Phiên dịch tại lễ viếng Mandela bị “tâm thần”
Người phiên dịch “múa may” tại lễ tang Nelson Mandela đã thú nhận là mình đã bị một hội chứng tâm thần trong buổi lễ.
Ngày 12/12, người phiên dịch “dỏm” trong lễ viếng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã lên tiếng phân trần rằng anh ta đã bị lên cơn tâm thần khi đứng trên sân khấu khiến anh ta không thể làm tròn nhiệm vụ của mình.
Người đàn ông được truyền thông địa phương “chỉ mặt” là Thamsanqa Jantjie này cho biết anh ta không rõ vì tầm quan trọng của công việc đang làm hay vì niềm vui mà anh ta cảm thấy trong ngày hôm đó đã khiến anh ta bị “lên cơn” như vậy.
“Lúc đó tôi không thể làm được gì cả. Tôi hoàn toàn đơn độc trong một tình huống rất nguy hiểm. Tôi đã cố gắng kiểm soát bản thân và không để lộ những gì đang diễn ra. Tôi rất tiếc, đó chính là tình huống mà tôi đã gặp phải”, anh này phân trần trên tờ Johannesburg Star.
Thamsanqa Jantjie múa may một cách vô nghĩa khi dịch bài phát biểu của Obama
Ông David Buxton, Chủ tịch Hội Khiếm thính Anh cho biết người phiên dịch này chỉ đơn thuần thực hiện “những động tác tay và múa may rất trẻ con như thể anh ta chưa từng học một từ nào về ngôn ngữ ký hiệu trong cuộc đời”.
Còn Hội Khiếm thính Nam Phi thì cho biết họ rất giận dữ và xấu hổ trước năng lực và cách hành xử của người phiên dịch này khi anh ta diễn tả “như đang đuổi ruồi” trong quá trình phiên dịch bài phát biểu của các nguyên thủ thế giới tại lễ tưởng niệm Mandela ra ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính.
Jantjie cho biết trong quá trình “lên cơn”, anh ta vẫn tiếp tục nhìn thấy những hình ảnh và nghe thấy những giọng nói lớn trong đầu mình khiến anh ta không thể nghe thấy được diễn giả đang nói gì để mà phiên dịch.
Video đang HOT
Anh ta cho biết vì yêu cầu nhiệm vụ nên anh ta không thể bỏ đi mà phải tiếp tục ở lại và thực hiện những động tác vô nghĩa trên sân khấu.
Jantjie nói: “Cuộc đời thật bất công. Chứng bệnh thần kinh này thật bất công. Bất cứ ai không hiểu được chứng bệnh này đều sẽ nghĩ rằng tôi đang dựng chuyện.”
Thamsanqa Jantjie thú nhận đã bị “lên cơn tâm thần” trong buổi lễ
Người đàn ông 34 tuổi này cho biết anh ta đã từng uống thuốc điều trị chứng bệnh trên, nhưng cách đây vài năm đã mất việc vì nó và phải sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội và thỉnh thoảng làm thêm nghề phiên dịch.
Trước đây người ta đã thấy Jantjie xuất hiện trong một cuộc họp của đảng Đại hội Dân tộc Phi với vai trò là người phiên dịch cho Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.
Jantjie cho biết anh ta đã cảm thấy rất vinh dự khi công ty Phiên dịch NamPhi cho biết anh sẽ được phiên dịch trong lễ tang lịch sử của Nam Phi và được trả công 82 USD trong cả sự kiện kéo dài 5 giờ đồng hồ này.
Hiện văn phòng Tổng thống Nam Phi vẫn đang liên hệ với anh này để tìm ra ai là người giới thiệu Jantjie cho công việc này và sẽ điều tra cụ thể vụ việc. Về phần mình, công ty Phiên dịch Nam Phi vẫn đang từ chối bình luận về vụ việc này.
Theo Telegraph
Nhiếp ảnh gia giải mã ảnh "tự sướng" của Obama
Nhiếp ảnh gia chụp lại khoảnh khắc Obama cùng 2 nguyên thủ chụp ảnh "tự sướng" cho rằng đây chỉ hành động bình thường không đáng trách.
Lễ viếng Nelson Mandela hôm thứ Ba là một sự kiện lịch sử với sự tham gia của gần 100 nguyên thủ trên thế giới cùng với hàng ngàn người dân Nam Phi để cùng tưởng nhớ đến vị anh hùng biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống lại chế độ phân biệt chủng tộc apartheid.
Tuy nhiên trong sự kiện này, dư luận lại bàn tán xôn xao về một bức ảnh "tự sướng" được chụp ngay trong lễ viếng, mà nhân vật chính trong bức ảnh đó chính là Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Thủ tướng Đan Mạch và Thủ tướng Anh.
Bức ảnh "tự sướng" nổi tiếng nhất năm 2013?
Trong buổi lễ, một phóng viên ảnh của hãng thông tấn AFP đã chụp được khoảnh khắc ông Obama giúp nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt cầm chiếc điện thoại để cùng cười tươi chụp một bức ảnh kỷ niệm cùng với Thủ tướng Anh David Cameron. Trong bức ảnh này còn có Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama với gương mặt có vẻ khó chịu.
Tuy nhiên nhiếp ảnh gia Roberto Schmidt, người đã chụp bức hình này lại cho rằng mọi người đã hiểu sai về bối cảnh của sự việc.
Trước khi nhiếp ảnh gia này chụp được bức ảnh được cho là "Bức ảnh tự sướng nổi tiếng nhất năm 2013", bà Michelle Obama đã trò chuyện rất lâu cùng Thủ tướng Cameron, và cả nhóm 4 người nổi tiếng này đã cùng nói chuyện với nhau.
Nhiếp ảnh gia này cho biết chỉ vài giây trước khi bức ảnh này được chụp, bà Obama vẫn trò chuyện và cười đùa vui vẻ với những người xung quanh, trong đó có cả Thủ tướng Cameron và bà Schmidt. Ông nói: "Vẻ mặt khó chịu của bà Obama lúc đó chỉ là một giây phút tình cờ." Ông cho biết ban đầu ông còn không nhận ra người tóc vàng trong bức ảnh là Thủ tướng Đan Mạch mà chỉ nghĩ rằng đó là một tùy tùng của ông Obama.
Bà Michelle Obama (phải) trò chuyện cùng nữ Thủ tướng Đan Mạch
Phóng viên ảnh Schmidt cho biết: "Mặc dù trong bức ảnh trông bà Obama có vẻ khó chịu nhưng tôi cho rằng vẻ mặt của bà không liên quan gì đến sự kiện này, và theo tôi nó chẳng nói lên điều gì cả."
Schmidt đã viết một blog để giải thích về bức ảnh đột nhiên nổi tiếng này, và nhấn mạnh rằng: "Tôi chụp những bức ảnh đó hoàn toàn tình cờ và không hề nghĩ đến những hậu quả mà nó có thể gây ra. Lúc đó, tôi nghĩ rằng các nguyên thủ thế giới cũng chỉ hành động như những người bình thường, như tôi và bạn mà thôi."
Theo Schmidt, đó chính là lý do khiến bức ảnh "tự sướng" này lại thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế như vậy. Ông nói: "Đó là vì chúng ta chưa từng thấy họ như vậy. Ngày nay, hình ảnh của các vị nguyên thủ bị kiểm soát chặt chẽ đến mức chúng ta không thể nhìn thấy những khoảnh khắc đời thường của họ. Nếu truyền thông có thể tiếp cận họ nhiều hơn và khắc họa họ dưới góc nhìn của những con người bình thường thì tôi nghĩ rằng bức ảnh này sẽ không gây chấn động như vậy."
Lập luận này của Schmidt không phải là không có căn cứ. Gần đây một loạt các tờ báo lớn ở Mỹ đã đệ đơn kiến nghị lên Nhà Trắng phản đối việc ngăn cản các phóng viên ảnh tác nghiệp trong các sự kiện mà Tổng thống Obama tham gia và trao cho họ những bức hình chụp sẵn.
Schmidt kết luận: "Với tôi, việc các nguyên thủ này chụp một bức ảnh chân dung như thế là hoàn toàn tự nhiên. Tôi thấy chẳng việc gì phải phê phán hành động đó, và tôi thấy buồn vì chúng ta đang bị ám ảnh quá nhiều với những chuyện bình thường xảy ra hàng ngày."
Theo CNN
Obama chụp ảnh "tự sướng" tại lễ viếng Mandela Cộng đồng mạng đang bất bình với hình ảnh Tổng thống Mỹ Obama cùng Thủ tướng Đan Mạch và Anh chụp ảnh "tự sướng" tại lễ viếng Mandela. Ngày 10/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm xúc động hàng chục ngàn người tham dự lễ viếng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Madela tại sân vận động Johannesburg bằng bài diễn văn...