Phát hiện vi khuẩn tả trong ốc bươu
Chiều 6.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Nhận định về diễn biến dịch bệnh trong nước, ông Long lo ngại, dịch tiêu chảy cấp có thể gia tăng tại TP.HCM do diễn biến phức tạp bởi phát hiện các yếu tố ô nhiễm trong thực phẩm, dù số mắc hiện nay giảm.
Tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế – Ảnh: Thúy Anh
Đặc biệt tả có nguy cơ xảy ra bởi đã phát hiện vi khuẩn tả trong ốc bươu là vi khuẩn từng gây dịch tả năm 2007. Thực tế đó cho thấy môi trường, tình trạng ô nhiễm, mầm bệnh từ nước, thực phẩm ăn uống là các nguy cơ phát tán mầm bệnh và gây dịch đã rất gần. Nếu mầm bệnh tả có trong nước thì khả năng dịch xảy ra là rất lớn.
Ông Long thông báo, kiểm tra tại TP.HCM cho thấy, môi trường sống khu vực ngoại ô thành phố đang ở mức báo động cao, vẫn còn cầu tiêu ao cá là thói quen sinh hoạt rất mất vệ sinh, nguy cơ rất lớn cho nhiễm bệnh dịch trên người. Nguồn thực phẩm xét nghiệm tại chợ đã phát hiện có vi khuẩn E.coli, đặc biệt là tìm thấy vi khuẩn tả trong ốc. Kiểm tra nguồn nước tại các trạm cấp nước trên 1.000 m3 phát hiện hàm lượng clo dư rất thấp và còn tồn tại các vi khuẩn gây bệnh dịch đường tiêu hóa như: E.coli, coliform. Các yếu tố trên cho thấy rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Bộ Y tế có văn bản đề nghị TP.HCM khắc phục tình trạng này.
Giám sát bệnh Ebola đối với hành khách
Trong khi đó, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cũng rất lo lắng về khả năng dịch Ebola có thể xâm nhập vào VN qua các công dân VN đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch. Dịch nguy hiểm này cũng có thể xâm nhập qua công dân của các quốc gia khác có dịch nhập cảnh; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola. Ông Phu cũng bày tỏ khó khăn cho việc xác định người về từ vùng có dịch do không có chuyến bay thẳng về VN, vì vậy Bộ Y tế đã đề nghị cơ quan an ninh cửa khẩu sẽ phối hợp, sàng lọc, chuyển các trường hợp về từ vùng có dịch Ebola qua bộ phận khai báo y tế. Ngoài ra, trong nước cũng đang chờ hỗ trợ từ Tổ chức Y tế thế giới, từ các tổ chức quốc tế giúp cho xét nghiệm phát hiện vi rút Ebola.
Ngay trong chiều 6.8 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Ebola. Theo đó, các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh: sốt cao đột ngột, đau đầu, đau cơ; đau họng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy cấp; một số có phát ban, nôn, đi ngoài ra máu; tiền sử đi đến từ vùng, quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc Ebola hoặc động vật nhiễm vi rút Ebola trong vòng 21 ngày.
Về dịch Ebola, Cục Y tế dự phòng thông báo, từ đầu vụ dịch năm 2014 đến nay đã ghi nhận hằng ngày trường hợp mắc bao gồm gần 1.000 trường hợp tử vong tại 4 nước Guinea; Liberia, Nigeria và Sierra Leone. Dịch Ebola tại châu Phi vẫn tăng nhanh chóng.
WHO họp khẩn về dịch Ebola
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập khẩn cấp ủy ban về Quy định tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) trong hai ngày 6 và 7.8 để thảo luận về dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi, theo AFP. Qua phiên họp, các chuyên gia sẽ xem xét có công bố dịch Ebola là “đe dọa khẩn cấp đến sức khỏe cộng động toàn cầu” hay không. Trong trường hợp mức độ rất nghiêm trọng này được xác nhận, WHO sẽ gấp rút lập kế hoạch chống dịch ở quy mô toàn cầu với những biện pháp được áp dụng tức thời, chẳng hạn như khuyến cáo hạn chế du lịch, giao thương với những nước đang bị dịch.
Lan Chi
Liên Châu
Video đang HOT
Theo TNO
Cách phòng ngừa lây virus nguy hiểm Ebola
Hãy thường xuyên rửa tay với xà phòng, tránh tiếp xúc các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola... để phòng lây lan bệnh.
Dịch Ebola xuất hiện trở lại ở Tây Phi từ tháng 3 và đang vượt khỏi tầm kiểm soát khiến nhiều quốc gia lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đến nay đã có hơn 1.300 ca mắc và 729 trường hợp tử vong tại ba quốc gia Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tỷ lệ tử vong khoảng 55%.
Để tránh bệnh lây lan sang Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo cách phòng ngừa Ebola như sau:
Virus Ebola lây nhiễm sang người như thế nào
Virus Ebola lây truyền tư đông vât sang ngươi khi tiếp xúc gần với máu, chât tiết của động vật bị nhiễm; lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).
Thế giới đang đối mặt nguy cơ dịch Ebola lan rộng. Ảnh: AFP.
Người có nguy cơ cao nhiễm virus này
Trong dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, các nhóm có nguy cơ cao nhiễm virus gồm:
- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
- Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm virusEbola.
- Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm virus Ebola trong rừng.
- Cán bộ y tế.
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola
- Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng.
- Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan.
- Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.
- Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày.
Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Khi nào nên đi khám
Nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm virus Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.
Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.
Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Làm gì để phòng nhiễm virus Ebola
Hiện chưa có văcxin phòng bệnh do virus Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện nay là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong.
Do virus Ebola lây truyền từ người sang người, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh:
- Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.
- Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm virus Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
- Nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc virus Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm, cách tiêu hủy phương tiện sau khi sử dụng.
- Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.
- Cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola như dơi ăn quả, khỉ, hay vượn... tại khu vực có rừng nhiệt đới.
- Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
- Thịt và tiết của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
- Người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo, nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh, và đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có các dấu hiệu bệnh đầu tiên.
Lê Phương
Theo VNE
Nguy cơ đại dịch Ebola tràn vào Việt Nam là rất lớn Đại dịch Ebola đã làm gần 900 người tử vong và khả năng dịch bệnh này tràn vào Việt Nam là rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Ebola đã làm hơn 1.300 người bị nhiễm trên thế giới, trong đó, gần 900 người tử vong. Đây là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất thế giới, có tỷ...