Phép thử mới của Thế Giới Di Động
Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động ( MWG) từng nói về quá trình đi lên của mình là một chuỗi “thử và sai”.
Thời gian vừa qua, chủ đề liên quan đến đà tăng trưởng của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) được bàn tán rộng rãi trong giới đầu tư, đặc biệt nó thể hiện rõ trong những buổi họp đại hội cổ đông năm 2018, khi các cổ đông liên tục chất vấn ban lãnh đạo công ty về điều này.
Thực tế, kết thúc 10 tháng đầu năm 2018, MWG đạt 72.275 tỉ đồng doanh thu và 2.413 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng lần lượt 36% và 33% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: MBS/MWG
Điện máy Xanh tìm cách tăng thị phần
Dễ dàng nhận thấy, sau mùa cao điểm bán hàng trong qúy I.2018 hai nhóm sản phẩm điện thoại và điện máy của MWG đã giảm tốc, trong đó quý II xem là quý thấp điểm trong năm. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng của thị trường chung bởi đây là quý có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong năm của thị trường hàng công nghệ điện máy (0,1%) so với cùng kỳ năm trước, theo Gfk.
Dù vậy, chuỗi TGDD và chuỗi Điện máy Xanh (DMX) vẫn có tốc độ tăng trưởng doanh thu quý III ở mức hơn 23% so với cùng kỳ năm trước và biên lợi nhuận gộp đạt trên 17,5% trong tất cả các quý, cao hơn nhiều so với các nhà bán lẻ sản phẩm cùng loại trong nước và trong khu vực như Tiphone Mobile hay Com7.
Video đang HOT
Công ty cổ phần chứng khoán MB (HNX: MBS) cho rằng doanh số bán hàng của 2 nhóm sản phẩm này sẽ tăng trở lại trong các tháng cuối năm do đây được coi là mùa cao điểm kinh doanh. Doanh thu MWG sẽ cải thiện trong quý IV/2018 và quý I/2019.
Với vị thế là công ty đầu ngành trong ngành bán lẻ điện máy với 35% thị phần so với Nguyễn Kim (12%), và Chợ Lớn và HC với khoảng 7-8% mỗi doanh nghiệp. MWG được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng thị phần lên 45-50% trong hai năm tới trong bối cảnh tiêu thụ hàng công nghệ điện máy tại Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2018-2022 (theo Euromonitor).
Cụ thể, MWG dự kiến sẽ gia tăng số cửa hàng DMX lên 900 cửa hàng Điện máy Xanh từ tổng số 737 cửa hàng hiện tại. Các cửa hàng mới sẽ có quy mô nhỏ để có thể bao phủ rộng rãi tất cả các khu dân cư ở các thành phố lớn. Trước đây, MWG đã bỏ qua những người bán hàng trực tuyến thường cung cấp giá rẻ hơn do không phải chi tiền do dịch vụ và điểm bán.
Điều này đã thay đổi nhanh chóng và MWG nhận ra rằng công ty sẽ không thể giành thêm thị phần nếu không hướng đến những khách hàng hàng muốn mua giá rẻ. Do đó, MWG đang lên kế hoạch thực hiện một ‘mô hình giá kép’. Cụ thể, một sản phẩm sẽ có hai mức giá khác nhau: một mức giá đi kèm với các lựa chọn đầy đủ (lắp ráp và dịch vụ hậu mãi) trong khi mức giá còn lại rẻ hơn nhưng không được chăm sóc dịch vụ. Giai đoạn thử nghiệm sẽ được thực hiện vào tháng 12 năm 2018.
Ông Sơn Trần, nhà phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, đánh giá đây là một động thái mới và thú vị và có khả năng là yếu tố tạo ra sự thay đổi trong cuộc cạnh tranh giữa các cửa hàng truyền thống và người bán hàng trực tuyến.
Bách hóa Xanh với mô hình “thịt tươi, cá lội”
Sau chiến lược thay đổi vị trí cửa hàng giúp MWG ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, Bách hóa Xanh (BHX) tiếp tục thử nghiệm các mô hình mới để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Mô hình “thịt tươi, cá lội” đã được BHX chuẩn hóa. Theo đó, một cửa hàng chuẩn sẽ có diện tích từ 160m2 đến 200m2 với các mặt hàng “thịt tươi, cá lội”, đặt dọc các tuyến đường dẫn đến khu dân cư. Mô hình cửa hàng quy mô lớn với diện tích 300m2 được đầu tư hơn 3000 mặt hàng tươi sống nằm trong các khu vực đông dân cư, gần chợ.
Kể từ tháng 9, MWG tập trung rà soát và ngừng hoạt động các cửa hàng có doanh thu trung bình dưới 500 triệu đồng/tháng và không có tiền năng chuyển đổi mô hình nhằm nâng cao biên lợi nhuận toàn chuỗi. Mặc dù động thái này sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của MWG do tăng chi phí các kho mặt bằng và khấu hao phân bổ các cửa hàng đóng cửa sẽ chuyển vào chi phí, đây sẽ là bước đi cần thiết để cải thiện EBITDA tại các cửa hàng còn lại trong thời gian tới nhờ gia tăng doanh số và không phải bù lỗ cho các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả.
Xét về cơ cấu tổng doanh thu của chuỗi, 40% đến từ các sản phẩm tươi sống, 45% đến từ các loại thực phẩm/đồ uống khác và 15% đến từ nhóm hóa mỹ phẩm. Sự tăng lên về tỷ lệ sản phẩm tươi sống, từ 35% trong quý II lên 40% giúp biên nhuận gộp của chuỗi được cải thiện, đạt khoảng 17%, cao hơn so với khoảng 16% vào tháng 6/2018. Kết quả, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của chuỗi đạt 2.800 tỉ đồng, tăng trưởng 235% so với cùng kỳ năm trước.
MBS nhận định từng bước đi của BHX, từ thay đổi vị trí, gia tăng quy mô đến chuyển đổi mô hình đều đang hỗ trợ trong việc nâng cao chất hàng và là nền tảng để đảm bảo kế hoạch nhân rộng và phát triển mạnh mẽ của chuỗi trong tương lai.
MWG vẫn sở hữu những đặc điểm luôn được giới đầu tư đánh giá cao, đó là doanh thu và lợi luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. So với nhiều doanh nghiệp niêm yết khác, MWG có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cực kỳ ấn tượng. Ví dụ, năm 2017, công ty đạt mức lợi nhuận sau thuế 2.205 tỉ đồng, so với mức vốn chủ sở hữu 5.908 tỉ đồng, nghĩa là chỉ khoảng 3 năm là hoàn vốn. Và MBS đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu của MWG là 109.400đ so với mức giá hiện tại quanh 85.000đ/cp.
Nhận định của công ty chứng khoán mà NCĐT trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo.
Theo nhipcaudautu.vn
Cổ phiếu Thế giới Di động liên tục bị quỹ ngoại bán sang tay
Chỉ trong thời gian ngắn, quỹ ngoại đã thực hiện giao dịch bán sang tay hàng triệu cổ phiếu MWG của Thế giới Di động, ước tính giá trị chuyển nhượng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo thông tin Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), ngày 3/10 vừa qua, quỹ ngoại The Ton Poh Fund của Thái Lan đã hoàn tất chuyển nhượng hơn 1 triệu cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động.
Bên nhận chuyển nhượng lần này là hàng loạt quỹ ngoại khác bao gồm Florida Retirement System nhận chuyển nhượng 129.000 cổ phiếu; Oaks Emerging Umbrella Fund Public Limited Company nhận 313.260 cổ phiếu; quỹ Hanoi Investments Holdings Limited mua 217.740 đơn vị và Lumen Vietnam Fund nhận 350.000 đơn vị.
Với mức thị giá xấp xỉ 129.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, ước tính giá trị thương vụ sang tay của các quỹ ngoại này vào khoảng 130 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cách đây chưa tới một tháng, cũng chính The Ton Poh Fund đã chuyển nhượng lại 1,5 triệu cổ phiếu MWG cho quỹ Hanoi Investments Holdings Limited vào ngày 11/9. Ước tính giá trị chuyển nhượng lần này cũng vào khoảng 200 tỷ đồng. Như vậy, hiện tại Hanoi Investments đã nắm giữ tổng cộng hơn 1,7 triệu cổ phiếu của Thế giới Di động. Quỹ ngoại này chính là một trong những quỹ có liên quan tới nhóm Dragon Capital hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Động thái chuyển nhượng của quỹ ngoại The Ton Poh Fund diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG đang có đà tăng khá mạnh thời gian qua. Tính trong 3 tháng gần nhất, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 30%, hiện xấp xỉ 129.000 đồng/cổ phiếu.
Về The Ton Poh Fund đây là quỹ đầu tư được quản lý bởi Ton Poh Capital, công ty quản lý quỹ có trụ sở tại Thái Lan. Danh mục đầu tư của quỹ này chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu niêm yết trên thị trường Thái Lan và một số quốc gia như Việt Nam, Lào, Campuchia... Cuối tháng 8 vừa qua cũng chính The Ton Poh Fund đã mua 4,4 triệu cổ phiếu FPT từ Vietnam Equity Holding. Đây chính là lượng cổ phiếu nằm trong số 7,6 triệu cổ phiếu FPT mà quỹ đầu tư của Shark Louis Nguyễn quản lý.
Theo công bố mới nhất, 8 tháng vừa qua Thế giới Di động ghi nhận tổng cộng 58.667 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 39% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu online chiếm 7.557 tỷ, tăng 118%. Khoản lợi nhuận ròng công ty thu về được cũng tăng 36% đạt 1.969 tỷ đồng.
Chuỗi bán điện máy vẫn là động lực tăng trưởng chính cho công ty trong khi chuỗi Bách Hóa Xanh đã ghi nhận doanh thu của 405 cửa hàng đạt trên 420 tỷ đồng. Mức doanh thu tính bình quân cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/8 đạt trên 950 triệu đồng/cửa hàng.
Ban lãnh đạo công ty này cũng cho biết 4 tháng cuối năm sẽ tiếp tục mở mới thêm cửa hàng Bách Hóa Xanh lên con số 500 cửa hàng, chủ yếu tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Quang Thắng
Theo news.zing.vn
Thị trường thực phẩm giá trị trên 70 tỷ USD còn manh mún, Bách Hóa Xanh liệu sẽ tiếp nối thành công của Điện máy xanh và TGDĐ? Thị trường thực phẩm giá trị trên 70 tỷ USD còn manh mún, Bách Hóa Xanh liệu sẽ tiếp nối thành công của Điện máy xanh và TGDĐ? Nhiều kỳ vọng được đặt vào chuỗi bán lẻ mới này trong bối cảnh thị trường thực phẩm giá trị trên 70 tỷ USD hiện còn manh mún. Cùng với đó là những hoài nghi...