Phía sau cơn giận bất ngờ của Triều Tiên trước thượng đỉnh lịch sử
Việc Triều Tiên bất ngờ đưa ra tuyên bố về khả năng hủy cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về động cơ thực sự của Bình Nhưỡng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Vào sáng sớm hôm nay 16/5, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố dừng các cuộc hội đàm cấp cao với Hàn Quốc dù hai nước đã lên kế hoạch từ trước đó. Bình Nhưỡng thậm chí dọa sẽ xem xét lại kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Mỹ tại Singapore vào ngày 12/6 tới. Theo Yonhap, “cơn giận” của Triều Tiên xuất phát từ việc nước này phản đối cuộc tập trận không quân chung của Mỹ và Hàn Quốc. Bình Nhưỡng từ lâu đã phản đối gay gắt các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ – Hàn vì cho rằng đây là động thái chuẩn bị của liên minh cho kịch bản xâm lược Triều Tiên.
Tuyên bố của Triều Tiên làm dấy lên quan ngại rằng nước này có khả năng sẽ rút khỏi các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình với Mỹ và các bên liên quan – điều mà cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng sau thời gian dài căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên theo giới phân tích, mục đích thực sự của Triều Tiên không phải là hủy bỏ các cuộc gặp với Mỹ và Hàn Quốc, mà đây là nỗ lực mang tính chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm nâng vị thế “mặc cả” trên bàn đàm phán cũng như thể hiện mức độ nhượng bộ của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước khi đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Washington và Seoul.
Ông Kim Jong-un tươi cười khi đón Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng trong tháng 5 (Ảnh: AFP)
“Động thái này rõ ràng nhằm mục đích giúp bảo đảm vị thế cao của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân, đặc biệt liên quan tới vấn đề cốt lõi là bảo đảm an ninh của chính quyền. Sau tất cả, Triều Tiên chỉ quan tâm tới hai vấn đề chính, bao gồm các cuộc tập trận quân sự và việc Mỹ triển khai các khí tài chiến lược tới bán đảo (Triều Tiên). Triều Tiên thực sự muốn giải quyết các vấn đề này, chứ không phải phá hỏng các nỗ lực đàm phán”, chuyên gia an ninh Park Won-gon tại Đại học toàn cầu Handong nhận định.
Cuộc tập trận Max Thunder đang diễn ra giữa lực lượng không quân của Mỹ và Hàn Quốc sẽ kéo dài tới ngày 25/5. Cuộc tập trận này có sự tham gia của hơn 100 máy bay, trong đó có những khí tài chiến lược của Mỹ như 8 máy bay chiến đấu hiện đại F-22. Mặc dù Triều Tiên coi đây là hành động khiêu khích, song cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định cuộc tập trận của hai nước chỉ mang mục đích “phòng vệ” chứ không nhắm mục tiêu cụ thể tới bên nào.
Theo Giáo sư Kim Hyun-wook tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, “Triều Tiên biết rằng việc hủy hội nghị thượng đỉnh (Trump – Kim) sẽ không có lợi cho lợi ích của họ và cũng không có lợi cho lợi ích của Mỹ. Nhưng chính quyền Triều Tiên sẽ không thể chấp nhận các yêu cầu phi hạt nhân hóa của Mỹ nếu họ chưa nhận được sự bảo đảm trước tiên về an ninh”.
Thay đổi bất ngờ
Video đang HOT
Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ tập trận chung với Hàn Quốc tại Hàn Quốc hồi tháng 4 (Ảnh: AP)
Cơn giận dữ của Triều Tiên liên quan tới cuộc tập trận của liên minh Mỹ – Hàn được cho là một động thái gây bất ngờ. Hồi đầu năm, khi bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu hạ nhiệt, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng bày tỏ sự “thấu hiểu” của ông đối với các cuộc tập trận này. Theo các đặc phái viên Hàn Quốc, những quan chức từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un hiểu rằng các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc cần phải được tiếp diễn. Ông Kim thậm chí còn hy vọng Mỹ và Hàn Quốc sẽ “điều chỉnh lại” các cuộc tập trận quân sự thường niên “khi tình hình ổn định”.
Theo ông Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, cuộc tập trận đang diễn ra của liên minh Mỹ – Hàn khiến Triều Tiên “nổi đóa” vì nước này muốn các cuộc tâp trận phải dừng lại sau một loạt động thái cho thấy thiện chí “xuống thang” của Bình Nhưỡng như dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa hay dỡ bỏ khu thử hạt nhân trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế.
“Bình Nhưỡng dường như tin rằng mặc dù họ đã triển khai các biện pháp đơn phương, bao gồm việc dừng các vụ thử hạt nhân hay phá hủy khu thử hạt nhân, tất cả đều với mục đích xây dựng lòng tin, thì vẫn không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường của Seoul và Washington”, ông Koh nói.
“Khi chặng đường đàm phán vừa mới bắt đầu, Triều Tiên có lẽ cũng không muốn phá bỏ, tuy nhiên nước này vẫn tuyên bố dừng các cuộc hội đàm liên Triều. Động thái này tái khẳng định lập trường cốt lõi của Triều Tiên rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào mà khiến họ “mất thể diện”", Giáo sư Koh nhận định.
Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc nắm tay tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 (Ảnh: Reuters)
Vài tuần trước khi cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra theo kế hoạch, các quan chức cấp cao của Mỹ đã tuyên bố rằng Washington muốn một tiến trình phi hạt nhân hóa nhanh chóng và nghiêm ngặt, đồng thời yêu cầu Triều Tiên phải hủy bỏ kho vũ khí sinh học, hóa học và tên lửa đạn đạo. Điều này có thể khiến Bình Nhưỡng “khó chịu” vì chính quyền Kim Jong-un từng tuyên bố công khai rằng họ chỉ ủng hộ lộ trình phi hạt nhân hóa “theo từng giai đoạn và đồng bộ”.
Theo Reuters, tuyên bố mới nhất của Triều Tiên có thể là cách để nước này phỏng đoán xem mức độ sẵn sàng nhượng bộ của chính quyền Donald Trump tới mức nào trước thềm hội nghị thượng đỉnh song phương. Một chuyên gia về Triều Tiên của chính phủ Mỹ cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đang đánh “đòn gió” để dự đoán khả năng Tổng thống Trump từ bỏ cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng.
“Người Triều Tiên biết cách làm thế nào để đưa ra một lời đe dọa nghiêm trọng. Đây rất có thể là cách để họ tìm kiếm thêm đòn bẩy hoặc để đoán định xem chính quyền Trump sẽ phản ứng như thế nào”, Adam Mount, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.
Mặc dù tuyên bố về khả năng hủy đàm phán của Triều Tiên được đưa ra chỉ vài tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều chính thức bắt đầu, song một số chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng chỉ dừng lại ở những lời đe dọa và không đơn phương hủy bỏ cuộc gặp này một cách dễ dàng như vậy. Sự thiện chí của ông Kim Jong-un trong suốt thời gian qua cũng như vai trò của các bên liên quan như Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ giúp Triều Tiên “hạ nhiệt” và quay trở lại lộ trình đàm phán. Tuy vậy, con đường tới bàn đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên được dự đoán sẽ còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cuộc gặp thượng đỉnh đánh dấu những "lần đầu tiên" trong lịch sử Hàn - Triều
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày mai được xem là sự kiện lịch sử, đánh dấu những "lần đầu tiên" trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AP)
Theo giới quan sát, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thiết lập nhiều kỷ lục mới trong lịch sử quan hệ song phương. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được tổ chức vào ngày mai 27/4 tại Nhà Hòa Bình ở làng đình chiến Panmunjom, thuộc phía lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy, đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trên đất Hàn Quốc. Hai hội nghị trước đây đều được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào các năm 2000 và 2007.
Cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim lần này cũng đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc, ít nhất kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953). Em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, từng tới Hàn Quốc hồi tháng 2 nhân dịp Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Trước bà Kim Yo-jong, chưa có thành viên nào trong gia đình lãnh đạo Kim từng đi tới quốc gia láng giềng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ duyệt đội danh dự của quân đội Hàn Quốc trước khi bắt đầu hội đàm song phương. Theo đó, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo Triều Tiên thực hiện nghi thức này tại Hàn Quốc.
Trong bối cảnh cả thế giới dường như dõi theo từng diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, các phóng viên nước ngoài sẽ được mời tham gia đoàn báo chí để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Khu Phi Quân sự liên Triều - một trong những khu vực được vũ trang dày đặc nhất thế giới.
"Lần đầu tiên trong lịch sử của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều, các phóng viên nước ngoài sẽ được tham dự với tư cách cá nhân", thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây, chỉ một số ít phóng viên địa phương được phép đưa tin và địa điểm tác nghiệp của họ chỉ giới hạn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tính đến nay đã có hơn 800 phóng viên nước ngoài đăng ký đưa tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều vào ngày mai. Họ có thể chọn vị trí tác nghiệp tại nơi tổ chức hội nghị hoặc tại trung tâm báo chí ở Goyang, cách biên giới Hàn - Triều khoảng 30 km về phía nam.
Theo thống kê của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tổng cộng có 2.850 phóng viên, bao gồm phóng viên của các cơ quan báo chí địa phương, đăng ký đưa tin về sự kiện ngày mai. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được báo chí quan tâm nhiều và có đông phóng viên tác nghiệp như vậy.
Phi hạt nhân hóa
Căn phòng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều vào ngày 27/4 (Ảnh: Yonhap)
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều. Tổng thống Moon Jae-in cho biết cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử thế giới và "bước chuyển giao quan trọng" tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Khác với những lần trước đây, hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là sẽ chỉ tập trung vào chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Để cuộc gặp diễn ra hiệu quả và tập trung vào chủ đề chính, phía Hàn Quốc đã gạt vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi chương trình hội nghị.
"Hợp tác kinh tế chỉ có thể khả thi sau khi tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện, cùng với đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế", một quan chức Hàn Quốc nói với Korea Times.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2000, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thông qua Tuyên bố chung 15/6. Tuyên bố này chủ yếu đặt ra những nguyên tắc chung về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề nhân quyền. Sau hội nghị này, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy hoạt động của Khu phức hợp Công nghiệp Gaeseong - khu công nghiệp chung của hai nước.
Tuyên bố chung 4/10 được hai nhà lãnh đạo Roh Moo-hyn và Kim Jong-il ký tại hội nghị thượng đỉnh năm 2007 cũng đi theo đường lối chung của tuyên bố ký năm 2000, trong đó hai bên nhất trí mở rộng trao đổi hợp tác về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân vẫn chưa được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán liên Triều. Trong khi đó, đây lại là vấn đề then chốt trong cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un vào ngày mai.
Nếu hội nghị thượng đỉnh năm 2007 được tổ chức vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Moo-hyun, hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra khi cả Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump đều đang ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ lãnh đạo. Do vậy, giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào những bước đột phá có thể đạt được trong thỏa thuận song phương Hàn - Triều.
Để đảm bảo duy trì kết quả của thỏa thuận song phương sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn văn kiện này. Ngoài ra, Hàn Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập văn phòng liên lạc lâu dài tại biên giới để giới chức hai nước có thể thường xuyên liên lạc với nhau. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều cũng có thể trao đổi trực tiếp thông qua đường dây nóng được đặt tại văn phòng của họ từ ngày 20/4.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều Chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch treo cờ thống nhất ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Triều Tiên, để thể hiện mong ước hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày mai 27/4 sẽ thành công tốt đẹp. Lá cờ bán đảo...