Phẫu thuật nội soi tuyến giáp “kiểu” Việt Nam!
Phương pháp nội soi tuyến giáp với những sáng tạo tuyệt vời, giảm tối đa chi phí, vật dụng, vật tư, hiệu quả cao, giảm nguy cơ, không để lại sẹo của PGS.TS Trần Ngọc Lương được bạn bè quốc tế yêu mến gọi “phẫu thuật nội soi kiểu made in Việt Nam”.
Công trình khoa học “Phẫu thuật nội soi tuyến giáp” của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Phó giám đốc phụ trách điều hành bệnh viện Bệnh viện nội tiết trung ương cũng là công trình được giới thiệu tham dự giải Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y – Dược.
Ứng dụng “hợp” hoàn cảnh
Theo TS Lương, bệnh lý tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ, trong đó có nhiều phụ nữ trẻ. Trước đây, mổ tuyến giáp bằng phương pháp mở, sau mổ người phụ nữ rất mặc cảm, tự ti do có vết sẹo lớn ở cổ.
“Không ít bệnh nhân gặp tôi than thở, khỏi bệnh tuyến giáp, lại mắc thêm “bệnh tự ti” vì mặc cảm. Xuân hạ thu đông đều luôn cố gắng diện áo kín cổ cao tường để che đi vết sẹo lớn ở cổ. Nhưng cũng có những lúc không thể che đi được. Vì điều này, tôi luôn trăn trở, làm sao để tìm ra phương pháp phẫu thuật vừa chữa bệnh tuyến giáp, vừa không mang lại một “bệnh” khác cho người phụ nữ”, TS Lương cho biết.
PGS.TS Trần Ngọc Lương trong phòng phẫu thuật nội soi tuyến giáp cho bệnh nhân.
Mày mò tìm đọc tài liệu, TS Lương đã mạnh dạn áp dụng phương pháp nội soi tuyến giáp. Dù trước đó, bản thân ông chưa từng được đi đào tạo về kỹ thuật này, nhưng với những kinh nghiệm có được trong phẫu thuật nội soi ổ bụng, cộng với sự sáng tạo, đam mê nghề, mang đến giải thoát cho người bệnh, TS Lương đã áp dụng thành công kỹ thuật nội soi này từ năm 2003.
“Đây là một kỹ thuật khó, vào thời điểm đó mới chỉ rất ít tác giả trên thế giới làm với những kỹ thuật khác nhau và cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt những khó khăn trong mổ bệnh Basedow, bệnh đa nhân lớn, bệnh ung thư tuyến giáp…Nhưng quyết tâm, cuối cùng đã thành công. Hơn nữa, phương pháp này còn được bạn bè quốc tế hết sức ấn tượng, bởi chi phí rẻ (khoảng 400 USD so với thế giới từ 7.000 – 10.000 USD) mà vẫn mang lại hiệu quả điều trị cao với người bệnh”, TS Lương nói.
Để làm được điều này, TS Lương đã nghiên cứu rất kỹ những tài liệu của các tác giả trên thế giới. Nhưng với điều kiện của Việt Nam, để thực hiện theo những phương pháp này người bệnh không thể đủ khả năng. Vì vậy, TS Lương đã mày mò, sáng tạo có những đường mổ riêng, phương pháp riêng mang lại lợi ích cho người bệnh.
Ví như với đường mổ, nhiều nước sử dụng kỹ thuật rạch một số vết rạch da ngắn ở cổ để đưa ống kính soi vào để nhìn và mổ. Kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật nội soi trợ giúp. Đường này có thể sử dụng dụng cụ mổ thông thường để mổ, đường vào tuyến giáp ngắn nhưng vẫn có các vết sẹo ở trên cổ nhất là đối với các người bệnh có cơ địa sẹo lồi.
TS Lương đã sử dụng đường nách – ngực với đường rạch da lớn nhất là 1cm vùng nách, nên vết rạch da này thường biến mất sau vài tháng, chỉ còn lại sẹo mờ.
Trên thế giới, như Hàn Quốc người ta sử dụng rô bốt để phẫu thuật nội soi tuyến giáp, Việt Nam không thể thực hiện được vì phẫu thuật rô bốt rất đắt tiền (hàng chục nghìn USD), thời gian lắp đặt, thực hiện một ca phẫu thuật rất lâu (ví dụ 1 ca cắt thùy tuyến giáp mất 2 giờ thì tại bệnh viện nội tiết trung ương chỉ mất 30 phút). “Tôi nói với bạn bè quốc tế, ở nước tôi cả nước có 1 rô bốt, nên tôi phải mổ nội soi tuyến giáp theo kiểu Việt Nam, ứng dụng theo điều kiện của mình”, TS Lương nói.
Phẫu thuật nội soi tuyến giáp “kiểu” Việt Nam vừa dễ làm, đơn giản, dễ thực hiện, nhanh, hiệu quả, an toàn và chi phí rẻ. Dễ thực hiện, đơn giản vì chỉ dùng dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng. Trong khi các nước phải sử dụng dụng cụ phức tạp, chế tạo khung treo rắc rối tốn nhiều tiền. Chính vì những ưu điểm này mà thế giới cực kỳ ấn tượng với kỹ thuật này của Việt Nam. Đã có hàng trăm bác sĩ từ các nước tiên tiến trên thế giới sang Việt Nam để học hỏi kỹ thuật này.
Đặc trưng tuyến giáp nằm ở vùng cổ trước, không nằm ở khoang sẵn như khoang ngực, khoang bụng. Vì vậy để thực hiện được các thao tác thì phải tạo ra một khoang quanh tuyến giáp gọi là khoang làm việc. Trên thế giới, một số tác giả khác sử dụng khung nâng da để tạo khoang làm việc. Sau khi tạo ra tấm vạt da bằng cách tạo mù, tác giả sẽ dùng dụng cụ để nâng tấm da lên để tạo ra khoang làm việc. Việc này phải cần có dụng cụ đặc biệt, phải mất thời gian lắp ráp trong khi mổ. Vừa tốn tiền lại tốn thời gian, trong khi đó lại không có mỹ quan quanh khu mổ vì những dụng cụ đặc biệt này. Thời gian mổ lâu hơn vì không tận dụng được tác dụng tách tổ chức của khí CO2 , không có khí để đuổi khói tạo ra trong quá trình cắt đốt ra ngoài, vì vậy phẫu trường thường tối, khó làm việc.
Video đang HOT
Với những “tốn kém”, khó khăn trên, TS Lương đã quyết định sử dụng bơm khí CO2 để tạo ra khoang làm việc. Kỹ thuật này đơn giản, dễ làm lại tận dụng được tác dụng tách, lóc tổ chức xốp của khí CO2 làm cho trường phẫu thuật rõ ràng hơn, các mạch máu và tổ chức nhìn rõ hơn cho nên đốt cắt cũng dễ dáng và an toàn hơn.
Khi bộc lộ tuyến giáp theo kinh điển sẽ làm từ đường giữa, sau khi tách vạt da lên trên và xuống dưới thì tách đường giữa để bộc lộ thùy tuyến giáp. Dù phương pháp này có ưu điểm là có thể bộc lộ được cả 2 thùy tuyến giáp để bác sĩ xử lý, nhưng lại có nhược điểm là rất khó khăn trong vấn đề bộc lộ và xử lý cực trên của thùy tuyến giáp. Ngoài ra tìm và xác định tuyến giáp và dây thần kinh quặt ngược rất khó khăn. Với kỹ thuật này sẽ rất khó với những người có bướu lớn hoặc phải cắt cơ ở cổ trước.
Để khắc phục nhược điểm này, TS Lương quyết định b ộc lộ thùy tuyến giáp bằng đường bên, qua đó bộc lộ và xử lý cực trên dễ dàng và an toàn. Tìm và xác định dễ dàng tuyến cận giáp và dây thần kinh quặt ngược cũng như tách chúng ra dễ và an toàn khỏi tuyến giáp. Có thể mổ được những bướu lớn nhưng không cần phải cắt bất cứ cơ cổ trước nào. Dù vậy, với những trường hợp phải cắt toàn bộ tuyến giáp sẽ phải đi từ 2 phía
Những sáng tạo này của Việt Nam khi báo cáo khoa học tại các hội nghị Phẫu thuật nội soi Châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị Phẫu thuật Nội tiết châu Á – Thái Bình Dương tại: Ân Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Srilanka, Hàn quốc, Việt Nam. Hội nghị Ngoại khoa Thế giới tại Finland, phương pháp phẫu thuật này được đánh giá rất cao, bạn bè quốc tế yêu mến tặng nick name “phẫu thuật tuyến giáp kiểu Việt Nam”.
Có thể triển khai đại trà
TS Lương là người đầu tiên ứng dụng phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại Việt Nam và đã thành công, với nhiều sáng tạo, ưu điểm nổi bật so với các phương pháp phẫu thuật trên thế giới, với dụng cụ đơn giản, chỉ cần dụng cụ mổ nội soi ổ bụng đơn thuần, quy trình mổ đơn giản, nhanh, an toàn, hiệu quả, dễ học, dễ chuyển giao cho các cơ sở y tế tuyến dưới.
TS Lương phẫu thuật nội soi tuyến giáp “kiểu” Việt Nam, hướng dẫn học viên là các bác sĩ đến từ nhiều quốc gia trong khu vực.
“Phẫu thuật tuyến giáp bằng nội soi đã mở ra một hướng mới trong việc điều trị các bệnh lý về tuyến giáp. Một số bệnh nhân do lo ngại về vết sẹo ở cổ mà không dám đi mổ ngay. Hậu quả là khi bướu đã phát triển quá to, ung thư di căn ở giai đoạn muộn mới đi mổ. Đây là những trường hợp đáng tiếc không nên có. Với phẫu thuật nội soi, vì không có sẹo ở cổ cho nên sau mổ bệnh nhân tự tin hơn. Bệnh nhân có thể đi làm sớm hơn, tự tin hơn trong giao tiếp, các hoạt động xã hội bình thường trở lại. Bệnh nhân không cần che cổ bằng khăn hay những đồ trang sức khác”, TS Lương nói.
Đặc biệt, phẫu thuật nội soi tuyến giáp có thể áp dụng ở các tuyến cơ sở, các bệnh viện đa khoa của tỉnh. Bệnh viện Nội tiết Trung ương liên tục mở các lớp cho các học viên trong nước đến học. Đến nay đã có nhiều bệnh viện trong cả nước thực hiện được kỹ thuật mổ tuyến giáp nội soi theo kỹ thuật của bệnh viện Nội tiết Trung ương như: bệnh viện đa khoa Nghệ An, bệnh viện ung bướu Nghệ An, bệnh viện Việt- Tiệp Hải phòng, bệnh viện Ung bướu Hà nội, bệnh viện đa khoa Nam Định, bệnh viện đa khoa Thái bình, bệnh viện Chợ rẫy, bệnh viện Nhân dân Gia định, bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Hoàn Mỹ Cần thơ…
Từ năm 2003 đến nay đã có trên 3.500 bệnh nhân mổ bằng kỹ thuật này. Đây là số lượng mổ lớn nhất tại Việt Nam cũng như trong khu vực và trên thế giới. Các biến chứng với tỷ lệ rất thấp. Không chỉ phẫu thuật tuyến giáp thông thường như bướu đơn nhân, đa nhân, bệnh Basedow mà nay còn ứng dụng điều trị ung thư tuyến giáp kể cả cắt toàn bộ tuyến giáp kèm theo nạo vét hạch trong ung thư.
Đặc biệt, đã có 218 giáo sư, bác sỹ của các nước trong khu vực Singapore, Malaysia, Indonesia, Phillippin, Thái Lan, Pakistan, Australia, India, Arabia Soudia, Portugal đến BV Nội tiết Trung ương học kỹ thuật này. TS Lương cũng đã trực tiếp sang trình bày kỹ thuật và mổ thị phạm tại nhiều bệnh viện của các nước trong khu vực và châu Á như Malaysia, Indonesia, Phillipines, Ấn Độ, Thái Lan.
Hồng Hải
Theo Dantri
Lương chưa tăng được, tiền đâu làm "siêu dự án" Long Thành?
Ngổn ngang những mối lo, hoang mang những câu hỏi, nghi hoặc những con số... Những yếu tố đó được đưa lên bàn cân để đối chứng với những đòi hỏi cần thiết về việc đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành...
Chiều 4/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại các đoàn ĐBQH về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.
Long Thành - bài toán của 2016 hay 2020
Đại biểu Nguyễn Văn Bình: "Vấn đề đặt ra với sân bay Long Thành cũng giống dự án đường dây 500KV Bắc Nam 10 năm trước".
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) cho rằng, việc đặt vấn đề đầu tư xây dựng sân bay Long Thành cần trả lời 3 câu hỏi. Trước hết, việc sân bay Tân Sơn Nhất quá tải thì không có gì phải nghi ngờ. Phương án mở rộng sân bay này cũng không khả thi vì vấn đề chiếm dụng đất, sử dụng cho mục đích khác, không còn khả năng "cơi nới" thêm.
"Tôi đã từng tham gia quân tiếp quản vào Sài Gòn sau giải phóng. Vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày ấy và đến giờ nhìn lại mới thấy xót xa vì sự thiếu quản lý khiến toàn bộ quy hoạch bên trong, bên ngoài khu vực này đều vị phá vỡ cả. TPHCM đã thống kê, muốn mở rộng sân bay này thì phải di chuyển gần nửa triệu dân - một con số kinh khủng. Hạ tầng xung quanh sân bay cũng khó có phương án đáp ứng khi chỉ có 2 tuyến giao thông hướng đến đây đều đã tắc nghẽn, áp lực" - ông Nam nói.
Trả lời câu hỏi thứ 2, có thể làm sân bay này trong những năm tới, đại biểu Lê Nam nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là bản thân ông cũng trăn trở vì "siêu dự án" có khả năng gây áp lực lên ngân sách đang khó khăn. Tuy nhiên, ông Nam phân tích lại, kỳ họp này Quốc hội chưa quyết việc đầu tư ngay, mới chỉ là trình xin ý kiến, trên cơ sở nếu được ủng hộ, chấp thuận mới tiếp tục xây dựng phương án đầu tư cụ thể để trình Quốc hội xem xét quyết định.
Mới xin chủ trương trong khi dự án thì thấy rõ là rất cần thiết, vậy thì, ông Nam quả quyết, "không có gì mà không đồng ý cả" vì chưa phải lo chuyện có tiền chi tiêu lúc nợ công đang "găng", chưa có gì phải đặt ra chuyện cân đối ngân sách cho việc này. Đại biểu cũng bày tỏ lạc quan với hướng đề xuất của Bộ GTVT là để DN vay lại vốn ODA từ Chính phủ, tự vay tự trả.
Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) dẫn lại chuyện đầu tư đường dây 500KV Bắc - Nam. Dự án ban đầu cũng gây hoang mang cho là quá "khủng", quá lãng phí. 10 năm sau, cho đến bây giờ mới thấy tác dụng, sự đúng đắn, thức thời của những người làm dự án khi đó.
Thêm một phiếu ủng hộ chủ trương đầu tư làm Long Thành, ông Bình cũng gạt đi lo ngại số vốn khủng của dự án. Đại biểu lập luận, miễn là cơ quan chuẩn bị chứng minh được tính hiệu quả của dự án, chắc chắn việc huy động các đối tác, các nhà đầu tư tham gia không cần phải lo.
Thượng tướng Nguyễn Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, tính cần thiết của dự án ai cũng có thể thấy rõ nhưng tính cấp thiết trong thời điểm hiện tại thì chưa thể hiện được trong báo cáo đầu tư. Ông Hiếu chia sẻ lo lắng về thực tế nhiều công trình đầu tư xây dựng, ngốn hàng nghìn tỷ xong rồi để đấy, như dự án Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, mỗi năm chỉ dùng được ít ngày vào việc lễ tiết.
Tướng Hiếu cho rằng, cần tính lại thời gian thực hiện dự án, không nên vội vàng, 2020 sân bay Tân Sơn Nhất mới thực sự quá tải khi vượt ngưỡng công suất thiết kế 25 triệu khách thì thời điểm đó làm Long Thành sẽ chắc chắn hơn, 5 năm tới (2015 - 2020) nên được dành cho việc chuẩn bị đầu tư thật kỹ lưỡng.
"Ít năm nữa, kinh tế đất nước chắc cũng khá hơn nhiều rồi, tích lũy cũng ổn hơn, việc khởi công dự án sẽ chắc ăn, đỡ áp lực hơn. Lúc đó, các đối tác nước ngoài cũng nhìn thấy triển vọng lớn, rõ ràng hơn ở Việt Nam, ta sẽ dễ thuyết phục, kêu gọi đầu tư hơn"- ông Hiếu lập luận.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng gợi ý một vấn đề khác là phương pháp lên kế hoạch. Không đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng một lúc cả 5000ha cho dự án có 3 giai đoạn thực hiện, kéo dài đến tận 2030, ông Hiếu cho là tự "ôm" khó khăn. Theo đại biểu, nên lấy đất dần cho từng giai đoạn triển khai vì chưa dùng đến thì đất để đấy cũng là lãng phí, cần để người dân tiếp tục canh tác trong bối cảnh đất nông nghiệp đang rất thiếu hiện nay.
Mối lo khác trong mắt tướng Hiếu là mục tiêu xác định xây dựng Long Thành là một cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực. Câu hỏi ông Hiếu đặt ra, việc cạnh tranh với các sân bay trung chuyển đã có sẵn của Thái Lan, Singapore sẽ khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng, Malaysia cũng xây dựng sân bay trung chuyển nhưng chưa thu hút được khách vì phải cạnh tranh với sân bay của Thái, của Sing.
Ai chịu trách nhiệm nếu trì hoãn Long Thành
Những ý kiến "can gián" có thể ghi nhận nhiều nhất tại tổ thảo luận của đoàn ĐBQH TPHCM.
Đại biểu Võ Thị Dung của đoàn này cũng không phủ nhận tính cần thiết của dự án nhưng cho rằng báo cáo đầu tư có nhiều điểm chưa thuyết phục. Đại biểu lo ngại hướng "đóng cửa" sân bay Tây Sơn Nhất để dồn khách cho Long Thành vì mục tiêu hút 100 triệu hành khách/năm của dự án này quá lớn.
Nữ đại biểu khái quát, đông đảo cử tri TPHCM không đồng tình nếu để mở cửa Long Thành lại đóng cửa Tân Sơn Nhất. Còn nếu không đóng cửa sân bay này thì quy mô đặt ra của Long Thành quá lãng phí.
"Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói, với tốc độ phát triển kinh tế 8-9%/năm thì 40 năm nữa Việt Nam mới bằng Hàn Quốc. Vậy thì ta có cần ngay một sân bay lớn như Long Thành, để phục vụ ai, phục vụ việc gì?" - bà Dung đặt câu hỏi.
Bà Dung cũng cho rằng, dự án "làm mất lòng tin" của người dân khi Chính phủ lập luận là không thể mở rộng Tân Sơn Nhất. Bỏ qua lý giải về việc khu đất hơn 160ha trong khuôn viên sân bay này đang được dùng làm sân golf khó chuyển sang làm đường băng được vì có hình tam giác, đại biểu lý luận, các chuyên gia hàng không mà đoàn ĐBQH TPHCM đã tiếp xúc đều khẳng định có thể làm được.
Đại biểu cũng không tin số liệu đưa ra là khoảng 140.000 hộ dân phải giải tỏa nếu muốn làm thêm đường băng ở Tân Sơn Nhất. Số liệu dự báo sản lượng khai thác hàng năm của sân bay này cũng có sự vênh lớn, chênh đến 2 lần giữa nguồn thống kê của UBND TPHCM và TCty Hàng không VN.
Về vấn đề vốn cho dự án, phản bác đề xuất giữ lại 5.000 tỷ đồng tiền cổ phần hóa TCty Cảng Hàng không VN để dành cho việc giải phóng mặt bằng, đại biểu lật lại, không coi số tiền đó là tiền ngân sách là không được vì tiền vốn của DNNN cũng là tiền của người dân.
Nữ đại biểu đề nghị "gác" lại câu chuyện Long Thành, đến 2030 mới tính tiếp.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh: "Chuyện tăng lương năm tới chưa biết thế nào mà giờ đã bàn chuyện sân bay Long Thành".
Đại biểu Nguyễn Văn Minh cũng đề nghị xem xét lại dự án, xem lại tính xác thực của các con số 140.000 hộ dân phải di dời nếu muốn mở rộng, làm thêm một đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất, 9 tỷ USD tiền bồi thường cho phương án này, tính hiệu quả, khả năng hoàn vốn của Long Thành... vì đó đều chỉ là ước tính, là kỳ vọng, là tình huống đẹp nhất đặt ra.
"Nợ công đang chồng chất. Trong nước thì không có tiền tăng lương. Chuyện 2016 tới chưa biết thế nào mà giờ này đã bàn chuyện Long Thành. Người dân chỉ mong một điều, làm sao nhà nước tiết kiệm chi hơn để tăng lương được, nếu không tăng chung cho cả nước thì cũng tăng trước cho những đối tượng khó khăn, người có lương hưu thấp, công chức đang phải thắt lưng buộc bụng, gồng mình gánh sức ép mấy năm nay. Một người lái xe ngày kiếm 150.000 đồng, một công chức, viên chức lương chì vài ba triệu đồng/tháng. Đồng tiền bỏ ra phải xót lắm" - ông Minh ta thán.
Giữ quan điểm bình tĩnh hơn, đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, báo cáo giải trình bố sung của Chính phủ đã làm rõ được nhiều điểm mờ về dự án. Việc cần tính là phương án thu xếp để nâng công suất khai thác của Tân Sơn Nhất lên 30-40 triệu khách/năm được không, nếu nâng được thì sau 2020 mới phải tính tới làm Long Thành.
Cái khó hiện tại, ông Lịch nhìn thẳng là Tân Sơn Nhất khai thác 1 đường băng đã có có thể đảm bảo gánh 25 triệu hành khách/năm. Vì khoảng cách 2 đường băng hiện tại quá hẹp nên dùng 2 đường băng này thì cũng chỉ nâng được công suất lên đôi chút (26 triệu khách/năm). Nếu không dám đảm bảo nâng công suất Tân Sơn Nhất lên được thì đến 2020, khi sân bay quá tải, ai sẽ phỉ chịu trách nhiệm về việc trì hoãn Long Thành?
P.Thảo
Theo Dantri
Nghề nào đang có lương "khủng" nhất Việt Nam? Phi công, tiếp viên hàng không và quản lý nhân sự... vẫn luôn là những ngành nghề cho mức thu nhập "khủng" nhất Việt Nam năm 2014. Có Tổng giám đốc ngân hàng lương 6-7 tỷ đồng/năm. 1. Phi công: Theo bảng lương 5 năm từ 2008 đến 2013 được Vietnam Airlines (VNA) công bố gần đây nhất, mức lương năm 2013 của...