Phẫu thuật kích thích não sâu – hy vọng mới cho bệnh nhân Parkinson
Anh Hoàng Minh P., sinh năm 1964 được chẩn đoán Parkinson từ năm 2006. Triệu chứng khởi đầu của bệnh nhân là run vùng ngọn chi, chủ yếu tay phải, kèm theo co cứng các cơ nửa người phải, bệnh nhân nói khó, viết khó.
Bệnh Parkinson gây trở ngại lớn trong sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày của người bệnh. Ảnh minh họa
Mặc dù được điều trị nhưng đến năm 2007 các triệu chứng bệnh nhân nặng dần lên với các biểu hiện run, cứng từ chi ưu thế bên phải, nói khó, viết khó, đi lại khó khăn kèm theo bệnh nhân tiểu khó, hay vã mồ hồi, táo bón. Bệnh nhân được sử dụng phối hợp Artan 2mg x 2 viên/ngày và syndopa tăng dần liều.
Vào thời điểm đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám, bệnh nhân đã dùng tới 6 viên syndopa/ngày. Thuốc chỉ có tác dụng trong khoảng vài tiếng, ngoài ra sau khi sử dụng thuốc khoảng 30 phút đến 1 giờ bệnh nhân có các biểu hiện loạn động, xoắn vặn. Bệnh nhân rất chán nản, bi quan.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội – Hồi sức Thần Kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, sau khi được khám sàng lọc và làm các test đánh giá về thần kinh, tâm lý cũng như test UPDRS để đánh giá khả năng phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật kích thích não sâu.
“Đây là phương pháp phẫu thuật sọ não nhằm đưa một que kim loại (còn gọi điện cực) vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó. Tuổi thọ pin trung bình khoảng năm năm tùy thuộc vào cường độ điện sử dụng cao hay thấp. Giống như máy tạo nhịp tim, khi được kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, từ đó tác động vào nhân não giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Ê kíp phẫu thuật của bệnh viện gồm các bác sĩ nội thần kinh, ngoại thần kinh, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân vẫn tỉnh và được các bác sĩ nội thần kinh thăm khám đánh giá sự cải thiện của triệu chứng cũng như tác dụng phụ xảy ra do quá trình đặt điện cực để điều chỉnh vị trí điện cực.
Ca phẫu thuật kéo dài tám giờ, bệnh nhân được lưu lại viện bốn ngày để theo dõi các biến chứng xuất huyết, nhiễm trùng, sau đó được xuất viện.
Trong những tuần đầu, anh P. được tái khám định kỳ hàng tuần và được các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh điều chỉnh cường độ và vị trí phát xung thích hợp, kèm theo với việc duy trì sử dụng thuốc hợp lý.
Đến nay, sau ba tuần phẫu thuật, anh P. đã có thể đi lại, tự phục vụ bản thân. Các biểu hiện như loạn động đã được kiểm soát, các triệu chứng như cứng cơ được cải thiện 80-90%, triệu chứng run được cải thiện 70%.
Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh, tiến triển từ từ và nặng dần theo thời gian. Parkinson là bệnh có những biểu hiện lâm sàng với triệu chứng vận động có biểu hiện điển hình là chứng run và co cứng cơ, chậm chạp, mất ổn định về tư thế, bệnh nhân đi lại dễ bị ngã. Còn triệu chứng ngoài vận động thì liên quan đến trầm cảm, tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật…
Video đang HOT
Khi bị mắc chứng bệnh này, với những bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường có biểu hiện run ở phần ngọn chi và miệng, kèm theo có việc co cứng các cơ, động tác chậm chạp dẫn đến việc hạn chế vận động.
Ở những giai đoạn sau triệu chứng nặng dần lên, run và cứng cơ nhiều hơn khiến bệnh nhân bị mất ổn định về tư thế, dễ bị ngã khi đi lại. ngay những động tác đơn giản như cài khuy áo, tự mặc quần áo cũng không làm được. Người mắc bệnh Parkinson còn hay gặp các triệu chứng ngoài vận động như tiểu đêm, táo bón, trầm cảm…
Việc điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Ở giai đoạn đầu việc dùng thuốc thường đem lại hiệu quả ấn tượng và giai đoạn này được gọi là “thời kỳ trăng mật” (thường là 4-5 năm từ khi khởi phát bệnh). Tuy nhiên ở những giai đoạn sau này hiệu quả của thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều điều trị và đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều biến chứng do việc sử dụng thuốc.
Kỹ thuật kích thích não sâu là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất để điều trị bệnh Parkinson và một số các rối loạn vận động khác. Các nước châu Âu và Mỹ khuyến cáo sử dụng kỹ thuật này để điều trị bệnh nhân Parkinson ở giai đoạn hiệu quả dùng thuốc kém đi, thường tối thiểu năm năm kể từ khi được chẩn đoán mắc Parkinson. Với những thiết bị Việt Nam hiện có thì giá thành sẽ giảm nhiều, chi phí có thể chỉ khoảng hơn 30.000 USD (bằng 1/3 so với nước ngoài).
Nguyễn Bích Thủy
Theo TTXVN
9 lý do tại sao tay của bạn bị run
Hầu hết mọi người sẽ bị run tay vào một lúc nào đó, và thường thì đó không phải là vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, run tay luôn cần được chú ý vì đó có thể là manh mối giúp bạn hiểu được những gì xảy ra với sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Điều gì kiểm soát bàn tay của bạn? Một số vùng não tham gia tạo ra và kiểm soát cử động của các chi, bao gồm vỏ não vận động ở thùy trán của não, hạch đáy (cấu trúc sâu trong não) và thân não (nối giữa não và tủy sống).
Những nguyên nhân gây run tay
Caffeine
Nếu uống quá nhiều caffeine, bạn có thể thấy tay bị run khi cố gắng sắp xếp đống giấy tờ trên bàn. FDA cho biết 400 mg caffein mỗi ngày là chấp nhận được, đây là lượng được tìm thấy trong bốn đến năm tách cà phê. Vượt quá lượng này, bạn dễ phải đối phó với các tác dụng phụ như bồn chồn, mất ngủ, lo lắng và nhịp tim nhanh. Hết run tay có thể là một trong những điều xảy ra với cơ thể khi bạn bỏ cà phê.
Cường giáp
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở cổ giúp kiểm soát tim, tiêu hóa, trao đổi chất và nhiều chức năng khác của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, các phần khác của cơ thể cũng vậy. Cùng với cảm giác tim đập như sắp văng ra ngoài lồng ngực và giảm cân không chủ ý, bạn cũng có thể thấy bàn tay và các ngón tay bị run. Xét nghiệm máu có thể cho biết mức độ hoạt động của tuyến giáp và thuốc có thể giúp kiểm soát tuyến này.
Tác dụng phụ của thuốc
Đây được gọi là run do thuốc - hệ thống thần kinh phát tín hiệu sai đến cơ do loại thuốc mà bạn dùng. Nhiều thuốc có thể gây ra vấn đề này, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp và thuốc hen, cũng như liều thuốc tuyến giáp không phù hợp. Nếu bạn thấy mình bị run tay sau khi bắt đầu dùng thuốc mới, hãy nói chuyện với bác sĩ.
Rượu
Nếu bạn lạm dụng rượu, run tay có thể là triệu chứng cai. Run có thể xảy ra vì rượu đã làm thay đổi hóa học não của bạn và buộc cơ thể phải hoạt động quá mức. Run có thể là tệ nhất trong 24 đến 48 giờ sau lần uống cuối cùng và sau đó sẽ hết dần trong vòng năm ngày.
Run vô căn
Rối loạn hệ thống thần kinh cũng có thể khiến tay bị run. Một trong số đó được gọi là run vô căn (ET), gây run không tự chủ và nhịp nhàng và thường là do di truyền. Run hay thấy nhất ở tay, và bạn có thể nhận thấy điều này trong các công việc hàng ngày, như uống nước trong cốc. Tuy nhiên, đây không phải là khởi đầu của bệnh Parkinson.
Ngộ độc thủy ngân
Ngộ độc thủy ngân rất hiếm gặp, nhưng vì nó có thể gây độc cho hệ thần kinh, nên đây là một nguyên nhân tiềm ẩn gây run. Nếu phơi nhiễm với thủy ngân đủ nhiều trong thời gian dài, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng khác, bao gồm các vấn đề về đi lại, suy giảm trí nhớ và mù lòa.
Rối loạn lo âu xã hội
Rối loạn này có các biểu hiện thực thể - bao gồm run tay khi phải đối mặt với các tình huống căng thẳng (như nói trước đám đông hoặc gặp gỡ mọi người). Đối với những người bị rối loạn thần kinh như run vô căn, run góp phần gây lo lắng khi giao tiếp và sự căng thẳng từ những tương tác này làm cho run càng nhiều hơn. Lo lắng là một chẩn đoán ngày càng hay gặp và trở nên phổ biến hơn mỗi ngày.
Stress hoặc thiếu ngủ
Nếu bạn bị tình trạng run như run vô căn, thì thiếu ngủ hoặc quá tải stress sẽ làm run trầm trọng thêm. Thực hiện theo các thói quen vệ sinh giấc ngủ cơ bản và đảm bảo dành đủ thời gian để ngủ. Ngoài ra, thực hiện các biện pháp tự chăm sóc giúp giảm stress hàng ngày - tập thể dục, thở sâu, thiền.
Bệnh Parkinson
Khi thấy tay bị run, mọi người thường nghĩ đến bệnh Parkinson. Căn bệnh này gây run tay khi thư giãn hoặc nghỉ ngơi. Run có thể tự xuất hiện hoặc đi kèm với các dấu hiệu khác như cứng khớp, cử động chậm hoặc các vấn đề về thăng bằng.
Nên làm gì khi bị run tay?
Uống quá nhiều cà phê và bị run là một chuyện. Còn run tay mà không biết tại sao lại là chuyện khác. Hãy đi khám bác sĩ thần kinh nếu bạn thấy mình bị run, đặc biệt là nếu run nặng lên theo thời gian. Một bác sĩ thần kinh học chuyên điều trị các rối loạn vận động là lựa chọn tốt nhất.
Có cần chụp MRI không?
Có thể. MRI không thể chẩn đoán bệnh Parkinson, nhưng nó giúp loại trừ các tình trạng khác có thể bắt chước bệnh Parkinson, như đột quỵ hoặc khối u ở một số vùng não như hạch đáy. Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh Parkinson, họ có thể yêu cầu chụp DATSCAN não để kiểm tra hệ thống dopamine của não nhằm xác nhận chẩn đoán.
Chuẩn bị cho buổi khám
Bạn càng có nhiều thông tin khi gặp bác sĩ thì càng tốt. Hãy ghi lại khi nào tay bị run, khi nào run nhiều nhất, bất kỳ triệu chứng nào khác xảy ra đồng thời, và bạn đã phải đối phó với vấn đề này trong bao lâu. Không chỉ cần cảnh giác với run, mà tay bạn còn có thể gửi đến những thông điệp quan trọng về sức khỏe.
Theo Dân trí
Đau nửa đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh cực nguy hiểm Chứng đau nửa đầu kéo dài có thể cảnh báo nguy cơ mắc bệnh Parkinson, trầm cảm và các bệnh lý nghiêm trọng khác. Ảnh minh hoạ: Internet Đột quỵ, đau tim Cơn đột quỵ gây ra do một cục máu đông, làm suy giảm nghiêm trọng các chức năng cả về thể chất lẫn tinh thần, làm mất khả năng nói và...