Phát triển cây ăn quả phía Nam: Nâng chất, không “đua” số lượng
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thúc đẩy bền vững cây ăn quả (CĂQ) các tỉnh phía Nam, tổ chức ngày hôm qua 15/3.
Theo ông Lê Văn Đức – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích CĂQ khu vực phía Nam còn phân tán, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại hoa quả như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn.
Theo ông Đức, năm 2018, diện tích CĂQ các tỉnh phía Nam ước đạt 560.000ha (khoảng 60% diện tích CĂQ cả nước). Tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn. Hiện, miền Nam có 14 loại hoa quả có diện tích lớn là: xoài (80.000ha), chuối (75.000ha), thanh long (53.000ha)…
Vú sữa lò rèn đang được tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư để trở thành loại trái cây chủ lực trong xuất khẩu. Ảnh: Trần Đáng
Cũng theo ông Đức, trái cây đưa vào chế biến còn ít cả về chủng loại và sản lượng. Cả nước hiện có 145 cơ sở chế biến rau, quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế hơn 800.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Hầu hết các cơ sở hoạt động chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế.
“Việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế, không đảm bảo về chất lượng. Sản phẩm chế biến dưới dạng thô, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính” – ông Đức đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Ba-chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chanh không hạt ở Long An thổ lộ, nguyên nhân không phải doanh nghiệp không chịu đầu tư cơ sở hạ tầng, mà còn yếu tố chủ quan: “Tôi dự định xây kho lạnh ngay tại vùng nguyên liệu chanh để tăng khả năng dự trữ, giảm chi phí vận chuyển nhằm cạnh tranh với đối tác thị trường xuất khẩu, nhưng vì lý do nào đó, tỉnh chưa đồng ý”.
Để phát triển bền vững CĂQ ở các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, các tỉnh có diện tích trồng CĂQ không nên quá chú trọng tăng sản lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng các loại trái cây chủ lực, được thị trường các nước ưa chuộng.
Video đang HOT
“Bộ NNPTNT đã cho rà soát các các CĂQ chủ lực. Quan điểm của Bộ NNPTNT là lấy chất lượng hơn số lượng. Vì thế các tỉnh trồng CĂQ phía Nam đẩy nhanh hướng dẫn nông dân áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” – ông Doanh chỉ đạo.
Đại diện Công ty Nafoods Group cho biết, để kiểm soát chất lượng cây giống cũng như sản phẩm cho chất lượng tốt, trong tổ chức sản xuất phải tổ chức khép kín từ sản xuất đến thị trường bằng hợp đồng liên kết chặt giữa người trồng và doanh nghiệp.
Về sử dụng thuốc BVTV trên CĂQ, theo ông Trương Hữu An-Giám đốc đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), Bộ NNPTNT cần phải quản cho được thuốc BVTV đang trôi nổi trên thị trường.
“Nhiều nông dân không nhận thức được rõ ràng nguồn gốc thuốc, nên rất dễ xảy ra tình trạng dư lượng hóa chất trên rau, quả, làm giảm uy tín trái cây Việt Nam với đối tác nước ngoài” – ông An chia sẻ.
Theo Danviet
Chuột, côn trùng là thủ phạm truyền lây làm 2 vạn lợn nhiễm dịch tả
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc họp bàn với 17 địa phương để tìm giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan với tốc độ nhanh. Từ thời điểm dịch phát sinh đến nay là một tháng rưỡi, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, từ khâu giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn...Chưa có chiến dịch nào được làm đồng bộ, thuận lợi như lần này.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Ảnh: IT
Hiện nay dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành, bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Nghệ An. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Trung Quốc họ đang kiểm soát chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mông Cổ cũng làm rất chặt. Tôi đặt ra vấn đề là tại sao chỉ xảy ra ở hộ nhỏ lẻ. Nếu không giải quyết cặn kẽ an toàn sinh học thì rất khó kiểm soát. Ngoài vôi bột, ở các trang trại lớn người ta còn phun thuốc sát trùng. Rõ ràng 17 vừa rồi tỉnh nào ra quân đồng bộ, chặt chẽ thì dịch được khống chế tốt. Ví dụ như Hà Nội hay Nam Định.
Đánh giá tình hình dịch tả lợn châu Phi, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho hay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đàn lớn nhất phải tiêu huỷ là 587 con tại Hải Phòng.
Cục Thú ý nhận định nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao. Ảnh: IT
Theo ông Đông, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân dịch xuất hiện ở các địa phương do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
Vi rút dịch tả lợn Châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
Vi rút có thể có thể lây lan từ khu vực có dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển và con người. Đơn cử tại Sơn La, tại đèo Pha Đin, nơi có điểm tắm lợn, là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới lây lan dịch.
Để phòng chống dịch hiệu quả ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng, cần phát hiện sớm, tiêu hủy ngay từ đầu; tăng cường tiêu độc khử trùng, lập nhiều chốt kiểm soát nhằm kiểm soát giấy tờ kiểm dịch, kiểm soát lâm sàng bệnh. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ hạn chế dịch bệnh lây lan.
"Vắc xin không có, thuốc không có, hiện chúng tôi chỉ biết dựa vào tiêu độc khử trùng. Một hộ có lợn bệnh là chúng tôi phải phun thuốc cả xã, cả làng. Hiện Thanh Hoá đã tốn 7 tỷ đồng ngân sách chỉ cho việc phun thuốc".
Đồng tình với quan điểm đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, hiện nay chưa có vắc xin phòng dịch, nên biện pháp ưu tiên nhất đó là tiêu độc khử trùng, phải làm từ các hộ nuôi trở ra. Rắc vôi bột là biện pháp hiệu quả, các địa phương cần tích cực phổ biến người dân gia tăng biện pháp này".
Chia sẻ kinh nghiệm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh, đại diện tỉnh Hải Dương cho biết khi có dịch, tỉnh lập tức trích nguồn ngân sách để hỗ trợ, chính vì thế dân không giấu dịch. Đồng thời xem xét các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi hiện nay dịch phát sinh tại các hộ nhỏ, chưa phát hiện tại các hộ chăn nuôi quy mô lớn.
Để ngăn chặn dịch lây lan từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung vào các tỉnh phía Nam, Cục Thú y đã đề nghị tỉnh Quảng Bình thành lập ngay 02 chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí đầy đủ các lực lượng thú y, quản lý thị trường, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn vận chuyển qua địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trên tinh thần kế hoạch của Bộ NN&PTNT, các địa phương rà soát lại phương án phòng chống dịch tả lợn châu Phi dựa trên thực tiễn địa phương mình, rà soát từ kế hoạch, biện pháp thực hiện, kế hoạch hỗ trợ.
Giải pháp an toàn sinh học là biện pháp quan trọng nhất đối với các hộ nhỏ lẻ; xử lý môi trường phải bắt đầu từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đi ra, cần rắc vôi bột thường xuyên liên tục. Thứ hai, xử lý, thức ăn triệt để; thứ ba, xử lý an toàn sinh học ngay cả đối với người chăn nuôi.
Đối với nhóm trang trại lớn, yêu cầu quán triệt bằng điện thoại, bằng mọi kênh, đừng đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan. Phải áp dụng hình thức thông tin gián tiếp một cách hiệu quả. Về quy trình xử lý dịch, cần rà soát lại để bổ sung một cách hoàn thiện nhất, từ khâu lấy mẫu phù hợp thực tiễn; phân tích trả lời kết quả.
Vấn đề nữa là việc xử lý tiêu huỷ cũng phải tổng kết lại, hố tiêu huỷ được đào tại chỗ, nhưng phải đảm bảo mặt bằng, đảm bảo khoảng cách an toàn đến khu vực chăn nuôi, đảm bảo quy cách hố tiêu huỷ.
Theo Danviet
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Tập trung phát triển cây có giá trị cao Trong năm 2019, lĩnh vực trồng trọt cần tập trung vào việc phát triển của từng cây có giá trị cao, trong đó, cụ thể đến từng vấn đề diện tích, kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, thị trường,...nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả cây trồng, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra. Đó là ý kiến chỉ đạo...