Phạt nặng khách làng chơi, sạch tệ nạn mại dâm
Để đối phó với tệ nạn xã hội, luật pháp Thụy Điển sửa đổi quy định trong đó nêu rõ, xử lý hình sự khách làng chơi, chứ không phải gái bán dâm – luật đầu tiên trên thế giới tại thời điểm năm 1999. Kết quả bất ngờ, ngành kinh doanh tình dục giảm tới 70%. Và 10 năm sau, Nauy và Iceland đã áp dụng luật tương tự.
Một chiếc xe cảnh sát ngụy trang đang lướt trên đường phố của hòn đảo Skeppsholmen, một thị trấn cổ đẹp như tranh vẽ của Stockholm. Đó là một ngày giữa tháng 2-2013. Trước mắt họ là bảo tàng nghệ thuật đương đại của thành phố nhưng lúc đó trời đã tối và họ không đến đây để thưởng thức nghệ thuật. Mục tiêu của họ là bãi đáp của những gã đàn ông thích mua vui.
Một trận “đánh úp”
“Bãi đáp ở trên đó”, một điều tra viên ngồi ở hàng ghế trước chỉ vào một bãi đậu xe ở phía trên đồi. “Hãy đợi vài phút, chúng ta sẽ nhảy ra ngoài, chạy lên đồi và kéo cửa”, chỉ thị được đưa ra.
Điều xảy ra tiếp theo đúng như dự đoán của các nhân viên chấp pháp đấu tranh chống nạn mua dâm ở Thụy Điển. Người lái xe bị bắt quả tang khi đưa một gái bán dâm đến khu vực này để hành sự. Anh ta được lựa chọn: thừa nhận hành vi phạm tội và trả tiền phạt dựa trên thu nhập hoặc ra tòa và bị công khai tội lỗi. Gái làng chơi trong trường hợp này không phạm pháp, cô sẽ được các dịch vụ xã hội hỗ trợ nếu muốn bỏ nghề mại dâm. Nếu không, cô ta được phép tự do.
“Mua dâm là một trong những tội đáng xấu hổ nhất nếu bị bắt”, điều tra viên Simon Haggstrom nói. Trẻ trung, da màu, đầu cạo trọc và chiếc quần jean lùng thùng, Simon Haggstrom trông giống một nghệ sỹ chứ không phải cảnh sát. Anh là người phụ trách đơn vị chống mua dâm của cảnh sát Stockholm, đơn vị đã bắt giữ được hơn 600 khách làng chơi theo quy định của pháp luật. “Những đối tượng bị chúng tôi bắt giữ có đủ dạng, từ người nghiện ma túy đến các chính trị gia. Có người khi bị bắt nói rằng tôi đã hủy hoại cuộc sống của ông ta. Tôi đáp: Không phải tôi, mà chính bản thân ông”.
Luật “ngược đời”
Năm 1999, Thụy Điển quyết định đảo ngược quy định về tệ nạn mại dâm, trong đó xử lý hình sự những người mua dâm và cho rằng bắt phạt gái mại dâm là nhầm người. Sau khi luật chống mua dâm được thông qua, Chính phủ Thụy Điển đã chi 7 triệu krone (tương đương 1 triệu USD) cho Cơ quan Cảnh sát quốc gia để thực thi luật. Nhân sự và phương tiện được cảnh sát tăng cường để giám sát các khu phố nổi lên nạn mại dâm.
Khi đó, luật mới của Chính phủ Thụy Điển gây tranh cãi khá nhiều. Quan điểm khi luật được thông qua là đối với tệ nạn này, đàn ông mới là người có lỗi bởi họ bỏ tiền mua vui, còn những phụ nữ bị dồn vào “nghiệp” gái bán dâm qua điều tra từng bị lạm dụng tình dục hay có vấn đề về rượu và ma túy. Điều tra viên cao cấp Kajsa Wahlberg, báo cáo viên quốc gia về buôn bán người nhớ lại, nhiều người Thụy Điển lúc đó tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của luật. “Trong giới cảnh sát có cả sự thất vọng và giận dữ, bên cạnh đó là khó khăn khi yêu cầu gái mại dâm phải khai báo hay làm chứng chống lại khách hàng của họ”. Chỉ trong năm đầu tiên, cảnh sát phát hiện 90 vụ nhưng chỉ có 6 đối tượng vi phạm bị bắt giữ và phạt tiền.
Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ khi luật có hiệu lực. Một cảnh sát chìm với 37 năm trong nghề cho biết, những gì xảy ra 14 năm trước thật bất ngờ. “Khi luật có hiệu lực, đường phố gần như vắng tanh trong 6 tháng”, ông nói. Dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng số gái “đứng đường” ở Thụy Điển hiện giờ không đáng kể. Thống kê mới nhất về tội phạm ở Thụy Điển năm 2011 cho thấy, chỉ có 11 người phạm tội môi giới mại dâm, trong khi 450 đối tượng đã bị kết án và bị phạt tiền vì mua dâm, trong đó có một số khách du lịch nước ngoài.
Quan trọng là nguồn nhân lực
Video đang HOT
Trước kia nhiều người chỉ trích luật sửa đổi của Thụy Điển sẽ làm cho hoạt động kinh doanh tình dục trở nên đáng lo ngại hơn. Gần đây, cảnh sát Thụy Điển cũng tích cực đối phó với thế giới ngầm của tội phạm này. Các chuyên gia đã được đào tạo để giám sát mạng Internet, phát hiện quảng cáo dịch vụ sex trá hình. Cảnh sát cũng có thể truy cập để ngăn chặn số điện thoại tình nghi. Sỹ quan Haggstrom tiết lộ, những tay môi giới mại dâm ở Thụy Điển ngày càng “nản” vì có thể chủ chứa và ma cô không bị bắt nhưng số lượng khách hàng ngày càng giảm do sợ bị bắt.
Thành công trong phòng chống nạn mại dâm của Thụy Điển liệu có thể áp dụng ở các nước khác? Na Uy và Iceland đã đưa vào luật cấm việc mua dâm năm 2009 , còn Vương quốc Anh đã có những bước thăm dò khi hình sự hóa hành vi mua dâm từ các đối tượng dưới 18 tuổi hoặc người trưởng thành là nạn nhân của bọn buôn người. Nhưng điều này không dễ, bởi các chuyên gia Thụy Điển đều đồng ý rằng, chỉ riêng ban hành luật là chưa đủ: “Quan trọng là phải có nguồn lực thực thi, cần phải có các nhân viên cảnh sát chịu khó săn lùng và bắt giữ”.
Luật pháp Thụy Điển quy định hành vi mua dâm, chứ không phải bán dâm là bất hợp pháp. Ngoài ra, các hành vi môi giới, chăn dắt và mở nhà chứa cũng bị cáo buộc hình sự. Theo luật hiện hành, người phạm tội mua dâm sẽ bị phạt tiền hoặc tối đa là 6 tháng tù giam, môi giới mại dâm bị phạt tối đa 4 năm tù. Theo thống kê mới đây của Đài phát thanh Thụy Điển, trong số 650 khách làng chơi đã bị kết án, đến nay chưa có ai phải vào tù.
Theo ANTD
Thôn nữ bị ép "chiều" 30 khách/ngày nói về "động qủy" phố núi
Không chịu nổi cảnh mỗi ngày phải tiếp đón hàng chục khách làng chơi, thiếu nữ 17 tuổi rủ bạn bỏ trốn về quê. "Tú bà" cùng nhóm "giang hồ" đã vượt chặng đường 700 km tìm về tận nhà thiếu nữ để bắt cóc, ép quay lại "làm việc". Trên đường trở về, nhóm bắt cóc bị cảnh sát bắt. Một đường dây cung cấp gái mại dâm tuổi vị thành niên ở Pleiku hé lộ qua lời kể của nạn nhân.
Cuộc rượt đuổi như phim hành động
Thượng tá Nguyễn Hoàng Phi, Trưởng Công an huyện Phụng Hiệp cho biết, khoảng 20h ngày 19/6/2013, trực ban công an huyện nhận được điện thoại từ người dân báo tin khẩn cấp: Gần nhà nghỉ Thảo Nguyên trên quốc lộ 61 (đoạn qua ấp 1, xã Thạnh Hoà, huyện Phụng Hiệp) nghi vấn vừa xảy ra một vụ bắt cóc.
Nạn nhân kể lại những ngày kinh hoàng trong "tổ quỷ".
Phán đoán đây là vụ việc nghiêm trọng, thượng tá Phi chỉ đạo lực lượng cảnh sát 113 kết hợp với cảnh sát giao thông huyện nhanh chóng vào cuộc. Rà soát nhanh thông tin, công an phát hiện chiếc xe có dấu hiệu bắt cóc mang biển kiểm soát 81A-033.29, đang chạy với tốc độ kinh hoàng theo hướng Cần Thơ. Trinh sát lập tức lên xe truy đuổi.
Biết lực lượng công an đang bám theo đuôi, đối tượng điều khiển xe tỏ ra ngoan cố, tăng tốc độ. Sợ nguy hiểm đến người dân đang lưu thông trên đường, xe trinh sát khéo léo bám đuổi, chờ thời cơ tăng tốc.
Hết đoạn đường đông dân cư, đến cầu Hưng Lợi, đoạn chuẩn bị đến đường dẫn cầu Cần Thơ, xe trinh sát đột ngột tăng tốc, khống chế xe có nghi vấn.
Khi các đối tượng bị kiểm tra hành chính, chúng vẫn ngoan cố nói không vi phạm, đang trên đường về nhà sau chuyến du lịch. Tuy nhiên, sắc mặt hai thiếu nữ trên xe có vẻ khác lạ, một trong hai em bất ngờ khóc òa, nước mắt ròng ròng vì sợ sệt.
Một trinh sát kéo cô gái ra góc khuất hỏi chuyện, tức thì cô gái nức nở: "Các chú đưa cháu về đồn đi, ở đây chúng giết cháu mất. Cháu bị bọn chúng bắt cóc. Chúng doạ nếu nói ra sẽ giết cháu".
Lập tức, những người có liên quan bị giải về đồn công an huyện Phụng Hiệp trong đêm.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận chủ mưu trong vụ án là Trần Thị Hoài (SN 1981, ngụ đường Phạm Ngũ Lão, phường Trà Bá, TP PLeiku, Gia Lai) là chủ một xóm trọ trên đường Phan Đình Phùng, chuyên cung cấp gái mại dâm.
Trước đó, Hoài kể với chồng là Phạm Hồng Tuấn (biệt danh Tuấn lùn, SN 1977) việc hai nữ tiếp viên Võ Thị B.V. (SN 1996, ngụ xã Thạnh Hoà, huyện Phụng Hiệp) và Trịnh Thị M.D. (SN 1996, ngụ phường Xuân Khánh, TP Buôn Mê Thuật, Đắk Lắc) vừa bỏ trốn.
Chiều tối 19/6, vợ chồng Hoài cùng một số "dân anh chị" đánh xe đến Hậu Giang. Khoảng 20h, phát hiện hai cô gái đang đi bộ trên quốc lộ 61, chúng áp sát, rút roi điện chích các cô để khống chế, khiêng hai nạn nhân lên xe ô tô. Rất may, hành vi của nhóm bắt cóc bị một số người đi đường phát hiện, báo cho công an.
Những ngày đen tối của thôn nữ lầm lỡ
Nhà nạn nhân Võ Thị B.V. ở một hẻm nhỏ thuộc xã Thạnh Hoà. Người dân địa phương xôn xao chuyện cô gái bị bắt cóc. Dân làng tưởng hơn một năm qua cô gái đi bán cà phê hay tiếp viên nhà hàng, không tin các cô bị ép đi làm "gái gọi", bị ép bán dâm cho khách làng chơi.
Tiếp chuyện khách, nạn nhân tỏ ra hoạt bát, ăn nói lưu loát. Em cho biết, học xong lớp 9 thì xin mẹ đi học cắt tóc ở một tiệm gần nhà. Khoảng một tháng sau, người quen giới thiệu lên làm nhân viên nhà hàng ở Pleiku nhưng em nói dối mẹ là lên Sài Gòn học làm tóc để được đồng ý.
Người cha phân trần cảnh nghèo, ít học nên không lo được cho con cái đầy đủ
Lên đến Pleiku, công việc không như lời giới thiệu ban đầu, em bị đẩy vào một động chứa mại dâm. Được bà chủ và mấy chị trong nghề mô tả về cuộc sống xa hoa, nhiều tiền, thôn nữ nhẹ dạ đồng ý làm nghề bán dâm.
Trong "ổ nhền nhện" này có khoảng 20 cô gái tuổi từ 13 - 20, đều là gái mại dâm, sẵn sàng đi khách theo yêu cầu của bà chủ.
Hàng tháng tiền thuê trọ mỗi người là 600 ngàn đồng. Các cô gái ăn cơm tại ổ mại dâm, do chính tay Hoài nấu nướng. Tiền cơm mỗi ngày là 50 ngàn, tiền lãi 10 ngàn, cuối tháng trả một lần. Dãy nhà trọ này được lắp đặt máy ghi hình, có hai "bảo kê" theo dõi 24/24h.
Những tiếp viên này thức dậy từ 11h, sau đó chịu sự điều động của "tú bà", đi bán dâm ở các nhà nghỉ, khách sạn. Để nhân viên thuận tiện di chuyển làm việc, bà chủ mua xe máy cho các cô gái thuê. Mỗi ngày V. phải trả cho bà chủ 300 nghìn đồng tiền thuê xe máy.
Nạn nhân cho biết, mỗi ngày em phải tiếp ít nhất 10 khách làng chơi, hôm nhiều nhất lên đến... 30 khách. "Từ 11h bọn em dậy. Khách có yêu cầu gọi điện đến bà chủ thông báo địa điểm, khách sạn, rồi bà điều động bọn em đến phục vụ khách", V. nói.
Cuộc đào thoát khỏi "tổ quỷ" của thôn nữ
Nạn nhân tố cáo đối tượng Hoài: Giá mỗi lượt "đi khách" từ 300 nghìn đồng trở lên, mỗi cô gái được nhận 200 nghìn/lượt, bà chủ nhận 100 nghìn. Tuy nhiên, để ăn chặn tiền của nhân viên, bà chủ nghĩ ra đủ chiêu trò.
Mới đây, Hoài cho một số nhân viên đi Sài Gòn chơi, rồi gán nợ cho họ mỗi người 12 triệu đồng. Cộng với nợ tiền ăn, tiền thuê xe máy hàng ngày, tiền ứng trước khi mới vào, số nợ mà V. phải trả cho "má mì" lên đến mấy chục triệu.
Không chịu được cảnh ngày nào cũng tiếp hàng chục khách làng chơi, liên tục bị bà chủ ăn chặn, bảo kê đánh đập nên V. bàn với người bạn cùng làm tên D. bỏ trốn.
Tối 1/6, hai người lẻn ra khỏi phòng, chạy ra ngoài đường rồi nhanh chóng lên taxi. Đi được một đoạn, hai em thuê một chiếc xe bảy chỗ, về ngay Hậu Giang trong đêm. "Em không ngờ sau đó họ lại tìm đến nhà rồi bắt em và bạn. May có mấy chú công an, nếu không chúng em chết chắc", nạn nhân kinh hãi nói.
Sau khi sự việc xảy ra, một số người địa phương thầm trách vợ chồng ông lơ là trong việc quản lý con cái. Đứa con gái mới lớn đi biệt tăm hơn một năm nay, chỉ liên lạc về nhà qua điện thoại, Tết con không về cũng không tìm kiếm giục giã. Vẫn biết cách giáo dục, nuôi dưỡng con cái như vậy đã khiến mấy đứa trẻ chưa lớn dễ hư hỏng, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, nhưng người cha cũng phân trần: Cảnh nghèo, lại ít học, đâu biết ngoài đời nhiều cạm bẫy thế.
TheoXa lộ Pháp luật
Phạt người đẻ hơn 2 con 1-1,5 triệu đồng Muôn làm khai sinh cho con thứ ba, thứ tư của mình, người dân phải nôp phạt 1-1,5 triêu đông vì "vi phạm quy định sinh đẻ có kê hoạch"! Trạm Y tê xã Tân Minh, huyện Thường Tín, TP Hà Nội tự ban hành quy định phạt tiên gia đình sinh con thứ ba, thứ tư Xã Tân Minh cách trung tâm...