Phẫu thuật điều trị bong võng mạc
Phẫu thuật điều trị bong võng mạc là loại phẫu thuật khá phức tạp và tốn kém nhằm đưa võng mạc về vị trí ban đầu giúp cải thiện thị lực. Nhưng để có kết quả tốt nhất, người bệnh cần hết sức lưu ý đến những chỉ dẫn sau phẫu thuật.
Nguyên nhân gây bệnh
Võng mạc là màng thần kinh mỏng nằm trong cùng của mắt. Chức năng của võng mạc giống như phim trong máy chụp hình, có tác dụng ghi lại những hình ảnh và sự vật bên ngoài, sau đó truyền lên não để nhận biết được thế giới xung quanh. Khi bị bong ra khỏi vị trí bình thường, võng mạc sẽ không được nuôi dưỡng, do đó chúng ta sẽ nhìn mờ. Tình trạng này được gọi là bong võng mạc.
Nguyên nhân gây bệnh do trên võng mạc vó một hoặc nhiều lỗ rách. Khi võng mạc bị rách nước từ trong mắt sẽ chảy qua lỗ rách đi ra phía sau võng mạc làm võng mạc bong ra. Khi võng mạc bị bong sẽ có những triệu chứng như: chớp sáng; ruồi bay (bệnh nhân nhìn thấy những đốm đen bay trước mắt); nhìn có một màng đen che trước mắt.
Những người có thể bị bong võng mạc bao gồm: người ở tuổi trung niên, người bị cận thị nặng; trong gia đình có người bị bong võng mạc; có tiền căn chấn thương.
Điều trị
Khi thấy xuất hiện những triệu chứng như trên, bệnh nhân cần đi khám ngay ở những cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Khi xác định bệnh nhân bị bong võng mạc, bác sĩ sẽ có những phương án điều trị. Cụ thể, bằng phương pháp laser, thực hiện khi có lỗ rách nhưng chưa bong võng mạc.
Phương pháp phẫu thuật được thực hiện khi ấn củng mạc (ấn độn) khi có bong võng mạc, dùng một chất silicon ép võng mạc trở lại vị trí ban đầu. Bên cạnh đó, phương pháp cắt pha lê thể thực hiện khi có bong khô và những phương pháp trên thất bại bác sĩ sẽ dùng những dụng cụ đặc biệt để cắt các dải xơ trong mắt để giữ võng mạc dính trở lại.
Kết quả sau khi mổ thị lực có thể tăng hoặc như cũ hoặc giảm tùy theo thời gian bị bong và tình trạng bong nặng hay nhẹ. Một số trường hợp do bệnh nặng nên cần phải mổ thêm một hoặc hai lần nữa. Và có khi phải sử dụng những loại thuốc đặc biệt bơm vào trong mắt để giữ võng mạc áp lại.
Chăm sóc sau phẫu thuật
Việc chăm sóc mắt sau phẫu thuật bong võng mạc cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phục hồi của võng mạc. Những điều bệnh nhân cần lưu ý trong giai đoạn này, như băng mắt trong ngày đầu. Tái khám sau 1 ngày, ngày thứ 2 bỏ băng sau khi tái khám và bắt đầu nhỏ thuốc. Các loại thuốc uống và nhỏ có trong toa thuốc sau mổ. Không được rửa mặt, gội đầu hay cho nước vào mắt để tránh tình trạng nhiễm trùng sau mổ ít nhất trong 4 tuần (có thể gội đầu ở tiệm).
Video đang HOT
Lịch tái khám bình thường 1 ngày, 3 ngày, 1 tuần, 2 tuần, 4 tuần, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau mổ. Cần tái khám đúng hẹn để phát hiện các biến chứng sau mổ như bong tái phát hay nhiễm trùng. Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ hẹn thời gian tái khám ngắn hơn hoặc xa hơn. Trong trường hợp có bơm khí để dán võng mạc cần nằm sấp trong 1 tới 4 tuần tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Bởi sau phẫu thuật bong võng mạc bạn cần giữ tư thế đầu cúi xuống vì bác sĩ đã bơm một chất khí bên trong mắt, khi cúi đầu xuống bóng khí sẽ nổi lên trên và ép vùng võng mạc bị bong trở lại vị trí ban đầu. Bác sĩ sẽ cho biết bạn cần nằm sấp hay cúi đầu bao lâu. Khoảng thời gian trung bình từ 3-6 tuần. Khí sẽ từ từ được hấp thu và được thay thế bởi dịch của mắt.
Điểm quan trọng khi nằm sấp, bạn cần nằm sấp liên tục trừ khi bác sĩ yêu cầu tư thế khác. Điều này có nghĩa bạn cần giữ tư thế cúi đầu khi đứng, khi ngồi, đi lại và cả ngủ. Nếu đi lại khó khăn có thể nhờ người trợ giúp. Kết quả phẫu thuật của bạn có thể không tốt nếu bạn không tuân thủ tư thế sau phẫu thuật.
Khi nằm sai tư thế bóng khí sẽ ép vào cấu trúc khác của mắt và gây nên các biến chứng sau mổ. Bạn cũng không nên đi máy bay cho đến khi nào bóng khí trong mắt đã được hấp thu hết. Sự thay đổi độ cao làm tăng áp lực trong mắt do khí bị dãn nở có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
Hướng dẫn cách giữ tư thế cúi đầu dễ chịu: Khi ngồi, khoanh tay lên bàn và đặt trán của bạn lên cánh tay. Khi nằm, nằm sấp lên gối để phần mặt của mắt phẫu thuật ra ngoài mép giường. Điều này giúp giảm đau và không gây tăng áp lực lên mắt đã phẫu thuật. Những lúc khác có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để giúp việc nằm sấp hoặc nghiêng dễ chịu hơn.
Bạn có thể thuê hoặc mua các công cụ hỗ trợ như: ghế ngồi cúi mặt (giúp ngồi dễ chịu hơn có thêm tựa đầu và cổ). Bàn khoét mặt (thay cho tay không bị mỏi khi tựa trán quá lâu). Gối hỗ trợ nằm sấp (với thiết kế đặc biệt bởi bác sĩ mắt chuyên dụng cho bệnh nhân phẫu thuật bong võng mạc.
Bạn có thể sử dụng để nằm nghỉ, nằm ngủ sấp hoặc nghiêng hoặc khi ngồi trên bàn. Bạn có thể điều chỉnh kích thước cho phù hợp với khuôn mặt tạo cảm giác dễ chịu nhất cho mình). Ngoài ra còn có giường cúi đầu giúp cho người bệnh có thể thấy các vật trước mắt, trò truyện với người đối diện hay xem tivi.
Khi có các triệu chứng ruồi bay hoặc chớp sáng nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt khám ngay. Những bệnh nhân cận thị nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần. Khi một mắt đã bị bong võng mạc thì phải kiểm tra mắt còn lại ngay để phát hiện sớm những tổn thương mới để dùng tia laser điều trị.
BS. Đoàn Hồng Dung, nguyên Phó trưởng Khoa đáy mắt, Bệnh viện Mắt TPHCM
Theo SGGP
Căn bệnh khiến HLV Park Hang Seo hay chảy nước mắt là gì?
HLV Park Hang-seo giải thích hành động hay lau nước mắt khiến nhiều người hiểu lầm là khóc do ông bị nghẽn tuyến lệ cần phải phẫu thuật.
Trong 2 năm làm việc ở Việt Nam, HLV Park Hang Seo bị truyền thông nhiều lần quay được cảnh hay lau nước mắt. Khi về Hàn Quốc, ông bị báo giới quê nhà đặt câu hỏi và viết sao lại khóc nhiều thế?
Căn bệnh khiến HLV Park Hang Seo hay chảy nước mắt là gì?
Trưa 23-9, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo đã "phân trần" với báo chí trong nước về vấn đề cá nhân mình trong cuộc họp báo về bóng đá Việt Nam.
Ông Park nói: " Mắt tôi bị nghẽn tuyến lệ đáng ra phải mổ nhưng chưa có thời gian. Do nước mắt hay chảy ra nên tôi cứ phải lau nước mắt thường xuyên, mong các bạn đừng hiểu lầm. Dù thỉnh thoảng tôi cũng có thể khóc nhưng bây giờ thì không đâu nhé".
HLV Park Hang Seo rất hay lấy tay lau nước mắt
Khi tôi về Hàn Quốc người ta cứ hỏi: " Sao ông khóc nhiều thế ? Gặp ông Guus Hiddink thì có gì mà phải khóc. Là HLV trưởng đội tuyển quốc gia ( ĐTQG) khóc nhiều không tốt đâu".
Bệnh tắc tuyến lệ - tắc lệ đạo là gì?
Theo TS Nguyễn Thanh Nam - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa, Bệnh viện Mắt TP.HCM, nước mắt được tuyến lệ tiết ra thường xuyên nhằm bôi trơn giúp bề mặt mắt ẩm ướt. Thông thường, lượng nước mắt này được dẫn lưu qua các ống dẫn nhỏ chạy từ "lỗ ghèn" xuống mũi được gọi là hệ thống lệ đạo.
Khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, nước mắt không thoát xuống mũi như bình thường, chảy ra ngoài như khóc, gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống, gọi là tắc lệ đạo, nghẽn tuyến lệ, kích thích hoặc làm cho mắt bị nhiễm trùng mạn tính.
Hình ảnh lệ đạo bị tắc.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định tắc lệ đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi (1-12 tháng tuổi) sẽ do nguyên nhân bẩm sinh; còn nếu bệnh xuất hiện ở trẻ em và người lớn thường do viêm túi lệ mãn tính, nhiễm trùng hoặc chấn thương, khối u, tự phát.
Dấu hiệu tắc tuyến lệ dễ nhận thấy nhất khi bị tắc tuyến lệ là nước mắt chảy liên tục không ngừng lại được mặc dù không bị tác động bất kỳ cảm xúc nào. Triệu chứng này nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mắt, làm tái phát những bệnh viêm mắt và nhiễm trùng mắt.
Các triệu chứng khác để nhận biết bệnh tắc tuyến lệ: Mắt thường xuyên bị chảy mủ, thị lực mờ dần, mắt bị đỏ ở tròng trắng và thường bị sưng đau ở gần góc trong của mắt.
Bệnh nhân khi mắc bệnh tắc tuyến lệ, vi khuẩn sẽ mắc kẹt ở trong túi lệ mũi, do vậy khả năng gây nên tình trạng nhiễm trùng ở mức độ cao.
Theo BS Nam hiện nay có 2 phương pháp mổ thông lệ đạo. Cách truyền thống sẽ mổ theo đường ngoài (mổ hở) để khoan xương nối niêm mạc mũi qua niệm mạc túi lệ, sau đó đặt ống thông cho nước mắt chảy xuống miệng, chứ không để tràn ra ngoài mắt. Mổ hở kéo dài từ 40-60 phút, tỷ lệ thành công là 90%.
Trong khi đó, cách mổ nội soi sẽ không khoan xương mà dùng tia laser đốt vùng túi lệ và xương lệ, sau đó đặt ống thông. Thời gian thực hiện khoảng 10 phút và tỷ lệ thành công từ 80-90%. Trong trường hợp mổ đường ngoài thất bại hoặc bệnh tái phát, kỹ thuật dùng tia laser nội soi cũng dễ dàng thực hiện.
Vì sao lệ đạo bị tắc?
Thông tin TS.BS. Phạm Ngọc Đông cung cấp trên Báo SK&ĐS cho biết,Lệ đạo là hệ thống ống, có cấu tạo đặc biệt, bắt đầu bằng điểm lệ ở góc trong của mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới.
Do đặc điểm giải phẫu là hệ thống ống nên bệnh lý thường gặp nhất ở lệ đạo là tắc lệ đạo. Khi có tắc lệ đạo, nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài. Vì vậy, triệu chứng thường gặp là chảy nước mắt. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm khuẩn tại đường lệ. Tắc lệ đạo có thể gây viêm nhiễm, đau nhức..., nếu để lâu sẽ dẫn tới những biến chứng tại mắt. Do hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo là không thấy nguyên nhân rõ rệt nên cũng không có biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nào.
Khi tắc lệ đạo, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi, có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính. Bệnh nhân thường xuyên chảy nước mắt, kèm theo có chảy nhầy mủ. Vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt. Nếu không được điều trị, viêm mạn tính có thể tiến triển thành viêm cấp tính, gây áp-xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da. Bệnh nhân thường đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.
Hưng Tuấn
Theo Đời sống Plus/GĐVN
Biến chứng do viêm xoang có thể gây mù mắt, tử vong Viêm xoang, kèm cơ địa tiểu đường nhưng không điều trị khiến người đàn ông 58 tuổi ở Kiên Giang bị biến chứng mù một mắt và suýt tử vong. Ảnh minh họa Ngày 29.8, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết bệnh viện vừa điều trị thành công cho bệnh nhân 58 tuổi (ngụ Kiên Giang) bị viêm xoang biến chứng...