Phía sau sự nôn nóng chấm dứt chiến tranh Triều Tiên của ông Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ muốn tranh thủ những điều kiện thuận lợi nhất hiện nay để cùng với Mỹ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên sau nhiều năm căng thẳng vì chương trình hạt nhân.
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nắm tay khi xem chương trình nghệ thuật tại Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6, các cuộc đàm phán hạt nhân vẫn không thể diễn ra suôn sẻ do bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên về việc thực hiện mục tiêu nào trước: tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên luôn cho rằng nước này đã thể hiện thiện chí tích cực khi dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, cho nổ tung lối vào khu thử hạt nhân Punggye-ri, bắt đầu dỡ bỏ một cơ sở thử tên lửa và trao trả hài cốt các binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên.
Việc kêu gọi đàm phán hòa bình không phải chiến thuật mới. Trước đây chính quyền Triều Tiên đã sử dụng chiến thuật này để trì hoãn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Hàn Quốc và Triều Tiên trên danh nghĩa vẫn chưa chấm dứt chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh Triều Tiên.
Trước đây cố lãnh đạo Kim Jong-il dường như nhận ra rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là lập trường tối thượng và Mỹ sẽ không chấp nhận đàm phán hòa bình với Bình Nhưỡng nếu Washington chưa có trong tay một thỏa thuận cam kết phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, con trai ông Kim Jong-il, dường như có lý do khả thi hơn để tin rằng việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể nằm trong khả năng của ông cùng với sự hợp tác của Tổng thống Donald Trump.
Trọng tâm và động lực thúc đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong-un tìm kiếm tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên xuất phát từ nhiều yếu tố.
Người bạn ở Mỹ
Thứ nhất, ông Kim Jong-un đã nhìn ra cơ hội hiếm có khi hợp tác với ông Trump – nhà lãnh đạo từng công khai công kích giá trị liên minh của Mỹ với Hàn Quốc.
Kết bạn với Tổng thống Trump đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang có một đối tác đồng cảm với ông tại Nhà Trắng, người sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên bất chấp những lời tham vấn từ các cố vấn. Ông Trump cũng là người đồng ý ký tuyên bố chung với ông Kim Jong-un tại Singapore mặc dù văn kiện này được đánh giá là yếu kém và không thúc đẩy chính sách của Mỹ trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng Triều Tiên.
Những bình luận của Tổng thống Trump trên mạng xã hội, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ gọi ông Kim Jong-un là người “đáng trân trọng” đồng thời bày tỏ mong muốn được gặp thượng đỉnh lần hai, cùng những lời khen ngợi khác càng củng cố thêm niềm tin cho nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng sự lôi cuốn của cá nhân ông đối với tổng thống Mỹ đang phát huy hiệu quả.
Video đang HOT
Đối tác ở Seoul
Yếu tố thứ hai thúc đẩy ông Kim Jong-un duy trì mối quan hệ hòa dịu với Mỹ có liên quan tới vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Chính quyền tiến bộ của Tổng thống Moon Jae-in không giống với các chính quyền bảo thủ trước đây của các cựu Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye, những nhà lãnh đạo theo đuổi lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Theo đó, ông Kim Jong-un đã có thêm một đối tác ở Soeul.
Kể từ khi ông Kim Jong-un “bật đèn xanh” về chiến lược hòa dịu trong bài phát biểu mừng năm mới 2018, Tổng thống Moon đã tích cực đóng vai trò trung gian, ủng hộ và thúc đẩy các cuộc đàm phán Mỹ – Triều, từ đó đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Định hình dư luận
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Liên quan tới yếu tố thứ ba, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tìm cách xoay chuyển mối quan tâm của thế giới khi nhắc tới Triều Tiên. Theo đó, ông Kim đã hướng các cuộc thảo luận của cộng đồng quốc tế vào các vấn đề không liên quan tới hạt nhân nhằm hạn chế sự chú ý vào chương trình vũ khí của Triều Tiên, đồng thời tiết chế sự nôn nóng của các nước trong việc áp đặt lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng.
Sau khi tuyên bố hoàn tất chương trình vũ khí hạt nhân, ông Kim Jong-un công khai chuyển hướng sang cam kết hợp tác và tập trung vào phát triển kinh tế. Đây cũng là những chủ đề chính được Triều Tiên thể hiện trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 9/9.
Đồng minh lâu năm
Một yếu tố nữa thúc đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong-un xích lại gần hơn với Tổng thống Trump là Trung Quốc. Ông Kim Jong-un có lẽ đang giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách bắt đầu tiến trình đàm phán hòa bình với Mỹ.
Ông Kim Jong-un có thể toan tính rằng các cuộc đàm phán song phương với Mỹ có thể giúp Triều Tiên tăng đối trọng với Bắc Kinh, từ đó khích lệ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra những chính sách có lợi hơn cho Bình Nhưỡng như giảm các lệnh trừng phạt. Ông Kim Jong-un dường như đang lợi dụng chính những lo ngại của Trung Quốc rằng nước này có thể bị gạt ra ngoài lề trong các vấn đề Triều Tiên.
Hoài nghi về Triều Tiên
Theo nhà nghiên cứu Jung H Pak tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á tại Viện nghiên cứu Brookings, Mỹ không nên bị xao lãng trước các động thái của Triều Tiên. Chuyên gia này cho rằng trong bối cảnh Nhà Trắng đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai, trong đó vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên chắc chắn sẽ được thảo luận, chính quyền Trump nên cân nhắc kỹ lưỡng về các toan tính của Triều Tiên.
Tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên không phải là “chìa khóa vạn năng” cho mọi vấn đề và đây cũng không phải là trục trung tâm để tương lai quan hệ Mỹ – Triều, sự ổn định khu vực và toàn cầu, cũng như vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, có thể xoay quanh.
Mặc dù việc đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên có thể sẽ mang lại khoảng thời gian tương đối yên bình cho thế giới, song điều này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề lớn hơn. Nếu Mỹ – Triều và các bên đưa ra một tuyên bố hòa bình quá sớm, những nguy cơ nghiêm trọng có thể xảy ra.
Nhà nghiên cứu Jung H Pak lo ngại tuyên bố hòa bình có thể trở thành “công cụ” để Triều Tiên xoay chuyển tình thế trong trường hợp Mỹ và Hàn Quốc nối lại các cuộc tập trận hay Washington công bố thêm các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Khi đó chính quyền Kim Jong-un có thể viện cớ các hành động “thù địch” của Mỹ, cho rằng Washington không thực hiện đúng theo cam kết của tuyên bố hòa bình, để tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Thành Đạt
Theo Dantri/ CNA
Ngoại trưởng Mỹ đến Triều Tiên với trọng trách hóa giải nghi ngờ
Ngày 6.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Triều Tiên với trọng trách hóa giải nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, trong bối cảnh tình báo Mỹ đặt dấu hỏi về ý định phá bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 5, trước thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: Xinhua
CNN dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, ông Mike Pompeo dự kiến gặp riêng nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng, mặc dù chi tiết của cuộc gặp vẫn chưa được công bố.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ mới chỉ đưa ra một số chi tiết về các cuộc đàm phán hậu thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore, nhưng biết rằng ông phải trở về sau chuyến thăm thứ 3 tới Triều Tiên với một kế hoạch cụ thể đối với tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ việc đề ra thời hạn cho quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, song giới chuyên gia cho rằng trong chuyến công du lần này, ông Pompeo sẽ phải thuyết phục Bình Nhưỡng công khai tất cả các vũ khí và cơ sở sản xuất vũ khí cũng như tên lửa - một điều kiện then chốt để giám sát quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Mặt khác, việc công khai toàn bộ quy mô chương trình hạt nhân cũng được xem là phép thử đầu tiên để đánh giá mức độ chân thành của Triều Tiên trong bối cảnh còn nhiều lo ngại Bình Nhưỡng dường như đang tìm cách che giấu một phần nào đó chương trình hạt nhân.
CNN dẫn báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ trong tuần này cho biết, Triều Tiên đang nâng cấp nhanh chóng tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Một số ảnh vệ tinh thương mại gần đây cho thấy các hoạt động vẫn diễn ra ở nhiều bãi tên lửa và nhiên liệu hạt nhân của Triều Tiên.
Giới chức tình báo Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng không có ý định từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình.
Gần như tất cả các quan chức giàu kinh nghiệm của Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng An ninh quốc gia làm việc về Triều Tiên, kể cả ông Pompeo, vẫn hoài nghi về sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un.
Theo một số nguồn thạo tin, những quan chức này coi đàm phán là điều đáng để theo đuổi, nhưng nhận ra rằng họ đối mặt với một trận chiến khó khăn.
Ngoại trưởng Pompeo và đội ngũ chuyên gia của ông biết Triều Tiên có hồ sơ chậm trễ và xáo trộn, nhưng cho rằng các vấn đề trước đây không nên cản trở nỗ lực đạt được thỏa thuận.
Nhưng những người theo dõi Triều Tiên lâu năm lo ngại rằng Bình Nhưỡng và Washington có định nghĩa rất khác nhau về thuật ngữ "phi hạt nhân hóa" - vấn đề đặt ra thách thức với ông Pompeo tranh luận về những chi tiết của một thỏa thuận ràng buộc.
Ngoại trưởng Pompeo cũng đối mặt với một thách thức khác khi trở lại Bình Nhưỡng. Mỹ đã tuyên bố rằng nếu Triều Tiên chậm chạp thực hiện lời hứa phi hạt nhân hóa, Washington sẽ nhanh chóng gia tăng chiến dịch gây áp lực tối đa trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng.
Nhưng ông Kim Jong-un cũng đã nhanh chóng có những động thái "đi trước đón đầu" sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump. Ông Kim đã đến Bắc Kinh chỉ vài ngày sau thượng đỉnh, gặp Chủ tịch Tập Cận Bình lần thứ 3 trong năm. Ông Kim cũng dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tương lai gần.
Chính sách ngoại giao mới này có thể cho ông Kim Jong-un cơ hội để làm suy yếu chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ.
VÂN ANH
Theo Laodong
Đối thoại cấp cao Hàn - Triều: Tháo gỡ dần từng nút thắt Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán về quân sự vào ngày 14.6 tại làng Bàn Môn Điếm trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng giữa hai nước. Hàn Quốc - Triều Tiên đạt được đồng thuận trong các bước tiếp theo để giải quyết các vấn đề quan trọng. Ảnh: Reuters. Quan chức Hàn Quốc -...