Phạt nặng hành vi xúc phạm danh dự nhà giáo: Lo ngại áp dụng pháp luật tuỳ tiện
Nêu quan điểm về Dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, chuyên gia pháp lý cho rằng, các nhà làm luật cần lượng hóa hành vi cụ thể hơn để áp dụng chế tài xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra bản Dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trong dự thảo có điều khoản quy định: “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này” (Điều 29, Dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục).
Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Tuy nhiên, dưới góc độ là một chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chỉ ra rằng: “Điều 20, Hiến pháp 2013 đã quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
“Với những quy định nêu trên, nếu không muốn nói là còn sơ sài”, thì việc áp dụng pháp luật sẽ khó thực hiện, dễ lạm dụng pháp luật khi xử lý vi phạm. Bởi, thế nào là hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục? Xúc phạm đến mức độ nào thì sẽ bị xử lý hành chính?… không phải ai cũng hiểu và áp dụng luật đúng đắn”, luật sư Vinh nêu quan điểm.
Theo luật sư Vinh, pháp luật hiện hành đã có những chế tài xử phạt vi phạm quy định về trật tự công cộng như: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;” (Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác” (Điều 155, BLHS năm 2015).
Luật sư Vinh cũng nhấn mạnh cần phải lưu ý hai vấn đề đó là: Một, hành vi nếu đã xử phạt hành chính thì không xử lý hình sự và ngược lại. Thứ hai, các hành vi xử phạt phải tương ứng với các quy định xử lý hành chính khác.
“Nếu Dự thảo đặt nhà giáo là chủ thể đặc biệt để tăng chế tài xử phạt lên thì phải đưa ra được lý do cụ thể, nếu không đưa ra được lý do thì chế tài phải tương tự các hành vi hành chính khác”, luật sư Vinh nói thêm.
Ví dụ, một học sinh dùng lời lẽ lăng mạ, xúc phạm giáo viên thì khi nào bị xử phạt hành chính và trong trường hợp nào thì bị xử lý hình sự? Luật sư Vinh cho rằng, những nhà làm luật cần phải lượng hóa cụ thể các hành vi này như xúc phạm, lăng mạ trong thời gian bao lâu, số lời lẽ lăng mạ, hậu quả mà người bị xúc phạm, lăng mạ phải chịu là như thế nào… để quyết định áp dụng hình thức chế tài nào, hành chính hay hình sự? Từ đó mới không dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật một cách tùy tiện.
Hành vi thứ hai nêu trong Dự thảo là hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Về hành vi này, hành lang pháp lý cũng đã có quy định cụ thể hơn, đó là “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…” (Điều 134, BLHS năm 2015).
Chỉ khi người nào có hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi đó sẽ bị xem xét xử phạt hành chính.
Video đang HOT
Tuy nhiên, luật sư Vinh cũng nói thêm, không phải bất kỳ hành vi xâm phạm nào cũng bị xử phạt hành chính. Ví dụ, học sinh đẩy giáo viên ngã xuống đất, chưa có phần trăm thương tích nào thì bị xử lý ra sao? Có bị phạt tiền theo khung khoản quy định trong Dự thảo là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng không?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Vinh nhấn mạnh lại một lần nữa là nhà làm luật nên lượng hóa cụ thể, quy định rõ ràng hơn, hành vi vi phạm đến đâu, mức độ thế nào từ đó mới áp dụng chế tài xử lý.
“Còn nếu không lượng hóa được hành vi thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng pháp luật”, luật sư Vinh nói.
Luật gia Ngô Văn Thạnh (Hà Nội).
Luật gia Ngô Văn Thạnh (Hà Nội) cũng nêu quan điểm về quy định của Dự thảo luật này như sau: Dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là văn bản thay thế cho Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (sau đây gọi là Nghị định số 138/2013/NĐ-CP).
Trước đó, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP được ban hành dựa trên căn cứ pháp lý là luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học. Hiện nay, 02 Luật này đã được sửa đổi, bổ sung một số vấn đề bởi luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014. Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với thực tiễn khách quan.
Để giải đáp câu hỏi của một số bạn đọc, liệu cùng một hành vi nhưng lại được quy định trong cả hai văn bản pháp luật thì có mâu thuẫn và chồng chéo nhau hay không?
Luật gia Ngô Văn Thạnh cho biết: Theo nguyên tắc suy đoán vô tội quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì, một người bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về một trong các tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Nguyên tắc tiếp theo là, chỉ khi nào một hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm trong BLHS thì khi đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn nếu hành vi đó chưa đến mức cấu thành tội phạm thì chỉ bị xem xét xử lý trách nhiệm hành chính. “Đây cũng là lý do ban hành ra BLHS để xử lý trách nhiệm hình sự và ban hành ra các Quyết định hành chính để xử lý các hành vi vi phạm hành chính. Hai loại văn bản này hoàn toàn độc lập, không mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau”, luật gia Thạnh nói.
Theo nguoiduatin
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê, được không?
Cho rằng nhiều vụ đòi nợ thuê biến tướng mang tính chất "xã hội đen", UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.
Một vụ đập phá cửa hàng nhằm khủng bố tinh thần để buộc trả nợ ẢNH: CẮT TỪ CAMERA
TP.HCM là một trong những địa bàn mà dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động rầm rộ nhất. Trong thời gian gần đây, nhiều vụ đòi nợ thuê mang tính chất "xã hội đen", khủng bố tinh thần... liên tục xảy ra gây hoang mang dư luận. Thống kê của Công an TP.HCM cho biết từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn ghi nhận trên 40 trường hợp có dấu hiệu cưỡng bức con nợ. Hầu hết các đối tượng là thành phần bất hảo từ phía bắc vào hình thành băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê...
Có dấu hiệu cấu kết băng nhóm
Trả lời T hanh Niên, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định liên quan đến biến tướng dịch vụ đòi nợ thuê kiểu "xã hội đen", Công an TP xác định lập chuyên đề để tập trung xử lý, triệt phá băng nhóm cấu kết đòi nợ thuê. "Thực trạng đòi nợ thuê hiện nay là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Công an TP đang tiến hành rà soát, nắm từng địa chỉ, con người cụ thể của các công ty đòi nợ thuê để theo dõi, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật", ông Phong nói.
Loại hình dịch vụ đòi nợ thuê cơ bản hoạt động theo luật Doanh nghiệp (DN); bên cạnh đó còn bị điều chỉnh bởi Nghị định 104/2007 về dịch vụ đòi nợ và Nghị định 96/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tại TP.HCM, đến cuối năm 2017 có 65 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê với tổng vốn điều lệ hơn 374 tỉ đồng; trong đó 28 DN đủ điều kiện hoạt động với tổng số 775 người (238 người hộ khẩu TP.HCM và 537 người hộ khẩu tại các tỉnh, thành khác), 21 DN chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động; 4 DN tạm ngưng hoạt động; 12 DN tự nguyện nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và không hoạt động.
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhìn nhận tình trạng vi phạm quy định về đòi nợ khá phổ biến. Năm 2017, các cơ quan chức năng đã tổ chức phối hợp kiểm tra 28 lượt DN, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính, phạt 13 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 91 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu như sử dụng nhân viên không đúng điều kiện tiêu chuẩn; hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện...
Ông Liêm thừa nhận công tác quản lý dịch vụ đòi nợ thuê gặp không ít khó khăn. Một trong các nguyên nhân là hiện chưa có văn bản quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đáng lo ngại, hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay xuất hiện nhiều biến tướng, một số vụ việc có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Nhóm đòi nợ (theo ủy quyền của chủ nợ) thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen; trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ, nhưng những hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm vì chưa xảy ra hậu quả nên rất khó xử lý.
"Hiện cũng chưa có quy định cụ thể về đồng phục của nhân viên làm công việc đòi nợ. Do vậy, khó xác định được nhân viên đòi nợ khi thực hiện hợp đồng đòi nợ; việc tổ chức đòi nợ bằng cách chây lì, cố tình tạo sự chú ý cho người xung quanh gây tâm lý hoang mang cho tổ chức, cá nhân khách nợ như đi thành đoàn, đông người, tạo sự hiếu kỳ của người dân tụ tập đông người gây mất an ninh, trật tự, gây ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của khách nợ", ông Liêm dẫn chứng.
Ô tô của một Việt kiều bị ném sơn khủng bố để buộc trả nợ thay cho người thân ẢNH: C.N
Đưa ra tòa giải quyết
Từ những bất cập trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình hoạt động đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. "Thực tế quan hệ đòi nợ là quan hệ dân sự, hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thi hành pháp luật như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án... Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa có hiệu lực pháp luật, thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại là cơ quan có thẩm quyền thi hành", ông Liêm nêu lý do.
Trong trường hợp không thể cấm, ông Liêm cho biết TP.HCM đề nghị T.Ư ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như quy định về đồng phục, thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, cấm đòi qua thân nhân và gia đình của khách nợ, quy định số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Thắt chặt điều kiện kinh doanh
Nhìn nhận dịch vụ đòi nợ thuê đang có chiều hướng biến tướng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng không thể cứ "khó quản thì cấm" dịch vụ này.
Luật sư (LS) Lê Hoài Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, cho rằng pháp nhân dịch vụ đòi nợ hiện không nhiều như pháp nhân các ngành nghề kinh doanh khác, nhưng tác động rất lớn đến đời sống người dân nếu như hành xử mang tính chất "xã hội đen". Tuy nhiên, hoạt động đòi nợ thuê đã chính thức có hành lang pháp lý để quản lý từ năm 2007 với Nghị định 104/2007 của Chính phủ, do vậy nếu cấm sẽ tạo tiền lệ xấu về việc "cứ quản không được là cấm". "Bộ Công an nên tập trung quản lý và có những chế tài mạnh, tăng cường công tác quản lý sâu sát hơn với các DN này; đồng thời cần có quy định thêm trong xử lý hình sự hành vi gây mất trật tự và xâm phạm tính mạng người khác liên quan đến công việc đòi nợ", LS Trung đề nghị.
Thạc sĩ - LS Trần Khánh Ly, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng dịch vụ đòi nợ là nhu cầu tất yếu của xã hội phát sinh trong quan hệ dân sự vay nợ - trả nợ. "Cấm không cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ là bước đi thụt lùi trong công tác quản lý. Điều chắc chắn rằng có cấm thì việc đòi nợ vẫn tồn tại và mọi người sẽ lấy tư cách đại diện cá nhân để đi đòi, lúc đó nhà nước sẽ khó quản lý hơn", bà Ly nói và cho rằng nên quản theo hướng: vì đòi nợ thuê là dịch vụ kinh doanh có điều kiện nên nhà nước có quyền xây dựng các quy định và chế tài theo hướng thật chặt chẽ, thậm chí khắt khe, nhằm quản lý tốt vấn đề về an ninh trật tự và bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân..
Xử lý hình sự ra sao
Theo LS Nguyễn Hải Nam - Văn phòng LS Công Quyền (TP.HCM), việc đòi nợ là yêu cầu chính đáng của người cho vay nợ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Bên vay cũng phải có nghĩa vụ trả nợ cho người cho vay. Tuy nhiên, việc đòi nợ cũng phải được tiến hành bằng các biện pháp hợp pháp như khởi kiện, đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp... Luật pháp cũng không cấm việc thuê người khác (dịch vụ) để thực hiện việc thu hồi nợ, nhưng cũng phải thực hiện đúng pháp luật.
Trường hợp dùng vũ lực, đe dọa khiến con nợ rơi vào tình trạng lo sợ có thể dẫn đến bị giết chết là đã có dấu hiệu của tội "đe dọa giết người" theo điều 133 bộ luật Hình sự. Tùy vào mức độ mà người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 7 năm. Trường hợp gây thương tích cho con nợ, tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính, bồi thường dân sự hoặc bị xử lý hình sự theo điều 134 bộ luật Hình sự về tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác". Khi đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù đến 20 năm, tù chung thân.
Ngoài ra, người đi đòi nợ thuê còn có thể bị xử lý hình sự về tội "xâm phạm chỗ ở của người khác" theo điều 158 bộ luật Hình sự nếu tự ý vào nhà của người khác, mức phạt có thể đến 5 năm tù. Trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu dùng vũ lực để tước đoạt tài sản của con nợ thì có thể bị xử lý về tội "cướp tài sản" theo điều 168, tùy mức độ mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 năm đến chung thân.
Theo TNO
Chửi học sinh phạt 20 triệu, ép học thêm phạt 10 triệu Theo dự thảo nghị định xử phạt, mức phạt cao nhất có thể lên đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm. Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến góp ý. Trong nghị định xử phạt đã đề xuất nhiều mức phạt hành chính...