Phiến đá thiêng được phong hiệu ‘phu nhân’
Khi giặc Mỹ ném bom làng bên, phiến đá bỗng rung lên bần bật. Dân làng mang phiến đá đi tránh, quả nhiên sau ít ngày miếu bị đánh tan hoang.
Nằm ngay bên cổng làng Thanh Phước (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có bức tượng đá được đích thân nhà Vua sắc phong danh hiệu “kỳ thạch phu nhân”. Nhiều truyền thuyết ly kỳ về phiến đá cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.
Phiến đá xuất hiện ở giữa ngã ba Sình (điểm giao nhau giữa ba con sông lớn gồm: sông Sình, sông Hương và sông Bồ). Trong nhiều giai thoại về sự ra đời, câu chuyện mà ông Phan Xanh (78 tuổi) kể lại là được biết đến nhiều nhất.
Một ngày nọ, người dân làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang phát hiện hai tượng đá nổi bập bềnh giữa sông. Nhiều thanh niên trai tráng liền được cử chèo ghe để vớt lên nhưng bất thành vì tượng quá nặng. Rồi cặp tượng đá trôi đến làng An Phú thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cũng được dân làng trục vớt cả tuần vẫn thất bại, thậm chí ghe làng này còn bị chìm xuống đáy sông.
Đến lượt dân làng Thanh Phước nghe tin, cả làng họp bàn rồi sắm mâm lễ vật đến khấn vái, khẩn nguyện suốt 7 ngày. Lạ rằng, khi mang ghe ra ngã ba sông, chỉ cần 5 thanh niên đã dễ dàng khênh tượng đá lên ghe. Trên đường vào bờ, một tượng đá rơi lại xuống sông không thể tìm ra.
Vài hôm sau, dân làng tiếp tục tự nguyện góp tiền bạc, công sức lập miếu để thờ đá thần. Không lâu sau, có người làng bên ban đêm nhìn sang am thờ tượng đá của làng Thanh Phước thấy phát hào quang bèn báo lên nhà vua.
Video đang HOT
Bức tượng được vua sắc phong “Kỳ thạch phu nhân”.
Triều đình lập tức cho quân lính cùng voi mang bằng được tượng đá về cung nhưng không thành. Vua đoán biết đó là phiến đá thần kì và linh thiêng nên sắc phong tên gọi “Kỳ Thạch phu nhân”. Hiểu nôm na rằng phiến đá được vua rất quý mến. Ngày nay người dân vẫn quen gọi là tượng bà Thạch hay bà đá.
Ông Phan Lệ (83 tuổi), người nhiều năm nghiên cứu văn hoá thì lại cho rằng đây là tượng đá nghìn năm tuổi, ra đời trong thời Chăm pa, khắc tạc tư thế múa điệu Tandra, ngụ ý diễn tả quy luật vận động của vũ trụ. Voi là voi thần Ganesa, người có nhiều cánh tay là hình ảnh quỷ chúa Ravana.
Phiến đá có chất liệu đá sa thạch, màu nâu đen, có dạng hình bán nguyệt. Khối đá mang dáng dấp hình mẹ bồng con. Người mẹ hướng vào trong không rõ mặt, mái tóc dài để thẳng. Xung quanh hình mẹ bồng con có 20 cánh tay xếp thành hình vòng tròn, trong đó 7 cánh tay được đeo vòng.
Lạ mắt hơn, trên phiến đá còn được chạm khắc hình sư tử nhỏ, phía trên sư tử là hình người có tới ba khuôn mặt bị trói trong tư thế ngồi. Bên phải tượng chạm hình con voi. Ngoài ra, ở đỉnh phiến đá có thêm 9 hình chạm trổ khác, đều là hình người. Ước tính, phiến đá lạ trên dưới nghìn năm tuổi.
Dân làng kể, vào những năm tháng chiến tranh ác liệt, xung quanh đều bị bom dội tan hoang nhưng bức tượng đá không hề trúng đạn. Có lần địch ném bom ở làng bên khiến tượng bà rung ngã như điềm báo trước chuyện không hay. Dân làng lập tức mang tượng đá vào chùa Thanh Phước gửi tạm. Quả đúng vài ngày sau miếu thờ tượng dính bom tan hoang.
Đến năm 1969, một tiểu đoàn lính Ngụy lại chọn khu vực miếu làm căn cứ địa. Do quân lính quá sợ tượng bà nên viên tiểu đoàn trưởng sai bưng tượng bà vào lại chùa. Lạ thay cả tiểu đoàn không dịch nổi bức tượng đá. Thế nhưng, khi dân làng khấn vái chuyển vào lại chùa tránh bom đạn, lại dễ dàng di chuyển được ngay. Mãi đến năm 1974, dân làng thêm lần nữa xây lại miếu ngay vị trí cũ rồi rước bà đá lánh nạn trở về cho đến ngày nay.
Cụ ông Phan Cà (80 tuổi), người trông coi ngôi miếu cho biết ông là người thứ ba trong coi ngôi miếu này. Lễ tế làng hằng năm đều được tổ chức long trọng tại miếu bà đá. Đông đảo dân làng tham dự lễ nhưng hầu như chỉ đứng ngoài thắp nhang chứ không dám vào bên trong miếu tận mắt nhìn bà đá bởi sợ phạm tội bất kính.
Cách đây ba năm, có Việt kiều mắc bệnh lạ, lúc đến miếu khấn nguyện tự hứa với bà đá nếu cho khỏi bệnh thì sẽ tu sửa miếu. Tình cờ người này khỏi bệnh, nên xin phép làng được tô sơn, lát gạch men cho miếu.
Toàn cảnh ngôi miếu thờ bà đá.
Cùng thời gian này, một số người ở TP HCM cũng tìm về ủng hộ bộ cửa miếu mới, cúng dường xây dựng tường rào. Ông Phan Hữu Tiến, trưởng làng Thanh Phước xác nhận: “Làng chưa có kinh phí để tu bổ lại miếu. Những người ở nơi khác đã tốt tâm, cúng dường xây dựng miếu khang trang như hiện nay”.
Điểm khác lạ khá thú vị nữa, người dân khắp nơi thường cúng dường vải lụa, “áo” cho tượng. Thời điểm hiện tại, đã có 7 tấm áo đủ loại vải và màu sắc khác nhau được sắm cho bà đá.
Ông Cà mỗi tháng phải thay áo cho bà một lần, đồng thời giặt giũ, cất giữ áo cũ ở nơi trang trọng nhất trong miếu là bàn thờ. Những người giàu niềm tin tâm linh còn sắm hẳn chuỗi hạt cườm lớn đeo lên đỉnh tượng đá để làm đẹp.
Dân làng vẫn duy trì tục thờ cúng bà “Kỳ Thạch phu nhân” với lòng kính trọng truyền thuyết, lịch sử, tuy nhiên không chấp nhận chuyện mê tín dị đoan như xem bói, hầu đồng. Ban quản lý thôn cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu lại tài liệu mà tượng đá được vua sắc phong trước đây nhằm lưu truyền lại con cháu đời sau, trưởng làng Thanh Phước cho biết.
Ngoài câu chuyện huyền bí về nguồn gốc hòn đá nói trên, trong dân làng còn lưu truyền hai giai thoại khác. Chuyện kể lại, ở làng có vợ chồng ngư dân nghèo thường đánh cá trên ngã ba sông. Một ngày nọ, ông ngư dân kéo lưới từ sáng tới trưa không được con cá nào, đành ngả lưng nghỉ trưa. Đang thiu thiu ngủ, ông được ai đó nhắc nhở bên tai: “Hãy quăng lưới ngay, sẽ gặp điều may mắn”. Ông choàng tỉnh kéo lưới. Do lưới quá nặng và mắc kẹt nên ông chạy về nhà gọi thêm bạn tới lặn xuống sông gỡ lưới. Nhóm ngư dân sau đó vớt lên được hai phiến đá có hình thù kỳ lạ.
Cùng thời điểm này, bầu trời nổi sấm chớp dữ dội nên mọi người đều cho rằng hai phiến đá là “đá thần”. Cả làng liền hè nhau trục vớt đá lên bờ, xây am thờ đàng hoàng. Một trong hai phiến đá sau đó tự nhiên biến mất không ai rõ.
Truyền thuyết khác lại kể, năm nọ trời đột nhiên nắng gay gắt kéo dài gây hạn hán. Nhà Vua sai quân lính đến ngã ba sông lập đàn cầu mưa nhưng cả tuần liền không kết quả. Sau đó nhà Vua đích thân vi hành đến nơi này kiểm tra công tác tế lễ.
Vừa tới nơi, đấng quân vương vô tình vấp hai phiến đá to trượt ngã. Đầu nhà vua trúng vào phiến đá nhưng lạ thay không hề thương tích. Đoán rằng hai phiến đá ó “điềm thiêng, vua lệnh dời hai phiến đá này đến cạnh bờ sông. Lúc này, bầu trời đang nắng lập tức nổi sấm chớp, mưa gió như bão tố. Sáng hôm sau, nhà vua trở lại chỗ hai phiến đá khấn tạ nhưng chỉ còn duy nhất một phiến hiện giờ.
Theo Datviet