Phế tích gạch nung kỳ bí ở Myanmar
Với nét đẹp kiến trúc độc đáo cùng gam màu đỏ gạch cũ kỹ, phế tích Mingun Pahtodawgyi chính là điểm đến hoàn hảo cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Myanmar
Di tích quốc gia Trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương ở TP Vũng Tàu: Đối diện với án "khai tử"
Là hệ thống trận địa pháo cổ 'độc nhất vô nhị' của cả nước với những cỗ trọng pháo được mệnh danh là bộ sưu tập 'vũ khí cổ' lớn nhất Đông Dương.
Nhưng hệ thống di tích lịch sử quốc gia Trận địa pháo cổ hầm thủy lôi núi Lớn, trận địa pháo Cầu Đá và Tao Phùng đang đứng trước nguy cơ bị 'xóa sổ'...
Cảnh tan nát, phế tích của những khẩu pháo còn lại ở trận địa pháo cổ núi Nhỏ
Điều đáng nói là, đây có thể trở thành điểm thu hút du khách bởi sự độc đáo của nó, tiếc là trong một thời gian dài hệ thống di tích này không được ai quan tâm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị
Hư hại và... "mất trộm"
Để tiếp cận được trận địa pháo cổ trên núi Tao Phùng (núi Nhỏ) thuộc TP Vũng Tàu, chúng tôi phải trải qua hành trình khá vất vả với sự dẫn đường của cán bộ địa phương. Theo bảng thông tin do Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dựng tại đây, di tích Trận địa pháo cổ núi Nhỏ là công trình quân sự trong hệ thống phòng thủ chiến lược do thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhằm khống chế và kiểm soát tàu, thuyền ra vào cửa biển Sài Gòn - Vũng Tàu, được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia năm 1993. Bảng thông tin chỉ ngắn gọn như vậy, nếu có ai đó được "may mắn" đến tham quan sẽ không biết được trận địa này có bao nhiêu khẩu pháo cổ?
Qua tìm hiểu của Văn Hóa, di tích Trận địa pháo cổ núi Nhỏ trước đây có khoảng 10 khẩu pháo cổ với nhiều kích cỡ và trọng lượng khác nhau. Thế nhưng, ghi nhận thực tế hiện nay chỉ còn 7 khẩu và một chân đế trơ khung. Như vậy, 3 khẩu đã "không cánh mà bay", trong khi đó mỗi khẩu pháo cổ có trọng lượng nặng hàng tấn. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết một đơn vị trong tỉnh đã tự ý "bứng" hai khẩu, vận chuyển về lắp đặt tại trụ sở để tô thêm vẻ "hoành tráng" của đơn vị này. Khẩu thứ ba đã bị "mất trộm" phần thân, chỉ còn phần chân đế chưa kịp bứng đi.
Theo dự đoán của những người có kinh nghiệm, nếu không được ngăn chặn kịp thời, nhiều khả năng khẩu pháo thứ tư cũng sẽ bị "đánh cắp", ra đi cùng khẩu thứ ba để cho có "đôi". Những khẩu còn lại thì bị hư hỏng nặng với đầy "thương tích", từng bộ phận bị rơi rụng, hệ thống giao thông hào công sự rệu rã, rơi rụng từng mảng, nhiều cửa hầm bị rác thải và cây cỏ bịt kín cả lối đi...
Cả trận địa pháo rơi vào cảnh hoang tàn và hoang phế do không được tu bổ, nếu không có bảng thông tin xếp hạng di tích, công chúng tham quan sẽ không nghĩ rằng đây là di tích quốc gia, chỉ biết đó là từng khối sắt vô tri đang dần trở thành phế tích.
Một khẩu trọng pháo cổ đã bị "mất trộm" phần thân, chỉ còn phần chân đế chưa kịp bứng đi ở trận địa pháo cổ núi Nhỏ
Tại trận địa pháo cổ hầm thủy lôi núi Lớn thuộc phường 5 (TP Vũng Tàu) nằm ở độ cao 100m, có 6 khẩu trọng pháo của Pháp được chế tạo từ năm 1872 - 1876, cỡ nòng 240mm với trọng lượng nặng trên 15 tấn, được đặt trên bệ, bố trí theo hình vòng cung. Mỗi khẩu cách nhau 17,5m, xung quanh là hệ thống kho đạn và hầm pháo thủ.
Đây là công trình quân sự trong hệ thống phòng thủ chiến lược của Pháp tại Vũng Tàu được xây dựng hoàn thành vào năm 1905 nhằm bảo vệ, phòng thủ, tấn công, kiểm soát toàn bộ cửa biển vùng Đông Nam Bộ và trấn giữ an toàn cho Trung tâm nghỉ dưỡng của thực dân Pháp tại Vũng Tàu. Tại đây còn có hầm chứa đạn, năm 1944 quân đội Nhật đã sử dụng làm hầm chứa thủy lôi để phong tỏa vịnh Gành Rái và cửa biển Vũng Tàu.
Thời kỳ chống Pháp (1945-1954), quân và dân ta đã bí mật lấy khoảng 50 đến 60 trái thủy lôi (mỗi trái nặng trên 100 kg) để chế bom mìn tự tạo, tiêu diệt địch. Công trình là một trong những Bộ sưu tập "pháo cổ" lớn nhất Đông Dương còn lại tại TP Vũng Tàu, được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992.
May mắn không bị "mất trộm" như trận địa pháo cổ núi Nhỏ, tuy nhiên tình trạng xâm hại tại di tích này đã diễn ra nhiều năm qua nhưng cơ quan chức năng địa phương không xử lý triệt để. Gần đây, công chúng và du khách không khỏi bức xúc trước tình trạng khu đất hơn 8.000m2 trong khu vực bảo vệ di tích bị chính quyền địa phương cấp cho cá nhân. Đáng nói hơn là ngay cả bức tường kiên cố, khang trang do cơ quan chức năng xây dựng và ghi rõ nội dung "Di tích đã xếp hạng Trận địa pháo và hầm thủy lôi núi Lớn" cũng bị người dân xâm chiếm, tận dụng làm hàng rào để che chắn cho khu đất nói trên. Chưa hết, đường dẫn vào di tích hầm thủy lôi và khu vực bảo vệ hầm cũng bị người dân bao quanh bằng tôn, hàng rào sắt để xây dựng công trình. "Ai lại để cổng đi vào di tích quốc gia bị rào chắn như thế được. Phải kiên quyết xử lý để trả lại nguyên trạng cho di tích", một người dân thường hay đến di tích tập thể dục bức xúc nói.
Chỉ còn trên giấy...
Đối với di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá thuộc phường 2 (TP Vũng Tàu) gần như không còn gì để gọi là di tích, dù nó được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1994. Tại đây có 4 khẩu pháo cỡ lớn được đặt từ đền Mẫu Thoải (số 118) đến Tịnh xá Ngọc Bích (số 106) đường Hạ Long, TP Vũng Tàu. Thế nhưng, cả 4 khẩu pháo và hệ thống giao thông hào công sự đều nằm trong tình trạng bị xâm hại nghiêm trọng bởi các công trình xây dựng trước và sau khi được công nhận xếp hạng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện có 14 hộ dân, doanh nghiệp và cơ sở tôn giáo xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích.
Đằng sau tấm biển "hoành tráng" này là những phế tích khiến cho nhiều người xót xa... Ảnh: HOÀNG HẢI
Trong đó, khẩu pháo số 1 và hệ thống giao thông hào đang trong tình trạng bị nhà bếp của Tịnh xá Ngọc Bích xây dựng đè lên ụ pháo và 2/3 thân pháo, phần nòng pháo còn lại nằm phía bên công trình nhà nghỉ của Văn phòng Công ty Bia Sài Gòn. Đoạn giao thông hào dài khoảng 15m cũng bị xây lấp kín hoàn toàn. Phần chân đế của khẩu pháo số 2 bị công trình của Văn phòng Cảng vụ TP.HCM xây lấp, chỉ còn thân và nòng pháo. Khẩu số 3 bị công trình nhà bếp, nhà vệ sinh của chùa Bửu Sơn xây đè lên. Hệ thống giao thông hào khu vực này cũng bị nhà chùa san lấp, tận dụng xây thành khu nhà bếp và kho. Riêng khẩu pháo số 4, phần bệ pháo đã bị san lấp hoàn toàn. Nghiêm trọng hơn, hầu hết các công trình xây dựng nói trên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thông tin chúng tôi có được, không những bị xâm hại hết sức nghiêm trọng, trận địa pháo cổ Cầu Đá còn bị "bỏ lọt" trong quy hoạch núi Nhỏ của TP Vũng Tàu. Cụ thể, theo Quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/2000 khu vực núi Nhỏ vào năm 1999, khu vực trận địa pháo này là khu dân cư đất du lịch phố núi. Với thực trạng trên, có thể nói di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá chỉ còn trên giấy.
Trao đổi với Văn Hóa, ông Hồ Thành Hưng, Chánh Thanh tra Sở VHTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trước tình trạng nhiều di tích trên địa bàn tỉnh bị xâm hại, ngành Văn hóa đã có chủ trương kiểm tra và rà soát lại hiện trạng tất cả di tích. Trước tiên, Sở phối hợp với UBND TP Vũng Tàu triển khai thí điểm việc rà soát, phân loại di tích nào có tranh chấp đất đai, di tích nào bị xuống cấp, di tích nào giao cho doanh nghiệp quản lý và khai thác nhưng không hiệu quả...
Trên cơ sở đó, lập danh sách báo cáo và tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ VHTTDL, đồng thời đề nghị Bộ hỗ trợ về chuyên môn để xem xét, đánh giá những di tích nào có thể khôi phục được, di tích nào không thể phục hồi yếu tố gốc, không thể giữ được... nhằm định hướng cho công tác bảo quản và phát huy giá trị di tích trên địa bàn của địa phương.
Lên non du xuân Sau Tết Nguyên đán hàng năm là mùa du xuân lễ hội với các điểm đến: Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, Tây Thiên... Nhưng năm nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), diễn biến khó lường, nhiều người chuyển hướng tự tổ chức những chuyến du xuân lên non cao hoang vắng miền Tây...