Phía sau bản án tử hình – Kỳ 3: Người mẹ và những lá đơn xin ân xá
Người phụ nữ gần 60 tuổi, tóc bạc, vóc người nhỏ nhắn bước vào một văn phòng luật sư bằng những bước đi dứt khoát. Bà nắm tay vị luật sư cũ, vừa khóc vừa cười mà nói: “Tôi mừng lắm lắm cô ơi! Cháu nó nay khỏe lắm cô ơi, cải tạo tốt lắm. Nó học được nghề phơi cá cơm nữa!”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ – Ảnh: TÂM LỤA
Nó ở đây là con trai của bà Nguyễn Thị Mỹ, người đã bị TAND tối cao tại TP.HCM kết án tử hình vì hai tội giết người và cướp của vào năm 2009.
Nước mắt bà mẹ nghèo
Trước khi sự việc xảy ra, bà đã không nhìn mặt con trai vì Trương Văn Tài bỏ vợ con, bỏ nhà đi theo người phụ nữ khác. Tài yêu thương và sống chung với người phụ nữ đó gần 10 năm. Rồi cũng chỉ vì ghen tuông, nghĩ người phụ nữ đó không yêu mình nữa mà trong một phút nóng giận, Tài đã đâm chết người ấy. Giết người xong, Tài thuê xe chở hết đồ đạc gồm giường tủ, tivi… mà hai người đã mua sắm trong suốt 10 năm chung sống mang về nhà mình rồi bỏ trốn. Đó là tình tiết làm Tài bị truy tố thêm tội cướp tài sản.
Bà Mỹ lờ mờ biết tin con mình phạm tội khi được công an điều tra gọi lên lấy lời khai về mối quan hệ giữa con trai bà với nạn nhân. Bà bảo: “Khi đó tôi có biết án tử hình là gì đâu, chỉ nghĩ con mình có tội, phải thuyết phục nó ra đầu thú sẽ được sự khoan hồng của pháp luật”.
Thế là bà đi tìm con. Bà tìm ở tất cả những nơi Tài hay lui tới, những chỗ mà bà thường đi mua ve chai. Một ngày, bà thấy Tài đi thất thần ở khu vực cầu Bông (quận Bình Thạnh, TP.HCM), bà dẫn con về phường đầu thú.
Sự thành khẩn khai báo không giúp Tài thoát khỏi án tử hình. Phiên tòa xét xử bị cáo Trương Văn Tài được mở lưu động tại quận Gò Vấp. “Trong khi con tôi đã yêu thương cô ấy, chung sống với nhau suốt 10 năm trời thì sao tòa lại kết tội nó cướp tài sản được. Tòa tuyên nó bị tử hình, tôi chới với không còn biết trời đất gì nữa. Khi định thần lại muốn đứng lên nói với hội đồng xét xử một câu thì họ đã giải tán mất rồi”- bà ngậm ngùi.
Bà muốn tìm một con đường sống cho con, nhưng con đường nào thì bà không biết. Một hôm đi trên đường, bà thấy văn phòng treo biển luật sư tư vấn miễn phí cho người nghèo. Bà vào hỏi có cách nào giúp con bà thoát khỏi án tử hình hay không. Vị luật sư không trả lời mà hỏi ngược lại diện tích nhà bà rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu? Khi nghe bà nói về căn nhà rộng chưa đầy 30 mét vuông, nằm lọt thỏm giữa xóm ve chai nghèo ở quận Gò Vấp, trong căn nhà mà mùa mưa nước ngập nền ấy còn có chồng bà và đứa con trai 30 tuổi bị thần kinh, hằng ngày bà phải đi mua ve chai để nuôi họ… vị luật sư nghe thế liền bảo bà về đi, không có cách cứu con bà đâu.
Tuyệt vọng, bà đi lang thang qua trại giam Chí Hòa tìm gặp con nhưng hết giờ thăm nuôi, bà ngồi bệt dưới gốc cây mà khóc. Người đi đường thấy vậy hỏi rõ câu chuyện rồi chỉ bà vào văn phòng luật sư trước cổng trại giam. Bà lại một lần nữa đi gõ cánh cửa hi vọng về sự sống cho con.
Video đang HOT
Vị luật sư lắng nghe, rồi khuyên bà đi thăm con, rồi khuyên con bà viết kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt lên cấp phúc thẩm. Bà tìm được giấy đăng ký tạm trú tạm vắng chứng tỏ con trai bà và nạn nhân đã sống chung với nhau 10 năm như vợ chồng, chứ không phải giết người cướp tài sản như tòa nhận định. Bà đi xin giấy tha tội chết cho Trương Văn Tài có chữ ký của gần 100 người dân nơi Tài đang sống. Nhưng một lần nữa tất cả những điều ấy thành vô nghĩa khi tòa tối cao bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình với con bà.
Luật sư Nguyễn Kim Liên (Đoàn luật sư TP.HCM) kể lại: “Sau phiên tòa ấy bà về văn phòng luật sư khóc như mưa như gió. Bà bảo không còn hi vọng gì nữa rồi, chỉ tha thiết nhờ tôi giúp làm sao để khi Tài chết có thể lấy xác Tài mang về chôn cất tại Củ Chi yên nghỉ cạnh ông bà nội”.
Cứ gõ, rồi cửa sẽ mở…
Luật sư Liên bảo bà gửi đơn ân xá lên Chủ tịch nước xin giảm án tử hình cho bị cáo. Bà nghĩ còn nước còn tát. Bà làm đơn xin giảm án cho con, kèm theo lá đơn xin giảm tội chết cho Tài có chữ ký của cả trăm người là bà con lối xóm gửi lên Chủ tịch nước.
Luật sư mang hồ sơ ra tận Hà Nội gửi lần thứ nhất, không có hồi âm. Bà gửi hồ sơ qua đường bưu điện một lần nữa, cũng không có hồi âm. Một lần nữa, bà nghĩ thế là hết. Bà vào Chí Hòa thăm con, Tài trách bà khuyên con ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng, ai ngờ vào đây phải chờ chết. Bà nói với con: “Mẹ nhờ luật sư đáp máy bay ra tận Hà Nội nạp đơn cho mày rồi. Mẹ cũng đi gửi đơn xin giảm án cho mày lên Chủ tịch nước nhưng không có ai hồi âm. Thôi thế là hết, coi như mẹ đã cố gắng hết sức. Mày có nguyện vọng sau này được về yên nghỉ gần ông bà nội không để mẹ còn biết đường lo liệu”.
Nói đến đó thì bà khóc, Tài cũng khóc.
Lòng ham sống của con lại một lần nữa thôi thúc bà. Từ đó cứ một tuần hoặc nửa tháng bà lại ra bưu điện Bà Chiểu gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước.
Chuyện Tài giết người tình đã chung sống với mình gần chục năm nay làm rúng động cả xóm nhỏ ở phường 16, quận Gò Vấp. Những ngày con đang chờ thi hành án tử, bà vẫn gắng sức đi mua ve chai nuôi chồng con. Khi báo đăng bài Tài giết người, người ta xì xầm “con bà ve chai đấy”. Bà đi ngang qua, người ta hỏi: “Thằng này là con trai bà hả, nó làm sao mà giết người kỳ vậy bà?”. Rồi “Con bà đã bị xử chưa, bà có lấy được xác nó không, đã có ngày đám giỗ chưa?”… Bà bảo những lời ấy làm bà thấy đứt từng đoạn ruột.
Rồi ngày bà mong cũng đến. Đơn trả lời Tài được Chủ tịch nước ký ân giảm từ tử hình xuống còn chung thân được gửi vào trại giam. Tin ấy cũng lan nhanh khắp xóm nghèo. Ai thấy bà Mỹ đi ngang qua đều kéo bà lại hỏi: “Hỏi thiệt nghen, bà lo vụ đó cho thằng Tài hết bao nhiêu vậy? Sao bà lo lót hay vậy?”. Bà cười rớm nước mắt: “Tiền đâu tôi lo. Ơn cô luật sư đã giúp đỡ miễn phí để thằng Tài thoát tội chết đó. Chuyện này quả thật quá sức tưởng tượng, quá sức bất ngờ trong đời tôi đó”.
Tài đang thi hành án tù chung thân ở trại giam Bình Thuận. Con gái Tài năm nay đã lớn. Vợ cũ của Tài vẫn đợi Tài về. Chị mong ngày con gái tròn 18 tuổi, Tài được ân xá ra trại. Đứa em trai kế Tài bị bệnh, ngày nào tỉnh táo thì cùng bà Mỹ đẩy xe đi mua ve chai, hoặc phụ bán quán cơm cho người ta, được bao ăn cơm trưa và trả tiền công 20.000 đồng. Bà Mỹ vẫn lặn lội mua ve chai nuôi chồng con, đôi mắt bà đã lấp lánh niềm vui chứ không còn u ám như trước.
Suốt câu chuyện dài, chỉ nghe bà nhắc đi nhắc lại câu: “Thiệt mừng quá cô ơi, thiệt quá sức bất ngờ” khi nhắc đến sự sống như một ân huệ dành cho Tài.
Bà nói thế rồi cười. Nụ cười của người mẹ nghèo sau rất nhiều vất vả ngược xuôi đã mở cho con mình một con đường sống. Nói rồi bà lại đạp chiếc xe ba gác cũ đi thu mua ve chai dưới trưa nắng Sài Gòn như đổ lửa.
Theo Tuổi Trẻ
Phía sau bản án tử hình - Kỳ 2: Khi tôi tuyên án tử
"Có lẽ không ai vui vẻ gì khi "được quyền" tước đi sự sống của người khác" - đó là câu trả lời giống nhau của rất nhiều vị chánh án, thẩm phán... ở tòa hình sự các cấp khi chúng tôi hỏi về án tử hình.
Người thân của các bị cáo đứng khóc dưới trời mưa, nhìn theo xe tù tại TAND TP.HCM tháng 7-2012. Trong vụ án này có đến năm người lãnh án tử hình - Ảnh: TÂM LỤA
Với các thành viên trong hội đồng xét xử, khi đưa ra một bản án tử hình họ đã phải cân đong đo đếm đến từng chi tiết nhỏ. Đằng sau sự cân đong đo đếm ấy là rất nhiều suy nghĩ trăn trở, day dứt khi tuyên một án tử.
"Không ai muốn"
Mới chuyển công tác từ TAND TP Bắc Giang về TAND tỉnh Bắc Giang từ cuối năm 2010, thẩm phán Thân Quốc Hùng (phó chánh tòa hình sự) không thể nào quên phiên tòa đầu tiên mình quyết định án tử đối với một bị cáo, cũng là quyết định kết thúc cuộc sống của một con người.
Thẩm phán Phạm Văn Nam: "Mỗi lần làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử về, tôi thường bị phân tâm mất mấy ngày..."- Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
"Đó là bị cáo Hàn Đức Long, phạm hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Lần đầu tiên cầm hồ sơ vụ án, tôi thấy hành vi của bị cáo quá dã man. Hiếp dâm một trẻ em 9 tuổi rồi siết cổ cho đến chết. Trong trường hợp này chỉ cần xác định bị cáo có tội là tử hình. Thế mà khi quyết định án tử, tôi vẫn phải cân nhắc thật kỹ, đọc đi đọc lại hồ sơ. Đầu tiên phải xác định bị cáo có tội hay không. Khi đã xác định có tội rồi mới xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm nhẹ tội cho bị cáo. Lúc đầu tôi cũng phân vân, day dứt nhiều lắm. Không ai muốn tước đi mạng sống của người khác bao giờ, nhưng mình là người thực thi pháp luật nên phải dứt khoát thôi" - thẩm phán Thân Quốc Hùng chia sẻ.
Ở TAND tỉnh Bắc Giang hay một số TAND tỉnh phía Bắc, án tử hình chủ yếu liên quan đến ma túy. Theo lời thẩm phán Hùng, không thể nào cứ một vụ ma túy có sáu người, mỗi người mang 600g ma túy đều tử hình cả sáu được. Khi đó hội đồng xét xử phải phân hóa vai trò của từng bị cáo, áp dụng đường lối xét xử khoan hồng cho các bị cáo.
Là phó chánh án TAND tỉnh Điện Biên, từng tuyên rất nhiều án tử hình, từng làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử, chứng kiến giây phút các bị cáo sụp đổ dưới vành móng ngựa, rồi trút hơi thở cuối cùng trên pháp trường, thẩm phán Phạm Văn Nam khi nhắc đến án tử vẫn còn nguyên những bồi hồi: "Mỗi lần làm chủ tịch hội đồng thi hành án tử về, tôi thường bị phân tâm mất mấy ngày sau đó. Tội phạm ở Điện Biên đa số là do ma túy. Người dân nghèo chỉ vận chuyển thuê, bắt được họ chứ không bắt được người cầm đầu đường dây buôn bán. Đa số bị cáo đều rất nghèo, không biết chữ, vì cuộc sống nên phải lao vào con đường phạm tội. Án tử đối với họ vì không còn sự lựa chọn, sự ân giảm nào khác. Sau những bản án ấy, tôi suy nghĩ nhiều về được mất, về sự sống và cái chết, nhưng luôn phải gạt bỏ tất cả để thi hành nhiệm vụ".
Vụ án mà ông Nam nhớ nhất là bị cáo Nguyễn Thị Vân. Vân bị bắt khi đang vận chuyển hơn 10kg ma túy vào bản Na Ư (Điện Biên). Vân bỏ chồng, nuôi mẹ già và hai con nhỏ. Ngày Vân ra tòa, mẹ già dắt díu hai con của Vân đến. Đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi. Nhìn cảnh ấy Vân xúc động không thể đứng vững. Để chuẩn bị cho án tử hình sắp tuyên với Vân, hội đồng xét xử phải cử hai nữ cảnh sát đứng hai bên và y tá ngồi bên cạnh Vân vì sợ Vân bị sốc.
"Trước khi ra tòa, tôi xem rất kỹ hồ sơ vụ án. Hoàn cảnh Vân như vậy, đưa ra án tử là hậu quả đau lòng cho mẹ và hai con của Vân. Nhưng Vân bị bắt quả tang khi đang vận chuyển một số lượng ma túy lớn, Vân vận chuyển ma túy nhiều năm lại lôi kéo nhiều người tham gia nên không còn lựa chọn nào khác ngoài án tử" - ông Nam chia sẻ.
Phán quyết của cả hội đồng
Theo một thẩm phán TAND TP.HCM đã nhiều năm xét xử, tuyên án tử hình là hình phạt liên quan đến sự sống, cái chết của một con người, các thành viên hội đồng phải cân nhắc từng chi tiết nhỏ liên quan đến vụ án như động cơ phạm tội của bị cáo là gì? Bị cáo đã dùng phương tiện, công cụ gì để phạm tội? Nhân thân bị cáo ra sao? Với mỗi tình tiết tăng nặng như bị cáo phạm tội giết người với động cơ trả thù, hội đồng lại nghiêng về hình phạt tử hình, nhưng với một tình tiết giảm nhẹ thì hình phạt tù chung thân được đưa ra bàn luận. Phán quyết bị cáo lãnh án tử hình hay tù chung thân sẽ được quyết định theo số đông thành viên hội đồng biểu quyết. Bởi thế, tố tụng quy định thành phần hội đồng xét xử luôn là số lẻ: cấp sơ thẩm là năm người (gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân), phúc thẩm là ba thẩm phán.
Thẩm phán T. (tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP. HCM) chia sẻ: "Bị kết án tử hình ở cấp sơ thẩm, biết bản án chưa có hiệu lực ngay mà còn quyền kháng cáo nên nỗi sợ hãi về cái chết đối với các bị cáo chưa rõ ràng lắm. Còn ở phiên tòa phúc thẩm, khi biết bản án sẽ có hiệu lực thi hành ngay, chuyện sống chết của bị cáo chỉ còn trông chờ vào cơ hội mong manh cuối cùng là sự ân xá của Chủ tịch nước, hều hết bị cáo bị tuyên án tử hình đều bị chấn động tâm lý. Biết số phận sống chết của mình sẽ được quyết định khi hội đồng vào nghị án nên thường giờ phút chờ nghị án này là khoảng thời gian căng thẳng nhất đối với người phạm tội.
Có khi trong giờ nghị án, bước ra ngoài nhìn qua chỗ bị cáo đang ngồi chờ, thấy họ đang gồng mình, căng cứng cả người như để chống chọi với nỗi sợ hãi về cái chết treo lơ lửng trên đầu khiến người xét xử cũng cảm thấy xót lòng. Thế nhưng công lý vẫn phải được thực thi. Những tội ác giết người man rợ, mất hết nhân tính thì chỉ có bản án tử hình mới tương xứng với bị cáo. Khi tuyên án, chúng tôi phải đặt mình vào vai trò của người được Nhà nước trao quyền thực thi công lý. Bản án tử hình hay hình phạt nào khác dành cho người phạm tội không phải là ý chí chủ quan của cá nhân thẩm phán nào mà đó là phán quyết của cả một hội đồng, sau khi đã xem xét kỹ lưỡng tất cả tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người phạm tội. Không ai có quyền kết tội bị cáo trừ pháp luật của Nhà nước. Vì thế, những thẩm phán như chúng tôi phải xác định mình chỉ là người được giao thi hành quyền lực, dù có tuyên bản án cao nhất đối với người phạm tội cũng là thể hiện ý chí của Nhà nước, không phải cá nhân chúng tôi muốn người đó phải chết".
Nhiều vị thẩm phán khi chúng tôi gặp đã yêu cầu được giấu tên. Theo họ, "đã lựa chọn ngành xét xử thì dù có thương cũng phải gác qua một bên để làm nhiệm vụ". Không dễ dàng để tuyên bản án tử hình, tước đi mạng sống của một con người dù đó là người phạm tội. Khi lựa chọn công việc này, họ phải vượt lên những cảm xúc bình thường của con người.
Theo Tuổi Trẻ
Phía sau bản án tử hình - Kỳ 1: Nhật ký con trai tử tù Bố của Vì Văn Nguyên lãnh án tử hình vì tội buôn ma túy. Một năm sau, mẹ Nguyên cũng bị bắt thi hành án tù 15 năm vì vận chuyển ma túy. Vì Thị Nga (em gái Nguyên) lớn lên không nhớ mặt cha, cũng không được ở gần mẹ. Nga giờ đã học lớp 9. Nguyên và chị gái xuống Hà...