Phát triển du lịch Long An – Bài cuối: Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương
Trong giai đoạn bình thường mới, ngành du lịch Long An đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động kết nối, liên kết vùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước nhằm xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch mới của mình đến với đông đảo du khách, từ đó khôi phục ngành du lịch trở lại sau giai đoạn dịch bệnh.
Đoàn khách của công ty TST tourist trong hành trình trải nghiệm tour kích cầu du lịch “Cánh đồng bất tận” tại Long An.
Hiệu quả từ liên kết
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, vừa qua Long An đã đẩy mạnh liên kết hợp tác du lịch với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL theo hướng linh hoạt trong tình hình mới. Nhờ các hoạt động kết nối du lịch từ sớm, lượng du khách đến Long An ngày càng tăng theo các năm.
Cụ thể, nếu thời điểm năm 2016 du lịch Long An chưa đạt 1 triệu lượt du khách thì đến năm 2019 đón trên 1,8 triệu lượt du khách. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Long An vẫn đón khoảng xấp xỉ 500 nghìn lượt du khách, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân trên 20% năm. Vì vậy, Long An đang phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 3,6 triệu lượt du khách trong nước và 130.000 lượt du khách quốc tế, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 150 triệu USD.
“Để thu hút nhiều du khách đến Long An, tỉnh đã thực hiện mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị du lịch, dịch vụ trên cả nước đến khảo sát các tuyến điểm du lịch mới của Long An. Thông qua các chuyến khảo sát, tỉnh Long An đã quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác như: vườn thú Mỹ Quỳnh, khu du lịch Chavi Garden, sân golf West lakes… Tỉnh kỳ vọng trong thời gian tới, Long An sẽ tạo ra những sản phẩm liên kết mới, góp phần khôi phục ngành du lịch của tỉnh mạnh mẽ hơn”, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua TP Hồ Chí Minh và Long An đã có những ký kết hợp tác để đẩy mạnh phát triển du lịch giữa hai tỉnh. Hiện nay, Long An cũng là thị trường thu hút du khách TP Hồ Chí Minh với các sản phẩm chủ lực như: du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – lịch sử và kết nối đến các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh rất chú trọng khai thác chương trình du lịch đến Long An, tập trung vào sản phẩm cho kỳ nghỉ cuối tuần hoặc theo chương trình yêu cầu riêng của du khách (khách đoàn). Các sản phẩm du lịch tại Long An thu hút du khách TP Hồ Chí Minh nhiều như: du lịch sinh thái, du lịch đường sông, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch nghiên cứu học tập, du lịch quá cảnh…
Du khách đến với Long An được trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên sông nước miền Tây đặc trưng.
Dưới góc độ là một doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, sau chương trình kí kết hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Long An, doanh nghiệp lữ hành cũng đã bắt tay xây dựng các sản phẩm đi về trong ngày đến Long An như: làng cổ Phước Lộc Thọ, cánh đồng bất tận, làng nổi Tân Lập… Những sản phẩm du lịch này được du khách đón nhận khá tốt và có nhận xét là khá hấp dẫn, thú vị và phù hợp cho các du khách đi theo nhóm bạn bè, gia đình… Sắp tới, doanh nghiệp sẽ đầy mạnh phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới vì tỉnh Long An đang đa dạng nhiều sản phẩm, loại hình dịch vụ du lịch và đối tượng du khách.
Để kích hoạt hoạt động du lịch liên tuyến giữa TP Hồ Chí Minh và Long An, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đề xuất 2 địa phương cùng chỉ đạo Sở Du lịch khẩn trương phối hợp thống nhất các tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch làm cơ sở tổ chức chương trình du lịch liên tỉnh; cải thiện về hạ tầng giao thông, duy tu, sửa chữa những khu vực cấp bách trước, như hạ tầng đi vào các khu du lịch, điểm đến phục vụ du khách; kêu gọi DN du lịch đầu tư vào tour, tuyến mới…
Video đang HOT
Ngoài ra, 2 địa phương cùng thống nhất phương thức lưu thông cho doanh nghiệp du lịch và du khách theo hướng thuận lợi nhất, cung cấp đầu mối phối hợp hỗ trợ vận chuyển liên tuyến. Mặt khác, ngoài chương trình du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và Long An, có thể kết nối với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức thêm chương trình du lịch kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ – TP Hồ Chí Minh – Long An nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch trong giai đoạn bình thường mới.
Tiếp tục quảng bá, kích cầu du lịch
Là điểm đến đang thu hút nhiều du khách trẻ TP Hồ Chí Minh đến Long An, ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Chanh Việt tại huyện Bến Lức, Long An cho biết, để thu hút nhiều du khách là người trẻ và học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh, công ty đã đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp tích hợp du lịch và giáo dục tại Khu du lịch Chavi Graden. Vì vậy, sau mùa dịch, khu du lịch này đã đón nhiều đoàn khách lớn từ TP Hồ Chí Minh đến tham quan, vui chơi giải trí…
Hiện nay, ngành du lịch Long An đang phát triển sản phẩm du lịch kết hợp chữa bệnh bằng việc ngâm chân, tắm dược liệu tại các khu vườn thiền yoga.
“Ngành du lịch là ngành liên kết, vì vậy để thu hút du khách đến với Long An nói chung và doanh nghiệp nói riêng, chúng tôi đã kí kết hợp tác du lịch với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh thành phố khác nhằm đưa du khách ở các tỉnh về Long An tham quan, vui chơi và ngược lại. Nhờ các hoạt động liên kết du lịch và cũng vì ở gần TP Hồ Chí Minh (chỉ mất khoảng 45 phút đi xe ô tô) nên khu du lịch Chavi Garden đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến vui chơi, giải trí vào dịp cuối tuần. Theo đó, du khách có thể trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên như: chèo thuyền trên sông, thư giãn ngân chân trị liệu tại khu vườn thiền yoga, trải nghiệm hái các loại trái cây miệt vườn như: ổi, xoài, chanh, dừa…”, ông Nguyễn Văn Hiển cho biết thêm.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel cũng cho biết, với vị trí Long An liền kề TP Hồ Chí Minh, vì vậy doanh nghiệp Long An cũng đang tập trung hoàn thiện sản phẩm du lịch mới để thu hút nhiều du khách TP Hồ Chí Minh đến với tỉnh. Về lâu dài, tỉnh cũng đã định hướng doanh nghiệp của tỉnh phải đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp lữ hành ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để đưa du khách đến với Long An nhiều hơn.
Theo đó, các điểm đến của Long An đang thu hút du khách các tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: điểm du lịch Làng cổ Phước Lộc Thọ (huyện Đức Hòa), khu phức hợp giải trí Happyland (huyện Bến Lức), vườn thú Mỹ Quỳnh (huyện Đức Hòa), công viên nước Dino Water Park (huyện Đức Hòa),… Ngoài ra, các khu di tích lịch sử – văn hóa và bảo tàng tỉnh cũng đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử.
Anh Hữu Long, một du khách TP Hồ Chí Minh trải nghiệm cảm giác cho các con thú ăn ngay trong vườn thú Mỹ Quỳnh.
Theo Nguyễn Anh Dũng, để kéo du khách đến Long An, ngành du lịch Long An cũng đã tích cực tham gia kích cầu du lịch như: ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, lễ hội sen Đồng Tháp, ngày hội du lịch Vĩnh Long…. Tại Long An, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương, công ty, doanh nghiệp lữ hành tổ chức nhiều tour, tuyến tham quan các làng nghề, khu di tích lịch sử – văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sông nước tại Long An.
Trong Tuần lễ văn hóa Du lịch Long An năm 2022, tỉnh còn tổ chức tọa đàm, phân tích, đánh giá về lợi thế tiềm năng sản phẩm du lịch với các địa phương, đơn vị, công ty lữ hành nhằm thống nhất xây dựng chương trình tour hoàn chỉnh, tạo sản phẩm mới cho du lịch Long An. Trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về du lịch, tỉnh còn mời gọi thu hút đầu tư theo cơ chế xã hội hóa trong phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh du lịch tại Long An. Mặt khác, tỉnh còn tiếp tục tăng cường kết nối với các tỉnh, thành khác trên cả nước để phát triển tuyến, điểm, sản phẩm du lịch an toàn, thận thiện, tạo cơ hội để du lịch Long An chuyển mình, đột phá, có vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ngành du lịch Ninh Thuận đẩy mạnh kết nối để phát triển
Để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn, Ninh Thuận cần tăng cường liên kết hợp tác trong khu vực, TPHCM, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn.
Chiều 30.9, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại sứ quán các nước, doanh nghiệp du lịch...
Tăng cường liên kết
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhận định rằng để hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng phát triển du lịch của tỉnh, Ninh Thuận sẽ xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng, ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc thù, mới lạ và bổ trợ.
Trong đó, 4 sản phẩm đặc thù gồm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa; 4 sản phẩm mới lạ gồm du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát - Muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe; và 4 sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại du lịch.
Tỉnh ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú...
Nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư vào Ninh Thuận, trong những năm qua tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi về đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại Ninh Thuận; chú trọng công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tiếp tục được phát triển; đến nay toàn tỉnh có 203 cơ sở lưu trú du lịch với trên 4.400 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch đã ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác, phát triển. Ảnh: TITC
Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh, để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, trong thời gian đến tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh du lịch và bất động sản du lịch phát triển, xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và khác biệt với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp cao.
Phát biểu tại hội nghị, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Ninh Thuận và Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, bảo đảm duy trì môi trường du lịch lành mạnh, các sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác tuyên truyền, đặc biệt thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá do 2 địa phương tổ chức nhằm tạo sự liên kết, hợp tác hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào sự phát triển du lịch chung 2 địa phương.
Phát triển dư địa du lịch
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao du lịch Ninh Thuận khi chủ động kết nối, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của địa phương tới doanh nghiệp, khách du lịch tại Hà Nội. Ông nhận định du lịch Ninh Thuận có những bước tiến quan trọng nhưng còn nhiều dư địa để địa phương có thể phát triển, ghi dấu ấn rõ nét trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị trong thời gian tới, ngành du lịch Ninh Thuận cần tập trung cho các nội dung như sau:
Thứ nhất, dựa trên thế mạnh của du lịch tỉnh nhà để ưu tiên xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch nổi trội, độc đáo, có lợi thế cạnh tranh để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19 như: Du lịch nghỉ dưỡng biển gắn với các khu resort cao cấp, sang trọng, mang tính cá nhân hóa cao; Du lịch văn hóa gắn với di sản Chăm; Du lịch nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa; Du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe....
Thứ hai, xem xét, tập trung nâng cao tính chất lượng, hiệu quả hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá sản phẩm, chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch. Coi xúc tiến du lịch là một trong những kênh đầu tư quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
Thứ ba, xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Thực hiện đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực quản lý cấp cao và lao động có tay nghề.
Thứ tư, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong khu vực và với TP HC, Hà Nội và các trung tâm du lịch lớn theo cơ chế linh hoạt, thực chất, có sự tham gia của cơ quan quản lý với vai trò dẫn dắt, định hướng; tham gia của doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư để phát triển sản phẩm kết nối, bổ trợ lẫn nhau, hình thành các tour, tuyến hấp dẫn phục vụ khách du lịch; tham gia của đơn vị, hãng thông tấn, truyền thông để hợp tác giới thiệu quảng bá du lịch, tiếp cận thị trường quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch.
"Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp, trong đó có tỉnh Ninh Thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch các địa phương và du lịch Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững" - ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Liên kết trong xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đã đạt khoảng 87 triệu lượt khách, vượt xa so với kế hoạch cả năm là 60 triệu lượt; khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 400 nghìn tỷ đồng. Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam,...