Phim kinh dị Việt thất bát
Năm 2016, dòng phim kinh dị Việt liên tục khiến người xem cảm thấy hoang mang bởi hàng loạt những tác phẩm có chất lượng thấp thay phiên nhau ra rạp.
Điện ảnh Hollywood trong năm 2016 ghi nhận hàng loạt các bộ phim kinh dị thành công. Có thể kể đến The Conjuring 2, Lights Out, The Shallows hay Don’t Breathe với thắng lợi vang dội tại phòng vé hồi mùa hè vừa qua.
Song, tình cảnh của các tác phẩm cùng thể loại đến từ điện ảnh Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại.
Kể từ đầu năm, lần lượt Ám ảnh, Bệnh viện ma, Ma nữ báo thù, Mặt nạ máu, Phim trường ma, hay mới nhất là Cô hầu gái trình làng khán giả. Nhưng tất cả vẫn chưa thể chinh phục công chúng nước nhà vì nhiều lý do khác nhau.
“Chết” với cùng một mô-tip
Theo khoản 2, Điều 9 trong Nghị định 54 của Luật Điện ảnh, tất cả nội dung thể hiện sự dung thứ với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái đều bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
Nội dung các bộ phim kinh dị Việt Nam chưa hay một phần bởi bị bó buộc bởi quy định và luật lệ. Ảnh: Galaxy.
Có lẽ chính quy định ấy đã khiến nhiều nhà làm phim Việt Nam tự bó buộc bản thân trong mẫu cốt truyện mở đầu bằng các hiện tượng ma quái, nhưng khi hạ màn thì hé lộ rằng kẻ chủ mưu của mọi chuyện lại chính là con người.
Bên cạnh Cô hầu gái, 5 bộ phim kinh dị Việt Nam còn lại trong năm 2016 đều đi theo mô-típ ấy. Sự lặp đi lặp lại cùng một dạng cốt truyện khiến khán giả cảm thấy nhàm chán. Chưa kể, kịch bản của nhóm tác phẩm đều còn mắc nhiều lỗ hổng về mặt logic, khiến đoạn kết giật gân trở nên phi lý, gượng ép và khó chấp nhận.
Để có thể ra rạp, Ám ảnh đã phải trì hoãn suốt 8 tháng trời để chỉnh sửa lại nội dung sao cho phù hợp với yêu cầu của Cục Điện ảnh. Hậu quả là phần đầu và phần kết bộ phim không tương thích, khiến tác phẩm “chết thảm” giữa dịp Tết Nguyên đán 2016.
&’Cô hầu gái’: Bó buộc nỗi sợ hãi trong sự lủng củng Có phần hiệu ứng hình ảnh và âm thanh ấn tượng, nhưng “Cô hầu gái” chưa thể đạt đến mức xuất sắc bởi phần cốt truyện còn khá lủng củng.
Khi phim kinh dị muốn biến thành phim… hài nhảm
Có một sự thật rằng phim hài vẫn là thể loại dễ hút khách nhất đối với điện ảnh Việt Nam, với hàng tá danh hài sẵn sàng bước chân lên màn ảnh rộng, dù là sắm vai chính hoặc chỉ là vai khách mời (cameo) rất nhỏ.
Video đang HOT
Nắm bắt được điều đó, một số tác phẩm kinh dị cố gắng thêm thắt yếu tố hài hước để câu khách. Bệnh viện ma có Trấn Thành, Thu Trang, Tiến Luật. Đến Mặt nạ máu, khán giả được gặp Hoài Linh và Tấn Beo, cònPhim trường ma thì có Lê Khánh, Lê Dương Bảo Lâm cùng Mạc Văn Khoa.
Khi chưa tìm ra lời giải cho phần nội dung, một số bộ phim kinh dị Việt Nam quyết định chiêu mộ các danh hài để câu khách. Ảnh: Lotte.
Tuy nhiên, ngôn ngữ hài kịch sân khấu và hài điện ảnh tương đối khác nhau. Nếu như những ngôi sao không khéo léo chuyển mình, chính họ có thể làm hỏng cả bộ phim.
Nhưng xét cho cùng, hài hước cũng chỉ là “chất phụ gia” trong các bộ phim kinh dị. Với nhóm tác phẩm năm nay, nó đôi lúc gượng gạo, kém duyên, và được lồng ghép thiếu hợp lý, cho thấy rõ mục đích câu khách của nhà làm phim.
Phim kinh dị mà lại chẳng gây sợ hãi
Những năm gần đây, dòng phim kinh dị của điện ảnh Việt Nam có nhiều tiến bộ về mặt hình ảnh, dù chậm chạp. Song, cả năm bộ phim kinh dị trước Cô hầu gái đều có chất lượng hình ảnh kém, chưa cho thấy sự đầu tư ở giai đoạn hậu kỳ.
Nhiều phân đoạn kinh dị còn giả tạo, khiến người xem không sợ mà còn thấy buồn cười. Như ở Bệnh viện ma, phim sử dụng khá nhiều kỹ xảo để hù dọa khán giả nhưng lại không đạt hiệu quả vì phần xử lý đồ họa còn khá kém cỏi.
Không có nhiều bộ phim kinh dị Việt Nam có phần hiệu ứng hình ảnh và âm thanh vượt trội như Cô hầu gái. Ảnh: CJ.
Các bộ phim kinh dị Việt Nam hiện chỉ biết lạm dụng thủ pháp gây giật mình (jump scare) một cách bừa bãi mà chẳng cần quan tâm đến nội dung cốt truyện.
Cũng ở Bệnh viện ma, cứ mỗi lần nhân vật mới xuất hiện, tác phẩm cố gắng gây sợ hãi bằng cách cho họ bất thình lình hiện ra. Lặp đi lặp lại điều đó khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, và loạt chi tiết rốt cuộc cũng chẳng mang ý nghĩa gì.
Ngoài ra, các nhà làm phim còn “thỏa sức” đưa vào nhiều chi tiết ma mị, rùng rợn vào tác phẩm, để rồi sau đó chuyển cảnh và cho thấy tất cả hóa ra chỉ là giấc mơ. Đôi lúc, mô-típ ấy được sử dụng quá tùy tiện, khiến mạch phim trở nên dài dòng và chẳng đóng góp được gì cho nội dung.
Khán giả Việt Nam giờ được thưởng thức nhiều bộ phim kinh dị ngoại cùng lúc với thị trường Bắc Mỹ. Điều đó khiến họ ngày một trở nên khó tính hơn khi theo dõi các tác phẩm cùng thể loại của điện ảnh nước nhà. Nếu các nhà làm phim kinh dị Việt không chịu khó đầu tư hơn cho “đứa con tinh thần”, chúng sẽ chỉ mau chóng chìm vào quên lãng.
Theo Zing
'Cô hầu gái': Bó buộc nỗi sợ hãi trong sự lủng củng
Có phần hiệu ứng hình ảnh và âm thanh ấn tượng, nhưng "Cô hầu gái" chưa thể đạt đến mức xuất sắc bởi phần cốt truyện còn tương đối lủng củng.
Bộ phim Cô hầu gái lấy bối cảnh tại khu đồn điền Sa Cát năm 1953, nơi có những cánh rừng cao su rộng lớn. Ngôi biệt thự tại đó chỉ có đúng bốn người sinh sống là quản gia Hàn (Kim Xuân), đầu bếp Ngô (Phi Phụng), người trông coi Châu (Kiến An) và ông chủ là Đại úy Sebastien Laurent (Jean-Michel Richaud).
Một ngày nọ, cô gái tỉnh lẻ Linh (Nhung Kate) tìm đến biệt thự xin làm hầu gái. Nhân vật không còn người thân và nay chỉ biết lang bạt khắp nơi để kiếm việc. Trong quá trình thử thách, Linh được nghe nhiều câu chuyện rùng rợn về Madame Camille - bà vợ quá cố của ông chủ.
Do Đại úy Sebastian thường xuyên xa nhà chiến đấu, Madame Camille trở nên phát điên, đến nỗi tự tay giết chết đứa con bé bỏng rồi trầm mình xuống hồ tự sát. Điều kỳ lạ là sau này người ta không bao giờ vớt được xác của người phụ nữ quý phái ấy.
Bộ phim kinh dị Cô hầu gái có sự tham gia của Nhung Kate trong vai chính. Đó là một cô gái tỉnh lẻ đến xin làm hầu gái tại khu biệt thự của đồn điền cao su Sa Cát trong thời kỳ Việt - Pháp giao tranh. Ảnh: CJ.
Bộ phim mở đầu bằng cái chết ghê rợn của Sebastian Laurent. Linh lập tức phải đến trình diện ở sở cảnh sát, kể lại toàn bộ những gì mình biết và trông thấy ở Sa Cát trong suốt quãng thời gian làm hầu gái tại đó.
Cô hầu gái có sự tham gia của ê-kíp nước ngoài nên tác phẩm được chăm chút qua từng bối cảnh, góc quay, đạo cụ. Không khí kinh dị nhờ đó trở nên ghê rợn qua nhiều hình ảnh mờ ảo và sự âm u cổ kính của tòa biệt thự kiểu Pháp.
Phần âm thanh trong phim được dàn dựng nhấn nhá có chủ đích, lúc thì dồn dập, kịch tính, lúc thì chừa lại những khoảng lặng hiệu quả. Kỹ xảo trong phim khá mượt, nhất là ở những trường đoạn Madame Camille trồi lên từ mặt nước rồi truy đuổi các nhân vật.
Phim có nhiều khoảnh khắc ghê rợn, có thể khiến khán giả cảm thấy thực sự sợ hãi. Ảnh: CJ.
Được đầu tư kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật, nhưng Cô hầu gái lại chưa có được phần cốt truyện thuyết phục để trở thành một tác phẩm xuất sắc. Đến 3/4 thời lượng bộ phim là lời kể của nhân vật Linh. Sau đó, phim có một nút thắt lớn, bẻ ngược lại gần như hoàn toàn câu chuyện.
Đó lẽ ra là một tình tiết rất hay. Nhưng giống như nhiều tác phẩm khác của điện ảnh Việt Nam, nó không thuyết phục được người xem vì nhiều lý do khác nhau. Tiêu biểu nhất là việc tâm lý nhân vật biến chuyển chưa đồng nhất, nhanh chóng đến mức khó hiểu, mà cụ thể ở đây là tình yêu giữa Linh và Đại úy Sebastien.
Các nhân vật phụ trong phim khá thú vị, nhưng chỉ được dành cho phần dất diễn sơ sài, chủ yếu làm nền cho nhân vật Linh. Bối cảnh lịch sử biến động năm 1953 cũng chỉ được nhắc tới qua vài ba câu thoại, không để lại dấu ấn cụ thể.
Mối tình giữa Linh và Đại úy Sebastien diễn ra khá chóng vánh và chưa tạo ra được sự day dứt cần thiết khi bộ phim hạ màn. Ảnh: CJ.
Câu chuyện ma mị về nhân vật Madame Camille trong phim được xây dựng với hy vọng tạo ra đoạn kết ám ảnh. Nhưng cách kể chuyện (và những tiết lộ cuối phim) của đạo diễn Derek Nguyễn khiến nhân vật bỗng dưng trở nên có phần thừa thãi, thậm chí là hành động thiếu logic.
Rốt cuộc, người xem cảm thấy có phần chơi vơi giữa bi kịch của linh hồn người phụ nữ và mối tình oan trái giữa Linh với ngài đại úy.
Việc sử dụng tiếng Anh trong phim cũng gây ra nhiều thắc mắc. Chuyện người Pháp nói tiếng Anh không hiếm, và việc họ sử dụng ngôn ngữ đó để giao tiếp với người hầu cũng có thể chấp nhận được. Song, việc các vị tướng Pháp ngồi trao đổi với nhau trên bàn ăn bằng tiếng Anh thì lại tỏ ra khá vô lý.
Sắm vai Linh, Nhung Kate gần như xuất hiện trong mọi cảnh quay của Cô hầu gái. Từng đóng phim kinh dị Đoạt hồn, nữ diễn viên 27 tuổi cho thấy mình đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong phần đài từ.
Nhung Kate có nhiều tiến bộ trong bộ phim Cô hầu gái. Ảnh: CJ.
Nhung Kate đã có màn trình diễn nhập vai, tạo được cảm xúc cho người xem, từ lúc cô run rẩy xuất hiện trước cửa tư gia của Đại úy Sebastian, cho đến lúc người đẹp có những pha làm tình bạo liệt với ông chủ sau này.
Cô hầu gái là một bộ phim kinh dị vượt trội về mặt kỹ thuật so với các tác phẩm cùng thể loại của điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Nếu như phần kịch bản được xây dựng chắc chắn hơn, nó đã có thể trở thành bước ngoặt mới cho điện ảnh nước nhà.
Phim khởi chiếu trên toàn quốc từ 16/9.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Theo Zing
Phim kinh dị Việt 'Cô hầu gái': 'Mua một vé xem 5 phim' Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, phần đầu phim là 'The Conjuring' phiên bản Việt Nam. 'Cô hầu gái trong phim không phải bị ma hù chết đâu, mà là lau nhà mệt tới chết'. Bài viết tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc. Cô hầu gái là phim kể về cô gái trẻ tên Linh đến một đồn điền...