Phát triển hạ tầng thương mại: ‘Cú hích’ thu hút đầu tư tư nhân
Phát triển hạ tầng thương mại là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Ngân sách Trung ương có phần hạn chế nên việc xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư là ưu tiên hàng đầu hiện nay nhưng lại chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Dù vậy, vẫn cần tạo ra những động lực là vốn “mồi” để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng thương mại.
Người dân mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN
Chính sách chưa “thuận”
Theo thống kê của Bộ Công Thương trong giai đoạn 2010-2021, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh, từ 567 siêu thị, 95 trung tâm thương mại (năm 2010) lên 1.167 siêu thị và 254 trung tâm thương mại (năm 2021). Trong số đó, số lượng cửa hàng tiện lợi của các chuỗi những năm gần đây tăng lên nhanh chóng.
Tính đến nay, số lượng siêu thị đã tăng 89% so với năm 2005, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, theo hướng văn minh hiện đại. Điều này cho thấy, sự phát triển của các trung tâm thương mại, hệ thống chợ truyền thống đã được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… tăng nhanh về số lượng nhưng thiếu đồng bộ và tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị; khung khổ pháp lý đã không còn theo kịp sự phát triển.
Là tỉnh miền núi, Lâm Đồng thời gian gần đây đang ngày một chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại. Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng có thêm 1 trung tâm thương mại Plaza Đức Trọng hoàn thành đưa vào hoạt động; 08 cửa hàng tiên lợi Winmart ; 01 cửa hàng bách hoá xanh; 05 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Tính đến tháng 11 năm 2022, tỉnh đã có 3 trung tâm thương mại, 3 siêu thị tổng hợp, 83 chợ, 12 cửa hàng tiên lợi Winmart , 44 cửa hàng bách hoá xanh, 342 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và hệ thống cửa hàng bách hoá phủ khắp khu dân cư trên địa bàn.
Hiện khoảng 35 % chợ và trung tâm thương mại của tỉnh Lâm Đồng có nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Nhìn chung, việc cơ sở hạ tầng thương mại được nâng cấp tạo hệ thống phân phối hàng hoá thuận tiện, cung ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh vẫn còn phải đối mặt với nhiều vướng mắc.
Video đang HOT
Theo ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, khó khăn chính trong việc thu hút đầu tư tư nhân hiện nay là quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại của tỉnh còn hạn chế. Mặc dù, tỉnh đã có quy hoạch về đất thương mại nhưng công tác giải phóng mặt bằng và đền bù vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 3 siêu thị và 3 trung tâm thương mại, so với sự phát triển của một tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định rằng, để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển hạ tầng cơ sở nói riêng, trong đó có hạ tầng thương mại ở các vùng biên giới, vùng miền núi phải dựa vào khu vực tư nhân, phát huy thế mạnh của khu vực tư nhân.
Muốn làm được điều đó, chính sách đầu tư của Việt Nam phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thực sự hấp dẫn, có những ưu đãi doanh nghiệp mong muốn. Tuy nhiên, vấn đề này hiện làm chưa tốt. Ngoài ra, các nhà đầu tư chưa muốn đầu tư vào hạ tầng khu vực biên giới còn là do chính các địa phương vùng biên giới chưa thực sự chủ động trong thu hút, nhiều khi còn ỷ lại vào sự hỗ trợ của Trung ương.
Cần vốn “mồi” để hút đầu tư tư nhân
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng thương mại biên giới, từ đó làm tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khu vực biên giới, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm và bố trí nguồn ngân sách đầy đủ và kịp thời. Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư và tạo ra những động lực, vốn “mồi”.
Nguồn vốn nhà nước không có nhiều nhưng phải tạo được “cú huých” để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng thương mại biên giới thông qua việc phân bổ lượng vốn nhất định, có những cam kết giải ngân đúng hạn, kịp thời. Bên cạnh đó, khi địa phương có đề xuất, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần nhanh chóng phối hợp tháo gỡ các vấn đề nhằm giúp địa phương tạo ra môi trường thu hút đầu tư thuận lợi.
Về các địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Liễu Anh Minh cho hay, để thu hút huy động nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ đầu tư tại tỉnh; trong đó, riêng đối với ngành công thương có tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi vốn đầu tư tư nhân cho một số dự án như trung tâm triển lãm, tổ chức hội chợ để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như hiện đại hóa hạ tầng thương mại của tỉnh.
“Sở Công Thương tỉnh cũng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quy hoạch, giám sát quy hoạch đã được thông qua và kêu gọi vốn đầu tư từ một số doanh nghiệp lớn để hạ tầng thương mại của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại”, ông Bùi Thế, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho hay.
Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho biết thêm, các địa phương cũng cần chủ động tạo ra môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn bên cạnh chính sách chung của Nhà nước để thu hút các nhà đầu tư. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đặc thù của mỗi địa phương.
Địa phương phải làm sao nhận dạng được những đặc điểm, ra được chính sách phù hợp với đặc điểm, trình độ của địa phương mình, thu hút vốn đầu tư của cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cũng như khối FDI. Chính sách đưa ra cần đảm bảo địa phương và nhà đầu tư đều được lợi.
Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp nên tận dụng những ưu đãi mà Nhà nước tạo ra, tham gia vào triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để xây dựng hạ tầng thương mại ngày càng văn minh, hiện đại cho khu vực biên giới. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho các địa phương, cho đất nước nói chung mà chính bản thân các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi ích.
Để xuất phân loại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Theo đó, cơ sở kinh doanh thương mại được gọi là siêu thị và phân hạng siêu thị nếu có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, cách thức tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản của 1 trong 3 hạng siêu thị hoặc tiêu chí siêu thị mini.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng đồ may mặc trong TTTM BigC Thăng Long. Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu/TTXVN
Cụ thể, với siêu thị hạng I là siêu thị kinh doanh tổng hợp phải có vị trí thuận lợi cho việc tiếp cận, mua bán hàng hóa; có diện tích kinh doanh từ 3.500m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 20.000 tên hàng trở lên.
Cùng đó, siêu thị hạng II là siêu thị kinh doanh tổng hợp có diện tích kinh doanh từ 2.000m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 10.000 tên hàng trở lên.
Siêu thị hạng III là siêu thị kinh doanh tổng hợp có diện tích kinh doanh từ 500m2 trở lên; kinh doanh nhiều ngành hàng, mặt hàng, danh mục hàng hóa kinh doanh từ 4.000 tên hàng trở lên.
Ngoài ra, siêu thị mini có diện tích kinh doanh từ 80 m2 trở lên; danh mục hàng hóa kinh doanh từ 500 tên hàng trở lên.
Dự thảo cũng nêu rõ, cơ sở kinh doanh thương mại được gọi là trung tâm thương mại và phân hạng trung tâm thương mại, nếu có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản của 1 trong 3 hạng trung tâm thương mại.
Đơn cử như Trung tâm thương mại hạng I có vị trí giao thông thuận tiện cho việc tiếp cận, mua bán hàng hóa, diện tích kinh doanh từ 50.000 m2 trở lên, các công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.
Trung tâm thương mại hạng II có diện tích kinh doanh từ 30.000 m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh của trung tâm thương mại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra, Trung tâm thương mại hạng III có diện tích kinh doanh từ 10.000 m2 trở lên và có nơi trông giữ xe phù hợp với quy mô kinh doanh của trung tâm thương mại; cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng hóa bảo đảm chất lượng.
Trách nhiệm của thương nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại
Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của thương nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại phải có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật. Các loại hình hạ tầng thương mại có thể là một doanh nghiệp độc lập hoặc là đơn vị trực thuộc của một tổ chức kinh tế có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại.
Dự thảo cũng chỉ ra rằng, thương nhân kinh doanh loại hình hạ tầng thương mại phải tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của loại hình hạ tầng thương mại; định kỳ 1 năm hoặc đột xuất báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về công thương.
Các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet phải có nội quy hoạt động, gồm: quyền hạn và nghĩa vụ của thương nhân tham gia kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet.
Ngoài ra, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng phải bảo vệ trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường trong siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm outlet.
Thông tư này quy định về tiêu chí phân loại loại và quản lý hoạt động một số loại hình hạ tầng thương mại gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Đặc biệt, thông tư này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đắk Lắk quảng bá sản phẩm tại Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ 2022 Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 18/11, đoàn doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành quảng bá các sản phẩm của địa phương trong khu gian hàng của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Ấn Độ (IITF) ở thủ đô New Delhi. Ông Bùi Trung Thướng,...