“Phê” với mâm cháo lòng Tân Hiệp
Vào một buổi sáng trên hành trình du lịch miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tấp xe vào một quán cháo bình dân ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang dùng bữa.
Vừa vào đến quán, mùi thịt chín rất thơm như hối thúc bao tử cồn cào. Chủ quán là một phụ nữ trạc 50, xởi lởi: “Cô chú vô ngồi nghỉ, uống trà đợi tui một chút. Cô chú không ăn gì dặn tui biết nghen. Tui làm tô cháo cho vừa ý cô chú…”.
Khi tô cháo được mang ra, à mà không phải một tô, phải gọi là một mâm mới đúng. Mỗi phần ăn ở đây bao gồm một tô cháo; một đĩa nhỏ có đủ cả lòng, gan, phèo, dồi; chén nước mắm chua ngọt; đĩa giá kèm rau sống to tướng và thêm một đĩa bánh hỏi ăn kèm.
Chúng tôi cho giá vào tô cháo, vắt thêm một ít chanh, một chút tiêu và một ít ớt bằm ngâm. Cô bạn người miền Tây bảo ăn cháo lòng phải ăn với ớt bằm ngâm mới ra vị, nếu kẹt không có ớt bằm ngâm thì ăn tạm với ớt tươi xắt thành từng lát mỏng. Tô cháo đặc sệt, ngập hành, tiêu, bốc khói nghi ngút. Múc từng muỗng cháo nóng, đưa lên miệng, hít hà, mồ hôi cứ túa ra làm chúng tôi tỉnh cả người.
Video đang HOT
Thường khi nấu cháo lòng, người miền Nam có thói quen rang gạo trước. Nhưng cháo ở đây nấu bằng gạo không rang, lại là gạo chà dối, bên ngoài còn phủ lớp cám dày nên béo ngậy. Người tinh ý sẽ nhận ra rằng kỹ thuật nấu cháo ở đây quả là điêu luyện. Cháo không quá lỏng, cũng không quá đặc, vị ngon của cháo không chỉ nhờ nước luộc lòng, nhờ nêm nếm mà còn nhờ cả nước tiết heo được thêm thật khéo, vừa độ dùng.
Ăn cháo lòng chúng tôi có thói quen ăn một lèo đến hết tô. Nhưng các tài xế “mối ruột” của quán bảo cách ăn như vậy thì chưa được sành. Trong khi chờ cháo bớt nóng, cứ nhẩn nha thưởng thức đĩa lòng trước đã, gắp từng miếng chấm nước mắm hoặc dùng bánh tráng cuốn với rau sống, bánh hỏi cho đến khi lưng bụng rồi mới quay qua “làm việc” với tô cháo. Thế mới thú!
Trong khi các quán ăn, nhà hàng dọc con đường liên tỉnh đua nhau “chặt chém” khách lữ hành thì ở đây lại khác. Một phần cháo, lòng, bánh hỏi, ăn no căng bụng mà chỉ vài chục ngàn đồng.
Chỉ với món cháo lòng thôi nhưng đi từ Bắc vô Nam thì thấy mỗi vùng miền mỗi cách chế biến riêng, kiểu nào cũng đặc sắc. Cũng như vậy, trong những chuyến đường dài về miền sông nước, những ai đã từng thưởng thức tô cháo lòng Tân Hiệp nóng hổi… hẳn sẽ mang ấn tượng suốt một đời không quên.
Theo NLD
Ấm nồng cháo lòng ngày mưa
Mỗi lần có dịp về Huế tôi lại tranh thủ ghé thăm nhà cũ, bà con lối xóm ngày xưa và đương nhiên không quên thưởng thức những món ăn Huế.
Rời Huế vào Sài Gòn sinh sống đã được 20 năm, thời gian cũng khá dài để cảm nhận mọi thứ xung quanh tôi trở nên quen thuộc, nhưng không vì vậy mà những kỷ niệm lúc còn ở Huế phai mờ. Mỗi lần có dịp về Huế tôi lại tranh thủ ghé thăm nhà cũ, bà con lối xóm ngày xưa và đương nhiên không quên thưởng thức những món ăn Huế.
Tôi chưa có cơ hội thưởng thức món cháo lòng kiểu Huế ở đất Sài thành này, mỗi lần thèm quá mà không có thời gian nấu tôi đành tìm đến một quán quen gần nhà để thưởng thức mặc dù có chút khác biệt trong cách nấu.
Người Huế nấu cháo lòng khá công phu. Họ phải dậy sớm đến lò mổ heo để mua tim, gan, cật, dồi trường, lòng non... và nước luộc thịt để về nấu. Ở Huế, người ta thường bán thịt heo luộc sẵn hay còn gọi là thịt phay. Chủ lò mổ sẽ luộc những miếng thịt đùi, thịt ba rọi và cả đầu heo để bán cho khách.
Do thịt được luộc khi heo vừa mới mổ ra nên miếng thịt rất thơm, ngọt, mềm, nước luộc thịt vì thế cũng rất ngon. Chủ quán cháo lòng thường lấy nước luộc thịt này về để nấu cháo. Còn tôi thì mua xương để nấu nước dùng. Phải chọn loại xương que, xương ống để nước dùng khi nấu xong được trong.
Canh lửa nhỏ, vớt bọt liên tục và phải cho 1 - 2 củ hành tây vào nữa. Một bí quyết nhỏ nữa để nước dùng trong là nêm bằng muối hột thay vì muối bột. Gạo ngon được luộc lên, cho vào một tí muối, canh hạt gạo nở vừa mềm thì đổ ra rổ, xả lại bằng nước lạnh, để ráo.
Tim, gan, cật, ruột non, dồi trường, bao tử... làm sạch, khâu này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến mùi vị của tô cháo, sau đó đem luộc với chút muối, gừng và hành tím nướng. Mỗi thứ có thời gian luộc khác nhau nên người nấu phải canh để vớt ra kịp lúc và thả vào nước lạnh để thịt được trắng, sau đó thái mỏng từng món. Cho gạo đã luộc vào nồi nước dùng, nêm nếm vừa ăn, vặn lửa nhỏ đến khi cháo sôi thì múc ra tô.
Hạt gạo chín mềm không nát, nước dùng trong có thể nhìn thấy được hạt gạo trắng tinh, nở múp. Cho tim, gan, cật, bao tử, ruột non... mỗi thứ một miếng, rắc tiêu, hành ngò vào thì sẽ có một tô cháo lòng kiểu Huế không thể chê vào đâu được. Người Huế không ăn cháo lòng cùng với giá, giò quẩy hay chấm nước mắm pha, họ chỉ ăn cháo lòng với nước mắm ngon nguyên chất xắt thêm ớt trái xanh hoặc đỏ.
Với thời buổi công nghiệp bây giờ, các món ăn đều chứa hàm lượng đạm cao, không tốt cho sức khỏe và việc ăn nội tạng động vật cũng được khuyến cáo đối với những người mắc bệnh gout hay cholesterol cao. Nhưng vài tháng hoặc vào dịp trời se lạnh và để ôn lại những kỷ niệm của ngày xưa, với những món ăn quen thuộc thì việc thưởng thức tô cháo lòng thơm ngon, nóng hổi theo kiểu Huế như vậy cũng thật bõ công nấu nướng.
Theo Thanhnien
Quán hủ tiếu Sài Gòn nổi tiếng nhờ miếng bò viên nhỏ xíu Khách tới quán chú Tư ở quận 1 thường gọi thêm bát bò viên dai, giòn sần sật và thơm nức. Quán hủ tiếu Sài Gòn nổi tiếng nhờ miếng bò viên nhỏ xíu Quán hủ tiếu bò viên của chú Tư, quê gốc miền Tây, mở từ năm 1996. Hiện quán đã có nhiều cơ sở ở Sài Gòn nhưng không gian...