Phim kinh dị ‘Thất sơn tâm linh’ – gieo hay nhưng gặt dở?
Không thể phủ nhận “ Thất sơn tâm linh” có cốt truyện tốt, kịch tính, nhiều tứ hay nhưng khâu giải quyết lại có vấn đề. Điện ảnh Hollywood cổ điển gọi là gieo hay nhưng gặt dở.
* Lưu ý: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim.
Gieo – gặt (sow – reap) là một trong những nguyên tắc bất thành văn của Hollywood cổ điển, và đến nay vẫn có ảnh hưởng sâu rộng đến giới làm phim, như một quy chuẩn của điện ảnh. Tình tiết trước phải khơi gợi, đặt câu hỏi cho tình tiết sau, và tình tiết sau phải trả lời, giải đáp cho những thắc mắc của tình tiết trước.
Giới nghiên cứu lý luận thậm chí từng ví von việc gieo – gặt chi tiết trong một bộ phim cũng giống như người nông dân trồng hoa màu. Không gieo hạt thì không có gì mà gặt. Nhưng đã gieo thành công mà quên thu hoạch thì cũng xôi hỏng, bỏng không, vừa gây tiếc nuối, vừa như làm việc vô ích.
Thất sơn tâm linh đang được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.
Thất sơn tâm linh rơi vào trường hợp trên. Là một bộ phim được chờ đợi, là một tác phẩm được đầu tư. Diễn xuất tốt, cốt truyện cũng đáng xem. Nhưng lại gieo mà quên gặt.
Rất nhiều tình tiết được đưa ra, và đã không có lời giải đáp ngọn ngành, hợp lý. Chính điều này khiến khán giả vẫn ra rạp xem phim nhưng vẫn chê, vẫn thất vọng, vẫn tiếc nuối.
Có một người biết bản chất của Huỳnh nhưng…
Trong những cuộc bàn luận về Thất sơn tâm linh đang rôm rả trên mạng, số đông bàn luận về Huỳnh ( Quang Tuấn), Sỏi ( Hoàng Yến Chibi) hay Múi (Đinh Y Nhung). Thế nhưng có một nhân vật cũng hấp dẫn không kém dù ít được nhắc đến là cụ bà của NSƯT Lê Thiện.
Bởi lẽ, đây là nhân vật duy nhất đã sớm nhận ra Huỳnh chỉ là một tay lừa đảo dưới vỏ bọc một thầy lang. Không hề có chuyện cứu người, những trò của Huỳnh chỉ là yêu ma, tà đạo, hại người.
Khi thấy Huỳnh “dở trò” với cháu của mình, cụ bà đã hét lên: “Hãy dừng lại đi”. Bằng chính kinh nghiệm dân gian của mình, cụ bà nhận ra Huỳnh đang dùng những thứ trái chất với nhau, và nó sẽ tạo nên thuốc độc, chứ không phải thuốc chữa bệnh.
Nhưng sức lực và tiếng nói của một cụ bà tóc đã hoa râm không thể thắng được, cũng không thể cản được những niềm tin mù quáng đang tràn ngập căn phòng, nhất là khi người bệnh, bằng một cách nào đó lại bình phục ngay sau đó.
Phim có nhiều tình tiết hấp dẫn nhưng đã không được giải quyết ngọn ngành.
Cụ bà của NSƯT Lê Thiện đã im lặng trong sự lớn mạnh về “quyền năng” của Huỳnh, giữa một ngôi làng miền Tây sông nước. Nhưng những hoài nghi thì chưa bao giờ hết. Một lần khác thấy Huỳnh hứa hẹn về việc chữa bệnh chậm con cho phụ nữ, cụ bà nằm võng đung đưa từ xa nhưng gửi đến một ánh mắt sắc lạnh như muốn vạch trần sự thật.
Nhưng sự thật đã không được vạch trần. Ngoài những hoài nghi, nhân vật cụ bà của Lê Thiện không làm được gì khác, và cũng không có đóng góp gì trong việc “lật mặt” Huỳnh. Không một tín hiệu, không một thông điệp, không một sự giúp sức. Không gì cả.
Nhân vật đã được gieo đầy hấp dẫn, như người duy nhất biết được sự thật nhưng đã không có một kết quả nào được thu hoạch. Giá như có một sự kết nối giữa cụ bà và Sỏi, biết đâu lại làm nên một chuyện hay.
Cụ bà trở thành dẫn chứng tiêu biểu trong rất nhiều dẫn chứng khác trong phim, cho thấy tác phẩm đã gieo tốt nhưng gặt lại dở, thậm chí quên cả gặt. Và hậu quả, là một tác phẩm nửa vời, không đầu không cuối.
Nửa vời nhưng có đáng xem?
Xem Thất sơn tâm linh, dễ thấy một bộ phim quên gặt chi tiết dù đã gieo thành công. Nhưng cũng lại có người bình luận rằng thực tế không phải phim quên “gặt” mà là không thể gặt, vì một lý do nào đó.
Và hẳn cũng phải có lý khi Hoàng Yến Chibi khóc nức nở sau khi xem phim. Nữ diễn viên thành thật bản ngoài rạp đã không giống hoàn toàn bản cô đã xem cùng ê-kíp trước đó, và do vậy, mong khán giả “thương tình”.
Nhưng, phần đông khán giả không thể biết được những câu chuyện hậu trường. Dù với bất kỳ lý do gì, bộ phim chiếu công khai vẫn là tác phẩm trước công chúng. Và trách nhiệm để có được một tác phẩm tròn trịa vẫn thuộc về đoàn làm phim và nhà sản xuất dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ tác động ngoại cảnh nào.
Thất sơn tâm linh đã không thể trở thành một tác phẩm thuyết phục công chúng vì lẽ đó. Dù vậy, vẫn không thể phủ nhận những nỗ lực sáng tạo của đạo diễn Hàm Trần trong tác phẩm.
Lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, Thất sơn tâm linh có một cốt truyện kịch tính, và xứng đáng là một trong trong những bộ phim kinh dị đúng nghĩa nhất mà điện ảnh Việt đã có. Những thắt nút, mở nút về tâm lý nhân vật đều đáng khen, trong những gương mặt diễn xuất tốt.
Quang Tuấn, Hoàng Yến Chibi có lẽ đều đã có vai diễn để đời về tâm lý với tác phẩm này. Dù cũng có điểm đáng tiếc là tâm lý của nhân vật đã không song hành trọn vẹn cùng tình tiết. Nhiều lần tâm lý bị đứt quãng, có thể do thiếu cảnh hoặc do cách xử lý còn non tay của quay phim và đạo diễn.
Diễn xuất của các diễn viên trong phim nhận được khen ngợi.
Ngoài diễn xuất và tâm lý của nhân vật, hình xăm hay cách bài trí trong phim cũng được cho là gần gũi với đời sống tâm linh có thật, vốn vẫn đang tồn tại ở một cộng đồng dân cư ở các nước láng giềng. Điều này chứng tỏ đạo diễn và biên kịch đã dụng công tìm hiểu, tham vọng xây dựng một bộ phim với những ẩn ức tâm linh có thật.
Theo zing
'Thất sơn tâm linh' - không còn đáng sợ sau khi bị cắt xén
Chuyển từ kinh dị sang trinh thám, "Thất sơn tâm linh" khó còn giữ được sự hấp dẫn như những công bố ban đầu khi còn mang tên "Thiên linh cái".
Trailer bộ phim 'Thất sơn tâm linh' Tác phẩm kinh dị về một vụ án mạng người hàng loạt tại miền Tây Nam Bộ hồi thập niên 1990 liên quan tới bùa ngải.
Thể loại: Kinh dị, hình sự
Đạo diễn: Lê Bình Giang, Hàm Trần
Diễn viên: Hoàng Yến Chibi, Quang Tuấn
Zing.vn đánh giá: 6/10
Thiên linh cái là dự án điện ảnh kinh dị đón nhận nhiều sự quan tâm hồi đầu 2019, nhưng rốt cuộc phải hoãn chiếu để chỉnh sửa lại sao cho phù hợp theo quy định của Cục Điện ảnh. Sau những thay đổi, tác phẩm ban đầu trở nên khác biệt, mang hình hài cùng tựa đề mới là Thất sơn tâm linh.
Câu chuyện trong phim bắt đầu với nhân vật Sỏi (Hoàng Yến Chibi) - cô gái câm điếc thường xuyên chịu sự sỉ nhục của dân trong làng. Cho tới một ngày, người đàn ông lạ mặt tên Huỳnh (Quang Tuấn) tự xưng là thầy lang quyền năng bỗng nhiên xuất hiện. Anh thực hiện nhiều phen cứu chữa thần kỳ khiến mọi người rất nể phục và giữ nhân vật ở lại khu làng nhằm thực hiện việc chữa bệnh.
Cũng từ đây, Huỳnh nảy sinh tình cảm với Sỏi sau khi cô gái mù được cử tới để giúp việc cho anh. Cả hai sớm bén duyên vợ chồng, nhưng Sỏi mau chóng nhận ra tâm lý bất ổn của vị hôn phu và chân tướng thực sự của gã.
Cốt truyện chắp vá, nhiều lổ hổng
Ngay từ đầu phim, Thất sơn tâm linh đã để lộ Huỳnh là nhân vật phản diện nên yếu tố ly kỳ, bất ngờ trong việc phỏng đoán hung thủ coi như không tồn tại.
Đây là nước cờ mạo hiểm bởi buộc đoàn phim buộc phải tạo nên chân dung gã sát thủ hoàn hảo, những kế hoạch tinh vi qua mắt dân làng cùng lực lượng chức năng, nhằm tạo nên sự hấp dẫn cho tới phút chót.
Song, có thể thấy kịch bản phim ban đầu hoàn toàn không hướng tới chuyện này. Một số đoạn, tác phẩm đi theo hướng kinh dị tâm linh với những câu bùa chú, bàn thờ ghê rợn. Vài đoạn khác, phim lại đi theo hướng trinh thám, kinh dị tâm lý, nhưng lại không được xây dựng tình tiết logic, chặt chẽ. Chưa kể, các chiêu trò tiểu xảo của Huỳnh và động cơ hại người của hắn còn hời hợt.
Thất sơn tâm linh chắc chắn không còn mang hình hài mà đội ngũ sản xuất mong muốn lúc ban đầu.
Điều đáng nói là dù là kinh dị hay trinh thám, không có yếu tố nào thực sự tỏ ra chỉn chu. Người xem dễ bị rơi vào cảm giác khó chịu bởi không hiểu mình đang theo dõi một bộ phim về bùa ngải hay một phim về ác nhân hàng loạt. Sự lấn cấn thể hiện rõ ở khoảng giữa phim khi nhiều cảnh bị cắt ghép đột ngột, thiếu tính liên kết.
Việc xây dựng tâm lý của các nhân vật phụ trong làng cũng có nhiều bất cập. Chẳng hạn như cha của Sỏi tuy biết con rể mình có biểu hiện đáng nghi, thậm chí hành hung con gái trước mặt, nhưng vẫn bình chân như vại. Hậu quả là Huỳnh giống như một gã lừa đảo may mắn bỗng nhiên "vớ" được một ngôi làng khờ dại, hơn là một gã ác nhân có khả năng lẩn trốn khỏi lệnh truy nã.
Nếu như đi theo hướng kinh dị tâm linh pha lẫn đổ máu thuần túy như ý định ban đầu, Thất sơn tâm linh đã có thể hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn. Nhưng sau khi phải trải qua khâu chỉnh sửa và đi theo hướng ác nhân hàng loạt, thành phẩm để lộ quá nhiều điểm yếu và bất cập.
Diễn xuất tốt bù đắp cho phần kinh dị thiếu hụt
Chung số phận phần nội dung, các cảnh 18 cùng tính bạo lực đẫm máu gần như biến mất so với những gì từng xuất hiện trong trailer Thiên linh cái hồi đầu năm. Thậm chí, cả những chi tiết đơn giản như hình ảnh đầu lâu cầm trên tay cũng bị làm mờ. Điều này khiến tính kinh dị về mặt hình ảnh trong phim mất đi hoàn toàn.
Nhiều phân đoạn hại người bị cắt gọt hết mức. Điều đó khiến khán giả khó có thể theo dõi cuộc điều tra từ phía cảnh sát bởi người xem không có đủ tình tiết để xâu chuỗi mọi thứ thành một câu chuyện thống nhất.
Điểm sáng lớn nhất của bộ phim nằm ở phần diễn xuất.
Điểm sáng lớn nhất cứu vãn cho toàn bộ tác phẩm đến từ diễn xuất của Hoàng Yến Chibi và Quang Tuấn. Quang Tuấn có sự thay đổi linh hoạt giữa gương mặt hiền hậu của một thầy lang sang ánh mắt điên dại, khát máu đầy vọng dụ của một kẻ hại người. Diễn xuất của anh là tâm điểm của nỗi sợ trong phim, thậm chí còn hiệu quả hơn cả chiêu trò jump-scare.
Vai Sỏi của Hoàng Yến Chibi thách thức hơn nhiều. Cô phải đóng vai một nguời vừa bị câm, vừa bị điếc, nên chỉ được phép khắc họa nhân vật thông qua ánh mắt, biểu cảm gương mặt, và thủ ngữ.
Sỏi trong phim có sự chuyển biến tâm lý rất rõ rệt từ một người hiền lành, ngây thơ, rồi sang sợ hãi, và cuối cùng là mạnh mẽ đương đầu với cái ác. Cô chính là nhân vật dũng cảm và sáng suốt nhất bộ phim.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo zing
"Cặp đôi hoàn cảnh" Thất Sơn Tâm Linh: Ham ăn, lắm chuyện thì có nhau, gây họa thì lại một mình "Cặp đôi hoàn cảnh" Tám (La Thành) và Bắp (Ba Tây) trong Thất Sơn Tâm Linh "dính nhau như sam" nhưng đến lúc quan trọng lại tách nhau ra nên bị "hành" cho "lên bờ xuống ruộng". Là "cặp đôi hoàn cảnh" Tám (La Thành) và Bắp (Ba Tây) để lại nhiều ấn tượng và tiếng cười cho khán giả trong bộ phim...