Phiên giao dịch chiều 26/10: Bị chốt lời mạnh, VN-Index quay đầu
Tưởng chừng lực cầu trong nửa cuối phiên sáng sẽ giúp thị trường có phiên tích cực để thẳng tiến đến mốc 610 điểm trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lực bán mạnh cuối phiên, đặc biệt là đợt ATC đã khiến VN-Index quay đầu và thậm chí mất luôn cả mốc 600 điểm vừa đạt được cuối tuần trước.
Với sự tích cực trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng 26/10 với tâm lý khá hào hứng. VN-Index nhanh chóng tiến lên ngưỡng cản mạnh tiếp theo là 610 điểm. Áp lực chốt lời giá cao đã diễn ra, song cầu bắt đáy cũng xuất hiện khá tích cực. Vì vậy, VN-Index dù giằng co mạnh nhưng vẫn giữ được sắc xanh, thanh khoản cũng được cải thiện khá tốt so với phiên sáng cuối tuần trước.
Tuy nhiên, sự tích cực này đã không còn diễn ra trong phiên giao dịch chiều. Áp lực bán chốt lời đã mở rộng ngay từ bước vào phiên chiều, trong khi cầu mua bỗng trở nên thận trọng, khiến VN-Index lùi dần về mốc 600 điểm. Thêm một đợt bán mạnh ở đợt khớp lệnh giá đóng cửa, VN-Index chính thức tuột khá xa mốc 600 điểm. Sự thận trọng cũng khiến giao dịch thị trường không còn giữ được nhịp như phiên sáng.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, độ rộng thị trường đã bị thu hẹp đáng kể khi số mã giảm 135 mã chiếm khá áp đảo so với số mã tăng 89 mã, VN-Index đã giảm 3,13 điểm (-0,52%) xuống 598,61 điểm. Chỉ số VN30-Index cũng giảm 3,86 điểm (-0,63%) về 612,21 điểm với 20 mã giảm và 8 mã tăng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 102,7 triệu đơn vị, giá trị 1.983,77 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 111,85 tỷ đồng. Ngoài 0,184 triệu trái phiếu VIC11501 giá trị 20,183 tỷ đồng, đáng chú ý còn có thỏa thuận của hơn 2 triệu cổ phiếu EIB trị giá 23,54 tỷ đồng và 2,71 triệu cổ phiếu HAR trị giá 16,63 tỷ đồng.
Tương tự, với 118 mã giảm và 75 mã tăng, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,09%) xuống 81,47 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,14 điểm ( 0,09%) lên 151,5 điểm với 10 mã giảm và 12 mã tăng.
Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 44 triệu đơn vị, giá trị 504,5 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,94 triệu đơn vị, giá trị 17,39 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận hơn 1,1 triệu cổ phiếu VIG trị giá gần 3,4 tỷ đồng và hơn 0,9 triệu cổ phiếu SHB trị giá 5,6 tỷ đồng.
Áp lực chốt lời đã tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu lớn đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm hay các bluechips khiến hầu hết đều giảm điểm
VNM giảm 2.000 đồng, GAS giảm 300 đồng, MSN giảm 500 đồng, GMD giảm 900 đồng, BIC giảm 400 đồng, BMI giảm 300 đồng….
Video đang HOT
SSI giảm 300 đồng về 23.700 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị. HAG về mốc tham chiếu và khớp 2,8 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng đều giảm từ 1-3 bước giá, trong đó chỉ CTG và MBB là khớp được hơn 1 triệu đơn vị.
Áp lực bán cũng gây ảnh hưởng lên VIC, FPT và BVH – 03 mã nổi bật nhất VN-Index trong vài phiên qua. Dù vậy, đây vẫn là các trụ chính của VN-Index. Bên cạnh đó, đà tăng từ HSG và HPG cũng tạo lực đỡ tốt. Nếu không có các mã này, VN-Index sẽ còn giảm sâu nữa.
VIC chỉ còn tăng 100 đồng lên 44.500 đồng và khớp 2,44 triệu đơn vị. FPT tăng 500 đồng lên 47.600 đồng và khớp 2,6 triệu đơn vị. HSG tăng 400 đồng và HPG tăng 100 đồng và đều khớp trên 1,1 triệu đơn vị. BVH tăng 500 đồng lên 60.000 đồng/CP.
Tương tự, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bị bán khá mạnh nên đa phần cũng giữ sắc đỏ hoặc tham chiếu như FLC, DLG, DXG, HHS, SBT, TCM, TTF, VHG, ITA, HQC, TCM, HAI, thanh khoản đều từ hơn 1-2 triệu đơn vị.
Các mã BGM, DAG và BHS thậm chí còn giảm sàn, thanh khoản cao, cũng đều từ hơn 1-2 triệu đơn vị được khớp.
Một số mã như CII, GTN, JVC, NT2 đi ngược thị trường với mức tăng nhẹ, thanh khoản cũng trên 1 triệu đơn vị. CII khớp mạnh nhất HOSE với 3,36 triệu đơn vị được khớp và tăng 200 đồng lên 24.100 đồng/CP. OGC tăng trần lên 2.500 đồng/CP và khớp 2,6 triệu đơn vị.
Đối với HNX, đà giảm của sàn này nhẹ hơn hẳn do được nhóm HNX30 hỗ trợ, trong đó các mã như lớn ACB, SHB, PLC, VND, DBC… đều giữ được sắc xanh.
SHB tăng 100 đồng lên 6.900 đồng/CP và giao dịch khá mạnh khi khớp tới 4,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, dẫn đầu thị trường về thanh khoản lại là TIG với lượng khớp xấp xỉ 4,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 300 đồng về 11.500 đồng/CP.
SCR giảm 100 đồng xuống 7.900 đồng/CP và khớp 1,29 triệu đơn vị. KLF khớp 2,3 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu 4.400 đồng/CP.
Ngoài các mã trên, đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị còn có ACM, PVI, HKB. Trong đó, ACM và PVI tăng điểm nhẹ.
Nguyễn Tùng
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Phát hoảng với kiểu đầu độc, chết giấc khi vào TPP
Việt Nam tham gia TPP với tư cách là một nước nông nghiệp chứ không phải là công nghiệp. Thế nhưng những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi đang bị "đầu độc" ngày càng phổ biến. Do vậy nguy cơ chưa kịp cạnh tranh hội nhập đã chết ngay trên sân nhà là rất gần.
Hàng loạt vụ "đầu độc" thực phẩm như cho lươn ăn thuốc tránh thai, nuôi heo bằng chất tạo nạc... đang làm ngành chăn nuôi và ngành thực phẩm chết ngay trên sân nhà. Chính người tiêu dùng (NTD) trong nước đang có xu hướng sợ dùng thực phẩm trong nước và đang tìm hàng nhập khẩu để thay thế như thịt bò Úc, gà nhập khẩu...
Mất hết niềm tin
Thực phẩm bẩn chứa chất cấm độc hại vài năm trở lại đây đang là vấn đề gây nhiều bức xúc lẫn lo lắng trong dư luận. Thông tin thịt heo có chất tạo nạc tràn lan trên thị trường khiến NTD hoang mang bởi trong cơ cấu các loại thịt sử dụng trong bữa ăn người Việt thì thịt heo chiếm hơn 70%.
Đứng trước ma trận thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều NTD hiện nay đang có xu hướng quay sang mua các thực phẩm hữu cơ, có chứng nhận an toàn dù giá có thể đắt hơn nhiều lần. Đặc biệt, NTD trong nước đang có thói quen mua hàng ngoại nhập vì họ tin rằng hàng đó được kiểm dịch chặt chẽ và các nước xuất khẩu này uy tín.
Chị Phương Thảo (quận 3, TP.HCM) cho biết từ khi chị mang bầu, đi mua thực phẩm là thấy lo sợ về chất lượng ảnh hưởng tới con cái mình sau này. Vì vậy, chị chuyển sang mua thực phẩm nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Nhật, Canada, Úc, New Zealand... Đa phần chỉ mua củ, quả ngoại nhập, ăn bò Úc. Chỉ có rau xanh chị nói nhập khẩu không có nên phải mua ở các cửa hàng rau hữu cơ (không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học), giá cao gấp 3-8 lần rau thường.
Ảnh minh họa
Theo ông Minh, chủ một cửa hàng thực phẩm hữu cơ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), NTD ngày càng tìm đến cửa hàng ông nhiều hơn trước đây. Hàng nhập khẩu có chứng nhận hữu cơ được nhiều người lựa chọn. Khách hàng tìm hiểu thông tin rất kỹ về trang trại trồng rau quả hữu cơ của cửa hàng, đối tác chứng nhận, sản phẩm nhập khẩu. Họ quan tâm đến chất lượng, ăn ít, chấp nhận giá cao nhưng an toàn.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết xu hướng mua hàng ngoại nhập đang ngày càng nhiều. Cứ nhìn vào sản lượng nhập khẩu bò Úc tăng lên theo từng năm. Thịt gà Mỹ giá rẻ bất thường nhập về số lượng lớn cũng hoành hành thị trường khiến người nuôi gà trong nước lỗ nặng.
Thêm vào đó là thịt heo, bò, gà của Pháp, Ba Lan, Canada và một số nước châu Âu cũng đang xúc tiến việc xuất khẩu sang Việt Nam trong thời gian tới. Chứng tỏ các nhà xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đã nhìn thấy nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường Việt Nam.
"Không phải đợi đến khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP thì hàng ngoại giá rẻ mới có cơ hội tràn vào cạnh tranh, đè bẹp hàng trong nước. Vài năm trở lại đây, chính NTD đã dần quay lưng với thực phẩm trong nước. Thực phẩm bẩn làm NTD lo sợ, họ mua hàng nhập khẩu cho an toàn, thấy rau quả trong nước sợ chẳng khác gì sợ hàng Trung Quốc" ông Bình chia sẻ.
Mất thị trường xuất khẩu
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, cho biết những vụ "đầu độc" thực phẩm không chỉ ảnh hưởng tới NTD, làm loạn thị trường trong nước mà ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng xuất khẩu.
GS Xuân cho rằng hàng xuất khẩu làm tốt chất lượng nhưng "con sâu làm rầu nồi canh", những thông tin xấu trong nước sẽ lọt tới tai các nhà nhập khẩu, nhà quản lý và NTD ở các thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn, như thông tin trà dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng cao, trái cây, cá nuôi dùng nhiều thuốc kháng sinh... sau khi trong nước phát hiện. Lập tức truyền thông nước ngoài đưa tin cơ quan quản lý kiểm chặt, dựng hàng rào kỹ thuật với tiêu chí khắt khe hơn khiến việc xuất khẩu khó khăn hơn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lo ngại thực phẩm bẩn không chỉ ảnh hưởng uy tín, chất lượng hàng xuất khẩu mà có thể dẫn đến mất thị trường xuất khẩu đối với nhiều ngành hàng.
Con tôm xuất khẩu sang Trung Quốc quá dễ dãi về chất lượng khiến thương lái, thậm chí doanh nghiệp (DN) tổ chức bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng kiếm lợi nhuận khổng lồ. Nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu những thị trường khác bị thiếu trầm trọng vì người nuôi tập trung bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc được giá hơn.
Theo ông Hòe, thiếu nguyên liệu, nguyên liệu kém chất lượng khiến DN không đáp ứng được những hợp đồng lớn, mất dần thị trường. Chưa kể những thị trường khó tính, họ kiểm chặt nếu có lô hàng nào vi phạm nhiều lần sẽ tạm ngưng nhập khẩu, thiệt hại cho cả ngành.
Theo Pháp luật TP.HCM
Vào TPP, nhu cầu nhà đất tại Việt Nam tăng, giá sẽ tăng? Công ty CBRE Việt Nam vừa có phân tích về những tác động của Hiệp định TPP có thể có đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Theo đó, CBRE nhận định, bất kể những tác động lâu dài của TPP, các bên liên quan của ngành bất động sản vẫn có một thái độ rất tích cực đối với TPP...