Phe li khai Ukraina tổ chức bầu Tổng thống và Quốc hội
Quân li khai thân Nga ở miền đông Ukraina, hôm nay (2/11), tự tổ chức các cuộc bầu cử mà Kiev và phương Tây lên án là bất hợp pháp.
BBC đưa tin, các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội được tổ chức ở hai “cộng hòa nhân dân” tự xưng Donetsk và Luhansk. Ukraina, Mỹ và EU tuyên bố không công nhận các sự kiện được Nga ủng hộ này.
Donetsk và Luhansk nằm trong sự kiểm soát của quân li khai thân Moscow sau khi miền đông Ukraina chứng kiến cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ. Tuy hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk của Belarus ngày 5/9 song vi phạm liên tục xảy ra.
Các thủ lĩnh li khai tuyên bố, vì là các nền cộng hòa độc lập nên họ không cần phải tuân thủ luật pháp Ukraina, và vì vậy không tham gia vào cuộc tổng tuyển cử do Kiev tổ chức tuần trước. Họ cũng khẳng định 3 triệu phiếu đã được in cho cuộc bỏ phiếu hôm nay để các cử tri bầu Tổng thống và Quốc hội riêng.
“Những cuộc bầu cử này là quan trọng bởi vì chúng mang lại tính hợp pháp cho quyền lực của chúng tôi và giúp chúng tôi tách xa hơn khỏi Kiev”, Roman Lyagin – chủ tịch Ủy ban bầu cử vùng Donetsk – nói.
Video đang HOT
Tuy nhiên, giới chức ở Kiev và phương Tây yêu cầu các vùng lãnh thổ này phải tuân thủ lệnh ngừng bắn, mà Nga vốn cũng đã nhất trí, và tổ chức các cuộc bầu cử ở địa phương theo luật Ukraina vào tháng 12 tới.
Alexander Zakharchenko, người đang tạm quyền lãnh đạo ở Donetsk, được cho là sẽ trở thành tổng thống của khu vực này. Trong khi đó, Igor Plotnitsky được báo chí Nga đánh giá là ứng viên giành chiến thắng ở Luhansk.
Bầu cử ở Donetsk và Luhansk diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn ở miền đông Ukraina. Một phát ngôn viên quân đội chính phủ hôm 1/11 xác nhận 7 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 10 người bị thương trong vòng 24 giờ qua, khi chiến đấu ở các vùng li khai.
Ước tính, ít nhất 3.700 người đã thiệt mạng kể từ khi quân li khai vũ trang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở Donetsk và Luhansk hồi tháng 4.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Khủng hoảng Ukraina tác động đến "chính sách Châu Á" của Nga
Theo tạp chí Diplomat, cuộc xung đột ở miền đông Ukraina chắc sẽ tác động đến "chính sách hướng đông" và cam kết tương lai của Nga với Châu Á.
Quan hệ Nga-Mỹ sau Chiến tranh lạnh có thể bị đổ vỡ vĩnh viễn vì khủng hoảng Ukraina.
Mối quan hệ sau Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga có thể bị đổ vỡ vĩnh viễn. Mặc dù đã sáp nhập Crimea, nhưng xem ra Nga đang mất đi phần còn lại ở Ukraina, có lẽ là vĩnh viễn. Hơn bất cứ điều gì khác, Mátxcơva muốn được tự do thực thi quyền lực ở các nước vốn thuộc không gian Liên Xô cũ. Những sự cố lặp đi lặp lại trong suốt 20 năm qua đã chỉ ra rằng Washington sẽ không, và có lẽ không thể, dành cho Nga "đặc quyền, đặc lợi" này.
Đã có thời, Nga tìm cách hòa giải với Mỹ. Nhưng sau "nỗi thất vọng mang tên Ukraina", Nga chắc chắn sẽ theo đuổi một chính sách thù địch đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn thế giới.
Kể từ năm 1990, Nga và Mỹ đã hợp tác khá hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran và Triều Tiên, chống khủng bố và duy trì ổn định của khu vực Trung Á. Nhưng nếu quan hệ tổng thể Nga-Mỹ bị suy thoái, tất cả những sự hợp tác nói trên sẽ bị lâm nguy.
Vậy cuộc khủng hoảng Ukraina nói riêng và quan hệ Nga-Mỹ xuống cấp nghiêm trọng sẽ tác động như thế nào đối với chính sách của Nga ở Đông Á nói riêng và Châu Á nói chung?
Nga có thể sẽ trở nên không khoan nhượng hơn đối với Mỹ về vấn đề Triều Tiênhoặc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, đơn giản chỉ vì chúng đụng chạm đến lợi ích của Mỹ. Tương tự, mặc dù Nga vốn lo lắng về chính sách năng lượng của Trung Quốc, thái độ thù địch của Nga đối với Mỹ có thể dẫn đến những lĩnh vực hợp tác mới, chưa từng có giữa hai gã khổng lồ Á-Âu này.
Trong khi Nga không hề giấu giếm tham vọng xuất khẩu vũ khí, căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Việt Nam có khả năng khiến cho Hà Nội gặp khó khăn hơn trong việc nhập khẩu vũ khí Nga. Trong quá khứ, Nga đã từng trì hoãn việc chuyển giao một số hệ thống vũ khí hiện đại cho Iran do sức ép của Mỹ.
Hành vi của Nga ở Đông Á là có thể dự đoán về dài hạn, nhưng khó có thể dự đoán trong ngắn và trung hạn. Về lâu dài, Mátxcơva có thể cố bảo vệ các vùng lãnh thổ ở Viễn Đông, tăng xuất khẩu vũ khí và đảm bảo vị thế của Nga trong các diễn đàn ngoại giao đa phương (như đàm phán 6 bên). Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những lợi ích dài hạn của Nga lại có thể được thể hiện qua rất nhiều hành vi khác nhau.
Trong thời gian trước mắt, Nga muốn làm tổn thương những lợi ích của Mỹ trên thế giới nói chung và ở Châu Á nói riêng. Chỉ có điều, về lâu về dài, Trung Quốc trỗi dậy có thể đe dọa lợi ích sát sườn của Nga. Biết đâu, đến khi đó, Nga lại chẳng một lần nữa bắt tay với Mỹ để hợp sức đối phó với mối đe dọa mang tên Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
MINH ĐỨC
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Đấu súng dữ dội cạnh ga tàu Donetsk Giao chiến giữa quân chính phủ và lực lượng li khai thân Nga đang diễn ra ác liệt gần một ga tàu Donetsk, thành trì của lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraina. Reuters dẫn lời các nhân chứng mô tả nhiều cột khói đen đang bốc ngùn ngụt lên bầu trời và nhiều tiếng nổ lớn vang lên từ trung tâm...