Phiên chiều 2/11: Thị trường bùng nổ
Mặc dù VN-Index gặp chút khó khăn trong đợt khớp ATC khiến đà tăng bị chặn lại nhưng dòng tiền chảy mạnh giúp các cổ phiếu lớn bé đua nhau khởi sắc, trong đó nhóm cổ phiếu lớn vẫn là đầu tàu giúp thị trường có phiên giao dịch cuối tuần khá đẹp mắt.
Bất chấp những dự đoán thiếu tích cực, những lo ngại trước diễn biến khó đoán của thị trường, dòng tiền đã nhập cuộc khá sôi động ngay khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 2/11 giúp sắc xanh lan tỏa. Chỉ số VN-Index khởi sắc sau phiên quay đầu hôm qua, thậm chí có thời điểm tăng vọt gần 10 điểm.
Tâm lý hưng phấn vẫn duy trì khá tốt khi bước sang phiên giao dịch chiều giúp VN-Index vượt qua mốc 920 điểm chỉ trong vài phút đầu phiên. Lực cầu tiếp tục gia tăng mạnh giúp sắc xanh bao phủ trên diện rộng, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là trụ cột dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Chỉ số VN-Index đang trên đường về đích ngưỡng 930 điểm thì gặp chút khó khăn. Áp lực bán bất ngờ tăng trong đợt khớp ATC khiến đà tăng của thị trường bị chặn lại, tuy nhiên thị trường đã có cái kết tuần khá đẹp.
Đóng cửa, sàn HOSE tràn ngập sắc xanh với 201 mã tăng và chỉ 89 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 16,9 điểm ( 1,86%) lên 924,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 222,36 triệu đơn vị, giá trị 4.381,47 tỷ đồng, tăng 22% về lượng nhưng giảm 30,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có đóng góp 13,27 triệu đơn vị, giá trị 489,84 tỷ đồng.
Tương tự, dòng tiền cũng chảy mạnh trên sàn HNX giúp HNX-Index được kéo lên mức cao nhất trong ngày khi kết phiên. Cụ thể, HNX-Index tăng 2,38 điểm ( 2,3%) lên 105,75 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 38,22 triệu đơn vị, giá trị 537,74 tỷ đồng, tăng 25,89% về lượng và 38,36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chưa tới 2 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30 chỉ còn HSG và KDC giảm nhẹ, còn lại đều tăng khá mạnh hoặc một số mã đứng giá tham chiếu như SAB, GMD, DHG.
Mặc dù có thời điểm HSG đã khởi sắc sau 2 phiên liên tiếp nằm sàn nhờ lực cầu gia tăng mạnh, nhưng áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài khá lớn khiến cổ phiếu này kết phiên trong sắc đỏ. Đóng cửa HSG giảm 4,4% xuống 8.210 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động 12,95 triệu đơn vị.
Đáng kể, tất cả các cổ phiếu trong top 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn đều tăng khá mạnh như CTG tăng 2,2% lên 23.500 đồng/CP, GAS tăng 1,2% lên 102.700 đồng/CP, MSN tăng 3% lên 84.500 đồng/CP, VCB tăng 2,8% lên 56.200 đồng/CP, VIC tăng 0,5% lên 96.000 đồng/CP, VNM tăng 3,7% lên 118.500 đồng/CP, TCB tăng 1,9% lên 26.600 đồng/CP, VHM tăng 4,3% lên 72.000 đồng/CP, BID tăng kịch trần 6,9% lên 32.450 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu OGC không có thêm giao dịch khi trống bên bán trong khi dư mua trần chất đống với hơn 11 triệu đơn vị và khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường với 37,62 triệu đơn vị.
Video đang HOT
Tương tự, tình trạng vắng cung cũng khiến lượng dư mua trần tại FIT tiếp tục tăng. Kết phiên, FIT đứng tại mức giá trần 3.490 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2,75 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài OGC và FIT, một số mã vừa và nhỏ quen thuộc cũng đã khoác trên mình chiếc áo tím như TTF, QCG, LDG.
Trên sàn HNX, trong nhóm HNX30 cũng chỉ còn BVS và VCG giảm nhẹ, còn lại đứng giá tham chiếu hoặc tăng. Trong đó, các mã lớn tăng khá tốt, là các đầu tàu dẫn dắt thị trường tiến bước.
Cụ thể, ACB tăng 3,8% lên 30.400 đồng/CP, NTP tăng % lên 31.000 đồng/CP, PVI tăng 2,6% lên 31.800 đồng/CP, PVS tăng 2,7% lên 18.700 đồng/CP, VCS tăng 8,3% lên 78.000 đồng/CP, VGC tăng 3,3% lên 15.600 đồng/CP, SHB tăng 1,3% lên 7.700 đồng/CP…
Trong đó, SHB vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 5,32 triệu đơn vị được khớp lệnh; tiếp đó là PVS với 4,49 triệu đơn vị, ACB với 4,36 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, đà tăng cũng được nới rộng hơn trong phiên chiều. Đóng cửa, UPCoM tăng 0,43 điểm ( 0,85%) lên 51,74 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,4 triệu đơn vị, giá trị 184,39 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,87 triệu đơn vị, giá trị 30,96 tỷ đồng.
Bộ đôi BSR và VGT dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Trong đó, BSR có khối lượng giao dịch 1,5 triệu đơn vị và kết phiên tại mức 16.400 đồng/CP, tăng 1,2%; còn VGT tăng 4,2% lên 12.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch 1,19 triệu đơn vị.
T.Thúy
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Phiên chiều 1/11: Nỗ lực tăng điểm bất thành
Mặc dù lực cầu hỗ trợ tích cực đã giúp thị trường đi lên tiệm cận mốc tham chiếu nhưng nỗ lực bất thành trước áp lực bán dâng cao, chỉ số VN-Index "lầm lũi" đi xuống và để mất mốc 910 điểm vừa lấy lại được trong phiên hôm qua.
Phiên tăng mạnh ngày hôm qua (31/10) chưa đủ để tạo niềm tin cho giới đầu tư sau chuỗi ngày dài 9 phiên giảm sâu liên tiếp. Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tiên của tháng 11, bên cạnh dòng tiền tham gia có phần thận trọng, áp lực bán gia tăng khiến thị trường rung lắc và quay đầu điều chỉnh về sát mốc 910 điểm khi chốt phiên.
Sang phiên giao dịch chiều, ngay khi đẩy về dưới mốc 910 điểm, lực cầu được kích hoạt đã giúp đà giảm thu hẹp đáng kể. Chỉ số VN-Index tiến sát mốc tham chiếu chỉ sau hơn 30 phút giao dịch.
Tuy nhiên, lực bán gia tăng mạnh sau hơn 1 giờ giao dịch đã dập tắt nỗ lực thị trường. Sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip là gánh nặng chính đẩy các chỉ số chìm sâu dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 98 mã tăng và 191 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 6,8 điểm (-0,74%) xuống 907,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 182,18 triệu đơn vị, giá trị 6.322,56 tỷ đồng, giảm 15,73% về lượng và 9,43% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 60,5 triệu đơn vị, giá trị 3.643,72 tỷ đồng, trong đó riêng MSN thỏa thuận 27,41 triệu đơn vị, giá trị 2.275,18 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 2,79 triệu đơn vị, giá trị 204,83 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 5,75 triệu đơn vị, giá trị 230 tỷ đồng; VFG thỏa thuận 6,32 triệu đơn vị, giá trị 243,44 tỷ đồng.
Gần như toàn bộ các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm điểm, ngoại trừ CTD, GMD và VJC tăng nhẹ; SBT đứng giá tham chiếu.
Trong đó, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất hầu hết đều giao dịch thiếu tích cực như VIC giảm 1,7% xuống 95.500 đồng/CP, VHM, VNM giảm 1,6% xuống 114.300 đồng/CP, VCB giảm 1,1% xuống 55.000 đồng/CP, GAS giảm 2,4% xuống 101.500 đồng/CP, SAB giảm 0,2% xuống 222.000 đồng/CP, BID, MSN giảm 1,2% xuống 82.000 đồng/CP, TCB giảm 3% xuống 26.100 đồng/CP, CTG giảm 2,4% xuống 22.850 đồng/CP.
Ngoại trừ BID và VHM có được sắc xanh với mức tăng tương ứng 2,9% lên 30.350 đồng/CP và 3,9% lên 69.000 đồng/CP.
Đáng chú ý trong nhóm VN30, cổ phiếu HSG tiếp tục giảm sâu sau thông tin thiếu tích cực từ việc báo lỗ 100 tỷ đồng trong quý cuối niên độ 2017-2018 (từ ngày 1/4/2017 đến 30/9/2018). Cổ phiếu HSG đã có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, với mức giảm 6,9% và kết phiên hôm nay tại mức 8.590 đồng/CP. Khối lượng khớp lệnh dẫn đầu sàn HOSE với 7,71 triệu đơn vị, dư bán sàn 735.320 đơn vị.
Ngoài HSG, cổ phiếu khác trong ngành thép là NGL chưa thoát khỏi những ngày đen tối. Đây là phiên giảm thứ 11 phiên liên tiếp và là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp. Với mức giảm 6,9%, cổ phiếu NKG kết phiên tại mức 9.270 đồng/CP và khớp 2,9 triệu đơn vị, dư bán sàn 265.230 đơn vị. Chỉ tính trong tháng 10, cổ phiếu NKG đã giảm tới 37,79% từ mức 14.900 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 29/9) xuống mức 9.270 đồng/CP.
Ngoài ra, các thành viên khác trong nhóm thép cũng giảm khá sâu như HPG giảm 1,6% xuống 39.600 đồng/CP, POM giảm 2,2% xuống 11.000 đồng/CP, TLH giảm 3,3% xuống 6.200 đồng/CP.
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng mạnh trong nửa cuối phiên chiều khiến đà giảm càng sâu hơn.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 1,99 điểm (-1,89%) xuống 103,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 30,36 triệu đơn vị, giá trị 388,64 tỷ đồng, giảm 21,93% về lượng và 29,29% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,4 triệu đơn vị, giá trị 87,16 tỷ đồng.
Cũng giống sàn HOSE, top 10 mã vốn hóa lớn nhất trên sàn HNX cũng thiếu tích cực khi hều hết đều giao dịch trong sắc đỏ. Cụ thể, ACB giảm 3,3% xuống 29.300 đồng/CP, VCS giảm 1,6% xuống 72.000 đồng/CP, SHB giảm 1,3% xuống 7.600 đồng/CP, PVS giảm 4,2% xuống 18.200 đồng/CP, PVI giảm 1,9% xuống 31.000 đồng/CP, VGC giảm 3,2% xuống 15.100 đồng/CP, NTP giảm 7,2% xuống 42.600 đồng/CP, PHP giảm 2,6% xuống 11.100 đồng/CP.
Chỉ còn DGC tăng 1,9% lên 48.000 đồng/CP và VCG đứng mốc tham chiếu.
Trong đó, cổ phiếu PVS dẫn đầu thanh khoản trên sàn với hơn 4 triệu đơn vị. Tiếp đó là anh em nhà bank với SHB khớp 3,7 triệu đơn vị và ACB khớp 2,9 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, cũng chịu tác động chung của thị trường, chỉ số UPCoM-Index nới rộng đà giảm về cuối phiên. Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,91%) xuống 51,31 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,63 triệu đơn vị, giá trị 180,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,23 triệu đơn vị, giá trị 47,86 tỷ đồng.
Bộ đôi cổ phiếu lớn là VEA và BSR dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Trong đó, VEA tăng % lên 35.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch gần 1,4 triệu đơn vị; còn BSR giảm % xuống 15.900 đồng/CP và chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh BSR, các mã lớn khác cũng góp phần gia tăng gánh nặng cho thị trường như LPB, POW, HVN, VGT, OIL, VGI, QNS, DVN
T.Thúy
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tập đoàn Sao Mai đăng ký mua 27 triệu cổ phiếu IDI Theo thông tin từ HOSE, CTCP Tập đoàn Sao Mai, tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Văn Hung, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI - sàn HOSE) đăng ký mua 27 triệu cổ phiếu IDI. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh...