Phi công Indonesia kể lại phút cất cánh ngay khi động đất/sóng thần ập tới
Phi công Ricosetta Mafella của hãng Batik Airways đã nhìn thấy thảm họa động đất/ sóng thần xảy ra trên đảo Sulawesi, Indonesia từ độ cao hơn 1.000m khi ông vừa điều khiển máy bay cất cánh chỉ 1 phút trước đó.
Phi công Ricosetta Mafella (Ảnh: Ricosetta Mafella)
Tối ngày 28/9, ông Mafella, 44 tuổi, phi công điều khiển chuyến bay số hiệu 6321 của hãng Batik Airways cảm thấy điều gì đó không ổn. “Tôi muốn nhanh chóng khởi hành chuyến bay. Có một giọng nói văng vẳng trong đầu tôi rằng hay rời ngay khỏi đây. Tôi nói với phi hành đoàn và đội ngũ mặt đất rằng hãy tăng tốc”, ông nhớ lại.
Vào lúc 18h02, máy bay cất cánh. Chưa đầy một phút sau đó, trận động đất 7,5 độ richter xảy ra và khiến sân bay Mutiara Sis Al Jufri bị nứt.
Khi đó, tháp điều khiển không lưu rung lắc rất mạnh, toàn bộ các nhân viên đã bắt đầu di tản, trừ anh Anthonius Gunawan Agung, 21 tuổi. Nhân viên này đã khước từ lời kêu gọi rời đi từ các đồng nghiệp vì muốn đảm bảo máy bay cất cánh an toàn.
Những lời nói cuối cùng của Agung là: “Batik 6321 được cất cánh”.
Sau đó, khi phát hiện lối ra đã bị chặn lại, Agung không còn cách nào khác là nhảy xuống từ tầng 4 tòa tháp đang sụp đổ. Do bị chấn thương bên trong quá nặng, anh đã tử vong khi đang chờ điều trị.
Video đang HOT
Ông Mafella và 147 hành khách trên máy bay hoàn toàn không biết gì về những gì đã xảy ra dưới mặt đất vào thời điểm đó.
Ông Mafella chụp lại khoảnh khắc con sóng khổng lồ xuất hiện (Ảnh: Ricosetta Mafella)
Từ trên buồng lái ở độ cao hơn 1.000m, ông nhìn thấy một con sóng khổng lồ ở đường ven biển. “Tôi nhìn thấy một con sóng đang di chuyển cuộn tròn và tăng dần về kích thước nhưng tôi không biết đó chính xác là gì. Tôi cố gắng gọi cho trạm kiểm soát không lưu một vài lần và thông báo rằng tôi thấy điều gì đó, nhưng không có ai phản hồi”, ông Mafella nói.
Sau đó, khi máy bay hạ cánh an toàn, viên phi công này mới biết được nguyên do vì sao ông không nhận được phản hồi từ tháp không lưu.
“Một nhân viên kiểm soát không lưu nhắn tin cho tôi biết rằng họ đã thúc giục Agung sớm rời khỏi tòa tháp nhưng cậu ấy nói rằng hãy chờ đã, (máy bay của) Batik vẫn còn đang đậu trên sân bay. Khi biết về điều này, tôi thực sự đã chết lặng”, ông Mafella nói.
Gần 1.350 người đã được xác nhận thiệt mạng, cùng với hàng nghìn người bị thương và mất tích khác trong thảm họa tự nhiên kép. Các quan chức địa phương quan ngại rằng con số này có thể tăng lên trong những ngày tới. Các tổ chức cứu trợ ước tính có hơn 1 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Bức ảnh tôn vinh nhân viên kiểm soát không lưu Agung đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và câu chuyện của anh đã khiến dư luận xúc động (Ảnh: Twitter)
Cơ quan kiểm soát không lưu Indonesia đã ca ngợi sự tận tụy, dũng cảm của Agung. Nhờ sự quả cảm và tinh thần trách nhiệm của nhân viên này, hàng trăm người đã không gặp phải rủi ro từ thảm họa tự nhiên và đến nơi an toàn.
Ông Mafella đã chia sẻ đoạn video có hình ảnh của Agung cùng với khoảnh khắc mà ông quay được hình ảnh sóng thần từ trên máy bay. Câu chuyện xúc động đã lan truyền với tốc độ nhanh chóng, với những bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ với Agung.
“Tôi cảm thấy rất tiếc. Tôi đã có thể đã thiệt mạng trong ngày hôm ấy. Cậu ấy là người hùng của tôi và cũng là người hùng dân tộc”, ông Mafella nói với BBC.
Nhân viên cứu hộ đưa một nạn nhân ra khỏi bùn lầy (Ảnh: Reuters)
Đức Hoàng
Theo Dantri/ BBC
Nếu có sóng thần, Việt Nam chỉ có 30 phút để chuẩn bị
Việt Nam chỉ có khoảng 30 phút để sơ tán dân khi có sóng thần nguồn gần.
Trận động đất 7,5 độ richter hôm 28/9 tạo ra sóng thần cao 6m đã tấn công thành phố Palu với 600 nghìn người dân tại đảo Sulawesi (Indonesia). Thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia đã khiến hơn 1.400 người thiệt mạng và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng.
Chính phủ Indonesia đang vấp phải sự chỉ trích lớn từ phía dư luận về việc rút lại cảnh báo sóng thần quá sớm, khiến cho người dân chủ quan và dẫn tới thảm kịch. Nguyên nhân của thảm kịch được cho là do lỗi chủ quan của con người, bởi trên thực tế, Indonesia có hệ thống cảnh báo sớm sóng thần được quốc tế hỗ trợ rất hiện đại, có quy mô lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã ghi nhận 2 nguồn phát sinh sóng thần có thể ảnh hưởng đến bờ biển Việt Nam. Một là ở bờ Tây Philippines (đây là nguồn phát sinh sóng thần nguồn xa) và một là ở bờ biển miền Trung và Nam Trung Bộ có dải đứt gãy kinh tuyến 109 (đây được ghi nhận là nguồn phát sinh sóng thần nguồn gần).
Với công nghệ và hệ thống cảnh báo trước hiện nay, Việt Nam sẽ có khoảng 1 tiếng rưỡi để sơ tán người dân khi có sóng thần nguồn xa và chỉ khoảng 30 phút khi có sóng thần nguồn gần. Đây cũng là nhận định của PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
Theo Tạ Lan/VOV1
4 ngày sau thảm họa kép: Indonesia chôn tập thể các nạn nhân hàng ngày Chính quyền Indonesia buộc phải chôn cất hàng loạt nạn nhân trong những ngôi mộ tập thể sau trận động đất, sóng thần khiến hơn 1.300 người thiệt mạng. Bà Ling Ling, mẹ của nam sinh Nathan, gào khóc bên mộ của con trai tại nghĩa trang Poboya Indah (Ảnh: New York Times) Nathan đã kịp chạy tới nơi an toàn khi một...