Phim giờ vàng ‘Bánh đúc có xương’ gây tranh cãi gay gắt
Bên cạnh ý kiến đánh giá, đây là phim về đề tài gia đình rất đáng xem, nhẹ nhàng, dí dỏm và nhân văn, có không ít người cho rằng, phim có nhiều sạn và tình tiết phi thực tế.
Thời gian qua, bộ phim về đề tài gia đình Bánh đúc có xương của đạo diễn Đặng Thái Huyền đã thu hút sự chú ý của khán giả khi được chiếu trên khung giờ vàng phim Việt trên kênh VTV1.
Với một đề tài không mới song với cách xây dựng khác của ê-kíp thực hiện khi tạo nên những mối quan hệ đan xen của các nhân vật trong phim, mỗi người xem có thể tìm thấy đâu đó trong phim hình ảnh của bản thân, của người thân và ngẫm nghĩ về những mối quan hệ xung quanh mình.
Bánh đúc có xương không chỉ xoay quanh mối quan hệ mẹ kế – con chồng.
Câu chuyện bắt đầu khi ông Duy – bố của Bảo Khánh – đòi lấy bà Hà , người hàng xóm lâu năm của gia đình làm vợ. Quyết định này của ông đã kéo theo không ít xáo trộn trong gia đình, đồng thời vấp phải sự phản đối kịch liệt từ chính mẹ đẻ và con gái ruột.
Dù luôn phản đối việc bố tái hôn vì ngại cảnh mẹ kế, con chồng song Bảo Khánh lại phải lòng và gật đầu chấp nhận làm vợ Chí Kiên – một người đàn ông qua một lần đò và có cô con gái riêng Hoài Anh. Không chỉ vấp phải sự phản đối của bố chồng, Bảo Khánh còn phải đối diện với sự phá rối của Hoài Anh. Cô bé luôn có đủ những chiêu trò, thủ đoạn nhằm chia cắt bố và mẹ kế, đồng thời nuôi hy vọng sống dưới cùng một mái nhà với mẹ đẻ. Mẹ đẻ của Hoài Anh, vợ cũ của Chí Kiên – Chi – cũng cùng “bàn mưu tính kế” với con gái để đối đầu với Bảo Khánh vì mong muốn quay về với chồng cũ.
Xoay quanh câu chuyện của Bảo Khánh là những mối quan hệ chằng chịt khác của các nhân vật. Chú ruột Bảo Khánh mê đắm Chi, trong khi Tuyết – bạn của Khánh – lại mê mệt người đàn ông này và “phớt lờ” chàng phi công đang theo đuổi.
Khai thác mối quan hệ mẹ chồng với nàng dâu, mẹ ghẻ với con chồng – một trong những mối quan hệ thường tạo ra mâu thuẫn và những ý kiến trái chiều xưa nay, bộ phim thu hút sự quan tâm của khán giả màn ảnh nhỏ. Bên cạnh đó, những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu và bạn bè với những tình huống cao trào hay hài hước, dí dỏm cũng mang tới những điểm cộng cho bộ phim dài 33 tập.
Sự góp mặt của dàn diễn viên kỳ cựu như NSƯT Ngọc Lan trong vai bà của Bảo Khánh, NSƯT Đỗ Kỷ trong vai bố của Bảo Khánh, NSƯT Thanh Kha vai bố chồng của Bảo Khánh… với lối diễn như không diễn, mộc mạc và gần gũi cũng giúp Bánh đúc có xương chinh phục được khán giả khó tính. Những nhân vật tưng tửng, mang tới tiếng cười cho khán giả như vai mẹ của nhân vật Chi do NSƯT Minh Châu thể hiện, vai chú của Bảo Khánh do NSƯT Đức Khuê đảm nhận hay Tuyết thầy bói do Minh Hương thủ vai… cũng mang tới điểm cộng đắt cho Bánh đúc có xương.
Video đang HOT
Diễn xuất của nghệ sĩ Đức Khuê, Nguyệt Hằng được đánh giá cao.
Bước vào giai đoạn cuối cùng của phim, khi các nút thắt dần được tháo gỡ, các mâu thuẫn dần được giải quyết, các cặp đôi có được “happy ending”, Bánh đúc có xương càng được yêu mến vì mong muốn tạo nên một câu chuyện chân thực nhằm góp phần xoá tan định kiến khắc nghiệt về mối quan hệ mẹ kế – con chồng.
Những tình huống gây tranh cãi…
Bên cạnh những lời khen dành cho bộ phim nói chung và dàn diễn viên nói riêng, vẫn có không ít tiếng chê dành cho Bánh đúc có xương.
Đầu tiên phải kể tới diễn xuất của Diệu Hương trong vai Bảo Khánh. Tái xuất trên màn ảnh nhỏ một thời gian dài tập trung cho gia đình nhỏ, Diễm Lệ của Cầu vồng tình yêu được kỳ vọng rất nhiều khi vào vai mẹ kế. Thế nhưng, diễn xuất của cô khiến khán giả hoàn toàn thất vọng vì quá điệu.Trong khi các nhân vật phụ nhận được nhiều lời khen, nữ chính lại có phần lép vế. So với dàn diễn viên nhiều kinh nghiệm, với lối diễn xuất tự nhiên, chân thực, Diệu Hương hoàn toàn bị “chênh, phô” và trở thành điểm trừ nặng nhất nhì phim.
“Gái một con” Diệu Hương bị chê vì quá điệu.
Tiếp đó, nhiều tình huống trong phim cũng bị người xem chê thiếu thực tế, khiên cưỡng. Đầu tiên, phải kể đến việc nhân vật bà nội (NSƯT Ngọc Lan) cấm đoán con trai đi bước nữa vì lo lắng cho cháu gái Bảo Khánh, trong khi cô đã trưởng thành từ lâu.
Trên các diễn đàn, một khán giả viết: “Cứ cho bà nội của Bảo Khánh là người già, cổ hủ nhưng có cổ hủ đến thế nào đi chăng nữa, chắc cũng không bắt con trai ở vậy tới 30 năm để chăm cháu, trong khi đó đứa cháu gái đã đến tuổi đi lấy chồng. Lấy lý do này để phản đối cuộc hôn nhân của ông Duy (NSƯT Đỗ Kỷ) và cô Hà (Linh Huệ) là điều hoàn toàn gượng ép”.
Diễn xuất của nghệ sĩ Ngọc Lan (ở giữa) hoàn toàn chinh phục khán giả, tuy nhiên, tình huống và cách hành xử của nhân vật do bà đảm nhiệm lại khiến nhiều người không tán thành.
Giống như vậy, nhiều người bình luận, thật vô lý khi bố của Chí Kiên (NSƯT Thanh Kha) không muốn con trai mình lấy vợ vì sợ cảnh mẹ chồng nàng dâu khiến cháu gái mình chịu khổ, sợ lại bị lừa hết gia sản lần nữa trong khi Chí Kiên còn rất trẻ và hoàn toàn có thể đi bước nữa.
Ngoài ra, việc Chi – vợ cũ của Chí Kiên – có thể can thiệp quá sâu vào gia đình nhà chồng cũng khiến khán giả không tâm phục khẩu phục. Một người xem bình luận: “Chi đến và đi, bình luận về Bảo Khánh, xách mé với Chí Kiên rất tự nhiên như cô là chủ nhà còn Bảo Khánh là kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc vợ chồng cô trong khi rõ ràng, Chi là người phụ nữ bỏ chồng sang nước ngoài trước”.
Về phần xây dựng tính cách nhân vật, đạo diễn Đặng Thái Huyền cũng vấp phải sự phản đối của không ít khán giả khi để nhân vật bé Hoài Anh quá ngang ngược. Với mong muốn bố mẹ trở về với nhau, Hoài Anh ghét cay ghét đắng mẹ kế Bảo Khánh và luôn tìm cách phá hoại, chia cắt hai người. Về mặt tâm lý, khán giả có thể giải thích lý do Hoài Anh xử sự như vậy, nhưng về mặt hành động, người xem đều lắc đầu ngán ngẩm trước cô bé mới học lớp 9 đã mưu mô, ăn nói láo và nhiều chiêu trò.
Một khán giả khắt khe bình luận: “Tôi nghĩ, phim Bánh đúc có xươngkhông hợp cho những người chưa trưởng thành vì khi xem, họ sẽ học rất nhiều điều xấu của tất cả các nhân vật. Đặc biệt là thái độ hỗn láo khi nói chuyện với người lớn, làm đủ chuyện lừa lọc, xấu xa, dối trá, lười học… của Hoài Anh. Tôi không biết mọi người thấy phim hay ở đâu, còn cá nhân tôi, vừa xem vừa bức xúc chỉ muốn chuyển kênh ngay”.
Trái ngược với hình ảnh “ác” của Bảo Anh, nhân vật bà Hà (Linh Huệ) lại bị chê là nhẫn nhục đến mức nhu nhược. Nhiều khán giả khẳng định, ngoài đời chẳng có người mẹ kế nào như vậy. Vẫn biết cuộc sống có người này người kia, nhưng việc chịu đựng con chồng, mẹ chồng không một lời oán thán như vậy thật khó tin.
Dù vấp phải ý kiến trái chiều của người xem, cùng với không ít những tình tiết còn khiên cưỡng hay phi thực tế, song đánh giá một cách khách quan, không thể phủ nhận sức hấp dẫn và thành công của bộ phim. Mỗi tập đều nêu lên một vấn đề cần giải quyết để người xem háo hức chờ đón diễn biến tiếp theo. Nhân vật trong phim cũng không ai phản diện, chính diện hoàn toàn. Sau hơn 30 tập phim, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ nhận ra thông điệp, tình cảm đã gắn kết mọi người với nhau và con người sẽ thay đổi để hoàn thiện bản thiện hơn.
Theo Zing
Hoài Anh quát mẹ kế là "đồ đạo đức giả"
Khi những xung đột giữa Hoài Anh và Bảo Khánh vừa tạm lắng xuống ở tập 25, thì trong tập 26 của bộ phim "Bánh đúc có xương" lại hé lộ những diễn biến mới phức tạp hơn.
Trong tập 26 Bánh đúc có xương, Chi (mẹ ruột Hoài Anh) đề nghị với Chí Kiên cho phép Chi được quyền nuôi Hoài Anh. Chí Kiên không đồng ý trước ý kiến của Chi. Thế nhưng mặt khác, Kiên cũng nghĩ tới cái hay của giải pháp này nên đã đề xuất với Bảo Khánh. Liệu làm vậy có thể dịu đi những sóng gió của gia đình? Tuy nhiên, Khánh không đồng ý, cô vẫn nghĩ có thể chăm sóc tốt được cho Hoài Anh.
Bảo Khánh luôn nghĩ có thể hòa giải với Hoài Anh
Chú Đông Hưng luôn theo sát để ý tới Chi, thấy Chi có biểu hiện bất thường, Đông Hưng chạy tới an ủi: "Vì chẳng muốn thấy cô đau". Cả hai tìm tới rượu, "chén vào chén ra" tạm quên những muộn phiền. Nào ngờ đâu trong cơn say Chi và Hưng đã không làm chủ được bản thân nên đã vượt quá giới hạn.
Đông Hưng chạy đến an ủi Chi
Bên cạnh câu chuyện "mẹ kế - con chồng", những nhân vật xung quanh cũng gặp không ít rắc rối trong tập 26 Bánh đúc có xương. Bà của Bảo Khánh được phen hốt hoảng khi chính mình đẩy cháu nội mới sinh trong hoàn cảnh nguy kịch. Bà nhận ra cái sai của mình, chẳng thể giữ lề thói cổ hủ để áp đặt vào cuộc sống mới của con cháu.
Còn cô gái lỡ thì Ánh Tuyết, nàng như ở trên mây với lời tỏ tình lãng mạn của Phi - nhân viên làm cùng tiệm bánh ngọt. Nhưng trái tim Ánh Tuyết vẫn hướng về Đông Hưng - người mà cô nàng cảm thấy dành tình yêu cho mình tha thiết nhưng không dám đứng ra tranh đấu cho lý lẽ của trái tim.
Mâu thuẫn giữa Bảo Khánh và con chồng ngày càng lớn dần
Biết mẹ Chi đêm không về nhà, Hoài Anh bỏ học để tìm mẹ. Bảo Khánh khuyên can, nhẹ nhàng giúp Hoài Anh nhận ra những hiểu lầm, tập trung vào việc học. Chẳng những không nghe lời mẹ kế, Hoài Anh còn to tiếng trách Bảo Khánh: " Đồ đạo đức giả". Với Hoài Anh, cả bố và mẹ đều đã có hạnh phúc riêng, chẳng còn người quan tâm, lo lắng cho cô bé nữa.
Theo Nguyễn Lee / MASK Online
Bà nội Bảo Khánh ngất khi con trai giới thiệu cô dâu mới Trong tập 30 của "Bánh đúc có xương", Chi - mẹ ruột Hoài Anh muốn kết hôn với Đông Hưng. Bộ phim Bánh đúc có xương đang trong những chặng đường cuối cùng. Mối quan hệ giữa Bảo Khánh và Hoài Anh cũng dần bớt căng thẳng. Giờ đây mối bận tâm của Hoài Anh chuyển hướng sang mẹ ruột và thầy giáo...