Phật tử tố sư cô hành hung bà vãi trong chùa
Thời gian gần đây, xung quanh thông tin vụ việc sư cô Thích Đàm Chung (chùa Sải, quận Tây Hồ, Hà Nội) thường xuyên dùng bạo lực để đánh bà vãi Trần Thị Tấm (SN 1935, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Hà Nam Ninh cũ) có khá nhiều tranh cãi.
Chùa Tịnh Lâu (còn gọi là chùa Sải) tọa lạc ở số nhà 147, đường Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa Sải được xây dựng cách đây khoảng 600 năm, được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 26.6.1996. Trước đây, trụ trì của chùa là cụ Nhất. Sau khi cụ viên tịch, sư cô Thích Đàm Chung làm trụ trì và cũng từ đây nhiều chuyện lùm xùm liên tiếp xảy ra.
Cụ Trần Thị Tấm chuẩn bị bữa cơm trưa
Sư cô úp cả nồi cháo lên đầu vãi?
Chúng tôi gặp cụ Trần Thị Tấm ở ngôi nhà phía sau chùa. Hơn 10 năm qua, cụ gắn bó với ngôi nhà này. Buồng cụ nằm được ngăn cách với buồng bên cạnh bằng chiếc tủ nhỏ. Buồng ấy cũng là chỗ ở của mấy đứa trẻ con được sư thầy nhận về nuôi. Cụ lập cập chuẩn bị bữa cơm trưa với vài củ khoai dính bết bùn đất. 79 tuổi, cụ Trần Thị Tấm vẫn còn minh mẫn.
Chồng cụ Tấm là liệt sĩ Lương Xuân Nhân, hy sinh năm 1968 ở chiến trường miền Nam. Cụ ở vậy, thờ chồng, nuôi con. Cụ có một người con gái duy nhất. Cụ kể: “Nó lấy chồng năm trước, năm sau nó mất. Đến gần tháng đẻ, nó trượt ngã, chết cả mẹ lẫn con”. Trước khi xin vào ở trong chùa Sải, cụ Tấm đi làm giúp việc cho một số gia đình trong làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ.
“Tôi giúp việc nhà bà Nền là nhà cuối cùng. Trước đấy, tôi ở với cậu Hiền tòa án, nhiều hôm ham làm, quên cả ngủ. Giúp việc nhà chỉ làm mấy tiếng thôi, ngoài ra cậu ấy cho trồng rau, bán lấy tiền, có ánh điện đến đâu làm rau đến đấy, làm 1 gánh nặng rồi đổ ra các hàng, thích lắm”.
Ngồi nói chuyện với khách được một lúc, cụ lần sờ lên cánh tay nói với chúng tôi thều thào : “Tôi đang ở bên bà Nền thì sư cô gọi về, sống cô nuôi, chết cô lo. Khi về chùa, có hai chị em tôi. Sau đó, chị tôi sức khỏe yếu nên xin về quê. Tôi ở lại. Về đây ham làm lắm, sư cô bảo, ra dốc mà thuê người làm cùng, tôi bảo, để con làm hết, làm ngày không hết, con làm đêm. Giờ già rồi có lẽ không ai ưa nữa. Sợ chết không có tiền làm ma, tôi tiết kiệm được 3 cây vàng, cúng chùa 1 cây, còn 2 cây đưa về quê, cúng chùa bên nội 1 cây, ngoại 1 cây.
Nhưng hiện sư cô đang giữ hết. Sư cô đánh tôi nhiều lần rồi, chuyện đó là thường lắm nhưng không hiểu sao lần này đánh đau thế. 3 tuần rồi, giờ cũng đã khỏi. Mấy ngày nay giở giời là nó đau, nó nhức. Tôi có cái mụn ruồi mọc ở đây (bà chỉ vào đuôi mắt-PV) chắn dòng nước mắt rồi, không bao giờ tôi khóc một giọt nước mắt, Phật thương, Phật sẽ cho tôi sống. Thôi thì bây giờ một mình mình chịu đòn, để cho lớp trẻ sau khỏi phải bị đòn roi như tôi. Các tiểu sợ đòn của sư cô, bỏ đi hết rồi.
Có lần, cô đánh bác Giáp ngất gục xuống. Tôi hỏi: “Ơ cái bác này, tôi vừa thấy bác mà, gió máy ở đâu đã ngã gục xuống như thế này!”. Sư cô ở đâu chạy đến bảo: “Nó giãy chết đấy, lấy chiếu mà đắp cho nó”. Một hồi sau, tôi dìu bà Giáp vào trong phòng, bà Giáp bảo: “Cô đánh đấy”.
Cũng theo lời kể của cụ Tấm, chú tiểu đầu là bác Thực, sư cô đánh bác ấy, bác ấy phải uống thuốc tự tử. Một số tiểu bỏ chùa đi hết vì bị cô đánh đập không thương tiếc.
Video đang HOT
Theo đơn thư chúng tôi nhận được, phía người dân đã nhiều lần chứng kiến cụ Tấm bị sư cô Thích Đàm Chung hành hạ. Đặc biệt, ngày 29.7.2013 sư cô đã dùng dao rựa đập nát tủ đựng đồ cá nhân trong phòng của cụ. Không chỉ thế, sư cô còn dùng dao đập vào cánh tay khiến tay cụ sưng tím.
Cánh tay của cụ Tấm bầm tím
Theo bà Bùi Thị Phượng (78 tuổi, làng Hồ Khẩu): “Cụ Tấm đã phát nguyện vào nương nhờ cửa Phật tại chùa Tịnh Lâu. Hằng ngày, chúng tôi đều thấy cụ ra quét dọn sân chùa, nhổ cỏ, thu hoạch một số cây rau trong vườn chùa đưa ra cổng bán rất rẻ cho mọi người. Cách đây khoảng hơn 1 năm, có những lần chúng tôi thấy cụ Tấm kêu đau, khi hỏi thì cụ trả lời là bị sư cô Chung đánh”.
Bà Đinh Thị Phúc (ngách 378/91, đường Thụy Khê, Tây Hồ) bức xúc: “Có lần tôi thấy sư cô Chung cầm cả nồi cháo cá thối nấu cho chó úp vào đầu cụ. Mùa đông trời rét căm căm nhưng sư tháo cả cánh cửa để gió lùa vào phòng cụ. Tôi đến thăm chùa, thấy thế bất bình lắm nhưng chẳng làm gì được. Khi người dân trong khu vực có ý định xin cụ chuyển sang một ngôi chùa khác để sống, cụ có nói: “Tôi sống ở chùa này, tôi sẽ chết ở chùa này, tôi không đi đâu cả, chắc kiếp trước tôi nợ sư cô nên kiếp này tôi phải trả”.
Phật tử Phạm Huy Thành viết trong đơn tố cáo: “Tôi đề nghị Hội Phật giáo và chính quyền các cấp ra quyết định đuổi sư cô Thích Đàm Chung ra khỏi chùa Sải. Tôi nhìn thấy sư cô đánh bà Tấm vào đầu tháng 2.2013″.
Phật tử NguyễnThị Nga cho rằng, hiện nay tất cả những người giúp việc trong chùa đều là người nhà sư cô ở quê lên ăn ở tại chùa, chỉ có cụ Tấm là người ngoài. Sư cô không muốn cụ Tấm ở lại nên có ý định đuổi bà đi. Tuy nhiên, đuổi mãi mà bà không đi nên đã đánh đập, hành hung cụ.
Ông Bùi Quang Nghĩa phản ánh: “Thời gian gần đây, dân làng tôi nghèo không có nhiều tiền, không công đức nhiều cho chùa được nên sư cô không quý. Cô đưa cả nhà ra chùa hết trông giữ ô tô lại bán hàng trước cổng. Dân làng khổ sở ra bán hàng nước kiếm cớ sinh nhai thì cô gọi công an, không cho bán. Nhưng sư cô lại cho người nhà kinh doanh ở đấy. Hôm tôi đi mua nhãn, thấy cánh tay bà Tấm bị tím, tôi mới hỏi vì sao. Bà Tấm mới trả lời bị sư cô đánh. Dân làng đưa bà lên cơ quan công an để làm rõ sự việc”.
Theo thông tin chúng tôi nhận được, trước những sự việc xảy ra giữa sư cô Thích Đàm Chung với cụ bà Trần Thị Tấm, một số Phật tử đã yêu cầu ban quản lý di tích của làng Hồ vào chùa lập biên bản, yêu cầu sư cô không được phép đánh cụ nữa. Ngay sau đó, sư cô quyết định bắt cụ phải ra ăn riêng từ đó đến nay.
Sư cô Thích Đàm Chung nói gì?
Về phía nhà chùa, trao đổi với sư cô Thích Đàm Chung, sư cô phủ nhận tất cả sự việc. Sư cô trình bày: “Do một số người dân không được bán hàng trước cổng chùa nên tìm cách nói xấu. Chúng tôi là cõi xuất gia, ở cõi bên kia của kiếp người. Miệng niệm Phật, tâm từ bi, con cá không dám mổ, con chim phải phóng sinh, làm sao nỡ đánh một con người 79 tuổi đầu như thế. Chuyện tôi đánh và hành hung bà Trần Thị Tấm là không đúng sự thật”.
Điều đáng nói, khi chúng tôi đến chùa để tìm hiểu sự việc, người đàn ông tên Minh đi theo từng bước. Cụ Tấm thấy thế nên sợ không dám chia sẻ nhiều. Sau khi nói chuyện với cụ Tấm, chúng tôi gặp sư cô Thích Đàm Chung và một vị sư nữa đang ngồi uống nước. Tiếp xúc với sư cô, biết chúng tôi đi cùng Phật tử Nguyễn Thị Nga (một trong những người tố cáo), sư cô Thích Đàm Chung có nói với vị sư bên cạnh:”Con Nga với bà Nền đi vận động lấy chữ ký khắp mọi nơi. Khi thấy con về bèn gọi “con này” (ý nói phóng viên) ra để con đỡ nói chuyện nhiều”.
Việc sư cô có đánh bà vãi trong chùa hay không cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Cho tới thời điểm này, xung quanh những thông tin bà vãi Trần Thị Tấm bị sư cô Thích Đàm Chung đánh vẫn còn nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, tại ngôi chùa nổi tiếng lại là chốn Phật môn, để xảy ra những chuyện đau lòng như vậy cũng khiến dư luận bức xúc. Đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ để xử lý nghiêm vụ việc.
Theo Dân Việt
Người dân đội mưa làm lễ Vu Lan
Chiều 20/8 (14/7 Âm lịch), chùa Tảo Sách (Hà Nội) tổ chức lễ Vu Lan. Dù thời tiết thất thường, vẫn có khoảng 300 người đội mưa đọc kinh.
Buổi lễ đọc kinh Vu Lan và làm lễ cho các gia đình ở chùa Tảo Sách (Hà Nội) bắt đầu từ 14h đến khoảng 17h ngày 14/7.
Cơn mưa nặng hạt chiều đã khiến hầu hết người đi làm lễ phải trú mưa dưới mái hiên.
Một số người vẫn ngồi dưới mưa để tiếp tục đọc kinh.
Một cụ già phải có sự trợ giúp của người nhà để tránh trơn trượt.
Khi cơn mưa tới, các bà các chị dùng tạm các loại nong nia để che mưa.
Một số người vẫn mặc trời mưa ướt, đứng thực hiện lễ ngoài sân xong mới vào trú.
Theo sư Quang Thanh (chùa Tảo Sách), lễ Vu Lan mang ý nghĩa tri ân: Với đất nước là ghi nhớ công ơn các vị anh hùng, liệt sĩ, vì quốc vong thân; trong gia đình là ghi nhớ công ơn tổ tiên, cha mẹ.
Với ý nghĩa cao cả này, lễ Vu Lan ngày càng được nhiều bạn trẻ trân trọng. Nhà sư Quang Thanh cho biết thêm, lễ Vu Lan còn được xem là lễ hội tình người. Theo thời gian, dịp lễ này càng được người Việt coi trọng hơn.
Tối nay, Đại lễ Vu Lan và nghi thức Bông hồng cài áo sẽ diễn ra ở chùa.
Theo Phan Dương
Nỗi buồn "người hùng sông Gianh" Cứu 36 người thoát chết từ chuyến đò định mệnh trên sông Gianh cách đây hơn 4 năm, được nhận nhiều lời khen, tiền thưởng, kể cả lời hứa cấp đất, song giờ đây gia đình "người hùng sông Gianh" khốn khó vô cùng. Căn nhà gỗ của ông Mai Văn Luyện (48 tuổi) nép mình bên dòng sông Gianh đoạn thượng nguồn...