Phát triển du lịch nhờ… vượt suối bằng túi nilông
Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển du lịch nhờ vượt suối bằng túi nilôngthành chương trình du lịch mạo hiểm để thu hút những người yêu thích, đặc biệt là khách nước ngoài.
Mới đây, dư luận cả nước đã không khỏi bất ngờ, kinh ngạc khi phát hiện ở Việt Nam đang áp dụng một cách vượt suối độc đáo đó chính là … chui vào túi nilông nhờ người kéo qua suối.
Theo đó, cô giáo Tòng Thị Minh, giáo viên tại bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), đã ghi lại một video cách thức vượt suối mùa lũ khiến người xem không khỏi giật mình.
Cách thức vượt sông thường thấy của người dân bản Sam Lang (ảnh Tuổi trẻ)
Một chiếc túi nilon vừa người chui, được những thanh niên khỏe mạnh – một tay giữ miệng túi – tay kia sải nước bơi sang bờ bất chấp dòng nước đang băng băng chảy xiết. Còn người bên trong tất nhiên phải nằm im và nín thở trong túi phao bóng ấy.
Nằm gọn trong chiếc túi, qua bên kia suối vẫn khô ráo áo quần thế nhưng không ai có thể tưởng tượng có bao nhiêu nguy hiểm đang trực chờ người dân khi họ phải dùng cách này để qua suối.
Chứng kiến những hình ảnh người dân, giáo viên và cả các bé học sinh phải hàng ngày qua suối bằng cách lạ lùng ấy có lẽ đến người vô cảm nhất cũng phải xót xa, ái ngại.
Bởi so với cảnh “đu dây” trong câu chuyện về đường đến trường của các em học sinh miền tây Quảng Bình làm xôn xao dư luận mấy năm trước, chuyện qua suối bằng cách nằm trong những túi bóng ở Sam Lang còn kinh khủng và nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người hơn nữa.
Và câu hỏi đặt ra là bao giờ thì có những cây cầu treo dân sinh vượt suối trên tuyến Nà Hỳ – Sam Lang cho các thầy cô và học sinh có thể an tâm tới trường, cho người dân bình an lên nương?
Video đang HOT
Có điều ai cũng biết là chờ đợi một cây cầu bắc qua suối chắc chắn là chuyện không hề dễ dàng bởi vô vàn lý do.
Đầu tiên tất nhiên là vấn đề tiền đâu. Mọi người cứ cho rằng chi phí để xây dựng một cầu treo dân sinh là không đắt nên sẽ nhanh chóng xây được thôi. Có điều trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái, ngân sách eo hẹp, lạm chi cao như hiện nay các công trình phục vụ người dân đâu phải cứ cần là có, muốn là được.
Mà kể cả có được cây cầu thì mọi người cũng chẳng thể yên tâm được đâu. Kiểu gì cũng phải vừa đi vừa run vì chất lượng “kinh khủng” của các công trình xây dựng hiện nay cho mà xem.
Chẳng phải lấy ví dụ đâu xa, như trụ cây cầu 3.600 tỷ đồng Vĩnh Tuy Hà Nội, vết nứt chạy dài cả mét, rỉ nước, bêtông phồng rộp. Thế nhưng Sở GTVT Hà Nội chỉ giải thích đơn giản là nứt do co ngót bêtông, không ảnh hưởng.
Hay như đường trên cao vành đai 3 đoạn từ hồ Linh Đàm đến cầu vượt Mai Dịch là tuyến cầu cạn hiện đại nhất Việt Nam sau khi vượt tiến độ 18 tháng, mới đưa vào sử dụng chưa đầy 1 năm đã bị sụt lún. Mặt cầu xuất hiện vệt lún kéo dài vài trăm mét trên đoạn Nguyễn Xiển vượt nút giao Thanh Xuân, đến đường Khuất Duy Tiến. Có đoạn lún sâu 2 – 3cm. Tại nút giao Trung Hòa – Thanh Xuân, hướng về Mai Dịch có nhiều đoạn được vá mới nham nhở. Thậm chí ở ngay chính những vết vá này cũng bắt đầu xuất hiện thêm những vệt sụt lún.
Rồi thì “Con rồng thép” 85 triệu dollar, biểu tượng của Đà Nẵng, kỷ lục Việt Nam, chưa đầy tuổi, nứt chi chit, nứt hàng trăm vết trên các ụ vòm, dầm cầu. Và ban quản lý dự án cũng chỉ giải thích rằng vết nứt do “thay đổi nhiệt độ môi trường”, nằm trong giới hạn cho phép, nứt nhưng không ảnh hưởng đến khả năng làm việc, độ ổn định của công trình.
Đọc thông tin trên báo chí là thấy, công trình ở ngay các trung tâm văn hóa, chính trị hàng đầu cả nước còn có chất lượng như thế kia nữa là những công trình ở các bản làng xa xôi.
Và nói chuyện chất lượng những cây cầu, không thể nhắc đến cái tên Chu Va 6. Một cây cầu với con ốc neo cáp đáng ra phải được đúc nguyên khối đã bị hàn nối. Để rồi trước khi con ốc có cơ hội được gắn keo, trước khi các cột bêtông ốp gạch được gắn vữa rồi lạnh lùng đứt phựt dẫn đến bi kịch 8 mạng người chết và 38 người bị thương gây rúng động cả xã hội.
Chứng kiến những cây cầu có chất lượng như vậy liệu người dân có nên chờ đợi một cây cầu dành cho họ để thoát cảnh mạo hiểm hàng ngày không?
Tất nhiên là có chứ, các cụ nhà ta chẳng có câu “méo mó có hơn không đấy thôi”.
Có điều trong hoàn cảnh hiện tại có lẽ người dân sẽ còn phải chờ đợi dài. Bởi đến nhu cầu bức thiết hàng ngày là cái ăn, là gạo cứu đói phát cho dân nghèo trong dịp tết nguyên đán vừa qua người ta còn để chậm được, thì việc xây cầu chậm trễ là bình thường. Vốn dĩ thì lâu nay không có cầu mọi người vẫn đi qua suối được mà.
Tuy nhiên, để thi vị hóa thời gian chờ đợi mệt mỏi ấy, thiết nghĩ các nhà hoạch định phát triển kinh tế ở huyện, tỉnh nên tính đến những biện pháp mang tính đột phá và mới mẻ. Theo đó, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển du lịch nhờ vượt suối bằng túi nilông thành chương trình du lịch mạo hiểm để thu hút những người yêu thích, đặc biệt là khách nước ngoài.
Trên thực tế hiện nay, khi con người ngày càng thấy nhàm chán trước cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày, rất nhiều người đã tìm đến du lịch mạo hiểm để tận hưởng những cảm giác mới lạ. Vì vậy mà phát triển du lịch theo chiều hướng này chắc chắn sẽ có thể được ưa chuộng và phát triển lâu dài.
Hơn nữa cách vượt suốt như thế này chắc chắn là độc nhất vô nhị ở Việt Nam vì vậy sẽ càng thu hút được sự tò mò, ưa thích của khách du lịch.
Cuối cùng quan trọng nhất là cách này có thể làm ngay mà hiệu quả trông thấy dễ dàng khi người dân có thêm nhiều nguồn thu từ dịch vụ du lịch.
Và với những lợi ích to lớn và dễ dàng trông thấy ấy, thiết nghĩ ngành du lịch Việt Nam nên nắm bắt cơ hội để phát triển du lịch mạo hiểm từ việc vượt suối bằng túi nilông càng nhanh càng tốt.
Theo Phunutoday
Giám đốc Sở GD - ĐT nói gì về việc cô, trò chui túi nilông qua suối
GĐ Sở GD - ĐT Điện Biên Lê Văn Quý cho rằng, hình ảnh cô giáo chui túi nilông qua suối là điển hình. Trên thực tế, còn rất nhiều nơi trong tỉnh gặp khó khăn như vậy.
Cảnh học sinh chui vào túi bóng để đưa qua sông
Những hình ảnh các thầy cô giáo ở bản Sam Lang xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, không ngần ngại vượt quá khó khăn, hiểm trở dể tới trường. Các cô giáo chui vào bao nilông và ngồi lọt thỏm trong bao cho miệng bao trùm kín quá đầu. Các thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng bao "đựng" cô giáo và kéo các cô bơi vượt qua suối trong mùa lũ với mong muốn cao nhất là mang con chữ đến cho các em học sinh được đăng tải trên báo ã khiến dư luận xúc động.
Trao đổi với chúng tôi vào chiều 17/3, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, ông đã xem những hình ảnh này và không quá bất ngờ, bởi trên địa bàn còn rất nhiều vùng khó khăn như vậy.
"Tôi đã xem hình ảnh và đoạn video quay lại cô giáo chui túi nilông để qua suối nhưng không bất ngờ vì trên địa bàn nhiều cái còn khó khăn hơn như thế. Thực tế, bản Sam Lang là một bản thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nằm ở biên giới Việt Nam - Lào. Hiện tại, ở đây có khoảng 20 hộ đồng bào đang sinh sống và đời sống của họ rất khó khăn, chủ yếu là làm nương rẫy.
Những hình ảnh cô giáo phải chui vào túi nilon qua suối là điển hình vào mùa lũ cho thấy rõ sự khó khăn của các thầy, cô trên con đường đưa con chữ đến với các em và thực sự là phải rất tâm huyết thì các thầy cô giáo của chúng tôi mới làm được như vậy" ông Quý nói.
Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cũng lý giải rằng, do ở vùng cao, vùng sâu nên có nhiều đoạn địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn. Mùa lũ, nước ở các con sông, con suối lên rất nhanh. Vì vậy, các thầy cô giáo đi lại cũng rất khó khăn.
"Các thầy cô giáo muốn đến trường buộc phải làm thế thôi. Trường hợp này là điển hình, không phải là phổ biến nhưng cũng không phải là hiếm. Bởi thực tế, trên địa bàn tỉnh còn nhiều vùng gặp khó khăn như vậy", ông Quý cho hay .
Khi được hỏi, trong thời gian tới, liệu tỉnh có kế hoạch làm cầu qua suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang để giúp các thầy, cô giáo đỡ vất vả hơn trong việc đi lại, đặc biệt tránh cảnh phải chui vào túi nilông để qua suối, ông Quý chia sẻ: "Thực sự chúng tôi cũng rất muốn làm điều đó nhưng như tôi đã nói, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều vùng có hoàn cảnh gặp khó khăn vào mùa lũ như vậy trong khi nguồn ngân sách của tỉnh rất hạn hẹp nên việc làm cầu rất khó khăn, không đủ kinh phí".
Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cũng cho biết thêm, ngay trên địa bàn xã Nà Hỳ đi vào điểm trường Sam Lang cũng có tới 4,5 đoạn suối nguy hiểm về mùa mưa nhưng hiện tại vẫn không có đủ kinh phí để xây dựng các cầu treo giúp các em học sinh và giáo viên đi lại thuận lợi.
"Trong một bản cũng cần phải xây dựng 3 - 4 cây cầu treo. Trong khi đó, một xã cũng có tới hàng chục bản cũng khó khăn như vậy. Thực sự là đã có rất nhiều cây cầu treo được xây dựng để giúp học sinh và giáo viên đi lại thuận tiện hơn nhưng vẫn không xuể. Những vấn đề này đều đã được báo cáo lên tỉnh và lãnh đạo tỉnh cũng đã biết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề kinh phí",ông Quý nhấn mạnh.
Theo xahoi
Bộ trưởng Đinh La Thăng hãy là... "Thăng cầu treo" đi! Bộ trưởng Đinh La Thăng nên làm quyết liệt vụ cầu Chu Va, mang một cái tăng - đơ ra xét, kết tội cho công bằng. Ông hãy là: "Thăng cầu treo" đi - nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói.Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Hãng phim truyền hình VFC, thành viên tích cực của Cơm có thịt, người từng tham gia công tác...