Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045
Ngày 6/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1520/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Chăn nuôi lợn tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Chiến lược cũng đặt ra yêu cầu phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; tăng cường nghiên cứu khoa học, thích nghi và ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới, chú trọng ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi.
Đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Chiến lược đặt ra mục tiêu chung đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.
Cùng với mục tiêu chung, Chiến lược xác định các mục tiêu cụ thể cho ngành chăn nuôi giai đoạn 10 năm tới. Đó là, tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 đến 5%/năm; giai đoạn 2026-2030 trung bình từ 3 đến 4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại: Đến năm 2025 đạt từ 5,0 đến 5,5 triệu tấn, trong đó thịt lợn từ 63 đến 65%, thịt gia cầm từ 26 đến 28%, thịt gia súc ăn cỏ từ 8 đến 10%; đến năm 2030 đạt từ 6,0 đến 6,5 triệu tấn, trong đó: thịt lợn từ 59 đến 61%, thịt gia cầm từ 29 đến 31%, thịt gia súc ăn cỏ từ 10 đến 11%, trong đó xuất khẩu từ 15 đến 20% sản lượng thịt lợn, từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm.
Video đang HOT
Sản lượng trứng, sữa: Đến năm 2025 đạt từ 18 đến 19 tỷ quả trứng và từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn sữa; đến năm 2030 đạt khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa.
Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm, đến năm 2025 đạt từ 50 đến 55 kg thịt xẻ các loại, từ 180 đến 190 quả trứng, từ 16 đến 18 kg sữa tươi và đến năm 2030 đạt từ 58 đến 62 kg thịt xẻ các loại, từ 220 đến 225 quả trứng và từ 24 đến 26 kg sữa tươi.
Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: Từ 25 đến 30% vào năm 2025, từ 40 đến 50% vào năm 2030; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 vùng cấp huyện, đến năm 2030 ít nhất 20 vùng cấp huyện.
Ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu khu vực
Mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của hộ nông dân tại thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Chiến lược xác định tầm nhìn đến năm 2045 của ngành Chăn nuôi là trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biển, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo Chiến lược, ngành Chăn nuôi Việt Nam đến năm 2045 phải có trình độ và năng lực sản xuất thuộc nhóm dẫn đầu các nước trong khu vực Đông Nam Á; khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường; 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó có khoảng 30% được chế biến sâu.
Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu trên, Chiến lược xác định các giải pháp cụ thể như hoàn thiện các nhóm chính sách về phát triển chăn nuôi (chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền); nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi; đổi mới tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú ý.
Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho chăn nuôi
Theo Chiến lược, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y; kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa, quý, hiếm; dự trữ sản phẩm chăn nuôi thiết yếu phù hợp với từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, Chiến lược yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Chiến lược; xây dựng các chương trình và đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm và năm năm; đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Chiến lược phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 có hiệu lực thi hành kế từ ngày ký quyết định ban hành.
Đàn lợn của Bình Phước tăng 50% so với thời điểm trước dịch
Ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, việc tái đàn được triển khai nhanh, hiệu quả theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học.
Đàn lợn của Bình Phước tăng 50% so với thời điểm trước dịch. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)
Ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước về công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn có 290 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 1,3 triệu con, 90 trang trại gia cầm với hơn 4,4 triệu con, cùng 3 nhà máy ấp trứng gia cầm và 2 nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, các trang trại trên địa bàn nhờ thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, do đó chỉ có 2,3% tổng đàn lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Số lợn tiêu hủy chủ yếu là từ các trang trại nhỏ lẻ, chăn nuôi hộ gia đình.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, ngay sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, việc tái đàn được triển khai nhanh, hiệu quả theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học.
Đến thời điểm hiện nay, tổng đàn lợn đã tăng lên 50% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch.
Nhờ công tác tái đàn hiệu quả mà Bình Phước đã góp phần cung ứng đáng kể cho thị trường số lượng lợn thiếu hụt sau khi xảy ra đợt dịch vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi của Bình Phước trong thời gian qua. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học do đó đã ngăn ngừa và hạn chế được tình hình dịch bệnh lây lan, giảm thiệt hại trong đợt dịch vừa qua; đặc biệt, việc tái đàn của Bình Phước triển khai nhanh và hiệu quả hơn nhiều địa phương khác.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng mặc dù Bình Phước phát triển chăn nuôi đi sau so với một số địa phương nhưng hiện nay có 85% tổng đàn lợn và 95% đàn gà được nuôi theo hình thức trang trại khép kín, công nghệ hiện đại. Việc áp dụng khoa học công nghệ đã giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững hơn.
Ông Phùng Đức Tiến đề nghị Bình Phước tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, gắn với bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cho biết thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác tái đàn lợn, đảm bảo tái đàn bền vững và phòng, chống bệnh dịch hiệu quả; nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi trên địa bàn./.
Chiều 6/10, giá vàng châu Á giảm Trong phiên giao dịch chiều 6/10, giá vàng châu Á giảm do thị trường chứng khoán tăng điểm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau đợt điều trị COVID-19. Vàng miếng được bán tại cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN Vào lúc 14 giờ 22 phút chiều (giờ Việt Nam), giá...