Phép thử tối thượng cho ông Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói mình là bậc thầy thương thuyết và các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là cơ hội cho ông chứng minh
Ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng với danh tiếng của một chuyên gia đàm phán bậc thầy – đúng kiểu một doanh nhân gai góc có ánh mắt sắc lạnh không hề ngán ngại đặt cược lớn.
Tuy nhiên, tới nay, ông Trump chưa thể chốt hạ nhiều vấn đề trong nước (như chăm sóc sức khỏe, thương mại) hay các chính sách đối ngoại (như cuộc xung đột Israel – Palestine). Ông cũng tránh đối thoại trực tiếp với các đối thủ chính trị hoặc các nhà lãnh đạo nước ngoài, thay vào đó thích ngồi bên lề và nhìn dàn trợ lý của mình ứng phó.
Thông báo bất ngờ mới đây của Nhà Trắng về việc ông Trump sẽ đàm phán trực diện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đánh dấu lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, ông Trump sẵn sàng thử ngồi xuống nói chuyện về một thỏa thuận ít có khả năng thành công – kiểu thỏa thuận mà ứng cử viên tổng thống Trump khi còn tranh cử thường khẳng định mình có thể đạt được.
Người dân theo dõi tin tức về cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở nhà ga Seoul (Hàn Quốc) gần đây Ảnh: AP
Rất khó đánh giá mức độ rủi ro trong canh bạc của ông Trump. Chưa tổng thống Mỹ nào từng gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Do đó, chỉ riêng việc nhận lời mặt đối mặt với ông Kim Jong-un đã là một sự nhượng bộ lịch sử. Cuộc gặp dự kiến diễn ra chỉ trong vòng 2 tháng nữa, khiến công việc chuẩn bị – vốn phải rất kỹ càng cho một cuộc họp thượng đỉnh như thế – còn lại quá ít thời gian.
Nhiều khả năng ông Kim không quá tin tưởng hoặc tôn trọng thỏa thuận, ngay cả khi có đạt được. Và ông Trump, với khao khát chiến thắng, có thể bị qua mặt dễ dàng bởi một đối thủ thông minh và kỷ luật hơn.
Video đang HOT
Tổng hợp các phân tích trên để thấy rằng tại sao nhiều chuyên gia về Triều Tiên lại tỏ ra thận trọng trước thông báo của Nhà Trắng. Ông Robert E. Kelly, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường ĐH Pusan (Hàn Quốc), viết trên Twitter rằng tổng thống Mỹ đang ngây thơ một cách nguy hiểm khi nghĩ ông có thể lao vào một mối xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ và dễ dàng giải quyết nó trong vòng vài tháng.
Đó là những lo lắng chính đáng nhưng dẫu sao triển vọng về các cuộc đàm phán trực diện vẫn đồng nghĩa với một cơ hội – dù nhỏ nhoi – là sẽ đạt được thỏa thuận. Bất kỳ thương lượng trực tiếp nào giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tốt hơn nhiều các phương án khác, bao gồm một cuộc chiến chấn động có thể giết chết hàng triệu người và biến cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc thành đống đổ nát.
Triển vọng ngoại giao mới mở ra sau những màn quyến rũ kéo dài nhiều tuần lễ của ông Kim, bắt đầu từ việc cử đoàn sang Hàn Quốc dự Thế vận hội mùa đông hồi tháng trước. Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn phái đoàn quan chức cấp cao, trong đó có em gái mình, thăm nước láng giềng và mời quan chức Seoul sang Bình Nhưỡng. Sau 2 ngày ở Bình Nhưỡng, các phái viên Hàn Quốc rời đi với một thông điệp dành cho Washington: Ông Kim sẵn sàng đàm phán. Về phần mình, ông Trump cũng đặt ra điều kiện tiên quyết rõ ràng: Triều Tiên phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Lâu nay, Triều Tiên khăng khăng nói không từ bỏ hạt nhân, trừ khi Mỹ thôi đe dọa họ và rút quân khỏi Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ lại nói việc ông Kim chịu đàm phán cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ có tác dụng, đồng thời nhấn mạnh trừng phạt vẫn được duy trì cho tới khi Triều Tiên chịu thỏa thuận. Vấn đề là Triều Tiên sẽ sẵn lòng chấp nhận kiểu thỏa thuận như thế nào? Câu hỏi tương tự cũng được đặt ra cho ông Trump.
Tất cả tổng thống Mỹ kể từ thời ông Bill Clinton đều đòi hỏi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và mọi tổng thống Mỹ kể từ thời ông Clinton đều rời Nhà Trắng với thực tế là chương trình vũ khí của Triều Tiên không bị sứt mẻ và tiếp tục phát triển. Người ta cho rằng Bình Nhưỡng hiện có tối đa 60 vũ khí hạt nhân và đang trong quá trình chế tạo các tàu ngầm đủ khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ dưới nước. Sự thất bại kéo dài hàng thập kỷ của Washington trong cách tiếp cận Triều Tiên khiến nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ nên tập trung kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng hơn là cố hủy diệt nó.
Muốn vậy, Washington phải thừa nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, phải từ bỏ ý định xâm chiếm và thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. Các chuyên gia nói Triều Tiên có thể ngừng chế tạo thêm tên lửa và bom cũng như chấm dứt việc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt cùng những nhượng bộ khác. Câu hỏi là ở chiều ngược lại, ông Trump sẽ nhận được gì và liệu nó có đáng để đóng băng phương án chiến tranh hay không.
Chưa bao giờ trong lịch sử Triều Tiên tỏ ý bỏ rơi chương trình hạt nhân của mình mà không đổi lại được những nhượng bộ lớn, thậm chí khó thành hiện thực, từ Mỹ. Nói cách khác, Triều Tiên nhiều khả năng chỉ chịu phong tỏa tạm thời tham vọng của họ. Nếu một thỏa thuận như thế được đặt trên bàn, liệu ông Trump có gật đầu đồng ý? Cứng rắn quá thì đàm phán tiêu tan, dễ dãi quá lại khiến cả châu Á đùng đùng phản đối – dĩ nhiên ở Mỹ cũng vậy.
Kết quả thế nào chưa biết nhưng có một thứ đã rõ: Chúng ta sắp kiểm chứng được ông Trump có nói thật về chuyện mình là bậc thầy đàm phán hay không.
Theo Hải Ngọc
Người Lao Động
Lính Ấn Độ, Pakistan nổ súng bắn nhau, nguy cơ Thế chiến 3 bùng nổ
Các vụ nổ súng dữ dội giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan xảy ra ở vùng biên giới vùng Jammu và Kashmir làm căng thẳng giữa 2 cường quốc hạt nhân ở Nam Á leo thang, thổi bùng nguy cơ Thế chiến 3 nổ ra.
Các binh sĩ Ấn Độ và Pakistan ở biên giới đang nổ súng vào nhau làm dấy lên quan ngại Thế chiến 3 bùng nổ
Theo Daily Star, Pakistan đã dấy lên nỗi sợ hãi về một cuộc chiến tranh toàn diện với những hậu quả đáng sợ khi tấn công vào các trạm gác của binh sĩ Ấn Độ.
Binh sĩ Ấn Độ đóng trong khu vực cáo buộc, Pakistan đã vi phạm nghiêm trọng hiệp định đình chiến năm 2003 khi bất ngờ nổ súng tấn công khiêu khích trước. Binh sĩ Ấn Độ đã buộc phải đáp trả và hiện 2 bên vẫn nổ súng vào nhau trong các cuộc tấn công lẻ tẻ, theo báo Anh Express.
Các cuộc đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đã gia tăng mạnh mẽ những tháng gần đây và cả 2 bên đều lên tiếng cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn trước.
Năm ngoái, có tổng số 881 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn giữa 2 cường quốc hạt nhân. Con số trên đã tăng 230% so với năm 2016 và đây cũng là con số cao nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Chỉ tính riêng trong tháng trước, có 134 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng.
Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan gần đây đều đã nhận được thư của các nhóm dân sự xã hội trong khu vực đề nghị 2 bên tuân thủ lệnh ngừng bắn dọc biên giới tranh chấp giữa 2 nước để ngăn chặn xung đột có thể dẫn tới khả năng Thế chiến 3 bùng nổ.
CEO tờ báo Ấn Độ Kashmir Times, Anuradha Bhasin nhấn mạnh rằng, tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
"Tình hình ngày càng xấu đi ở dọc biên giới. Điều đó chỉ càng làm tăng thêm sự đau khổ của người dân ở cả 2 bên", ông Anuradha nhấn mạnh. Ông Anuradha là một người ra sức thúc đẩy Pakistan và Ấn Độ chấm dứt đối đầu ở biên giới.
Các nhà quan sát bình luận, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, nó sẽ "gây nguy hiểm cho sự ổn định của khu vực và có thể leo thang thành một cuộc chiến toàn diện".
Đầu tháng này, Pakistan đã bắn đạn pháo sang biên giới Ấn Độ khiến 4 binh sĩ láng giềng thiệt mạng vào ngày 4.2 dấy lên sự phẫn nộ từ New Delhi.
Theo Danviet
Ai được đánh giá là tổng thống Mỹ vĩ đại nhất? Một cuộc khảo sát lấy ý kiến của các học giả đã xếp hạng danh sách những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ, bao gồm nhà lãnh đạo đương nhiệm Donald Trump. Từ trái qua phải: Cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush, Bill Clinton, George H.W. Bush và Jimmy Carter cùng tham gia một hoạt động chung tại...