Phe nổi dậy Syria suy yếu vì đấu đá nội bộ
Một cựu thành viên của phe nổi dậy Syria hôm qua (29/8) tiết lộ, Hội đồng Quốc gia Syria không thể vượt qua được những bất đồng, chia rẽ trong nội bộ và vì thế không thể thách thức được chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Bà Basma Kodmani – người vừa quyết định rời bỏ Hội đồng Quốc gia Syria hồi tuần này, cho biết, Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) không thể đánh bại được chính quyền của Tổng thống Assad và cần phải được thay thế bởi một bộ máy chính trị mới.
“Tôi nghĩ rằng, SNC không có khả năng đối mặt với các thách thức hiện nay và không thích hợp với nhiệm vụ lật đổ chính quyền của ông Assad”, bà Kodmani đã cho Reuters biết như vậy trong một cuộc trả lời qua điện thoại từ thủ đô Paris ngày hôm qua.
Bà Kodmani là một trong số ít những phụ nữ tham gia vào SNC và từng đứng đầu cơ quan đối ngoại của SNC. SNC được thành lập ở thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ hồi năm ngoái nhằm dẫn dắt tiến trình đưa Syria tiến đến một nền dân chủ sau khi ông Assad bị lật đổ. Tuy nhiên, một số người cáo buộc SNC đang để các thành phần Hồi giáo kiểm soát, thống trị.
“Các phe nhóm trong Hội đồng Quốc gia Syria không cư xử như một khối đoàn kết, thống nhất nhằm thực hiện một dự án quốc gia chung. Một số quá quan tâm đến mục tiêu riêng của phe nhóm họ, một số lại quá quan tâm đến mục tiêu của bản thân. Điều đó đã khiến SNC trở nên suy yếu, thiếu khả năng gắn kết các phe nhóm lại với nhau và cung cấp sự hậu thuẫn cần thiết cho phe nổi dậy ở chiến trường dưới mọi hình thức”, bà Kodmani cho hay.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta nói đến sự chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ phe nổi dậy Syria. Bản thân Mỹ, một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho phe nổi dậy Syria, cũng phải bày tỏ sự quan ngại về tình trạng nội bộ lục đục của lực lượng này. Rõ ràng, kể từ khi cuộc nổi dậy ở Syria nổ ra hồi đầu năm ngoái đến giờ, phe nổi dậy vẫn chưa thể tìm được tiếng nói thống nhất và họ cũng chưa thể tìm ra được một người có đủ khả năng đoàn kết các phe nhóm với nhau.
Các phe nhóm trong lực lượng nổi dậy Syria đang hoạt động theo kiểu mạnh ai người nấy làm. Họ có mục tiêu chung là lật đổ chính quyền Tổng thống Assad nhưng lại muốn thực hiện kế hoạch theo cách riêng của mình và muốn đạt được những lợi ích riêng trong kế hoạch đó. Điều này được thể hiện qua việc, các phe nhóm đối lập ở Syria, trong đó có Hội đồng Quốc gia Syria, đua nhau lên kế hoạch thành lập chính phủ chuyển tiếp.
Theo VNMedia
Mâu thuẫn nội bộ, phe nổi dậy khó lật đổ Tổng thống Assad
Tại cuộc họp ở Cairo ngày hôm qua (4/7), các phe nhóm đối lập ở Syria đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn nội bộ sâu sắc khiến họ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thành lập một ban lãnh đạo chung. Không có một bộ máy lãnh đạo hiệu quả, phe nổi dậy sẽ khó lòng lật đổ được chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc họp giữa các phe nhóm đối lập Syria ở Cairo
Khoảng 250 đại diện của các phe nhóm đối lập ở Syria đã có cuộc họp kéo dài 3 ngày ở thủ đô Cairo, Ai Cập nhằm tìm hướng giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng ở nước này. Đây là cuộc họp do Liên đoàn Ả-rập chủ trì. Cuộc họp đã kết thúc ngày hôm qua với hai thỏa thuận đạt được. Một thỏa thuận vạch ra định hướng chung nhằm đưa Syria vượt qua giai đoạn chuyển tiếp. Thỏa thuận thứ hai đưa ra những nguyên tắc chung cho thời hậu Assad. Tuy nhiên, cả hai thỏa thuận này đều hết sức mập mờ.
Điều duy nhất mà đại diện của các phe nhóm đối lập ở Syria đạt được sự nhất trí cao tại hội nghị ở Cairo là việc loại bỏ chính quyền của Tổng thống Assad. "Ông ấy là kẻ thù của nhân dân chúng tôi. Ông ấy nên từ chức trước khi bất kỳ bước đi nào trong giai đoạn chuyển tiếp của đất nước Syria tự do được tiến hành", ông Habib Haddad, một cựu Bộ trưởng Thông tin của Syria, cho biết.
Tuy nhiên, phe đối lập vẫn bất đồng sâu sắc với nhau về việc chính quyền ông Assad sẽ bị lật đổ như thế nào. Ngoài ra, nội bộ phe nổi dậy Syria cũng không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thành lập một cơ quan thống nhất đại diện cho lực lượng này.
Các phe nhóm đối lập còn tranh cãi nhau gay gắt về một loạt vấn đề chính khác, trong đó có việc liệu có nên kêu gọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào tình hình Syria và liệu tôn giáo sẽ có vai trò gì trong đất nước Syria thời hậu Assad.
Một nhà hoạt động nổi tiếng của Syria có tên là Walid al-Bunni thừa nhận, "rất tiếc là chúng tôi có quá nhiều bất đồng đến nỗi một số nhóm đã rút lui khỏi cuộc họp". Trước khi rút khỏi hội nghị, ông Sheik Morshid el-Huznawi, một trong những đại diện của nhóm người Kurd, đã tuyên bố, hội nghị ở Cairo là "một sự thất bại".
Thậm chí, ngay cả những thành viên trong cùng một nhóm đối lập cũng bất đồng về những vấn đề chính. Ông Abdel-Aziz al-Khayyar - một cựu tù nhân thuộc nhóm đối lập có tên Cơ quan Phối hợp Quốc gia Syria (NCB), đã bác bỏ ý kiến về việc kêu gọi sự can thiệp quân sự từ nước ngoài vào Syria. Trong khi đó, một thành viên khác của NCB - ông Abdel-Basit Hamo lại bày tỏ quan điểm hoan nghênh sự giúp đỡ từ nước ngoài. "Khi bạn đang chết đuối, một người nào đó giơ tay ra, lúc đó bạn có cần phải hỏi trước đó là tay ai không?", ông Hamo đã nói như vậy.
Mâu thuẫn còn nổi lên giữa nhóm bên trong và bên ngoài Syria. Hầu hết các phe nhóm đối lập ở Syria hiện giờ do những người lưu vong sống bên ngoài đất nước lãnh đạo. Lực lượng này không giành được nhiều niềm tin của các nhà hoạt động bên trong Syria. "Chúng tôi chỉ công nhận những ai đang làm việc bên trong đất nước Syria hoặc những người ở bên ngoài nhưng có đóng góp, giúp đỡ cụ thể chứ không phải chỉ trên lời nói", ông Jamal Akta, một chỉ huy của quân nổi dậy ở thành phố phía bắc Ariha, cho biết.
Thiếu đoàn kết, phe nổi dậy thiếu sức mạnh để lật đổ ông Assad
Rõ ràng, nội bộ phe nổi dậy Syria đang còn tồn tại nhiều bất đồng, mâu thuẫn. Điều đó sẽ khiến họ không thể tạo thành một khối thống nhất đủ sức mạnh để lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.
Bản thân các phe nhóm đối lập tham gia hội nghị ở Cairo cũng thừa nhận, họ đã không thể giải quyết những bất đồng sâu sắc trong nội bộ và điều đó ngăn cản họ lập một mặt trận thống nhất trước cộng đồng quốc tế.
"Đây là một thực tế nguy hiểm. Nếu cũng ta không thể đoàn kết được với nhau thì đó sẽ là món quà lớn nhất của chúng ta giành cho chính quyền", ông al-Khayyar, cho biết. Hơn nữa, mâu thuẫn nội bộ cũng cản trở phe nổi dậy trong việc kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Có câu, đoàn kết là sức mạnh. Thiếu đoàn kết, rõ ràng phe nổi dậy trở thành một lực lượng yếu. Không chỉ yếu về tinh thần, phe nổi dậy còn thua xa quân đội Syria về tính chuyên nghiệp, vũ khí và vấn đề tổ chức lực lượng. Nhìn vào thực tế này, phe nổi dậy khó lòng có thể địch nổi lực lượng hùng hậu và chuyên nghiệp của quân đội Syria.
Trong khi phe nổi dậy bộc lộ mâu thuẫn nội bộ thì các cường quốc cũng tỏ ra bất lực trong việc tìm được một tiếng nói chung về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria. Như vậy, tình hình đất nước Syria đã bế tắc lại càng thêm bế tắc. Cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông được cho là sẽ còn kéo dài và leo thang ngày một nghiêm trọng hơn.
Theo VNMedia
Tổng thống Assad giễu cợt phe nổi dậy và phương Tây Tổng thống Bashar al-Assad hôm qua (29/8) tuyên bố một cách đầy thách thức rằng, những kẻ thù mà chính quyền Syria đang chiến đấu chống lại đã không thể thành công trong việc tiêm nhiễm nỗi sợ hãi vào trái tim ông cũng như trái tìm của những người dân Syria. Ông Assad cũng nói thêm rằng, quân đội Syria đang phải...