Phía sau quyết định mượn máy bay Trung Quốc tới Singapore của ông Kim Jong-un
Hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un sử dụng máy bay chuyên dụng của Trung Quốc để tới Singapore dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong “ván cờ” Triều Tiên đang thay đổi nhanh chóng hiện nay.
Máy bay của Air China chở ông Kim Jong-un hạ cánh xuống sân bay tại Singapore ngày 10/6 (Ảnh: Reuters)
Những ai theo dõi diễn biến của hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều trong tuần này chắc hẳn khó có thể quên hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mặc trang phục “truyền thống” tối màu theo kiểu cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, mỉm cười sải bước trên thảm đỏ được trải sẵn từ máy bay Boeing 747. Người xem có thể thấy rõ thương hiệu của hãng hàng không Trung Quốc Air China và logo hình chim phượng hoàng của hãng này trên thân máy bay chở ông Kim Jong-un.
Ông Kim Jong-un có thể lựa chọn máy bay Trung Quốc vì lý do an toàn khi ông di chuyển qua chặng đường gần 5.000km từ Bình Nhưỡng tới Singapore. Chuyên cơ riêng thường phục vụ nhà lãnh đạo Triều Tiên trong những chuyến công tác là máy bay Ilyushin II cũ từ thời Liên Xô. Ngoài ra, các phi công Trung Quốc được cho là có kinh nghiệm nhiều hơn so với các phi công Triều Tiên trong các chuyến bay ở khoảng cách xa, mặc dù một máy bay khác của Triều Tiên cũng bay cùng thời điểm với máy bay Trung Quốc chở ông Kim Jong-un. Theo SCMP, máy bay Triều Tiên có thể được sử dụng để làm “chim mồi”.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, không có chuyên cơ riêng. Khi cần phục vụ nhu cầu đi lại của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hãng hàng không Air China sẽ điều chỉnh để biến các máy bay thương mại thành chuyên cơ sử dụng cho mục đích đặc biệt. Sau đó, khi nhiệm vụ hoàn thành, các máy bay này lại được Air China cải biến để thành máy bay thương mại như bình thường.
Theo báo Apple Daily (Hong Kong), máy bay Air China Boeing 747 chở ông Kim Jong-un tới Singapore từng phục vụ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể đã đàm phán về việc mượn máy bay với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi tới thành phố Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng 5.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại Trung Quốc hồi tháng 5 (Ảnh: Xinhua)
Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng máy bay chuyên dụng của Trung Quốc để tới Singapore dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump là dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong bối cảnh “ván cờ” địa chính trị liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang thay đổi “chóng mặt”. Trung Quốc không có mặt tại Singapore để dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, song tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh vẫn “phủ bóng” lên sự kiện trọng đại này.
Trong cuộc họp báo tại Singapore sau khi gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Trump không ít lần đề cập tới Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng gửi lời cảm ơn tới Bắc Kinh vì đã nỗ lực thúc đẩy để hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra, đồng thời cho biết ông sẽ gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình để trao đổi về kết quả hội nghị trên chuyến bay từ Singapore về Mỹ.
Rời Singapore sau hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đáp chuyến bay tới Bắc Kinh. Mục đích của chuyến đi này được cho là nhằm thông báo cho lãnh đạo Trung Quốc về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh để đảm bảo rằng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện đúng những cam kết được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh.
Hầu hết truyền thông phương Tây đều cho rằng Tổng thống Trump đã trao cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un điều mà ông Kim đang rất cần, đó là sự thừa nhận trên trường quốc tế. Trong khi đó, những gì mà Mỹ nhận lại từ hội nghị thượng đỉnh là rất ít. Một số ý kiến khác nhận định Trung Quốc mới là bên hưởng lợi nhiều từ cuộc gặp lịch sử này.
Video đang HOT
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay khi ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc đã lên tiếng thể hiện sự ủng hộ và cam kết sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc biến “giải pháp chính trị trong vấn đề Triều Tiên thành một tiến trình có thể xác minh được và không thể đảo chiều”.
Trên thực tế, Trung Quốc có thể được ghi nhận vì vai trò của nước này đối với kết quả của hội nghị thượng đỉnh, mặc dù cả Mỹ và Triều Tiên đều không công khai thừa nhận điều này. Kết quả của cuộc gặp Trump – Kim đã phản ánh chính xác cách tiếp cận “đóng băng kép và hai kênh song song” do Trung Quốc đưa ra từ tháng 3 năm ngoái khi cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến xấu nhất.
Phương án “đóng băng kép” của Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên đình chỉ các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc cũng dừng các cuộc tập trận quân sự chung. Trong khi đó, cách tiếp cận “hai kênh song song” muốn các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa diễn ra đồng thời với việc bình thường hóa quan hệ Mỹ – Triều, từ đó dẫn tới cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Phần lớn những gì Trung Quốc đề xuất đều được hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều nhất trí trong lần đầu gặp mặt. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc và mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Nhà Trắng vào thời điểm thích hợp. Tuy vậy, vẫn có những lý do khiến Bắc Kinh lo ngại về mối quan hệ trong tương lai giữa Mỹ và Triều Tiên – hai quốc gia do hai nhà lãnh đạo với phong cách khó đoán điều hành.
Sau hội nghị thượng đỉnh, Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ được cho là sẽ tìm cách thắt chặt quan hệ với Triều Tiên, vì lý do địa chính trị và nhiều lý do khác. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ca ngợi “ý nghĩa to lớn” trong cam kết phi hạt nhân hóa của ông Kim Jong-un, đồng thời cho biết ông sẽ sắp xếp một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim Jong-un có thể sẽ chớp lấy cơ hội này để mở rộng mối quan hệ quốc tế vốn đang bị hạn chế của Bình Nhưỡng, từ đó giảm sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Bắc Kinh.
Hình mẫu Trung Quốc
Máy bay Air China đưa ông Kim Jong-un về nước sau hội nghị thượng đỉnh tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Mối quan hệ hòa dịu giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ chưa thể ổn định ngay sau nhiều năm căng thẳng. Tổng thống Trump từng tuyên bố tại Singapore rằng ông tiến trình phi hạt nhân hóa có thể sẽ mất một thời gian dài.
Trong tương lai gần, vai trò của Trung Quốc là không thể thiếu đối với Triều Tiên khi Bình Nhưỡng muốn sử dụng mối quan hệ đồng minh gần gũi hơn với Bắc Kinh để nâng cao sức mạnh đàm phán với Washington. Trong khi đó, Mỹ cũng cần Trung Quốc để tiếp tục gây sức ép với Bình Nhưỡng, buộc chính quyền Kim Jong-un phải thực thi cam kết phi hạt nhân hóa theo đúng lộ trình.
Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump đã chiếu một video do chính quyền Mỹ chuẩn bị riêng cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trong đó “vẽ” ra viễn cảnh tươi đẹp cho nền kinh tế Triều Tiên. Thông qua video, ông Trump muốn nhắn gửi rằng nếu ông Kim Jong-un lựa chọn đúng đắn, Mỹ sẽ giúp Triều Tiên phát triển thịnh vượng. Tổng thống Trump nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã phản hồi tốt về video và hiểu thông điệp mà ông muốn truyền tải. Trước đó, ông Kim Jong-un từng tuyên bố dừng chương trình hạt nhân để tập trung nguồn lực phát triển nền kinh tế đang bị đình trệ.
Tuy vậy, Trung Quốc mới là hình mẫu phù hợp hơn với Triều Tiên. Bắc Kinh cũng đi theo mô hình xã hội chủ nghĩa giống Bình Nhưỡng và đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trước đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng nhiều lần hối thúc cố lãnh đạo Kim Jong-il tiến hành những bước cải cách cần thiết cho nền kinh tế, song Triều Tiên khi đó chưa thực sự cải cách triệt để.
So với các thế hệ đi trước, ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo cởi mở hơn trong việc phát triển kinh tế. Theo các báo cáo cáo chính thức của Trung Quốc, trong hai chuyến đi của ông Kim Jong-un tới quốc gia láng giềng trong năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã có sự tác động để ông Kim tiến hành cải cách và hứa sẽ giúp đỡ Triều Tiên. Ông Kim Jong-un được cho là đã cử phái đoàn các quan chức cấp cao của đảng và chính phủ Triều Tiên từ các tỉnh thành phố lớn sang Trung Quốc để học hỏi về mô hình mở cửa và cải cách của quốc gia láng giềng.
Thành Đạt
Theo Dantri
Nobel Hòa bình vẫn xa tầm với của lãnh đạo Mỹ - Triều
Mặc dù Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cùng nhau ký kết một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử, song giới chuyên gia cho rằng cơ hội nhận giải Nobel Hòa bình của hai nhà lãnh đạo vẫn xa vời.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore (Ảnh: ST)
Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra trên đảo Sentosa của Singapore ngày 12/6, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký một tuyên bố chung gồm 4 điểm với nội dung chính là tái khẳng định cam kết của Bình Nhưỡng trong việc "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".
Với kết quả thành công của hội nghị, một số nhà bình luận và chính trị gia, trong đó có các nghị sĩ Na Uy, đã đề xuất trao giải thưởng Nobel hòa bình cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vì những nỗ lực của họ cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ cũng gửi thư tới Ủy ban trao giải Nobel để chính thức đề cử giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Trump. Các nghị sĩ này muốn ghi nhận "nỗ lực không mệt mỏi" của Tổng thống Trump "trong việc mang lại hòa bình cho thế giới".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng giải thưởng danh giá này vẫn nằm ngoài tầm với của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Theo nhận định của các chuyên gia, cả thời điểm xét tặng giải thưởng cũng như phẩm chất của hai nhà lãnh đạo đều chưa phù hợp để đưa hai ông tới bục nhận giải.
Tổng thống Trump từng khiến giới ngoại giao quốc tế sốc khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un bị hoài nghi về vấn đề nhân quyền, theo AFP.
Ngoài ra, nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả thực sự của tiến trình phi hạt nhân hóa theo cam kết của Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh vừa qua. Giải giáp vũ khí hạt nhân cho đến nay vẫn là một tiến trình kéo dài, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận (Mỹ - Triều) dẫn đến việc giải giáp thực sự vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thì sẽ rất khó để không trao giải thưởng cho họ. Đây là tình huống kỳ quặc, nhưng đã từng xảy ra trước đây, khi có những người từng mắc sai lầm nhưng vẫn được nhận giải Nobel Hòa bình", Asle Sveen, nhà sử học chuyên nghiên cứu về giải thưởng Nobel, nói về triển vọng trao giải Nobel Hòa bình cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Sự hoài nghi
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại Singapore (Ảnh: Reuters)
Từ trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, một số nhân vật nổi tiếng như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đều đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump. Họ cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ xứng đáng với giải thưởng này.
Tuy nhiên, sau khi việc trao giải cho ông Barack Obama, người vừa mới đắc cử tổng thống Mỹ, hồi năm 2008 bị chỉ trích là quá vội vàng, Ủy ban Nobel không muốn lặp lại những sai lầm này.
Trước đó, vào năm 2000, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung vì những nỗ lực của ông trong việc hóa giải căng thẳng với Triều Tiên. Tuy nhiên theo Henrik Urdal, lãnh đạo Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo, giải thưởng của Tổng thống Kim sau đó bị nghi ngờ có động cơ đằng sau và có thể là "một chiến dịch quan hệ công chúng".
"Tôi nghĩ họ có thể đang chờ đợi một vài kết quả khả quan trước khi trao giải thưởng", ông Urdal cho biết.
Dan Smith, lãnh đạo viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để quyết định trao giải Nobel hòa bình cho Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Tuyên bố (Mỹ - Triều) mới chỉ là bước đầu tiên, còn hành trình sau đó vẫn rất dài và phức tạp. Những hành động khác của Tổng thống Trump, trong đó đáng nói nhất là việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vốn rất quan trọng cho an ninh toàn cầu, và việc rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn rất quan trọng cho sự ổn định của khu vực Trung Đông, không mang lại hiệu quả tích cực cho nền hòa bình", chuyên gia Smith nhận định.
Nếu tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thực sự hiệu quả, Ủy ban Nobel có thể sẽ rơi vào tình thế khó xử nếu muốn trao giải cho hai nhân vật chính do những vấn đề gây tranh cãi mà họ từng gây ra trong quá khứ. Theo ông Urdal, nhiều người vẫn được trao giải Nobel hòa bình dù quá khứ gặp một số vấn đề như vậy. Vấn đề đặt ra bây giờ là cả Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều chưa nỗ lực đủ để được trao giải thưởng danh giá này.
Theo Tiến sĩ Geir Lundestad, thư ký của Ủy ban Nobel từ năm 1990-2014, "Nobel không phải là giải thưởng dành cho các vị thánh". Mặc dù ca ngợi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore, nhưng ông Lundestad vẫn hoài nghi về việc trao giải cho hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ở thời điểm hiện tại.
"Điều gây khó khăn nhất cho cơ hội nhận giải của Tổng thống Trump là việc ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi lựa chọn con đường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, ông Trump lại châm ngòi xung đột tại Trung Đông và đặt cả khu vực này vào tình thế nguy hiểm", ông Urdal nói.
Theo Tiến sĩ Peter Wallensteen, giáo sư quan hệ quốc tế Thụy Điển, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mới là người xứng đáng nhất lúc này cho giải Nobel Hòa bình.
"Thực ra ông Moon mới là người xứng đáng nhất, nhưng điều này giống như một cú huých chống lại ông Trump", giáo sư Wallensteen nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri
Thủ tướng Singapore bắt tay thân mật ông Kim Jong-un Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã dành cho nhau những cử chỉ thân mật trong cuộc gặp vào chiều nay 10/6. Sau khi trở về khách sạn St Regis vào chiều nay, đoàn xe hộ tống tiếp tục đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên tới dinh tổng thống Singapore, hay còn gọi với tên...