Phát ngôn gây chú ý của Tổng thống Trump trước ngày gặp ông Kim Jong-un
Tổng thống Donald Trump đã có những phát ngôn gây chú ý liên quan tới Triều Tiên chỉ vài ngày trước khi ông có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore.
Tổng thống Trump bắt tay Thủ tướng Abe trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 7/6 (Ảnh: AFP)
Năm ngày trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore, Tổng thống Donald Trump đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng. Trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo hôm 7/6, Tổng thống Trump cho biết ông “chắc chắn” không gặp bất kỳ vấn đề gì khi đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Mỹ, thậm chí sẵn sàng đón nhà lãnh đạo Triều Tiên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago xa hoa của gia đình ông ở bang Florida nếu ông Kim Jong-un không muốn đến thủ đô Washington. Mar-a-Lago cũng là nơi ông Trump từng đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản.
Theo Vox, đây là tuyên bố đáng chú ý của Tổng thống Trump. Các nhà lãnh đạo Mỹ thông thường chỉ dành nghi thức đón tiếp tại Nhà Trắng cho các đồng minh then chốt hoặc bạn bè quan trọng. Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố đón ông Kim Jong-un tại Nhà Trắng và không thấy có vấn đề gì từ động thái bất thường này.
“Tôi nghĩ chuyện đó có thể xảy ra”, ông Trump nói với các phóng viên.
Mặc dù vậy, tuyên bố “gây sốc” trên chưa phải là tất cả. Tại cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông “chắc chắn” muốn chứng kiến quá trình bình thường hóa với Triều Tiên.
Theo cách nói ngoại giao, “bình thường hóa” có nghĩa là cả hai nước sẽ cử các nhà ngoại giao tới lãnh thổ của nhau và bắt đầu phát triển quan hệ kinh tế. Các nhà ngoại giao này sẽ cùng hợp tác hiệu quả để xây dựng mối quan hệ bình thường giữa Mỹ và Triều Tiên sau hàng chục năm căng thẳng.
Giới chuyên gia cho rằng việc “bình thường hóa” quan hệ với Mỹ là điều Triều Tiên mong muốn từ nhiều năm nay vì nó sẽ “hợp thức hóa” chính quyền Kim Jong-un trong mắt cộng đồng quốc tế và thừa nhận Triều Tiên như một quốc gia bình đẳng. Năm 2005, Triều Tiên từng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Một trong những cách mà Tổng thống Trump có thể làm để cải thiện quan hệ với Triều Tiên là ký tuyên bố chung chấm dứt chiến tranh Triều Tiên trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tuần tới. Cuộc chiến này mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến từ năm 1953, thay vì ký hiệp ước hòa bình giữa các bên. Do vậy, về mặt kỹ thuật Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Việc chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là biểu tượng mang ý nghĩa rất lớn, có thể dẫn tới việc kết thúc các hành động thù địch trên bán đảo Triều Tiên.
Nếu Tổng thống Trump có thể ký một hiệp ước hòa bình với Triều Tiên, đây sẽ là điều mà Bình Nhưỡng rất chờ đợi. Theo Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Triều Tiên luôn lo lắng về nguy cơ xâm lược của lực lượng do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Do vậy, ông Kim Jong-un vẫn luôn chần chừ trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân vì cho rằng vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe giúp ông đối phó với nguy cơ xâm lược của nước ngoài.
“Gây sức ép tối đa”
Video đang HOT
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Getty)
Cũng trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Trump đề cập tới cụm từ “gây sức ép tối đa”. Nhằm làm rõ một tuyên bố được đưa ra trước đây rằng Mỹ sẽ nới lỏng chiến dịch gây sức ép với Triều Tiên, ông Trump cho biết chiến dịch gây sức ép tối đa với Bình Nhưỡng “hoàn toàn phát huy hiệu quả” và việc sử dụng cụm từ này là không phù hợp trong bối cảnh quan hệ song phương đang được cải thiện.
“Chúng tôi hiện không sử dụng cụm từ này (gây sức ép tối đa) vì chúng tôi sắp bước vào một cuộc đàm phán thân thiện. Mọi người sẽ hiểu cuộc đàm phán thành công đến đâu nếu nghe thấy tôi nói rằng “chúng ta sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa”. Đó là lúc mọi người nhận ra rằng cuộc đàm phán đã không diễn ra như mong đợi”, Tổng thống Trump nói trước các phóng viên.
Chính quyền Trump từng áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên và xem đây là một phần trong chiến dịch “gây sức ép tối đa”. Mục tiêu của biện pháp này là nhằm siết chặt Triều Tiên về kinh tế khiến chính quyền Kim Jong-un không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump đã ngừng sử dụng cụm từ “gây sức ép tối đa” từ hồi tháng 5 sau khi ông chắc chắn sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dù lúc đó Mỹ vẫn chưa dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Triều Tiên. Nếu hội nghị thượng đỉnh thất bại, rất có thể Tổng thống Trump sẽ tiếp tục nhắc lại cụm từ này.
Theo Ankit Panda, chuyên gia về Triều Tiên và là biên tập viên cấp cao của tạp chí Diplomat, cuộc họp báo của ông Trump tuy ngắn ngủi nhưng hàm chứa nhiều thông điệp. Chuyên gia Panda cho rằng Tổng thống Trump dường như đang cho đi quá nhiều mà chưa nhận lại tương xứng.
Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều sẽ nhất trí những điều gì tại Singapore, song cho đến nay ông Kim Jong-un vẫn chưa đưa ra nhiều đề xuất. Điều này ngược lại với Tổng thống Trump.
Cuộc họp báo cho thấy Tổng thống Trump không chỉ thể hiện lập trường thân thiện quá mức với nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà còn đưa ra một số nhượng bộ. Hồi tháng trước, Mỹ đã giảm quy mô của cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc để tránh làm phật lòng Triều Tiên.
Về phía Triều Tiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Kim Jong-un sẽ hạn chế kho vũ khí hạt nhân của nước này. Hồi tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng ý phá hủy khu thử hạt nhân duy nhất và tuyên bố dừng các vụ thử vũ khí. Tuy nhiên, những động thái này được cho là không ảnh hưởng nhiều tới năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên "lùi một bước, tiến hai bước" trước thềm cuộc gặp lịch sử với Mỹ?
Nhiều quan chức Mỹ tỏ ra hoài nghi về thái độ hòa hoãn và nhượng bộ bất ngờ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un liên quan tới đề xuất phi hạt nhân hóa khi hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước sắp bắt đầu.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giành được một vị thế cao về ngoại giao khi đưa ra những tuyên bố hòa giải bất ngờ và nhận được lời khen từ chính ông chủ Nhà Trắng. Ông Kim Jong-un cho biết Triều Tiên sẽ dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời sẵn sàng đối thoại về việc phi hạt nhân hóa mà không cần đặt ra bất kỳ điều kiện nào, bao gồm cả yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc.
Những bước đi táo bạo của ông Kim Jong-un khiến các quan chức trong chính quyền Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cảm thấy bất an. Một số người nghi ngờ rằng những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố chỉ là động thái "giả bộ" trước thềm hội nghị thượng đỉnh với hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, chứ ông Kim Jong-un không thực sự có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhiều quan chức lo ngại các động thái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đẩy Tổng thống Trump vào thế bị động trong các cuộc đàm phán sắp tới, bằng cách đưa ra những nhượng bộ thoạt nhìn mang tính biểu tượng mạnh mẽ, song thực chất chỉ là những đề xuất khiêm tốn trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Một quan chức cấp cao Mỹ từng mô tả tình huống này là "bẫy đóng băng".
Việc một nhà lãnh đạo bất ngờ chìa cành ô liu hòa hoãn, trong khi 4 tháng trước đó chính ông từng cảnh báo sẽ phóng tên lửa về phía Mỹ, đã đặt ra một câu hỏi lớn cho giới quan sát Triều Tiên: Thực chất ông Kim Jong-un muốn gì?
Mục đích thực sự của Triều Tiên
Tổng thống Trump đón Thủ tướng Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại Florida hôm 17/4 (Ảnh: Reuters)
Tại Washington, hầu hết các quan chức và chuyên gia đều tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quyết tâm khẳng định vị thế của Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân, song vẫn tìm cách thoát khỏi vòng vây của các lệnh trừng phạt kinh tế. Theo đó, sự nhượng bộ của ông Kim trong vấn đề thử vũ khí cũng như yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc đã được tính toán để thuyết phục Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không giảm nhẹ trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên các trợ lý của nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng ông có thể đang bị đánh lừa bởi viễn cảnh làm nên lịch sử trên bán đảo Triều Tiên. Cho đến nay ông Trump vẫn chưa đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào cho cuộc gặp với ông Kim Jong-un, thậm chí cả vấn đề yêu cầu Triều Tiên thả 3 công dân Mỹ đang bị nước này bắt giữ. Trong khi đó, giới chức Mỹ nói rằng họ đang phải làm việc cật lực để có thể đưa những công dân này về nước.
Trong tuần này, Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ nỗ lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc đạt được một thỏa thuận hòa bình với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, từ đó chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên suốt 68 năm qua. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước chưa ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều (1950-1953). Tuy nhiên, trong nội bộ Nhà Trắng, một số người lo ngại rằng ông Kim Jong-un sẽ sử dụng những lời hứa hẹn hòa bình để tách Hàn Quốc khỏi Mỹ và giảm nhẹ đi những nỗ lực nhằm buộc ông phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Mọi người không nhận ra rằng chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc. Nó vẫn đang diễn ra. Và họ đang thảo luận để đi đến kết thúc cuộc chiến đó. Liên quan tới thỏa thuận giữa hai nước, họ chắc chắn sẽ nhận được lời cầu chúc từ tôi", ông Trump nói với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Mỹ hồi tuần trước.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Abe không hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Tổng thống Trump. Nhật Bản cho đến nay vẫn hoài nghi sâu sắc về mục đích của ông Kim Jong-un. Tokyo lo ngại rằng các vấn đề an ninh sẽ không được tính đến trong bất kỳ thỏa thuận nào giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, hoặc giữa Triều Tiên với Mỹ.
Các quan chức Nhật Bản cho rằng việc Triều Tiên tuyên bố dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân là "chưa đủ", vì Bình Nhưỡng không hề nêu rõ rằng liệu điều đó có bao gồm các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn đủ khả năng bắn tới lãnh thổ Nhật Bản, hay không.
"Nếu chỉ vì Triều Tiên đang chấp thuận đối thoại, không nên có phần thưởng ở đây. Vẫn nên duy trì sức ép tối đa (với Triều Tiên) và đặt ra yêu cầu về việc thực thi các hành động cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa", Thủ tướng Abe nhấn mạnh.
Thậm chí với Trung Quốc, nước vốn quen với việc kiểm soát mối quan hệ với Triều Tiên mà không cần tính đến sự can thiệp từ bên ngoài, cũng đang "nóng mặt" với diễn biến nhanh chóng và mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa Washington và Bình Nhưỡng. Giới chức Trung Quốc sợ rằng họ sẽ bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc đàm phán và ông Kim Jong-un sẽ theo đuổi một thỏa thuận với Mỹ mà trong đó, Triều Tiên sẽ xích lại gần Mỹ hơn Trung Quốc.
Những nhân vật khó đoán
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo Hwasong-12 (Ảnh: Reuters)
Phần lớn sự lo lắng của Trung Quốc và Nhật Bản xuất phát từ sự khó đoán của những nhân vật chính. Nếu ông Trump trước đây từng dọa sẽ trút "lửa và thịnh nộ" vào Triều Tiên, thì nay ông lại đề cập tới "thiện chí hữu hảo" giữa Washington và Bình Nhưỡng. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chứng tỏ rằng ông khéo léo hơn so với những gì mọi người vẫn nghĩ trong việc mở cửa ngoại giao với cả Mỹ và Hàn Quốc.
Đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Trump cũng cho thấy sự mất ổn định. Vài ngày sau khi chấp thuận lời mời gặp mặt của ông Kim Jong-un, ông Trump đã sa thải cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và cựu Cố vấn an ninh quốc gia H. R. McMaster. Người được Tổng thống Trump chọn để thay thế ông Tillerson là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo. Cũng chính ông Pompeo là người đã bí mật tới Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-un và đội ngũ ông mang theo là các trợ lý từ cơ quan tình báo.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, ông Pompeo đã nêu vấn đề công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ, song phần lớn thời gian trong chuyến đi kéo dài 1 ngày của ông tới Bình Nhưỡng tập trung vào việc thảo luận về các vấn đề hậu cần như thời gian và địa điểm cho cuộc gặp sắp tới của hai nhà lãnh đạo. Một quan chức khác cho biết việc thiếu các quan chức Nhà Trắng hoặc Bộ Ngoại giao trong chuyến đi lần này của ông Pompeo đã hạn chế phần nào sự chuẩn bị của Mỹ cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
John R. Bolton, người kế nhiệm cựu cố vấn an ninh quốc gia McMaster, cũng là một nhân vật khó đoán. Hai tuần trước khi được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton nói rằng cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ thất bại và sau đó Mỹ có thể nhanh chóng chuyển sang giai đoạn tiếp theo là đối đầu quân sự với Triều Tiên.
Tương tự những người đồng cấp Mỹ, các quan chức Hàn Quốc không tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhanh chóng từ bỏ vũ khí hạt nhân như vậy. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người thiên về giả thuyết rằng ông Kim Jong-un rốt cuộc sẽ phải đưa vấn đề hạt nhân ra mặc cả nếu điều đó có thể giúp ông tái thiết nền kinh tế. Và đó cũng là lý do để họ tin rằng tuyên bố dừng thử vũ khí của nhà lãnh đạo Triều Tiên là một tín hiệu đáng hy vọng.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mức độ thân tình của Tổng thống Trump và các lãnh đạo châu Á Chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới một loạt quốc gia châu Á vừa qua đã phần nào cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa ông chủ Nhà Trắng với lãnh đạo của các nước trong khu vực. Với Thủ tướng Nhật Bản - mối quan hệ thân thiết nhất Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cho cá ăn...