Endgame’ sau khi mở bán vé sớm Trích đoạn một phút cho thấy Captain America và Iron Man đã giảng hòa.
Top 10 doanh thu phòng vé Bắc Mỹ từ 5-7/4
(trong ngoặc là thứ hạng tuần trước)
1. (Mới) Shazam! – 53,4 triệu USD
2. (Mới) Pet Sematary – 25 triệu USD
3. (1) Dumbo – 18,2 triệu USD
4. (2) Us – 13,8 triệu USD
5. (3) Captain Marvel - 12,6 triệu USD
6. (Mới) The Best of Enemies – 4,5 triệu USD
7. (5) Five Feet Apart – 3,7 triệu USD
8. (4) Unplanned – 3,2 triệu USD
9. (6) Wonder Park – 2 triệu USD
10. (7) How to Train Your Dragon – 1,98 triệu USD
Theo zing.vn
"Mặn mà" là thế, nhưng "Shazam" liệu có phù hợp với trẻ em dưới 13 tuổi?
Bên cạnh sự hài hước, "Shazam" còn tồn đọng nhiều vấn đề "khó nói" khác có thể ảnh hưởng đến trẻ em.
Từ xưa đến nay, truyện tranh luôn là một trong những biểu tượng gắn liền với tuổi thơ của mỗi người. Nhưng theo thời gian, DC hay Marvel dần biến chúng thành những câu chuyện tăm tối, hướng tới đối tượng độc giả lớn tuổi hơn. Bằng chứng là một số nhân vật bước ra từ trang sách như Deadpool hay Wolverine đều bị giới hạn độ tuổi vì mức độ bạo lực.
Trailer 2 "Shazam!"
Về phần Shazam! ( Siêu Anh Hùng Shazam) thì đây là bộ phim được dán nhãn C13 (Dành cho khán giả trên 13 tuổi). Lý do đến từ việc anh chàng sở hữu tính cách "lầy lội" của một cậu bé trong thân xác người lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những lý do về ngoại hình và mảng miếng hài hước thì bộ phim vẫn còn nhiều tình tiết nhạy cảm khiến cho việc tiếp cận với trẻ em phải thật cần trọng.
(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim.)
1. Hạn chế bạo lực để được dán nhãn C13
Phim đang "gồng mình" để có nhãn C13.
Thành thật mà nói, Shazam! dường như đang cố gồng mình để có được cái mác C13 bằng cách hạn chế tối đa những cảnh hành động khốc liệt giữa siêu anh hùng và tên phản diện. Thậm chí, một vài cảnh tai nạn xe hay đi xuyên qua tường cũng không để lại "một chút máu" nào. Cảnh máu ấn tượng nhất của người hùng này là lúc bị Tiến sĩ Sivana (Mark Strong) đấm vào mặt.
"Shazam!" đã hạn chế bạo lực và đổ máu tối đa.
Nhưng ngoài những cảnh hành động trên, tác phẩm của nhà DC vẫn có những có màu sắc đen tối và hơi hướm kinh hoàng. Chắc hẳn ai cũng còn nhớ cảnh mở đầu trong Shazam là một vụ tai nạn kinh hoàng và gây khiếp sợ không chỉ cho trẻ nhỏ mà còn là người lớn. Và từ đây, bộ phim còn mở ra nhiều yếu tố đáng sợ đằng sau.
2. Tạo hình và tội ác của 7 Deadly Sins quá đáng sợ
Một điểm đáng chú ý có thể kể đến chính là 7 Deadly Sins (7 Mối Tội Đầu) - kẻ thù lớn nhất của Shazam (Zachary Levi). Tượng trưng cho những tội lỗi mà con người dễ mắc phải trong cuộc sống nên tất nhiên, ngoại hình của chúng chẳng mấy tốt đẹp gì. Đối với người lớn, việc tiếp cận với tạo hình xấu xí và ghê rợn như vậy còn rất sợ hãi huống gì là với trẻ nhỏ.
Một nhân vật có thể đem ra so sánh để nhìn rõ sự khách quan trong tình huống này là Venom. Ngoại hình lưỡi dài, mắt lồi và có thể nuốt chửng bất kỳ ai là đặc điểm đáng sợ của nhân vật nhưng vẫn chưa là gì nếu so với 7 Deadly Sins.
Tạo hình Venom còn không đáng sợ bằng 7 Deadly Sins.
Chưa dừng lại ở đó, những cảnh quay có sự xuất hiện của nhóm ác nhân kia thậm chí còn là vấn đề phải được bàn cãi. Chúng xuất hiện trong một phòng họp đầy người rồi thẳng tay tàn sát, cắn xé hay ném các nạn nhân ra ngoài cửa sổ. Tiếng than khóc, cầu cứu và van xin khắp nơi mà không có một lời hồi đáp. Đồng ý là những cảnh quay không hề có máu văng tung tóe, nhưng hãy nhìn vào bản chất của sự việc để thấy được mức độ nghiêm trọng.
Đáng sợ hơn, hai trong số những nạn nhân của vụ tấn công kia là "đấng sinh thành" và người anh ruột của chính Tiến sĩ Sivana. Tuy nhiên, chính gã cũng là người mong muốn cha và anh trai mình chết đi chỉ vì thù hận trong quá khứ. Không một chút hối hận, không một chút thương tâm đối với những người đã từng nuôi dưỡng mình. Thử hỏi, liệu có quá mạo hiểm khi để những đứa trẻ chưa đủ tuổi trưởng thành xem qua những nội dung như thế?
Để Sivana lấy mạng cha và anh ruột hơi quá đáng đối với trẻ em?
3. Để trẻ em vào câu lạc bộ có phù hợp độ tuổi của bộ phim?
Ngay cả trong những mảng hài hước của Shazam cũng có vấn đề. Một vài phân cảnh đúng là rất thích hợp cho trẻ em nhưng cũng có nhiều chi tiết lẽ ra không nên xuất hiện, nhất là khi đối tượng tuổi teen có thể đến rạp xem. Đó là việc Billy Batson(Asther Angel) dùng vẻ ngoài cao lớn sau khi biến đổi thành Shazam của mình để đến câu lạc bộ
Bộ phim đã không quay những gì diễn ra bên trong đó, nhưng việc để một đứa trẻ bước vào là điều không nên. Một cảnh quay hài hước làm nên thương hiệu của bộ phim nữa là Billy (lúc này dưới hình dáng của Shazam) và Freddy (Jack Dylan Grazer) bước vào cửa hàng tiện lợi. Sau cảnh hào hiệp ra tay dọn dẹp 2 tên cướp thì hai người cùng nhau bước ra với vài chai bia, nhấp một ngụm và ngay lập tức phun ra.
Cảnh 2 nhân vật mua bia cũng không phù hợp với trẻ em.
Cuối cùng, vấn đề về ngôn ngữ qua cách thoại của các nhân vật phải được lưu ý. Là một bộ bộ phim mang nhãn C13, Shazam được quyền sử dụng một số từ "nhạy cảm" để truyền tải nội dung. Tuy nhiên, ngay tại những cảnh cuối phim, những nhân vật phụ đã dùng những từ ngữ có phần quá lố mặc dù có thể được chuyển đổi sao cho nhẹ nhàng và hợp lý hơn.
Tạm kết
Biết rằng Shazam! muốn đề cao sự hài hước và hướng tới yếu tố gia đình để phụ huynh và con cái đều có thể đi xem cùng nhau nhưng cách đạo diễn David F. Sandberg thể hiện chưa thật sự phụ hợp với trẻ em. Thay vì C13, bộ phim nên được dán nhãn C16 (Dành cho khán giả trên 16 tuổi) thì hợp lí hơn.
Theo trí thức trẻ
Giải mã after-credit của "Shazam": Xuất hiện phản diện siêu ngộ nghĩnh và bá đạo Một bộ phim siêu anh hùng như "Shazam" chắc chắn không thể thiếu món "đặc sản" after-credit cho những ai kiên nhẫn ngồi chờ chữ chạy rồi. Không chịu thua kém các bộ phim siêu anh hùng khác, Shazam! ( Siêu Anh Hùng Shazam) cũng "tậu" hẳn 2 after-credit cho "bằng chị bằng em". Nếu là fan DC với tinh thần kiên nhẫn...