Phí bảo trì đường bộ: Vẫn loạn cách thu
Đến ngày 1/1/2013, nghị định về việc thu phí quỹ bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực, nhiều loại phương tiện giao thông sẽ phải đóng phí theo quy định. Song trước giờ “G”, vẫn còn nhiều bức xúc, băn khoăn về loại phí này.
Còn nhiều vấn đề chưa rõ
Sáng 19/12 tại TP.HCM, đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 18/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về thu phí quỹ bảo trì đường bộ, cho các địa phương và các doanh nghiệp từ Đà Nẵng trở vào.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Tài chính (Bộ GTVT) và đại diện Bộ Tài chính đã trình bày các quy định về thu quỹ bảo trì đường bộ quy định trong nghị định và thông tư trên. Tuy nhiên nhiều DN vẫn còn băn khoăn, bức xúc về phương thức thu phí cũng như việc thu phí đối với sơ mi rơ moóc…
Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM đề nghị bãi bỏ phí sơ mi rơ moóc và rơ moóc (không có động cơ, nên không gọi là ô tô). Bởi theo ông Dinh, loại hình vận chuyển này phải có đầu kéo, máy kéo mới vận hành được, do đó không thể xem đây là phương tiện để thu phí.
Về phương thức thu phí, ông Dinh cho rằng, thu theo chu kỳ đăng kiểm của xe không hợp lí. Bởi bản chất của phí và lệ phí chỉ nộp khi sử dụng. Ngoài ra ông cũng đặt vấn đề tại sao không thu phí qua giá xăng dầu mà lại thu trên đầu phương tiện vì đây là phương thức ưu việt, đảm bảo được tính công bằng.
Đại diện Công ty vận tải Công Thành cho biết, công ty có gần 1.000 sơ mi rơ moóc, nhưng chỉ hơn 100 đầu kéo. Trong cùng một thời điểm thì chỉ có một đầu kéo với một sơ mi rơ moóc vận hành trên đường, các sơ mi rơ móc khác đang nằm ở nhà mà cũng chịu phí là rất vô lý.
Xe máy cũng bị thu phí từ 1/1/2013
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đặt vấn đề về việc đơn vị này có một số lượng lớn phương tiện và sơ mi rơ móc hoạt động trong cảng mà nếu bắt nộp phí đường bộ thì quá bất hợp lý và đề nghị giải thích rõ về việc này.
Song theo giải thích của đại diện Bộ Tài chính, về phương thức thu phí trên đầu phương tiện là hợp lý hơn cả! Còn việc thu phí qua xăng dầu đã từng triển khai nhưng không còn phù hợp vì có nhiều đối tượng sử dụng xăng, dầu nhưng không sử dụng đường bộ, nếu thu rồi thì việc hoàn trả lại các đối tượng này là rất phức tạp.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, việc thu phí qua các trạm thu phí cũng không hợp lý bởi hiện cả nước có khoảng 3.920km đường quốc lộ, tính trung bình 70km đặt một trạm thu phí thì phải xây dựng 240 trạm thu phí mới. Còn nếu xây dựng trên tất cả các tuyến đường bộ thì khoảng 4.000 trạm thu phí.
Liên quan đến việc đề nghị không thu phí đối với rơ moóc, sơ mi rơ moóc, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo số liệu của Cục Đăng kiểm, tỷ lệ rơ moóc, sơ mi rơ moóc lớn hơn đầu kéo là có, nhưng không có chênh lệnh lớn. Không có việc mua rơ moóc về bỏ không cả tháng không hoạt động.
Không lùi thời hạn thu phí
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam cho rằng, cộng đồng DN vận tải nên hoan nghênh Luật giao thông đường bộ 2008 đã có quy định về phí bảo trì đường bộ. Từ đây sẽ có một nguồn quỹ riêng để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng.
Nhưng việc thực hiện quá chậm, phải mất 4 năm sau mới có Nghị định 18 để thu phí, và thời điểm thu phí lại rơi vào thời điểm kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp phản ứng là đúng. Giá như việc thu phí sớm hơn vào năm 2009 hoặc 2010 thì tốt hơn. “Chúng ta không thể đòi hỏi hôm nay nộp phí thì ngày mai có đường tốt hơn được. Bởi thực tế nguồn quỹ này cũng chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu duy tu, sửa chữa đường “, ông Thanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Luật giao thông đường bộ 2008 đã quy định về việc thu phí bảo trì đường bộ, nhưng đến nay mới triển khai là đã quá chậm. Chính phủ cũng đã lùi thời hạn áp dụng 7 tháng nên đến thời điểm này không thể tiếp tục lùi.
Riêng đối với các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, do nhiều địa phương chưa có quy định về mức thu cụ thể, nên trong thời gian đầu vẫn tiến hành thu phí theo mức giá thấp nhất của Thông tư 197/2012 của Bộ Tài chính.
Do đây là một quy định mới trong thời gian đầu áp dụng, chưa tiến hành xử phạt các trường hợp phương tiện chưa đóng quỹ bảo trì đường bộ. Cũng theo ông Trường, thời gian đầu thực hiện sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Nhưng sau một thời gian đi vào hoạt động nếu phát sinh điều chưa hợp lý, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ phối hợp khắc phục ngay.
Theo 24h
Xe "đắp chiếu" vẫn phải nộp phí đường
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp để xe "đắp chiếu". Vậy mà họ vẫn sẽ phải đóng phí bảo trì đường bộ.
Trước quy định thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện từ 1/1/2013, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng như chuyên gia vẫn cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý và nên xem xét lại phương pháp thu.
Riêng xe máy, các chuyên gia cho rằng sẽ không khả thi bởi đến thời điểm này chưa có quy định, chế tài cụ thể nào. Còn ô tô, thu phí theo đầu xe và kỳ đăng kiểm, sẽ thực hiện được nhưng gây một số khó khăn nhất định cho doanh nghiệp vận tải.
Ai là người chịu thiệt?
Ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) phân tích, người cuối cùng phải chịu ảnh hưởng sẽ lại là khách hàng, người dân.
Theo ông Thanh, có những doanh nghiệp đã vay nợ ngân hàng để mua phương tiện, chịu nhiều loại thuế. Giờ chịu thêm mức phí bảo trì đường bộ cao, họ sẽ phải oằn mình gánh nợ và trả lãi. Đã vậy nhiều xe không chạy cũng bị thu phí. Cuối cùng, các doanh nghiệp lại phải tăng cước vận tải lên. Đơn cử, đối với xe khách, doanh nghiệp buộc phải tăng giá vé. Người thiệt thòi chung quy lại là hành khách đi xe.
Theo giám đốc một doanh nghiệp vận tải xe khách, thu phí bảo trì đường bộ là việc làm đúng. Tuy nhiên, cần xem xét giảm phí cho một số loại xe kinh doanh dịch vụ.
Xe chạy nhiều hay ít, thậm chí không ra đường vẫn sẽ phải nộp phí bảo trì đường bộ
"Bởi chúng tôi đã chịu đủ các thứ thuế. Đặc biệt là thuế kinh doanh. Nay lại phí đường bộ. Phí chồng phí khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi." - Vị giám đốc này nói.
Ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc công ty Thiên Trường cho biết, doanh nghiệp ông có khoảng 40 xe chạy từ Hà Nội đi các tuyến như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Theo ông này, được biết tới đây, nhiều trạm thu phí đường bộ sẽ được bỏ, nhưng các trạm thu phí BOT vẫn duy trì. Những xe đi tuyến có các loại trạm này sẽ phải chịu phí đường chồng nhau.
"Chúng tôi là doanh nghiệp, tất nhiên làm ăn là phải có lãi. Nếu phải đóng nhiều loại chi phí, chúng tôi lại phải tăng giá vé. Và người chịu sẽ là hành khách." - Ông Ngọc chia sẻ.
Thu phí thì đường phải tốt
Theo tính toán của một số người trong ngành vận tải, thu phí đường bộ theo kỳ đăng kiểm khiến nhiều doanh nghiệp vận tải thiệt thòi nhưng có thể có loại phương tiện hưởng lợi. Một số xe, nếu so sánh tổng số tiền nộp qua trạm thu phí như lâu nay với mức phí theo kỳ đăng kiểm, mức mới sẽ rẻ hơn đáng kể.
Tuy nhiên theo ông Phạm Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Hoa Nam - một doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Hà Nội), tính tổng chung, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn sẽ chịu thiệt thòi. Đơn giản, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hiện rất nhiều doanh nghiệp để xe "đắp chiếu". Vậy mà họ vẫn phải trả khoản phí này.
Ông Tuấn Anh cho biết, công ty ông có khoảng 80 xe container. Khoảng nửa số đó đang nằm im không ra đường. Nhưng ông phải trả phí cho tất cả số xe dù chạy hay không. Tính sơ bộ, theo cách tính mới, mỗi năm sẽ phải đóng hơn 1 tỷ đồng phí bảo trì đường bộ, chưa kể phí qua các trạm BOT. Thu phí theo đầu phương tiện khiến ông phải chịu khoản thiệt thòi quá lớn.
Giám đốc này nhận định, doanh nghiệp ở vào thế khó, bởi thời buổi giá cả cạnh tranh, nếu vì vậy mà tăng cước vận tải lên thì khách hàng lại không thuê xe container vận chuyển nữa và chuyển sang đường thủy, đường sắt.
Từ đó, ông Tuấn Anh cho rằng, thu phí qua đầu phương tiện không công bằng. Mà nếu thu qua xăng cũng bất hợp lý vì nhiều người sử dụng xăng nhưng không dùng cho phương tiện tham gia giao thông.
"Cứ thu phí bảo trì đường bộ qua trạm thu phí như trước, chạy đến đâu, trả đến đó, mới đảm bảo công bằng được." - Doanh nghiệp này đề xuất.
Mặt khác, ông Tuấn Anh cho rằng, thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện là đúng. Nhưng cần tính toán, đánh giá theo các loại phương tiện cũng như chất lượng đường sá. Quy định người dân nộp phí bảo trì đường bộ nhưng thực tế nhiều tuyến đường mới làm đã hỏng.
"Những đơn vị thu phí bảo trì đường bộ của doanh nghiệp, của người dân, thì họ cũng nên cam kết về chất lượng đường sá. Từ đó, xem xét, đường nào chất lượng tốt thì chúng tôi nộp phí, đường xấu thì không phải nộp." - Ông Tuấn Anh chia sẻ.
Giám đốc này còn cho rằng, cần công khai số tiền phí thu được hàng năm. Người nộp phải biết số tiền mình đóng góp được bao nhiêu. Số tiền đó được sử dụng bảo trì những con đường nào. Như vậy mới chứng tỏ số tiền người dân nộp được sử dụng hiệu quả.
Theo TNO
Bộ GTVT: Đường xấu càng phải đóng phí "Nói đường chưa tốt không nên thu phí là không nên. Chúng ta thu phí là để đầu tư đường tốt hơn. Đường chưa tốt chúng ta càng phải có trách nhiệm đóng góp một phần phí để có đường tốt hơn, nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước"... - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định. Thủ...