Phát triển nhà ở xã hội: Nhu cầu cấp bách cho công nhân
Hiện nay nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu.
Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
95% công nhân thuê trọ
Trong dài hạn cần có cơ chế chính sách riêng để phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Ảnh: binhphuoc.gov.vn
Tại Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội tỉnh Bình Phước năm 2022 diễn ra ngày 15/9 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức – ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, cả nước hiện có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước và nhu cầu an cư, lạc nghiệp của hàng triệu con người này là rất bức thiết.
Tuy nhiên, nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Phần lớn công nhân, lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng về nguồn cung nhà ở xã hội dành cho công nhân, đến nay cả nước đã hoàn thành 122 dự án với quy mô 54.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 119 dự án với quy mô xây dựng khoảng 154.000 căn hộ. Tuy nhiên, đến nay những dự án trên mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ có khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng. Số còn lại chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê nhà ở tạm bợ.
Đặc biệt, hiện có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 – 4m2 /người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, nhếch nhác, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.
“Bất cập lớn nhất hiện nay là, việc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu đồng bộ với việc xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội như: nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị…Tình trạng này dẫn đến hiện tượng, một số khu nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở, vì quy hoạch, thiết kế và quản lý không phù hợp với đặc thù sinh hoạt, làm việc”, ông Lê Văn Nghĩa nhận định.
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, trong tổng số 220 khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước hầu như chưa có nơi nào xây dựng được nhà trẻ, mẫu giáo, trường học phổ thông và trạm y tế để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người lao động.
Video đang HOT
Xác định trách nhiệm
Nhà ở là điều kiện đầu tiên để phát triển nguồn lực con người, một yếu tố hết sức quan trọng để phát triển sản xuất. Bảo đảm tốt vấn đề này sẽ giúp người lao động ổn định sức khỏe, tái sản xuất sức lao động, góp phần tạo nguồn lực lao động có chất lượng cho xã hội.
“Việc cải thiện chỗ ở cho người lao động, nhất là công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được sự quan tâm đúng mức của nhà nước, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội. Từ đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc lo nhà ở cho người lao động” ông Lê Văn Nghĩa đánh giá.
Các chuyên gia cho rằng, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, do đó khi phê duyệt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất bắt buộc phải dành quỹ đất tương xứng để xây dựng nhà ở và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cho công nhân. Đồng thời cần có chính sách ưu đãi thích đáng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Về phía Nhà nước, cần tạo điều kiện về quỹ đất, có quy định ưu đãi về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng.
Đối với doanh nghiệp, cần có chính sách, quy định bắt buộc các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm dành một tỷ lệ vốn tham gia giải quyết nhà ở cho người lao động thông qua việc đóng góp tài chính hoặc tự xây nhà ở cho người lao động thuê, mua; nghiên cứu đa dạng hóa các kiểu dáng kiến trúc phù hợp với điều kiện sống của người lao động.
Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới cần phải đồng thời quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Đối với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy định.
“Đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập, cần quy hoạch tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”, ông Trương Anh Tuấn cho biết.
Mời gọi đầu tư
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đơn vị đã xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017; Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 với mục tiêu đến năm 2026 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.
Nội dung của Đề án nêu rõ, mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa phương sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng tối thiểu một thiết chế của công đoàn, gồm một tổ hợp công trình được xây dựng đồng bộ trên diện tích từ 3 ha đến 5 ha, gồm nhà ở (căn hộ), nhà trẻ, siêu thị, công trình văn hóa, thể thao, văn phòng tư vấn pháp luật gắn với vườn hoa, cây xanh.
Một thiết chế của công đoàn như trên sẽ có khoảng 1.000 căn hộ có diện tích từ 30 m2/căn đến 60 m2/căn, đáp ứng chỗ ở có chất lượng cho khoảng 3.500 ngàn đoàn viên là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có khó khăn về nhà ở.
Riêng tại tỉnh Bình Phước, hiện trên địa bàn có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư trên 28.000 ha; có 9 cụm công nghiệp; trong đó, có 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư. Trong giai đoạn 2022-2030, tổng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là hơn 156.000 người.
Hiện nay, trên địa bàn Bình Phước mới chỉ có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập và 1 dự án nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội đã và đang được đầu tư xây dựng với 847 căn nhà. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhìn nhận, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các nhóm đối tượng, nhất là đối với công nhân, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết trong giai đoạn 2022 – 2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha; đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người.
Các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội là những nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế như Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bình Long.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các dự án nhà ở xã hội độc lập trên quỹ đất sạch do nhà nước quản lý, các quỹ đất để phục vụ cho việc mở rộng, thành lập mới các khu công nghiệp và trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại đã được đầu tư hạ tầng.
“Xác định phát triển nhà ở xã hội để phục vụ cho các nhóm đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt là công nhân làm việc trong các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội, là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh. Đây còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như của doanh nghiệp”, bà Trần Tuệ Hiền khẳng định.
Hà Nội dự kiến thực hiện 136.000 căn nhà ở xã hội
Thị trường Hà Nội hiện đang thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ. Các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại các dự án hiện hữu đã được hấp thụ hết và không có nguồn cung mới.
Thị trường Hà Nội hiện đang thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ. Các căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2 tại các dự án hiện hữu đã được hấp thụ hết và không có nguồn cung mới. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Gần đây, Tập đoàn Vingroup đã công bố kế hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Homes, dự kiến sẽ bổ sung thêm nguồn cung giá rẻ trong những năm tới đang thu hút sự quan tâm của người dân.
Theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" vừa được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu của Hà Nội cho giai đoạn này là 136.000 căn nhà ở xã hội.
Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành 100% con số theo nhu cầu và đặt lộ trình thực hiện 25.000 căn trong 3 năm (2022-2025); hoàn thành nốt 111.000 căn trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Trước đó, từ năm 2011 đến năm 2021, thành phố Hà nội đã hoàn thành 28.357 căn nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của người dân.
Đánh giá về việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, chuyên gia của Savills cho rằng, đây vẫn là một phân khúc khó phát triển. Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội, chủ trương dành 20% quỹ đất ở để phát triển nhà ở xã hội đã được rất nhiều chủ đầu tư thực hiện, nhưng diện tích đó chưa được thực sự tận dụng và phát huy.
Điều này có thể do thủ tục pháp lý phức tạp cũng như kỳ vọng lợi nhuận của chủ đầu tư chưa được thỏa mãn. Trên thực tế, nếu quỹ đất nhà ở xã hội hiện nay được khai thác tốt thì thị trường sẽ có thêm nguồn cung cho loại hình nhà ở này.
Đánh giá chung về thị trường nhà ở tại Thủ đô, các chuyên gia nhận định, ngược với sự chậm lại của nguồn cung và lượng giao dịch, hiện giá nhà ở tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì đà tăng từ những năm trước.
Nghiên cứu của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2018, giá bán ở phân khúc căn hộ không ngừng leo thang. Giá bán sơ cấp trung bình tăng 10% và giá bán thứ cấp tăng 3% theo năm. Trong số đó, sự chênh lệch giữa giá bán sơ cấp và thứ cấp đã tăng từ mức 14% năm 2018 lên 44% trong những tháng đầu năm 2022.
Không riêng căn hộ chung cư, phân khúc nhà thấp tầng cũng có những bước tiến mới. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, giá liền kề cũng ghi nhận tăng hơn một nửa. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp, với giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse và liền kề đều tăng quanh mức 20%. Nguồn cung mới hạn chế cùng với giá bán sơ cấp tăng có thể là nguyên nhân khiến thị trường thứ cấp sôi động hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Savills nhận xét, giá của biệt thự, liền kề, nhà phố sau thời gian liên tục tăng và đã đạt đỉnh và có chiều hướng chững lại. Hiện tượng này liên quan đến mức độ hấp dẫn của sản phẩm, khả năng chi trả của người dân, tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ở những địa phương lân cận.
Bởi vậy, Savills nhận định, thị trường nhà ở có thể sôi động trở lại nhờ sự cân bằng giữa giá bán và năng lực của nguồn cầu. Bà Đỗ Thu Hằng cho rằng, đà tăng giá đến từ những nguyên nhân khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Những vẫn đề về thủ tục, pháp lý, hay chi phí ban đầu cao là cản trở đối với những điều chỉnh lớn trong thị trường. Một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện.
Kể từ đầu năm đến nay, thị trường nhà ở Hà Nội ghi nhận số lượng giao dịch tương đối ít hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Đồng thời, nguồn cung sơ cấp ở cả hai phân khúc căn hộ và nhà liền thổ đều ở mức hạn chế. Từ năm 2020, thị trường căn hộ đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chậm lại. Lượng giao dịch và nguồn cung sơ cấp đều có xu hướng giảm. Trong khi nguồn cung giảm 12% theo quý thì lượng giao dịch tụt sâu hơn ở mức âm 44%.
Một trong những yếu tố dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung như vậy là thủ tục pháp lý kéo dài, khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc phát triển các dự án nhà ở. Việc kiểm soát tín dụng bị thắt chặt và chi phí xây dựng ngày càng gia tăng cũng là những thách thức mà các chủ đầu tư đang đối mặt.
Đặc biệt, với phân khúc nhà liền thổ, nguồn cung sơ cấp đang ghi nhận mức thấp nhất trong vòng năm năm vừa qua. Cùng kỳ năm 2021 ghi nhận nguồn cung sơ cấp đạt 1.950 căn, nhưng con số này đã giảm xuống một nửa trong quý II của năm 2022. Hoạt động của phân khúc này cũng không duy trì được đà tăng từ quý 1 mà lượng giao dịch của quý II vừa qua đã giảm tới 55% theo quý và âm 72% theo năm.
Hiện xu hướng dịch chuyển ra các khu vực xa trung tâm tiếp tục thể hiện ở việc nguồn cung mới trong năm 2022 tiếp tục được phân bổ trên khắp thành phố, tại huyện Gia Lâm (phía Đông), huyện Hoài Đức và Quận Hà Đông (phía Tây), quận Hoàng Mai (phía Nam) và Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, và Đông Anh (phía Bắc).
HoREA đề xuất chủ khu nhà trọ được vay ưu đãi lãi suất 4,8%/năm Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu...