Phi công 27 tuổi lái tiêm kích Su-30
Lái tiêm kích Su-30 từ năm 25 tuổi, Trần Thanh Luân tâm niệm luôn phải bình tĩnh trong mọi tình huống để làm chủ bầu trời.
Trong bộ quân phục sĩ quan không quân, Trần Thanh Luân trông chững chạc hơn so với tuổi 27. Chàng thượng úy cao gần 1,8 m, có nụ cười tỏa nắng là một trong những phi công chiến đấu trẻ nhất lái tiêm kích Su-30, thuộc biên chế Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 của Quân chủng phòng không không quân. Đây là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển chủ quyền phía Nam của tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Luân tốt nghiệp thủ khoa hệ đào tạo phi công quân sự, trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Anh là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng Su-30MK2 mà không phải chuyển loại qua vài máy bay như những người khác. Đến nay, Luân có tổng cộng 450 giờ bay trên các loại máy bay chiến đấu như Iak-52, L-39, Su-30, có mặt trong tổ bay ngày và đêm, bay vùng sau để đào tạo giáo viên huấn luyện Su-30.
Trần Thanh Luân là gương mặt duy nhất đại diện cho lực lượng phòng không không quân tham dự Đại hội tài năng trẻ lần 2 tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Luân kể, cơ duyên đưa anh đến với nghiệp phi công rất tình cờ. Hồi đó, cậu học sinh lớp 12 thấy có khám tuyển phi công ở địa phương thì ghé qua kiểm tra xem sao. Ai dè, cả huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chỉ mỗi mình đủ sức khỏe. Vượt qua hai vòng khám tuyển và vòng thi văn hóa, Trần Thanh Luân bước chân vào trường.
“Lúc đó mình 18 tuổi, thích quân đội vì bố cũng là bộ đội, cũng ngưỡng mộ phi công lắm nhưng mà chưa dám nghĩ tới. Nghiệp chọn người, đó có lẽ là cái duyên”, Luân nhớ lại.
Video đang HOT
6 năm rèn luyện trong trường biến Thanh Luân từ cậu học sinh có thể lực mới đáp ứng được yếu tố ban đầu dần trở thành phi công chiến đấu thực thụ. Anh cho hay, nhiều người vẫn nhầm tưởng để làm phi công chỉ cần có sức khỏe tốt là chưa đủ. Ngoài sức khỏe, bản lĩnh, lòng dũng cảm thì trí tuệ rất quan trọng, muốn bay tốt thì phải học tốt.
Về đơn vị chiến đấu, Luân “làm bạn” với Su-30 ngay. Anh mất 6 tháng miệt mài học lý thuyết, rồi thực hành bay từ tháng 6/2013 đến giờ. Chuyến đầu tiên cất cánh trên chiếc tiêm kích là đi kiểm tra địa hình. “Ấn tượng để lại trong mình quá lớn. Run thì không nhưng đứng trước một trong những khí tài hiện đại bậc nhất khu vực vẫn có một chút gì đó hơi bồn chồn xen lẫn phấn khích”, anh nói.
Đối với phi công quân sự, phi công chiến đấu thì mỗi chuyến bay đều gắn liền với sinh mệnh. Dù khí tài có hiện đại đến đâu thì bản lĩnh làm chủ của con người mới là yếu tố quan trọng quyết định thành bại.
“Mình rất thích câu nói của thầy Bình tĩnh mới làm được thủ lĩnh. Đối với nghề phi công, có những người dưới mặt đất học lý thuyết khá tốt nhưng khi lên không trung thì mức độ phản xạ lại chậm. Công việc đòi hỏi nhanh nhưng phải chính xác gần như tuyệt đối nên bình tĩnh luôn là chìa khóa vàng trong mọi tình huống để làm chủ bầu trời”, Luân chia sẻ.
Dù thực hiện nhiều chuyến bay trong đời, nhưng mỗi lần bay qua Trường Sa, ngắm nhìn trọn vẹn dáng hình tổ quốc từ buồng lái đều khiến thượng úy trẻ xúc động. Khi đó, lòng tự hào trong anh dâng cao và luôn tự nhủ phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.
Đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần 2 diễn ra từ 11 đến 13/12 tại Hà Nội với chủ đề Tài năng trẻ chung tay xây dựng đất nước. 364 đại biểu (nhỏ nhất là 9, lớn nhất 39 tuổi) có nhiều thành tích, đóng góp trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế, nông nghiệp, an ninh quốc phòng. Đại biểu là trí thức, nhà khoa học trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 21%) với 73 người, tiếp đến là khối công chức viên chức và doanh nhân. Đại hội lần 1 diễn ra vào năm 2009.
Hoàng Phương
Theo VNE
Khối kim loại tìm thấy ở biển Hà Tĩnh là động cơ máy bay Mỹ
Quân chủng Phòng không Không quân và cơ quan MIA/Bộ Quốc phòng xác định khối kim loại được trục vớt ở vùng biển Hà Tĩnh cách đây gần 2 tháng là một phần của động cơ máy bay Mỹ bị rơi trong chiến tranh.
Ngay sau khi nhận được thông tin về bộ phận nghi là động cơ máy bay ở vùng biển Hà Tĩnh, Bộ Quốc phòng đã thành lập 2 đoàn xác minh của Quân chủng Phòng không - Không quân và Cơ quan MIA/Bộ Quốc phòng.
Quân chủng Phòng không Không quân xác định, khối kim loại được các ngư dân xã Thạch Bằng (Lộc Hà) trục vớt vào ngày 17/5 chính là một phần của động cơ máy bay loại J75/JT4A-3B, do hãng Pratt&Whitney sản xuất, được lắp trên máy bay F-105 Thunderchief của quân đội Mỹ rơi trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Cơ quan MIA/Bộ Quốc phòng đã thông tin với Cơ quan MIA/Mỹ tại Hà Nội và báo cáo kết quả xác minh, đây là một phần của động cơ máy bay F-8 của Mỹ bị rơi. Vụ máy bay rơi này không liên quan đến vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Động cơ máy bay Mỹ được anh Thắng cùng thợ lặn trục vớt ngày 17/5. Ảnh: Đức Hùng
Qua kết luận của 2 đoàn xác minh, ngày 18/6, Bộ Tổng tham mưu có công văn xác định vật thể trên là một phần động cơ máy bay của quân đội Mỹ bị rơi trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Vật thể này ít có giá trị về mặt kinh tế vì không có khả năng tái chế để sử dụng vào việc khác, về mặt lịch sử có thể dùng trưng bày tại nhà truyền thống của địa phương.
Bộ Chỉ huy Quân sự đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo thu hồi động cơ máy bay rơi đưa vào trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Anh Trần Ngọc Thắng, người trục vớt khối kim loại cho hay, nhà nước trưng dụng thì anh sẵn sàng giao. "Nhưng khi trục vớt vất vả, chúng tôi phải bỏ kinh phí, thuê thợ lặn. Do đó, mong nhà chức trách bù đắp chi phí, công sức cho tôi cũng như các thợ lặn đã phải ròng rã 3 ngày trên biển", anh Thắng nói.
Trước đó chiều 14/5, anh Trần Ngọc Thắng (40 tuổi, trú xã Thạch Bằng) cùng 10 người khác dùng thuyền đi khai thác ngao trên vùng biển Cửa Sót. Trong lúc lặn biển, một người phát hiện khối kim loại lớn ở độ sâu 15 m.
Đến tối 17/5, vật thể này được trục vớt lên bờ và đưa về nhà anh Thắng. Đó là một khối kim loại hình trụ, nặng khoảng 1,5 tấn, dài 1,5 m, bán kính chỗ rộng nhất là 60 cm, chỗ nhỏ nhất là 50 cm.
Đức Hùng
Theo VNE
Hà Nội: Sau đơn kêu cứu, hàng nghìn trẻ thoát "thất học" Trên 1100 trẻ của hai trường mầm non phường Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) đã thoát cảnh "ra đường" sau khi đơn kêu cứu của các phụ huynh được UBND quận tích cực vào cuộc... Ảnh: DT Tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chiều ngày 16/6, trước thông tin liên quan đến việc giải...