Phim nghệ thuật là phim như thế nào?
Trên truyền thông, một bộ phim truyện nhựa VN thường có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là những phim thuộc dòng nghệ thuật. Nhưng qua những ý kiến đó, thì thấy rõ ràng đang có vấn đề trong việc phê bình một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật…
Phim nghệ thuật là phim như thế nào?
Điện ảnh VN khoảng 10 năm trở lại đây đã có dòng phim nghệ thuật (PNT), đã có vài đạo diễn theo đuổi dòng phim này và mới nhất có thể nói là các phim “ Trăng nơi đáy giếng” – ĐD Nguyễn Vinh Sơn, “ Chơi vơi” – ĐD Bùi Thạc Chuyên (ảnh), “Bi! Đừng sợ” – ĐD Phan Đăng Di, mang đến công chúng nhiều cảm xúc khi xem phim.
Một cảnh trong phim “ Cánh đồng bất tận”
Video đang HOT
PNT không phải là phim dễ xem, dễ hiểu, bởi nó là loại phim mang phong cách, cá tính, cảm xúc cá nhân đạo diễn. Không cảm nhận được, không đồng điệu được thì giữa phim và người xem không thể có tiếng nói chung và như thế không thể nói là phim không hay, phim dở…
PNT không nhất thiết phải tuân thủ theo những kết cấu kinh điển như có thứ tự, lớp lang, có mở có kết, có cao trào gút thắt…, mà có thể tùy theo cảm xúc của đạo diễn muốn sáng tạo, “kể” câu chuyện của mình trong tác phẩm điện ảnh như thế nào, theo trình tự ra sao, thậm chí ngay trong câu chuyện để “kể” cũng không có cốt truyện, kết cấu rõ ràng, logic… Điều quan trọng là phim mang đến người xem sự ám ảnh của hiện thực trong phim, đánh mạnh vào tư duy cảm xúc, ra khỏi phim vẫn bị ám ảnh, suy nghĩ về câu chuyện cuộc sống của phim, không cần lý giải, không cần câu trả lời, nhưng là một lăng kính khác, soi chiếu vào sự bí ẩn, phức tạp của cuộc sống.
Giải mã sáng tạo không dễ
Lấy những chuẩn mực như công thức làm phim bình thường đánh giá một PNT là không công bằng và hợp lý, thậm chí là sai lệch. Chưa kể, muốn đánh giá đúng một bộ PNT, người đánh giá ngoài việc phải nắm vững một số kiến thức cơ bản về ngôn ngữ điện ảnh, còn phải có kiến văn rộng, xem nhiều, biết nhiều về các thể loại, dòng phim và phim của nhiều quốc gia.
Ở VN, việc đánh giá một bộ phim phần lớn là theo cảm tính, nên hay xảy ra những trường hợp “bé cái nhầm” mà người trong nghề chỉ biết “ngậm cười”. Đơn cử gần nhất, khi “Giao lộ định mệnh” chưa bị phát giác là “đạo”, thì một số nhà báo không tiếc lời khen phim là đột phá mới trong điện ảnh VN! Hay như trong “Cô dâu đại chiến”, có nhiều người khen phim sáng tạo, để kết cấu đoạn gần kết làm mở đầu, rồi nhân vật “giao lưu” với khán giả, tạo hiệu quả gần gũi… Đó là chuyện bình thường, không có gì là sáng tạo cả, chưa kể việc để nhân vật nhìn vào khán giả , “nói” với họ như thế làm bộ phim giống “vở diễn sân khấu” nhiều hơn.
Cánh đồng bất tận – Bộ phim Việt được “săn đón” nhất năm 2010
Đối với những PNT, có những ý kiến trái chiều, nhận xét một cách quá cảm tính và không mang tính học thuật về nghệ thuật điện ảnh. Có những người viết cho rằng hiện thực trong phim là không thật. Họ không biết rằng, bản thân phim đã là giả, người ta có thể thông qua ngôn ngữ điện ảnh để thực hiện những ý tưởng mà trong thực tế không, hay chưa xảy ra, hoặc để làm được những điều mà thực tế không thể làm được.
Hiện thực cuộc sống là đa đạng, bí ẩn, phức tạp…, ai dám khẳng định là đã biết hết, hiểu hết cuộc sống. Vậy mà phê phán dữ dội cho là phim bóp méo hiện thực, thậm chí “nhân danh cá nhân” mà vơ vào nhân danh khán giả dùng từ ngữ nặng nề như phim là “cái tát vào mặt khán giả”…! Trong khi bỏ qua sự nắm bắt về cảm xúc thật sự của chính tác giả và cũng thiếu độ tĩnh lặng cần thiết để soi chiếu vào chính nội tâm bản thân khi thưởng thức – hơn là nhăm nhăm mổ xẻ phim… Giải mã sáng tạo nghệ thuật trong phim điện ảnh do vậy không phải là việc dễ dàng.
Theo 2Sao
Tình dục: "Vũ khí hạng nặng"của phim Việt?
Hội thảo Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống do Hội Điện ảnh và Saigon Media tổ chức ngay trước thềm lễ trao giải Cánh diều 2010, có vẻ "nóng" hơn lễ trao giải khi chủ đề chính - hiện thực - bị lấn lướt bởi chủ đề phụ: tình dục.
Ba bộ phim được BTC chọn chiếu giới thiệu: Cánh đồng bất tận, Bi, đừng sợ! và Rừng Na Uy (chỉ có Cánh đồng bất tận tham gia tranh giải Cánh diều) với mật độ cảnh nóng dày đặc này đã tạo tiền đề cho những tranh luận thú vị: khi tình dục phản ánh hiện thực cuộc sống. GS.TS Mai Quốc Liên (Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt) đã tỉnh táo nhắc nhở: "Không thể lấy Rừng Na Uy ra để tham khảo được.
Đó là sản phẩm của điện ảnh Nhật, phản ảnh khủng hoảng của giới trẻ Nhật vào thập niên 60 - 70 thế kỷ XX, nói về những con người cô đơn phải trốn vào sex, tự tử... Những cái đó thì dính dáng gì tới Việt Nam?". Cái các nhà làm phim cần "tham khảo" ở đây có lẽ là cách thể hiện "sex" trên phim chứ không phải đồng nhất chuyện ở Nhật với chuyện ở Việt Nam. Đã có những sự "ngưỡng mộ" dành cho Bi, đừng sợ! (tác giả, đạo diễn: Phan Đăng Di) ở cả hai khía cạnh đối lập. Có khán giả lắc đầu: "Bi, đừng sợ! nhưng tôi thì quá sợ!".
Cảnh trong phim "Bi, Đừng sợ!"
PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn cho rằng vấn đề thể hiện tình dục, khao khát tính dục, nhiều cảnh khỏa thân trong phim xưa nay không hiếm, cả Việt Nam lẫn thế giới, nhưng đến cái mức của Bi, đừng sợ! thì ngay cả những người cùng thời với nhân vật chính cũng thấy "quá sức chịu đựng!". Ngược lại, đạo diễn Vinh Sơn đánh giá khá cao bộ phim: "Phan Đăng Di đã nhập được vào dòng phim hiện thực với Bi, đừng sợ!. Bộ phim thể hiện một dòng chảy hiện thực cuộc sống trong veo nhưng cũng đầy kịch tính, sự ẩn dụ". Ông cũng cho rằng: "Thể hiện tình dục là một khía cạnh quan trọng của dòng phim hiện thực", nhưng ở Việt Nam thì đấy là "vùng cấm" và người làm phim Việt Nam ít nhiều đã bị "tước đi thứ vũ khí hạng nặng" là "tình dục".
Cùng chia sẻ quan điểm này, nhà biên kịch Hùng Tú nhìn nhận: "Sex rõ ràng là một phần của hiện thực cuộc sống thì phải được quyền hiển hiện trên màn ảnh. Tại sao lại phải né tránh? Quan trọng là liều lượng như thế nào cho đủ, cách tiếp cận, góc quay như thế nào để tạo tính thẩm mỹ, đem lại giá trị nghệ thuật cao...". Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc thận trọng hơn: "Tình dục đúng là "vũ khí hạng nặng" trên phim nhưng "bắn" vào đâu, "bắn" chỗ nào, "bắn" như thế nào để không hại sức khỏe lại là việc hoàn toàn khác...".
Có lẽ sẽ phải có thêm những hội thảo khác để bàn bạc cho thấu đáo: "sex" trên phim bao nhiêu là đủ, "sex" chỗ nào là hợp lý, "sex" như thế nào là nghệ thuật..., nhưng có thể xem sự xuất hiện với tần số ngày càng dày các cảnh nóng, cả điện ảnh lẫn truyền hình, là một tín hiệu đáng... mừng cho điện ảnh Việt Nam.
Khi "vùng cấm" đang được mở rộng, tức là hội đồng kiểm duyệt đã thông thoáng hơn, nghĩa là những nội dung khác lạ, táo bạo, những vấn đề gai góc sẽ có nhiều cơ hội hơn trên màn ảnh, và hiện thực trên phim Việt cũng có cơ hội sống động hơn, gần gũi hơn? Không chắc, chỉ mong là các nhà làm phim Việt sẽ nhận thấy hoặc có hứng thú khai thác những vấn đề đáng quan tâm khác hơn là chỉ chuyện... tình dục!
Theo 2Sao
Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh có nhiều lợi thế "Nhật Kim Anh đoạt giải vàng từ Liên hoan phim quốc tế còn Quách Ngọc Ngoan có hai vai lớn trong "Long Thành cầm giả ca" và "Khát vọng Thăng Long" nên họ có nhiều ưu thế hơn chút đỉnh". Đó là nhận định của ông Việt Văn, trưởng ban giám khảo giải Báo chí, khi được hỏi về chất lượng phim tranh...