Phi công Mỹ xử lý chiếc F-16 bị rơi được khen ngợi
Chiếc tiêm kích F-16 trong đội bay biểu diễn Thunderbirds của Mỹ ngày 2.6 bị rơi nhưng phi công nhận được nhiều lời khen vì đã đáp máy bay xuống một khu vực không dân cư một cách ấn tượng.
Chiếc máy bay F-16 bị rơi ngày 2.6. REUTERS
Chiếc F-16 của đội bay thuộc Không quân Mỹ ngày 2.6 biểu diễn tại buổi bế giảng khoá phi công ở bang Colorado. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tham dự và phát biểu tại sự kiện này. Tuy nhiên, sau màn trình diễn, chiếc F-16 do phi công Alex Turner lái gặp sự cố và bị rơi, theo Air Force Times ngày 3.6.
Hiện nguyên nhân tai nạn vẫn chưa được xác định và có thể là do lỗi động cơ, nhiên liệu hoặc bay trúng đàn chim. Phi công Turner chưa bình luận gì về sự việc, nhưng nhiều phi công khác đã dành những lời khen về kỹ năng của người lái chiếc F-16 bị rơi này.
Chỉ huy của đội bay Thunderbirds giai đoạn 2000-2001, ông John Venable nói rằng những phi công lái máy bay trình diễn có tay nghề rất thành thạo, đặc biệt là phi công Turner. “Khi bay về phía căn cứ Peterson, anh ấy đã làm mọi thứ để cứu được chiếc máy bay. Và khi không còn cách nào, anh ấy lái máy bay theo vị trí mà nó có thể tự lướt đi. Vì thế mà chiếc máy bay có vẻ hoàn toàn không bị hư hại gì sau sự cố”.
Ông Venable phục vụ tại Không quân Mỹ trong 25 năm. Ông dành cả sự nghiệp của mình để bay máy bay F-16. Venable nghỉ hưu vào năm 2007. Theo ông Venable, phi công Turner có thể đã nhận thấy tín hiệu cảnh báo như đèn báo hiệu, máy bay rung lắc…và đã cho máy bay bay lên để khởi động lại động cơ.
Theo các chuyên gia, trong trường hợp hỏng động cơ, ông Turner cần cho máy bay bay lên trước khi hạ xuống lại để máy bay có thể lướt đi như tàu lượn với khoảng cách xa nhất và về đến đường băng sân bay. Trong vụ việc ngày 2.6, phi công được cho là đã bay lên một ít nhưng sau đó lại đáp xuống cánh đồng ngay phía nam sân bay rồi nhảy dù thoát ra an toàn.
Theo bà Chrissy Best, người phát ngôn đội bay Thunderbirds, phi công lúc nào cũng phải cố đáp máy bay xuống một khu vực không có người ở rồi mới nhảy dù ra.
Khoảnh khắc phi công thay đổi độ cao máy bay là điều cực kỳ quan trọng, giúp tình hình không trở nên xấu đi. “Chúng tôi thực hành động tác này với máy bay F-16 mọi lúc. Khi bạn đang bay thấp, bạn nâng mũi máy bay lên khoảng 30-40 độ, lái máy bay lên cao càng nhiều càng tốt, rồi sau đó bạn lại nâng mũi máy bay lên để đạt tốc độ từ 337-400 km/giờ”, ông Venable nói.
Video đang HOT
Phi công Alex Turner được nhiều người khen ngợi về kỹ năng lái máy bay F-16. KHÔNG QUÂN MỸ
Trung tá về hưu Dan Hampton thuộc Không quân Mỹ, một cựu phi công F-16, nói rằng phải cúi đầu kính nể phi công Turner vì “anh ta đã làm chính xác những gì cần làm”, theo tờ Colorado Springs Gazette. Turner gia nhập đội bay vào tháng 10.2015 và đã có hơn 1.200 giờ bay, trong đó có 270 giờ bay chiến đấu tại Libya và Iraq.
Turner đã được phi công số 5 của đội bay hỗ trợ khi gặp sự cố. Theo cựu chỉ huy Thunderbirds, ông Venable, thông thường các chiến đấu cơ đều có một người hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp. Người hỗ trợ sẽ hướng dẫn phi công của máy bay gặp nạn phải bay như thế nào, đến lúc nào thì cần đáp hay nhảy dù.
“Chúng tôi thường đếm ngược đến khi máy bay chỉ còn cách mặt đất 600 m. Nếu lúc đó bạn không thể bay lên lại hoặc hạ cánh, chúng tôi sẽ đếm ngược và cảnh báo nhảy dù”, ông Venable giải thích.
Phi công đã đáp máy bay xuống khu vực không có người ở trước khi nhảy dù, và máy bay đáp xuống cánh đồng này trông nguyên vẹn REUTERS
Theo Air Force Times, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phi công phải nhảy dù, ví dụ như máy bay đâm phải chim hoặc vịt trời. Các tai nạn máy bay dân dụng đâm phải chim tại Mỹ tăng từ 1.748 vụ vào năm 1990 lên 9.730 vụ vào năm 2011, theo thống kê của Bộ nông nghiệp và Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ năm 2012.
Sau tai nạn, khu vực máy bay F-16 rơi đã được phong toả do sợ lây lan chất hydrazine, chất cực độc và là một loại nhiên liệu giúp cung cấp năng lượng cho máy phát điện khẩn cấp trên máy bay. Cả đội bay Thunderbirds cũng sẽ bị ngưng hoạt động một thời gian sau tai nạn này.
Phi công Turner sau khi nhảy dù an toàn đã được Tổng thống Obama đến gặp và hỏi thăm. Ông Obama cảm ơn ông Turner vì sự phục vụ cho đất nước.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Tiêm kích F-16 rơi tại lễ bế giảng có Tổng thống Obama dự
Một máy bay F-16 bị rơi khi bay biểu diễn tại buổi bế giảng ở Học viện Không quân Mỹ ngày 2.6, sự kiện có mặt Tổng thống Obama. Cùng ngày, một máy bay F/A-18 cũng rơi khiến phi công thiệt mạng.
Phi công đáp máy bay xuống khu vực không có dân cư trước khi nhảy dù. REUTERS
Chiếc F-16 rơi tại phía nam thành phố Colorado Springs, bang Colorado ngày 2.6. Máy bay lúc đó đang trên đường quay về căn cứ Peterson sau khi tham gia buổi lễ, theo Air Force Times ngày 2.6.
Chỉ huy Christopher Hammond của đội bay trình diễn F-16 Thunderbirds nói rằng phi công Alex Turner đã gặp một sự cố chưa xác định khi cố gắng hạ cánh, theo CNN. Chiếc máy bay rơi vào khoảng 13 giờ ngày 2.6 (2 giờ ngày 3.6, theo giờ Việt Nam).
Phi công đã lái máy bay ra khỏi khu vực có nhà dân rồi sau đó nhảy dù thoát ra an toàn. Turner gia nhập đội bay vào tháng 10.2015, có kinh nghiệm hơn 1.200 giờ bay khi làm nhiệm vụ cho Không quân Mỹ, trong đó có hơn 270 giờ bay chiến đấu tại Libya và Iraq.
Máy bay F-16 của đội bay biểu diễn Thunderbirds thuộc Không quân Mỹ. KHÔNG QUÂN MỸ
Tổng thống Barack Obama có mặt tại buổi lễ bế giảng đã đến gặp phi công Turner và cảm ơn vì đã tận tâm phục vụ đất nước.
Không quân Mỹ đã bắt đầu cuộc điều tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn. Lần gần nhất máy bay biểu diễn F-16 của đội bay Thunderbirds rơi là vào năm 2003 tại bang Idaho.
Vài giờ sau sự cố ở Colorado Springs, một máy bay F/A-18 của đội bay trình diễn Blue Angels thuộc Hải quân Mỹ cũng bị rơi tại thành phố Smyrna, bang Tennessee khi đang tập dợt chuẩn bị cho buổi triển lãm hàng không. Phi công thiệt mạng trong vụ tai nạn là đại uý thuỷ quân lục chiến Mỹ Jeff Kuss, theo AP. Phi công Jeff Kuss gia nhập đội bay vào năm 2014 và có hơn 1.400 giờ bay.
Năm máy bay F/A-18 còn lại của đội bay đều an toàn. Đây là lần đầu tiên máy bay F/A-18 thuộc đội bay Blue Angels rơi kể từ một tai nạn vào tháng 4.2007.
Khoảng một tuần trước, 2 chiếc F/A-18F cũng đâm vào nhau tại vùng ven biển bang Bắc Carolina. Cả 4 phi công đều nhảy dù an toàn.
Máy bay F/A-18 thuộc đội bay Blue Angels. HẢI QUÂN MỸ
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Phi công Mỹ từ kẻ thù thành thông gia với lính phát xít Nhật Cuộc đời của phi công Mỹ Jerry Yellin thay đổi khi con trai ông kết hôn với một cô gái Nhật Bản - đất nước từng là kẻ thù của ông. Cựu phi công Mỹ Jerry Yellin. Ảnh: dvidshub Cuộc đời của ông Jerry Yellin, lính Mỹ từng tham gia Thế chiến II, hệt như một câu chuyện tiểu thuyết. Ông từng là...