Phiếm đàm: Ăn Tết kiểu… làng xã
Quan trọng là người Việt Nam cần phải thay đổi những thói quen ăn Tết kiểu… làng xã, không còn phù hợp với nền kinh tế trong thế kỷ thứ 21.
Xã hội văn minh và phát triển đều hướng tới tạo thời gian nghỉ nhiều hơn cho người lao động. Các nước văn minh đều có tổng thời gian nghỉ bao gồm các ngày nghỉ cuối tuần, các ngày lễ nhiều hơn Việt Nam chúng ta. Trên lý thuyết, các công ty và tổ chức được nghỉ ngày thứ 7, tuy nhiên trong thực tế đa phần các công ty đều bắt người lao động đi làm nửa ngày.
Ví dụ: Một ngân hàng triển khai việc đi làm năm ngày/ một tuần, nhưng thực hiện việc trừ lương vì nghỉ 4 lần nửa ngày thứ bảy. Tính chi li, số ngày lao động của Việt Nam sẽ nhiều hơn số ngày làm việc các nước khác là 26 ngày, do 52 ngày thứ bảy đi làm. Từ con số đó, quan điểm bỏ ngày Tết “ta” là không hợp lý với xu hướng phát triển văn minh của xã hội.
Tại sao việc bỏ Tết “ta” lại tạo ra những ý kiến trái chiều, trong khi số lượng ngày nghỉ tại Việt Nam là không nhiều. Những lý do quan trọng để bỏ Tết “ta” là luận điểm cần phải tăng năng suất thông qua tăng số ngày làm việc. Điều đó có hiệu quả hay không khi bỏ Tết “ta” chúng ta chỉ có thêm bốn ngày làm việc?
Nhìn nhận thực tế, năng suất = năng suất lao động/ một ngày nhân với số ngày lao động. Nếu như tăng số ngày đi lao động, trong khi năng suất lao động trong một ngày không tăng thì kết quả cuối cùng năng suất không đạt được.
Video đang HOT
Nguyên nhân chính của ngày Tết “ta” tạo sút giảm trong năng suất, đó là lối sống không hiệu quả của lao động Việt Nam còn tồn tại từ văn hóa làng xã và nông nghiệp. Nói cách khác, chúng ta phải có một văn hóa ăn Tết lành mạnh thay vì bỏ ngày Tết “ta” để tăng hiệu quả . Người lao động Việt Nam vì ngày tết lễ đã để mất quá nhiều hiệu quả công việc.
Cảnh công sở vắng tanh những ngày đầu năm
1. Lao động Việt Nam không coi trọng bản thân: Lao động nước ngoài họ rất coi trọng bản thân và công việc. Khi chủ nhật chấm dứt, thứ hai họ vào công ty với 100% công suất. Buổi tối chủ nhật hoặc ngày lễ cuối cùng họ sẽ không có các buổi tiệc hoặc uống rượu bia suốt sáng để ảnh hưởng tới năng suất lao động cho ngày làm việc kế tiếp. Các lao động Việt Nam cho dù ngày mai đi làm sau Tết, nhưng tối nay vẫn hoành tráng 4- 5 két bia cùng bạn bè.
2. Lao động Việt Nam không coi trọng kỷ luật: Tết “ta” chỉ kéo dài trong bốn ngày nhưng cả nửa tháng trước Tết, mọi cá nhân không tập trung làm việc vì lo bàn bạc chuẩn bị. Thói quen này cần phải được đấu tranh mạnh mẽ vì nó làm sút giảm hiệu suất làm việc. Các nước xung quanh chúng ta, người lao động làm việc rất chuyên nghiệp cho tới tận ngày cuối cùng.
3. Thời đại văn minh nhưng ăn Tết theo kiểu làng xã: Nghỉ Tết chỉ mấy ngày nhưng các lý do vui chơi sau Tết kéo dài vô tận. Từ đi chào hỏi bạn bè sau Tết, liên hoan gặp mặt, đi chùa chiền đầu năm. Tác phong làm việc này cần phải được xóa bỏ tận gốc rễ để đảm bảo năng suất làm việc cho cả năm.
4. Thay đổi quan niệm về chuẩn bị Tết: Văn hóa làng xã và nông nghiệp cổ vũ cho các sản phẩm đặc trưng và tự làm của ngày Tết. Xã hội đã phát triển và chúng ta không nên cầu kỳ tìm kiếm các sản phẩm để thể hiện trong ngày Tết. Có một thực tế là các bà nội trợ sẵn sàng bỏ giờ làm việc để đi tìm mua các sản phẩm cho ngày Tết tại gia đình.
5. Xóa bỏ các hủ tục: Hủ tục tặng quà Tết cần phải nghiêm cấm xóa bỏ. Các công ty và cá nhân mất rất nhiều thời gian để đi tặng quà Tết. Trước Tết chúng ta rất dễ dàng thấy các công ty xuôi, ngược tặng quà lẫn nhau. “Chi phí ẩn” của việc tặng quà cũng không phải là nhỏ trong việc suy giảm năng suất trước Tết. Hơn nữa, đây còn là một cơ hội biếu xén, hối lộ, chạy chức chạy quyền…, nhân danh chúc Tết thủ trưởng.
6. Thay đổi các thói quen trong ngày Tết: Thói quen ăn Tết của nhân dân ta vẫn còn quá nhiều phong tục không phù hợp với nhịp sống hiện đại. Các tập quán như thăm hỏi nhau, có thể chỉ cần gọi điện thoại chúc mừng. Hoặc tổ chức một buổi lễ tại gia đình một thành viên và toàn bộ mọi người có mặt là hoàn thành lễ thăm hỏi. Các việc chuẩn bị Tết cũng nên tiết giảm và sử dụng dịch vụ bên ngoài nhằm tiết kiệm thời gian.
Lễ Tết là một phần văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những yếu tố văn hóa đó chính là đảm bảo dân tộc Việt Nam chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan trong toàn cầu hóa. Quan trọng là người Việt Nam cần phải thay đổi những thói quen ăn Tết kiểu…làng xã, không còn phù hợp với nền kinh tế trong thế kỷ thứ 21.
Thực hiện được điều đó chúng ta sẽ vẫn có ngày Tết truyền thống, trân trọng những giá trị văn hóa lịch sử, mà vẫn đảm bảo năng suất lao động của thời hội nhập.
Theo Vũ Tuấn Anh (TuanVietNam)
Phiếm đàm: Cấm nhé
Cuối năm biết em rất bận nhưng anh phải biên ra đây vài dòng gửi em kẻo bức xúc quá.
Người ta vừa đưa ra quy định: Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và phổ thông không tổ chức các cuộc thi người đẹp, cuộc thi "Miss Teen" trong học sinh, sinh viên.
Cấm học sinh thì không nói, dưới 18 tuổi mà. Còn sinh viên sao lại cấm nhỉ? Ta quen nhau cũng nhờ cuộc thi hoa khôi. Giảng đường bí rì rì, ký túc xá thì ngăn nam ở một dãy nhà, nữ một dãy, đến với nhau phải có giờ như trại tù. Buồn thê thảm.
Mà chúng ta đều đã qua 18 tuổi. Ít sân chơi thì nhiều tệ nạn. Có cuộc thi nữ sinh hoa khôi, không khí cả trường rầm rầm chuyển động. Lớp chọn ra một em xinh, khoa chọn ra một em xinh, và thi đấu. Cả trường, cả khoa, cả người hâm mộ chăm bẵm em xinh ấy.
Sinh viên chúng mình hứng thú mong chờ cuộc thi hơn một buổi học ngoại khóa. Vì quý hiếm nên đó sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Em đẹp vượt tầm khoa, tầm trường, tầm đài truyền hình.
Nhưng chưa bao giờ anh thấy em vênh vang kiêu ngạo, cũng chưa bao giờ thấy em được ưu tiên trong thi hết môn, dù thi lần một, lần hai hay lần ba.
Để thấy rằng, những người đã muốn đi bằng đường tri thức, thì một giải thưởng về sắc đẹp không phải là bệ phóng cũng không là cái đích của họ. Cảm ơn cuộc thi vì anh không phải đại gia vẫn có được hoa khôi.
Nay, những kỳ cuộc kiểu đó bị cấm rồi, ức không? Sao có những thứ cấm lạ như vậy em? Lại nhớ, ở nhiều trường phổ thông cách trung tâm Hà Nội vài chục cây số hồi đầu năm 2012, người ta còn không cho học sinh kém tham dự kỳ thi đại học.
Những học sinh bị phân luồng vào loại kém sẽ được chăm bẵm bồi dưỡng cho giỏi lên, nhằm thi đỗ đại học và đưa về cho địa phương tỷ lệ đỗ đại học đẹp.
Hồi tháng 7 tháng 8, vào mùa thi, vài báo đưa bài tuyên truyền cho các nhóm trường trung câp cao đẳng nghề, đại ý: Cứ học lấy một nghề rồi liên thông lên cao đẳng, đại học sau cũng chưa muộn, bởi mọi con đường đều dẫn đến giảng đường
Bây giờ, Bộ GD&ĐT đã cấm hẳn liên thông. Từ chỗ vào đại học cực dễ, nay thì không còn đường vòng vào đại học. Trong nửa năm, chứng kiến hai thái cực trái ngược, phụ huynh và con em chả biết đâu mà lần.
Này, anh cấm em lo lắng quá nhé.
Theo Trần Thanh (Tiền Phong)
Phiếm đàm: Người HN gốc, căn cứ vào đâu? Bàn về Hà Nội, thế nào là một người Hà Nội gốc cũng là để bàn về việc mỗi người đã có văn hóa làm người chưa? Bấy lâu nay người ta hay nói đến cụm từ "người Hà Nội gốc", không ít người cũng tự nhận mình gốc Hà Nội và lấy làm hãnh diện về điều đó. Cách đây 30 năm,...