Phát triển bền vững năng lượng quốc gia – Bài cuối: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn mới mẻ, chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển thị trường điện nói chung trong đó có nguồn năng lượng tái tạo.
Trên thế giới đã sử dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định ( FIT) – Công cụ chính sách phổ biến được sử dụng tại hầu hết các nước trên thế giới và thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo góp phần phát triển bền vững năng lượng quốc gia.
Phát triển năng lượng bền vững
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng đang áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT), công cụ chính sách này đã cho thấy hiệu quả và thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua.
Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm được nâng công suất để giải toả công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Thông qua chính sách FIT, hiện đã có khoảng gần 6.000 MW điện năng lượng tái tạo vào vận hành phát điện, góp phần cung cấp điện kịp thời cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững thì cần tập trung vào các nội dung như: Chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện; Chính sách các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất. Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức, ngân hàng như: Công ty tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… nhằm thúc đẩy phát triển ngành điện, đảm bảo sử dụng tài nguyên hiện quả, phát triển năng lượng bền vững.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ cũng xác định phát triển bền vững năng lượng quốc gia phải tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, trong đó cần tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí… Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, cần tách bạch đầu tư xây dựng với độc quyền Nhà nước (quản lý, vận hành) truyền tải điện. Ngoài ra, để đảm bảo về an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng cần phải xác định phạm vi đầu tư lưới điện truyền tải nào được thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP) để đảm bảo đầu tư cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào ngành điện.
Xu hướng công nghệ trên thế giới và ứng dụng tại Việt Nam
Những năm gần đây, các dạng năng lượng truyền thống có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cũng càng ngày càng cạn kiệt; thủy điện cũng bị suy giảm do biến đổi khí hậu làm khô kiệt nguồn nước, các phương tiện giao thông chạy bằng điện ( xe đạp điện, ô tô điện, taxi điện…), các ngành công nghiệp… cũng sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng. Vì vậy, xu hướng công nghệ trên thế giới hướng tới các phương tiện giao thông thông minh là sử dụng nhiên liệu điện và hydro, đây sẽ là 2 nguồn năng lượng chính. Do đó những biện pháp, xu hướng công nghệ nào sẽ có tác động lớn nhất đến cách tiêu thụ năng lượng vào năm 2040 đang là bài toán và câu hỏi đặt ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Tại diễn đàn “Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020″, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia cấp cao, Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, hơn 100 nước trên thế giới đã chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất đến việc sử dụng năng lượng vào năm 2040 như: Tiết kiệm điện trong sản xuất và trong sinh hoạt; Đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện; Áp dụng kỹ thuật số/blockchain trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện…
Đối với vấn đề công nghệ, các nước hướng tới việc sử dụng các thiết bị lưu trữ năng lượng. Các chuyên gia cho rằng, việc lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi “cuộc chơi” của ngành năng lượng vào năm 2040, bởi việc lưu trữ năng lượng có thể xử lý các biến động khác nhau của nhu cầu tiêu thụ điện, đặc biệt là khi có sự thay đổi lớn về nguồn cung và lưu trữ điện có khả năng làm hài hòa cung – cầu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các tấm pin mặt trời cải tiến, điều này sẽ tác động lớn đến việc sản xuất năng lượng, sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, các tấm pin mặt trời càng ngày càng rẻ hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, phát triển tự động hóa, sử dụng nhiiên liệu hydro sạch, năng lượng gió vào việc sản xuất năng lượng.
Tại Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia cấp cao, Hội đồng Năng lượng thế giới tại Việt Nam cho rằng: Cùng với việc phát triển năng lượng gió và mặt trời, cần có cơ chế, chính sách phát triển năng lượng hydro bởi các kết quả nghiên cứu cho thấy hydro là nguồn năng lượng của tương lai và là nguồn năng lượng sạch, giá rẻ và sẵn có. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách phát triển các phương tiện chạy bằng điện (taxi, xe khách, xe tải nhỏ) và các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro (xe khách, xe tải các loại, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay…) để sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm. Bên cạnh đó, sử dụng các biện pháp tiết kiệm điện, thiết bị lưu trữ năng lượng, áp dụng kỹ thuật số trong sản xuất, truyền tải, phân phối điện… Ngoài ra, cần đào tạo đội ngũ nhân sự cho ngành năng lượng Việt Nam từ các bước thiết kế, thi công và vận hành các dự án năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, hoàn thiện các bộ Tiêu Chuẩn về kỹ thuật, chất lượng và an toàn trong lĩnh vực năng lượng theo các chuẩn mực quốc tế.
Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng truyền tải sẽ đưa năng lượng tái tạo đi xa
Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện có ý nghĩa thế nào đến sự phát triển của năng lượng tái tạo?
Video đang HOT
"Sức nóng" vượt qua mọi tưởng tượng
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Đúng một tuần sau đó, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến làm việc một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Có thể, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi điểm đến đầu tiên của đoàn công tác do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu lại là Gia Lai và Quảng Trị, hai địa phương có nhu cầu điện chưa lớn. Năm 2019, sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người trên địa bàn Gia Lai trên 500 kWh, Quảng Trị trên 1.000 kWh, thấp hơn từ 2 đến 4 lần so với mức bình quân cả nước (trên 2.000kWh).
Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã xây dựng nên những nền tảng mà từ đó tạo ra khung khổ pháp lý và nguồn lực cho phát triển năng lượng bền vững.
Trong đó, yêu cầu phát triển một cách hài hòa các nguồn năng lượng, đặc biệt ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo. Đây cũng chính là thế mạnh của 2 địa phương. Quảng Trị có 72 dự án điện gió được đề xuất với tổng công suất gần 3,7 nghìn MW và 22 dự án điện mặt trời tổng công suất gần 1.800 MW.
Dự kiến trong thời gian tới, công suất phát của các dự án đã đầu tư và phê duyệt tại đây đã lên đến gần 10.00 MW. Với Gia Lai, tổng công suất của các dự án điện gió và điện mặt trời đề xuất lên tới gần 14.000 MW.
Lãnh đạo 2 địa phương này chia sẻ, sau nhiều năm tìm hướng đi, khi "gặp" Quyết định 11, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện mặt trời và điện gió, đã thống nhất chọn năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột trọng yếu trong chiến lược phát triển.
Trên bình diện cả nước, Quyết định 11 năm 2017, Quyết định 39 năm 2018 đã tạo ra cú bứt phá thần kỳ trong lịch sử ngành điện. Từ năm 2013 đến 2017 mới có 4 MW điện mặt trời, nhưng 2 năm 2018, 2019 đã tạo thêm hơn 5.000 MW nữa (!). Điện gió cũng tương tự, nhưng ở mức độ ít hơn, từ 2013 đến 2017 có 152 MW, đến 2019 đã tăng gần gấp đôi, lên 270 MW.
"Sức nóng" của điện mặt trời vượt qua mọi tưởng tượng của các nhà lập kế hoạch. Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2020 sẽ 850 MW điện mặt trời, nhưng hết năm 2019 công suất đã hơn 5.000 MW, vượt gần 6 lần Quy hoạch. Quan trọng hơn, sản lượng từ điện mặt trời đến hết năm 2019 khoảng 5 tỷ kWh, điện gió gần 1 tỷ kWh, là một nguồn bổ sung đáng kể cho hệ thống điện, hỗ trợ đáng kể cho phụ tải vào giờ cao điểm buổi sáng, trùng với thời gian bức xạ mặt trời tăng lên.
Xử lý nút thắt hạ tầng
Nhưng sự thăng hoa của nguồn điện mặt trời, điện gió đã có thời gian làm cho hạ tầng điện không theo kịp. Tức là, công suất nguồn của 2 loại năng lượng tái tạo này tăng đột ngột, nhưng lưới điện và trạm biến áp không đủ công suất để tiêu thụ hết.
Nguyên nhân là các dự án điện mặt trời chủ yếu do khu vực tư nhân đầu tư. Vì là doanh nghiệp tư nhân, nên không bị vướng quy trình thủ tục pháp lý, nhất là trong quản lý các nguồn vốn.
Trong khi đó, các dự án hạ tầng về điện đều được thực hiện bằng nguồn lực Nhà nước thông qua EVN, nên phải tuân thủ chính sách, pháp luật về quản lý nguồn vốn. Vì vậy quy trình thủ tục và tổ chức thực hiện mất rất nhiều thời gian.
Một lãnh đạo ngành điện lấy ví dụ, cùng một dự án, tư nhân có thể chỉ định thầu, không mất một giây phút nào về thủ tục. Nhưng của nhà nước, phải qua đấu thầu. Mỗi lần đấu thầu mất khoảng 3 tháng. Dự án có 4 công trình thì nhà nước đã chậm hơn tư nhân 1 năm.
Chuyến công tác tại Quảng Trị, Gia Lai cũng làm sáng rõ hơn bức tranh này. Gia Lai và Quảng Trị có chung một đặc điểm, tổng công suất nguồn lớn hơn nhiều lần nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Như vậy, các dự án điện gió, điện mặt trời đã và đang được đầu tư, nhằm chuyển tải đi chứ không phải để sử dụng tại chỗ.
Theo phân tích của đoàn công tác Bộ Công Thương, Gia Lai và Quảng Trị không còn nhiều dư địa để giải tỏa công suất cho các dự án điện gió mới. Hiện khả năng đường dây và trạm biến áp của Gia Lai chỉ có thể giải tỏa được thêm 300 MW, nếu mở rộng công suất trạm biến áp Pleiku 2 lên gấp đôi cũng chẳng "bõ bèn" gì so với 8.000 MW điện gió mà tỉnh gửi ra cho Bộ Công Thương thẩm định.
Chính vì thế, ở 2 địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để khai thác hiệu quả Quyết định 39, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các địa phương để lọc ra những dự án có tính ưu tiên cao và mang tính khả thi để Bộ ưu tiên phê duyệt, hoặc trình Chính phủ phê duyệt. Nhưng phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Đầu năm nay, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ. Trong đó, các dự án điện bổ sung vào quy hoạch phải đáp ứng được các điều kiện về đấu nối, giải tỏa công suất; năng lực của nhà đầu tư. Như vậy, chỉ đưa vào Quy hoạch VII hiệu chỉnh những dự án cấp bách có tổng công suất bằng với năng lực giải tỏa công suất của hệ thống lưới điện và trạm biến áp.
Sự nỗ lực tích cực đã hóa giải được câu chuyện giải tỏa công suất, hiện nay điện mặt trời được giải tỏa công suất lên tới 70 - 80%. Dự kiến đến tháng 6/2020, về cơ bản sẽ giải tỏa hết công suất.
Xã hội hóa đầu tư
Phát triển đồng bộ, hợp lý về nguồn, lưới điện và trạm biến áp là yêu cầu thực tiễn. Nhưng thực tế không đơn giản. Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, từ nay đến 2030, mỗi năm ngành điện cần đầu tư 12 tỷ USD, nếu chỉ riêng Tập đoàn thì không đủ sức thu xếp, nên Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo vấn đề xã hội hóa hết sức quyết liệt.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi giới thiệu Nghị quyết 55 tại những tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết này là "Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng".
Nhưng hoạt động thực tiễn tại Gia Lai và Quảng Trị cho thấy, cơ chế đầu tư (của doanh nghiệp tư nhân) và chính sách hoàn trả vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn những điểm vướng mắc.
Nói nôm na là các nguồn lực xã hội có thể tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải, sau đó bàn giao (bán lại) cho nhà nước. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, EVN và nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Nhưng đi vào thực tế vẫn phát sinh những nút thắt. Theo ông Nguyễn Tài Anh, để bàn giao tài sản sang EVN, luật quy định phải đấu thầu trong xây dựng đường dây hay trạm điện. Trong khi doanh nghiệp tư nhân thường sử dụng hình thức chỉ định thầu, vì đấu thầu mất khá nhiều thời gian.
Được biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam bộ như Long An, Bến Tre, Sóc Trăng để nắm bắt thêm các vấn đề thực tiễn, những kiến nghị mới. Tập hợp những kiến nghị này, Bộ sẽ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trên tinh thần để các địa phương tận dụng được mọi nguồn lực xã hội và khai thác tốt các cơ hội do cơ chế của Quyết định 11, Quyết định 39 mang lại.
Xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng truyền tải đang được kỳ vọng sẽ cùng với Quyết định 11, Quyết định 39 tiếp tục viết lên những trang sử vượt qua mọi sức tưởng tượng để 5 năm tới, đến 2025, công suất nguồn của điện mặt trời đạt khoảng 11.000 MW, điện gió gần 5.000 MW, chiếm khoảng 15% trong cơ cấu tổng công suất nguồn.
Cổ phiếu doanh nghiệp điện mặt trời nổi sóng Được hưởng lợi từ chính sách "trải thảm đỏ" khuyến khích đầu tư nên dễ hiểu khi cổ phiếu các doanh nghiệp điện mặt trời như BCG, TTA, ASM... thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Sôi động bán mua Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/9/2020 tại 8.100 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital...