Phiên bản ‘tàng hình’ của Omicron đe dọa làm phức tạp nỗ lực chống dịch COVID-19
Tuần trước, các nhà khoa học đã xác định được phiên bản thứ hai của biến thể Omicron mà xét nghiệm PCR khó có thể phát hiện.
Đây được gọi là phiên bản “tàng hình” của Omicron, đe dọa làm phức tạp nỗ lực theo dõi và giám sát sự lây lan của biến thể này.
Hình ảnh đồ họa của Omicron, biến thể lần đầu tiên báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới từ Nam Phi vào ngày 24/11. Ảnh tư liệu: Getty Images
Sự xuất hiện của phiên bản mới trên đã khiến các nhà nghiên cứu tách biến thể Omicron thành hai dòng gồm Omicron tiêu chuẩn, còn gọi là BA.1, và phiên bản mới BA.2. Cho đến nay, BA.1 là dạng phổ biến nhất và được phát hiện ở 49 quốc gia, đồng thời đang nhanh chóng thay thế Delta trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo. Trong khi đó, có chưa tới 10 trường hợp nhiễm BA.2 nhưng lại không chứa đặc điểm di truyền quan trọng vốn tạo điều kiện để các xét nghiệm PCR phát hiện hiệu quả. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc theo dõi tỷ lệ lây lan thực sự của BA.2.
Thông thường, virus SARS-CoV-2 bao gồm 4 gene là N, S, E và ORF. Xét nghiệm PCR hoàn chỉnh có thể chỉ ra toàn bộ những gene này. Biến thể Omicron gốc thiếu đoạn gene S. Như vậy, xét nghiệm PCR vẫn có thể phát hiện người nhiễm Omicron mà không cần giải trình tự gene. Tuy nhiên, “Omicron tàng hình” sở hữu nhiều điểm chung với Omicron tiêu chuẩn song đoạn gene S của nó không biến mất, khiến xét nghiệm PCR khó phân biệt.
Video đang HOT
Với BA.1, xét nghiệm PCR có thể phát hiện đặc điểm “thiếu đoạn gene S” để phân biệt với Delta, từ đó giúp các nhà khoa học “gắn nhãn” các bệnh phẩm nghi ngờ để thực hiện giải trình tự gen và xác minh chính xác. Do đó, các phòng thí nghiệm có thể xác nhận sự hiện diện của Omicron từ 2 đến 3 ngày sau khi được lấy mẫu xét nghiệm. Ngược lại, phải mất 2-3 tuần để xác định “Omicron tàng hình”.
Tiến sĩ Davey Smith, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Diego (Mỹ) nhận định sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng tới quá trình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bởi các bác sĩ cần phải biết thời điểm nên chuyển hướng sang phương pháp điều trị khác. Một số loại thuốc kháng thể đơn dòng có thể chống lại Delta nhưng lại kém hiệu quả hơn với Omicron. Tuy nhiên, các bác sĩ không có thời gian để xác định biến thể gây bệnh trước khi điều trị và thuốc kháng thể đơn dòng cần được sử dụng ngay trong những ngày xuất hiện các triệu chứng ban đầu.
Hiện “Omicron tàng hình” đã được ghi nhận tại Canada, Australia, Anh và Nam Phi. Các nhà khoa học cho biết còn quá sớm để biết liệu dạng Omicron mới có lây lan theo phương thức cũ hay không, nhưng phiên bản “tàng hình” có khác biệt về mặt di truyền, do đó có thể hoạt động theo cách khác.
Nhật Bản phát hiện đột biến có thể khiến Delta nguy hiểm hơn
Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện, một đột biến ở biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 khiến nó gây triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người nhiễm bệnh.
Đột biến P681R được cho là yếu tố khiến Delta nguy hiểm hơn các chủng khác của SARS-CoV-2 (Ảnh: News Medical).
Hãng tin Asahi đầu tuần này dẫn nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Y tế của Đại học Tokyo và các chuyên gia khác cho biết, sự nguy hiểm của biến chủng Delta có thể là do đột biến P681R xảy ra ở protein gai, cấu trúc ở bề mặt để virus bám vào tế bào người.
Đột biến này khiến cho các tế bào nhiễm bệnh tạo thành các đốm tròn trên phổi và dẫn đến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu các tế bào này chết đi, các mô phổi có nguy cơ bị tổn thương nặng.
"Nghiên cứu tập trung vào đột biến P681R này ít nhất có thể giải thích phần nào tại sao biến chủng Delta gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Rất có thể virus chứa đột biến này gây ra bệnh nặng hơn, và đó là lý do khiến chúng phải lưu ý đến nó", ông Kei Sato, phó giáo sư Viện Khoa học Y tế, Đại học Tokyo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature. Để tìm hiểu về đột biến P681R, các nhà khoa học Nhật Bản đã cho biến chủng Delta lây lan vào các tế bào chuẩn bị sẵn trong phòng thí nghiệm. Họ phát hiện các tế bào này dính vào nhau, tạo ra các đốm tròn có kích thước lớn hơn khoảng 3,6 lần so với kích thước trung bình của các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, các con chuột thí nghiệm bị nhiễm Delta giảm cân nhiều hơn và có các triệu chứng liên quan đến hô hấp nghiêm trọng hơn so với những con chuột nhiễm chủng ban đầu của SARS-CoV-2.
Để đánh dấu chính xác đột biến trên, nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị sẵn các virus có các đặc điểm của virus chủng gốc và bổ sung thêm đột biến P681R. Họ phát hiện ra rằng khi các tế bào nhiễm virus có chứa đột biến P681R, chúng tạo ra các đốm tròn lớn giống như trong các thí nghiệm với biến chủng Delta. Chuột nhiễm virus chứa đột biến này cũng có dấu hiệu giảm cân nhanh và các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng, giống kết quả thí nghiệm với chuột nhiễm biến chủng Delta.
Mô phổi gồm các tế bào được sắp xếp một cách có trật tự, song các nhà nghiên cứu tin rằng, các tế bào nhiễm biến chủng Delta tạo thành các đốm tròn đã phá vỡ trật tự này, gây tổn thương cho phổi khi tế bào đó chết.
Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh Delta tiếp tục gây lo ngại cho thế giới bên cạnh sự xuất hiện mới đây của biến chủng Omicron. Nhật Bản hiện đã ghi nhận hơn 10 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, chủ yếu là các ca nhập cảnh, chỉ có một ca trong cộng đồng.
Ca Omicron cộng đồng đầu tiên ở Nhật Bản là một nhân viên của cơ sở cách ly gần sân bay quốc tế Kansai ở tỉnh Osaka, nơi có 3 người nhiễm biến thể Omicron đang tạm trú. Giới chuyên gia cho rằng, Nhật Bản nên chuẩn bị sẵn phương án đối phó với Omicron - biến chủng được cho là có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với Delta.
Tổng Thư ký LHQ phải cách ly do tiếp xúc gần ca mắc COVID-19 Theo các nguồn tin ngoại giao, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 từ một quan chức LHQ mắc COVID-19 và phải cách ly trong vài ngày tới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN Nguồn tin cho biết người đứng đầu LHQ phải hủy bỏ một số hoạt động tham gia...