Phát lệnh khởi công xây dựng “1 trong 10 cây cầu lớn của Việt Nam”
9h sáng nay 7/3, tại xã Bình Phú (huyện Càng Long, Trà Vinh), Bộ GTVT chính thức làm lễ khởi công xây dựng dự án cầu Cổ Chiên bắc qua sông Cổ Chiên, nối liền 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh trên Quốc lộ 60.
Mô hình cầu Cổ Chiên
Đến dự lễ có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành và các tỉnh ĐBSCL.
Ông Nguyễn Khắc Quân – Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), cho biết dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 1608/TTg-KTN, ngày 6/9/2010 và Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định 3053/QĐ-BGTVT ngày 22/10/2010.
Cầu Cổ Chiên được xây dựng cách bến phà Cổ Chiên hiện hữu khoảng 3,6km về phía hạ lưu. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Dự án bao gồm 2 dự án thành phần trong đó, thành phần 1 bao gồm phần cầu Cổ Chiên với tổng chiều dài gần 16km, thành phần 2 bao gồm đường dẫn phía Bến Tre, Trà Vinh và các cầu trên đường dẫn với tổng chiều dài hơn 14km.
Theo thiết kế được phê duyệt, dự án thành phần 1 là cầu chính dạng dây văng 2 mặt phẳng dây cầu dẫn nhịp giản đơn dầm super T mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 16m vận tốc thiết kế 80km/h. Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng với tải trọng thiết kế: hoạt tải HL-93 tĩnh không thông thuyền cao 25m, chiều rộng 120m.
Video đang HOT
Dự án thành phần 2 gồm cầu Tân Điền và đoạn tuyến nằm giữa cầu Tân Điền và cầu Cổ Chiên, có quy mô cấp III đồng bằng, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng mặt cắt ngang cầu 16m, bề rộng nền đường 20,5m Đường dẫn hai đầu cầu và các cầu (12 cầu) trên tuyến quy mô cấp III đồng bằng, 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h được phân kỳ đầu tư: giai đoạn trước mắt xây dựng với quy mô 2 làn xe, bề rộng mặt cầu và nền đường 12m giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng với quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt cầu và nền đường 20,5m.
Khu vực xây dựng cầu Cổ Chiên
Dự kiến thời gian thi công là 36 tháng. Cầu Cổ Chiên sau khi hoàn thành sẽ nối thông tuyến Quốc lộ 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh và rút ngắn từ TPHCM đến Trà Vinh khoảng 80km, giảm áp lực giao thông lớn trên QL1A. Đây là một trong 4 chiếc cầu quan trọng trên QL60 (gồm Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên và Đại Ngãi), một dự án rất quan trọng nằm trong chiến lược phát triển tuyến hành lang ven biển, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế xã hội đối với khu vực ĐBSCL, đồng thời tăng cường an ninh quốc phòng cho khu vực.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, đánh giá công trình cầu Cổ Chiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đất nước nói chung, tuyến giao thông Quốc lộ 60 và các tỉnh ĐBSCL nói riêng. Công trình sau khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa 2 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre với các địa phương khác.
“Đây là một cây cầu lớn trong 10 cây cầu lớn của Việt Nam. Sau khi hoàn thành, cầu Cổ Chiên như là thể hiện dấu chỉ cho nâng cao năng lực, sự tiến bộ vượt bậc của ngành GTVT nước ta. Chúng ta tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, công nhân trong việc xây dựng công trình. Công trình cũng thể hiện tinh thần tự lực tự cường của nhân dân và lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủtướng đề nghị các cấp, các ngành cùng đơn vịxây dựng cầu cần nỗ lực cao để đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ để đạt hiệu quả tốt nhất. Chính phủ cùng ngành GTVT sẽ thường xuyên theo dõi để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn cần thiết khi xây dựng.
Đúng 10h, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chính thức phát lệnh khởi công công trình.
Theo Dân Trí
Tỷ lệ học sinh bậc THPT bỏ học còn cao
Sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL vừa tổ chức giao ban tổng kết công tác thi đua vùng 6 năm học 2009-2010. Theo đánh giá chung, tỷ lệ bỏ học của học sinh bậc tiểu học và THCS có giảm nhưng bậc THPT vẫn còn cao.
Ông Thái Văn Long - giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, Trưởng thi đua vùng 6, báo cho cáo cho biết trong năm học qua, bậc giáo dục mầm non đã tăng cường phấn đấu xóa hẳn các xã trắng về giáo dục mầm non (Trà Vinh, Cà Mau). Các địa phương đã tập trung thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, tích cực tổ chức lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày, đồng thời có biện pháp chuẩn bị tốt Tiếng việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Học sinh đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Điểm nổi bật ở bậc tiểu học là các đơn vị đã tăng tỷ lệ học sinh (HS) học 2 buổi/ngày và giảm tỷ lệ HS bỏ học so với cùng kỳ năm học trước. Chú trọng triển khai tổ chức dạy ngoại ngữ cho HS tiểu học, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý dạy và học.
Các Sở đã đầu tư xây dựng trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia gắn với phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đều đạt và vượt chỉ tiêu quy định.
Các đơn vị trong vùng đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng website và cập nhật thông tin kịp thời, tăng cường công tác tin học hóa quản lý nhà trường THPT và THCS (bước đầu tổ chức tạo email cho HS lớp 12 để tiếp nhận thông tin và tuyển sinh). Việc tổ chức họp qua mạng để phổ biến công tác giữa Sở với Phòng GD-ĐT và các trường, đơn vị trực thuộc đã được phổ biến và thực hiện khá tốt ở nhiều đơn vị như Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp.
Về tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2009- 2010, hầu hết các đơn vị trong vùng 6 đều tăng. Trong đó có 4 tỉnh trên 70%, 7 tỉnh trên 80% và 1 tỉnh trên 90%. Cà Mau là đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất với trên 90% (năm trước là 82,25%), thấp nhất là Bến Tre 74% (năm trước trên 79%). Hệ GDTX, cao nhất là Vĩnh Long 49,75% và thấp nhất là Sóc Trăng 16,30%.
Theo các Sở thì vấn đề HS bỏ học vẫn đang là mối lo ngại chung cho cả vùng. Tỷ lệ học sinh bậc tiểu học có 11 tỉnh giảm tỷ lệ, 1 tỉnh tăng là Bến Tre từ 0,12% lên 0,14%. Bậc THCS cũng có 10 tỉnh giảm tỷ lệ và 2 tỉnh tăng là An Giang và Vĩnh Long.
Tuy nhiên ở bậc THPT, tỷ lệ HS bỏ học vẫn còn cao. Trong đó, có 6 tỉnh giảm, 6 tỉnh tăng tăng cao nhất là Sóc Trăng từ 6,98% lên 7,44%, Vĩnh Long tăng từ 5,63% lên 6,28% Đồng Tháp từ 4,50% lên 6%.
Các Sở GD-ĐT ĐBSCL cũng đã có những kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT để xem xét giải quyết như Sở GD-ĐT Hậu Giang kiến nghị chương trình kiên cố hóa trường lớp cần có kế hoạch điều chỉnh, đầu tư bổ sung nguồn vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện Sở GD-ĐT An Giang đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể chuyển hình thức thi tốt nghiệp THPT sang xét tốt nghiệp, đồng thời khôi phục quy định thi tuyển vào lớp 10 nhằm tăng cường chất lượng đầu vào cấp THPT Sở GD-ĐT Long An cho rằng, nếu vẫn tiếp tục hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì đề nghị Bộ GD-ĐT nên khôi phục quy định có thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT về thanh tra thi ở các hội đồng. Đề nghị Vụ Giáo dục thường xuyên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nghiên cứu kỹ hơn về mức độ khó của đề thi tốt nghiệp bổ túc THPT để đảm bảo phù hợp đối tượng hơn. Các Sở GD An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu cho rằng cần có chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lý Sở, Phòng GD-ĐT hoặc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên để tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều động cán bộ, giáo viên giỏi về công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục . Sở GD-ĐT Tiền Giang đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có chế độ khuyến khích đối với giáo viên THPT có trình độ sau đại học. Bộ GD-ĐT cần kết hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có quy định cụ thể hơn về nội dung, chương trình đào tạo của trường trung cấp nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp của địa phương.
Huỳnh Hải
Theo dân trí