Phát hiện xương hóa thạch có thể của loài khủng long lớn nhất
Một nhóm nhà khoa học Argentina mới đây thông báo đã khai quật được những mảnh hóa thạch lớn có niên đại 98 triệu năm tuổi tại khu vực Tây Nam nước này.
Các nhà khoa học cho rằng đây có thể là những hóa thạch của loài khủng long lớn nhất từng được phát hiện.
Theo thông báo của Cơ quan khoa học CTYS thuộc Đại học Quốc gia La Matanza ra ngày 20/1, những mảnh xương khủng long hóa thạch này có kích thước dường như lớn hơn 10-20% so với những mảnh xương được cho là của Patagotitan mayorum – loài khủng long lớn nhất từng được phát hiện và cũng có nguồn gốc từ Argentina. Patagotitan mayorum nặng khoảng 70 tấn và dài 40 mét, thuộc họ khủng long chân thằn lằn (sauropod) với đuôi và cổ dài, chuyên ăn thực vật và là sinh vật trên cạn lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất.
Video đang HOT
Ông Alejandro Otero làm việc tại Bảo tàng La Plata (Argentina) đang tiến hành ghép nối hơn 20 đốt xương sống và những mảnh khung xương chậu được tìm thấy cho đến nay để tái tạo hình ảnh loài khủng long mới. Ông Otero đã công bố báo cáo về loài khủng long chưa được xác định này trên tạp chí khoa học Cretaceous Research.
Trong khi đó, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm và khai quật thêm nhiều phần hóa thạch của con khủng long bị chôn sâu trong đất đá. Họ hy vọng sẽ tìm thấy phần xương đùi có kích thước lớn hoặc xương chi trước giúp ước tính khối lượng cơ thể của loài sinh vật vốn đã tuyệt chủng từ lâu này.
Theo nhà cổ sinh vật học Jose Luis Carballido làm việc tại bảo tàng Egidio Feruglio, các hóa thạch có kích thước lớn trên được phát hiện vào năm 2012 tại thung lũng sông Neuquen, song công tác khai quật chỉ bắt đầu vào năm 2015. Ông Carballido, người cũng làm công tác nghiên cứu về Patagotitan cách đây vài năm, cho biết: “Chúng tôi có hơn một nửa phần xương đuôi và nhiều xương hông. Rõ ràng vẫn còn ở bên trong lớp đất đá, do đó chúng tôi sẽ tiến hành khai quật thêm vài năm nữa”.
Giám đốc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Zapala, nhà địa chất Alberto Garrido nói rằng bộ xương khổng lồ được phát hiện trong tầng đá có niên đại khoảng 98 triệu năm trước trong kỳ Phấn trắng muộn. Ông Garrido cho biết: “Chúng tôi nghi mẫu vật này có lẽ là bản hoàn chỉnh hoặc gần như hoàn chỉnh. Mọi thứ tùy thuộc vào kết quả khai quật. Bất kể loài khủng long này có lớn hơn loài Patagotitan hay không, thì riêng việc phát hiện ra một loài khủng long có kích thước lớn như vậy đã là điều mới lạ”.
Bí mật về kích thước và trọng lượng khổng lồ của khủng long
Một số loài khủng long to đến nỗi mặt đất sẽ rung chuyển khi chúng di chuyển. Nhưng làm thế nào mà chúng lại có trọng lượng lớn như vậy mà vẫn di chuyển linh hoạt?
Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra phần nào của bí mật.
Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng khủng long thực tế có cấu trúc xương khác với động vật có vú và chim, giúp chúng có khả năng chống đỡ trọng lượng khổng lồ như vậy.
Một nhóm các nhà cổ sinh vật học, kỹ sư cơ khí và y sinh đã kiểm tra xương chân trên, xương dưới của loài khủng long mỏ vịt, những loài ăn thực vật cổ dài thân to, có hóa thạch được tìm thấy ở mọi lục địa.
Nhóm nghiên cứu thực hiện phân tích ảnh chụp CT của xương khủng long sau đó so sánh chúng với xương hóa thạch của các loài động vật có vú đã tuyệt chủng như hổ Siberia và voi ma mút hay những động vật còn sống ngày nay như cừu và voi.
"Không giống như động vật có vú và chim, xương xốp không tăng độ dày khi kích thước cơ thể của khủng long tăng lên. Thay vào đó, nó làm tăng mật độ xuất hiện của xương xốp. Nếu không có sự thích nghi liên quan đến trọng lượng này, cấu trúc bộ xương cần thiết để hỗ trợ loài khủng long sẽ rất nặng, dẫn đến khủng long sẽ rất khó di chuyển", Anthony Fiorillo, nhà cổ sinh vật học thuộc Đại học Southern Methodist cho biết.
Nghiên cứu còn cho thấy việc tăng cường kết nối của xương xốp là một cơ chế làm cứng xương hiệu quả hơn đối với động vật có kích thước phi thường này.
Các tác giả cho rằng những phát hiện mới có thể có ý nghĩa quan trọng đối với việc thiết kế các cấu trúc cứng và nhẹ có thể được sử dụng trong công nghệ hàng không vũ trụ, xây dựng hoặc xe cộ trong tương lai.
Trevor Aguirre, tác giả chính của báo cáo, tiến sĩ kỹ thuật cơ khí tại Đại học Bang Colorado, cho biết: "Hiểu về cấu trúc xương xốp của khủng long còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thiết kế của các cấu trúc nhẹ và dày đặc khác".
Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ 98 triệu năm tuổi Một phần bộ xương hóa thạch của một con khủng long titanosaur 98 triệu năm tuổi đã được phát hiện ở Neuquén, Argentina. Chúng có kích cỡ được nói là lớn chưa từng thấy. Các chuyên gia đã phát hiện ra tàn tích của một con khủng long khổng lồ ở Argentina và tin rằng nó có thể là một trong những sinh...