Phát triển cây mận đỏ góp phần xóa đói giảm nghèo ở huyện vùng cao Hà Giang
Với giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cây mận đỏ (người dân thường hay gọi là ‘mận máu’) đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình ở huyện Hoàng Su Phì ( Hà Giang).
Mận thu hoạch tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Dẫn chúng tôi đến thăm vườn mận của gia đình bà Tải Thị Seo, thôn Suối Thầu, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), anh Phạm Hồng Quảng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì cho biết, giống cây mận đỏ đã có từ lâu trên địa bàn huyện. Giống mận này chỉ phù hợp với một số vùng thổ nhưỡng nhất định. Do vậy, diện tích chủ yếu ở Hoàng Su Phì.
Gia đình bà Tải Thị Seo có hơn 5 ha cây mận đỏ, trong đó có hơn 2 ha cây đang cho thu hoạch. Từ chăn nuôi cho đến trồng lúa và chè, nguồn thu từ cây mận đỏ đạt giá trị cao nhất. “Cây mận có ở trong vườn từ lâu rồi. Trước kia không có giá trị, nhưng mấy năm gần đây, nó mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Nhờ thế, cuộc sống đã bớt khó khăn. Có tiền, chúng tôi tiếp tục đầu tư nhân giống, mở rộng diện tích loại cây quý này” – bà Seo chia sẻ.
Gia đình chị Tải Thị Chúm cũng có gần 4 ha cây mận đỏ, trong đó cây đang cho thu hoạch có khoảng hơn 1 ha. “Thu nhập từ cây mận đỏ năm nào nhiều được khoảng gần 60 triệu đồng, năm ít thu được khoảng 30 đến 40 triệu đồng” – chị Chúm cho biết.
Anh Phạm Hồng Quảng cho biết: “Giống mận đỏ này trước kia chỉ tập trung ở các xã: Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn. Đây được coi là những xã thuộc vùng lõi của giống mận đỏ đang được bảo tồn và nhân giống. Ngoài ra, huyện cũng đã và đang triển khai trồng tập trung tại các xã khác như: Bản Phùng, Tùng Sán, Nàng Đôn…
Giống mận này quả mọng, vỏ đỏ, đặc biệt ruột của loại mận này có màu đỏ tươi như máu nên người dân quen gọi là “mận máu”, vị ngọt, ngon. Mận chín muộn hơn so với các loại mận khác, vào khoảng cuối tháng 6 mới cho thu hoạch nên thường được giá.
Trong những năm gần đây, loại mận này đang rất được ưa chuộng, giá thành dao động từ 40 – 80 nghìn đồng/kg. Xác định đây là cây có giá trị kinh kế cao, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, từ năm 2012, huyện Hoàng Su Phì đã có phương án phát triển loại cây này gắn với phát triển du lịch.
Video đang HOT
Năm 2018, huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 5/5/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển cây lê và cây mận máu trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 -2020, định hướng đến năm 2025. Hội đồng Nhân dân huyện Hoàng Su Phì cũng ra Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 29/6/2018 về việc phê chuẩn “Phương án phát triển cây lê, cây mận máu gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025″.
Đến nay, giống mận đỏ được trồng trên toàn huyện, quy hoạch tập trung tại 10 xã với tổng diện tích trên 383 ha, trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là hơn 25 ha. Trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục phát triển cây mận này theo hướng bền vững, đồng bộ từ quản lý đến bảo tồn cây đầu dòng, cải tạo, trồng, khai thác và chế biến, đồng thời hướng tới dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn.
Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết: UBND huyện Hoàng Su Phì đang phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2023 về “Khai thác và phát triển nguồn gen bản địa cây mận máu tại Hà Giang”. Cùng với đó, huyện Hoàng Su Phì đang xây dựng mô hình thâm canh quy mô, xây dựng kỹ thuật chăm sóc, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mận máu này”.
Bà Tải Thị Seo (áo nâu bên phải) và chị Tải Thị Chúm (áo nâu bên trái) cùng cán bộ Phòng Nông Nghiệp huyện Hoàng Su phì (Hà Giang) xem bản đồ quy hoạch vùng trồng “mận máu”.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và người dân với nhiều giải pháp, cách làm hay và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) giảm từ 61,4% trong (năm 2015) xuống còn 36,575 trong (năm 2019).
Triển vọng mới phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao
Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết, các mô hình trồng cây ăn quả ôn đới như lê Tai Nung, hồng Fuyu...
Ở Mù Cang Chải hiện được người dân trong huyện chú trọng nhân rộng tại các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải...
Có thể nói những mô hình trồng cây ăn quả ôn đới này đang mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Cán bộ xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) kiểm tra mức độ sinh trưởng, phát triển của cây hồng giòn Fuyu MC1.
Cũng theo ông Phạm Tiến Lâm, các loài cây ăn quả ôn đới này dễ trồng, chất lượng quả thơm ngon, bổ dưỡng, giá cao lại dễ bán... Đặc biệt, huyện Mù Cang Chải đang là điểm đến du lịch hấp dẫn bởi danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải vừa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc vào 31/12/2019. Đây chính là thị trường rộng lớn để tiêu thụ các loài quả nói trên.
Năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã đưa dự án khoa học trồng thử nghiệm giống lê Tai Nung có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc) nhưng đã được trồng nhiều ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang đem về trồng ở Mù Cang Chải trồng ở hai xã: Púng Luông và Dế Xu Phình có độ cao từ 1.000 m trở lên, với diện tích 1,5 ha.
Đến năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái tiếp tục đưa giống hồng Fuyu MC1 (giống hồng giòn không hạt MC1 có nguồn gốc từ hồng giòn Fuyu, nhập nội từ Nhật Bản còn được gọi là hồng Nhật hay hồng Nhật Bản, do PGS TS. Đỗ Năng Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp và cộng sự nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm tại Mộc Châu tỉnh Sơn La) trồng thử nghiệm với quy mô 1,3 ha tại tại hộ ông Thào A Của ở bản Hua Khắt xã Nậm Khắt và hộ Lù Thị Hú ở bản Nả Háng A xã Púng Luông của huyện Mù Cang Chải.
Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái, sau 2 năm triển khai thực hiện đề tài thử nghiệm giống lê Tai Nung, kết quả thực tiễn và khoa học cho thấy giống lê này sinh trưởng phát triển nhanh, thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Mù Cang Chải (tỷ lệ sống đến thời điểm sau trồng 16 tháng là 97%).
Còn sau 3 năm trồng khảo nghiệm giống hồng Fuyu MC1, kết quả cây sống 95%, tất cả số cây đều ra quả. Quả to đều, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 230 - 275gram/quả, đường kính từ 10 - 12,5 cm, khi chín có màu vàng đỏ, ruột vàng da cam, ăn giòn, ngọt, không chát. Thời gian thu hoạch vào giữa tháng 9 hàng năm, đúng vào mùa lúa chín phục vụ khách du lịch.
Qua đó, sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái đánh giá: "giống hồng giòn MC1 trồng ở xã Púng Luông và xã Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái bước đầu cho thấy cây giống sau trồng phát triển tốt phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở địa phương, làm cơ sở bổ xung giống cây ăn quả mới vào địa phương trong tỉnh".
Vào thăm vườn lê được trồng đầu tiên trên đất Mù Cang Chải của gia đình ông Mùa A Tòng, bản Púng Luông, xã Púng Luông chúng tôi thấy nhiều cây lê đường kính gốc từ 15 - 18cm, cành lá sum xuê, quả sai trĩu cành, đó là minh chứng khẳng định được cây lê Tai Nung hoàn toàn phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Ông Mùa A Tòng chia sẻ, sau khi gia đình ông trồng lê được 3 năm thì cây bói quả, đến năm thứ tư thì cây ra quả rất sai. Kể từ khi trồng lê đến nay đã được 7 năm, nhưng chưa thấy năm nào lê bị mất mùa cả. Ban đầu gia đình ông hái quả ăn và chia sẻ cho hàng xóm. Thời gian sau, gia đình trẩy những quả to, vỏ đẹp mang đi bán thử thì mang bao nhiêu hết bấy nhiêu. Thậm chí có người về tận nương thu hoạch và trả giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Người dân ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chăm sóc cây hồng giòn Fuyu MC1.
Rời nhà ông Mùa A Tòng, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình chị Lù Thị Hú ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông. Chị Hú cho hay, sau khi có dự án trồng lê Đài Loan và hồng giòn của huyện, chị đã nhận giống về trồng thử. Sau 4 năm chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, 300 cây lê Đài Loan và 200 cây hồng giòn đã ra hoa, bói quả và cho thu hoạch. Vụ hồng năm 2018, gia đình chị Hú thu gần 1 tấn quả, bán được chừng 30 triệu đồng; vụ hồng năm 2019 thu gần 1,5 tấn quả và bán với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg thu về trên 40 triệu đồng.
Chị Lù Thị Hú tâm sự: "Trồng cây ăn quả chỉ vất vả giai đoạn đầu mới đưa cây về trồng, vì khi đó phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm. Khi cây đã bén rễ, lên mầm rồi thì mình chỉ cần chăm sóc theo đúng kỹ thuật là cây phát triển tốt. Tôi thấy trồng cây ăn quả mang lại lợi ích nhiều hơn trồng lúa, ngô... Vì vậy, thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng diện tích cây ăn quả".
Hiện tại, ngoài 500 gốc lê và hồng đã cho thu hoạch, hiện nay, gia đình chị Hú đang chăm sóc 1.000 gốc lê Đài Loan và 50 gốc mận Úc từ 2 đến 3 năm tuổi.
Ông Vàng Bua Tủa, Chủ tịch UBND xã Púng Luông khẳng định: "Mô hình cây ăn quả của gia đình chị Hú là mô hình điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi đây là loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao như Púng Luông.
Hiện nay, xã tiếp tục vận động nhân dân đưa các loại cây trồng mới có năng suất và có giá trị kinh tế cao như lê Đài Loan, hồng giòn, mận Úc... vào trồng thay thế các loại cây trồng năng suất, chất lượng thấp để góp phần giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững".
Ngoài các loại cây đưa vào trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hiện nay huyện Mù Cang Chải tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp đưa cây đào Pháp, mận Úc vào trồng thử nghiệm tại các xã: Púng Luông, Lao Chải và một số xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với hai loại cây trồng này.
Thực tế cho thấy, giống cây ăn quả ôn đới như lê Tai Nung, hồng giòn Fuyu đã thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai ở các huyện vùng cao Mù Cang Chải. Qua đó, các loài cây ôn đới này đã mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, giúp bà con vùng cao tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích để Mù Cang Chải thực sự trở thành vùng cây ăn quả hàng hóa hiện đang phụ thuộc vào chính quyền địa phương và người dân huyện Mù Cang Chải.
Doanh nghiệp "mệt mỏi" sau 1 quý "chiến đấu" với dịch Covid-19 Đại dịch Covid-19 đang "cướp" đi nguồn thu nhập của hàng triệu người lao động, còn các doanh nghiệp thì điêu đứng, bên bờ vực phá sản... Chia sẻ với phóng viên VOV bằng giọng trầm buồn, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink - đơn vị chuyên sản xuất thời trang đồ da cao...