Phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng
Tỉnh Cao Bằng quan tâm bảo tồn và khai thác bền vững các tài nguyên thiên nhiên, các giá trị đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, danh lam trong Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
Núi mắt thần – điểm đến quan trọng của Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng. (Ảnh: TTXVN phát)
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh quan tâm bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản địa phương; các giá trị đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Sức hấp dẫn của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO
Sau khi được Công nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với 130 điểm di sản độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành trên 500 triệu năm của trái đất, tỉnh đã xây dựng 4 tuyến du lịch Công viên địa chất, gồm “Hành trình về nguồn cội”, “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay”, “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, “Một thời hoa lửa.”
Đây là lợi thế để Cao Bằng quảng bá rộng rãi các giá trị di sản địa chất, văn hóa đặc sắc riêng có với bạn bè trong nước và quốc tế.
Du khách Đoàn Hải Lê (thành phố Hà Nội) đã nhiều lần đến Cao Bằng tham quan. Mỗi lần tới đây, cô đều chọn những điểm đến khác nhau. Lần đến tham quan, khám phá thác Bản Giốc dịp lúa chín vàng; ăn hạt dẻ, cốm vò nếp ong thơm ngọt… đã để lại nhiều ấn tượng trong cô.
Hải Lê cho biết Cao Bằng thật sự có một vẻ đẹp độc đáo, giàu bản sắc, lôi cuốn khách tham quan. Đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó nghe giới thiệu về Bác Hồ trong thời gian hoạt động cách mạng ở Cao Bằng hay ngắm Mắt thần núi và ngồi trong những homestay thưởng thức những câu Then, điệu Tính mượt mà, say đắm lòng người… cũng là những trải nghiệm đáng nhớ.
Bà Jitka Hertig (Chuyên gia về Công viên địa chất người Thụy Sỹ) trong dịp đến Cao Bằng tham dự Hội nghị Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 đã chia sẻ mỗi tuyến trải nghiệm Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có sự cuốn hút riêng.
Video đang HOT
Một số du khách rất thích thú khi trải nghiệm ngủ trong những lều bạt dựng trong thung lũng, nếm trải cảm giá yên tĩnh như thuở hồng hoang. (Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN)
Tham quan tuyến “Khám phá Phja Oắc – Vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình, bà Jitka Hertig được đi trong rừng trúc xanh ngút ngàn; ngắm những cô gái dân tộc Dao Tiền thêu sáp ong.
Trong tuyến trải nghiệm hướng Nam “Một thời hoa lửa,” bà đã leo những ngọn núi đá cao hùng vỹ để xem nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy mặt trận trong Chiến dịch Biên giới năm 1950… Du khách người Thụy Sỹ này cho biết, bà sẽ sắp xếp thời gian để trở lại Cao Bằng khám phá, tìm hiểu lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Kể từ khi chính thức được công nhận, thông qua việc xây dựng và phát triển giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, du lịch Cao Bằng tăng trưởng khá nhanh. Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2024: Tổng lượt khách du lịch đến tỉnh đạt trên 5,4 triệu lượt, bằng 108% kế hoạch. Đến nay, các chỉ tiêu phấn đấu chung về du lịch đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 -2025.
Phát huy giá trị Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO
Qua hơn 6 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản; xây dựng, khai thác ở khía cạnh tạo ra những sản phẩm du lịch mới đặc trưng, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phúc Sen Lương Văn Huấn cho biết ở Phúc Sen có điểm du lịch cộng đồng làng hương thơm Phja Thắp, điểm du lịch cộng đồng làng rèn Pác Rằng.
Tại đây, bà con dân tộc Nùng An trong làng nghề rèn nông cụ, làm hương thơm và giấy dó đã tham gia làm đối tác Công viên địa chất nên vừa có cơ hội được tập huấn, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề và giới thiệu sản phẩm đến với bạn bè trong nước và quốc tế, vừa nâng cao ý thức bảo vệ các giá trị di sản, môi trường sinh thái.
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, con sông này bắt nguồn từ Trung Quốc rồi chảy vào lãnh thổ Việt Nam tại Ngọc Khê, Trùng Khánh. (Ảnh: Vietnam )
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh nhấn mạnh huyện có trên 20 điểm di sản Công viên địa chất, nổi bật là thác Bản Giốc. Để thu hút khách, hằng năm, huyện tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân tộc Tày, Nùng; thi ẩm thực giới thiệu sản phẩm nổi tiếng như hạt dẻ, gạo nếp ong, vịt cỏ, thạch trắng mácpúp.
Huyện cũng khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, nâng cấp dịch vụ du lịch. Đến nay, huyện có điểm du lịch cộng đồng làng đá Khuổi Ky, 22 dịch vụ lưu trú homestay, 22 khách sạn và nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, thành lập 67 câu lạc bộ dân ca.
Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, sở, ngành đầu tư hạ tầng cho 4 tuyến trải nghiệm Công viên địa chất; hướng dẫn, tập huấn cho người dân vùng di sản làm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống và các sản phẩm OCOP.
Các huyện quan tâm phục dựng nhiều lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số, động viên nghệ nhân sưu tầm dân ca, dân vũ cổ, xây dựng đội văn nghệ xóm, bản phục vụ phát triển du lịch.
Vì sao Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông chưa phát huy tiềm năng du lịch?
Tổ chức UNESCO đã ghi nhận lại danh hiệu 'Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông' cho giai đoạn 2024-2027.
Tuy vậy, Đắk Nông còn rất nhiều việc phải làm để phát huy giá trị di sản tại khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sao cho tạo bước phát triển mới, mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, trải rộng trên 6 huyện, thành phố của tỉnh. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, có di chỉ khảo cổ người tiền sử rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới. Đây là vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc, một phần trong "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã được UNESCO ghi danh. Các khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp lưu trữ những giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học cùng rất nhiều thắng cảnh đẹp...
Đắk Nông là vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc, một phần trong "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".
Mỗi tuần đưa 2-3 đoàn khách đến Krông Nô - vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, bà Lý Mai Ly - chủ cơ sở du lịch homestay Tơng Ju (tỉnh Đắk Lắk), vui vẻ cho biết vùng đất này có sự hấp dẫn đặc biệt với du khách cả trong nước và quốc tế.
"Tôi đã hỗ trợ nhiều đoàn về Krông Nô du lịch. Đầu tiên là mô hình tắm rừng, đó không phải tắm suối tắm thác mà là dành cho những người tìm về thiên nhiên, đi bộ dưới tán rừng nguyên sinh, lắng nghe tiếng suối tiếng thác. Thứ hai là trải nghiệm hang núi lửa, người già nhất 76 tuổi, bé nhất là 2 tuổi, mà họ đều vào được tới hang có di tích người tiền sử, là hang C3 và hang C6".
Những trải nghiệm riêng có tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để lại ấn tượng mạnh với nhà nghiên cứu Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: "Tiềm năng về du lịch rất đặc sắc, có sản phẩm du lịch mạo hiểm, vào hang, tham quan cánh đồng lúa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Bên cạnh đó thì có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển cung cấp cho du khách. Riêng cá nhân tôi đã rất nhiều lần khi vào Krông Nô thì đều mua gạo từ đấy mang về Hà Nội. Thực sự rất là ấn tượng".
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, có di chỉ khảo cổ người tiền sử rất hiếm gặp trên thế giới.
Điều tiếc nuối của du khách khi đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là nơi này chưa có nhiều dịch vụ để họ có thể ở lại dài ngày. Ông Lê Văn Hà, Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cơ sở lưu trú còn thiếu, chưa có những cửa hàng đặc sản địa phương, hạ tầng kết nối chưa tốt, du lịch Krông Nô, Đắk Nông vẫn rất manh mún, tự phát. Địa phương cần có những chính sách để liên kết bài bản các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp, cùng phát huy thế mạnh riêng có của vùng di sản công viên địa chất toàn cầu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.
"Ở Krông Nô, tôi thấy mới có các hộ nhỏ lẻ, tự làm thử nghiệm thôi. Thứ hai là các hợp tác xã thì chưa làm được, thứ ba quan trọng nhất là doanh nghiệp cũng chưa có. Bây giờ muốn làm được du lịch thì phải liên kết các chủ thể này", ông Lê Văn Hà cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô thừa nhận du lịch vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vẫn ở dạng tiềm năng chờ khai thác. Hiện những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đến đất rừng đã được tháo gỡ, địa phương đang từng bước xây dựng các mô hình du lịch, rất cần sự đầu tư bài bản từ doanh nghiệp.
"Chúng tôi có lúa gạo Buôn Chóa, bơ núi lửa, các loại trái cây Krông Nô, rồi sâm cau... là các mô hình mà chúng tôi đang làm. Vấn đề nữa là khai thác tạm thời một số hang động làm du lịch, huyện cũng đang xin hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông", ông Nguyễn Xuân Danh nói.
Hồ Tà Đùng - nơi được ví như "Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên", một điểm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Thiếu nguồn lực và lo ngại vi phạm các quy định quản lý di sản địa chất là những rào cản khiến các địa phương ở Đắk Nông chưa thể phát huy thế mạnh từ danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Về việc này, PGS.TS Trần Tân Văn, thành viên Ban tư vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO gợi ý: "Khoanh vùng các di tích, di sản để chúng ta đưa vào bảo tồn và phát triển du lịch; còn những diện tích khác thì hoàn toàn có thể phát triển kinh tế một cách bình thường thân thiện với cộng đồng, thân thiện môi trường. Các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của các huyện thì phải gắn với công viên địa chất".
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cộng đồng người dân tộc thiểu số bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng mô hình homestay. Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cũng đã thông thoáng. Tỉnh đã lập trang du lịch số, qua điện thoại sẽ dẫn đường du khách đến với tất cả các điểm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, có thuyết minh cụ thể.
"Câu chuyện rất hay mà chúng tôi gắn với công viên địa chất của mình đó là theo 3 tuyến du lịch: Trường ca lửa và nước, Bản giao hưởng của làn gió mới, Âm vang từ Trái Đất và mỗi tuyến đi theo chủ đề này lại gắn với từng địa điểm cụ thể. Chúng tôi đang sở hữu một tài sản rất lớn, vừa trực quan trước mắt đẹp và thơ mộng nhưng vừa có giá trị về khoa học để có thể phục vụ đủ các loại hình du lịch. Do đó chúng tôi đang kêu gọi đầu tư, những nhà đầu tư đủ tâm, đủ tầm để có thể phát triển du lịch tại đây", bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết thêm.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Hy vọng những di sản này sẽ nhanh chóng được phát huy, để Đắk Nông vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII.
Ngọn núi có 'con mắt khổng lồ' ở Cao Bằng, du khách tò mò đến check-in Nằm giữa thung lũng rộng, núi Mắt Thần (Cao Bằng) trở nên nổi bật với điểm nhấn đặc biệt là lỗ thủng xuyên qua lòng núi có kích thước lớn, đường kính chỗ rộng nhất khoảng 50m. Núi Mắt Thần nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh hồ Thang Hen của Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng, với hệ...