Phát hiện ung thư phổi sau một tháng ho khan không khỏi
Sau 2 tuần ho khan, sốt nhẹ, bệnh nhân bất ngờ được bác sĩ phát hiện mắc ung thư phổi.
Bệnh nhân VS (82 tuổi, quốc tịch Campuchia) đến Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM khám với triệu chứng ho khan, sốt nhẹ, ăn uống kém, tức ngực. Kết quả chụp X-quang và CT scan ngực cho thấy bệnh nhân có khối u thùy trên phổi phải kèm tràn dịch màng phổi phải lượng nhiều.
Theo gia đình bệnh nhân, trước đó bà V.S ngoài tiền sử tăng huyết áp thì không có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe. Khoảng một tháng gần đây, bà ho khan thường xuyên, sốt nhẹ và ăn uống kém, đi khám ở bệnh viện Campuchia bác sĩ nghi ngờ bị lao phổi. Gia đình quyết định đưa bệnh nhân sang Việt Nam phẫu thuật và chữa trị.
Sau phiên hội chẩn liên chuyên khoa bao gồm nội hô hấp, ngoại lồng ngực, ung bướu, bệnh nhân có chỉ định nội soi khí phế quản kết hợp với phẫu thuật nội soi lồng ngực sinh thiết màng phổi để xác định chẩn đoán và có kế hoạch điều trị thích hợp.
Bệnh nhân người Campuchia quyết định sang Việt Nam điều trị ung thư phổi. Ảnh: BSCC
Các bác sĩ tiến hành nội soi khí phế quản và phẫu thuật nội soi lồng ngực, sinh thiết màng phổi, tổn thương màng phổi nhiều nơi nghi ngờ ác tính đã được quan sát thấy trong quá trình nội soi lồng ngực. Do vậy, các bác sĩ quyết định tiến hành làm dính màng phổi với bột talc (Talcage) nhằm tránh tràn dịch màng phổi tái phát. Kết quả sinh thiết màng phổi xác định bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến của phổi di căn màng phổi. Sau phẫu thuật, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Video đang HOT
BSCKI Huỳnh Thị Hồng Đào, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bệnh nhân, khuyến cáo triệu chứng của bệnh ung thư phổi đôi khi không rõ ràng, nhiều người lầm tưởng với các bệnh lý ho, cảm thông thường.
Do đó, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đặc biệt là bệnh ung thư. Khi phát hiện sớm, khối u còn nhỏ, ít xâm lấn vùng lân cận cũng như di căn xa, việc điều trị sẽ triệt để hơn, giảm chi phí giúp kéo dài thời gian sống sau mổ.
Bệnh nhân mắc ung thư phổi thường có các triệu chứng như ho, khó thở, ho ra máu, ho đờm, sút cân, thường ở giai đoạn muộn, tiên lượng xấu. Ngoài ra, 40-60% người bệnh bị đau ngực.
Để phòng tránh ung thư phổi, bạn cần hạn chế các tác nhân gây bệnh và thay đổi lối sống như thường xuyên vận động, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Theo Zing
Ho khan 10 ngày, bác sĩ bất ngờ thông báo bị ung thư phổi
Không có triệu chứng gì đặc biệt ngoài ho khan liên tiếp 10 ngày, đến bệnh viện thăm khám, ông Bình thất thần khi nghe bác sĩ thông báo bị ung thư phổi.
Bệnh nhân Đỗ Duy Bình, 55 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ cho biết, trong suốt 10 ngày trước khi đến viện, ông thường xuyên ho khan. Dù đã đi nhiều cơ sở y tế khám nhưng không tìm ra bệnh. Khi đến BV đa khoa tỉnh Phú Thọ, ông Bình được bác sĩ thông báo phát hiện tổn thương ở đỉnh phổi phải.
Làm thêm sinh thiết, bác sĩ kết luận ông mắc ung thư phổi biểu mô không tế bào nhỏ, chỉ định phẫu thuật cắt u, cắt thùy trên phổi phải, nạo vét hạch.
Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã tự thở lại, phổi thông khí tốt và người bệnh đã tự đi lại được.
Khối u ở phổi sau khi được cắt bỏ
ThS.BS Nguyễn Văn Thư, Giám đốc trung tâm Ung bướu, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, trường hợp bệnh nhân Bình may mắn đến BV khi khối u vẫn còn phẫu thuật được, còn lại trong suốt nhiều năm qua, hầu hết bệnh nhân bị ung thư phổi đến khám khi đã ở giai đoạn muộn do trước đó không thấy biểu hiện bệnh rõ ràng.
Qua đây bác sĩ Thư cũng khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, trong suốt nhiều năm liền, ung thư phổi ở cả 2 giới luôn đứng hàng đầu, nhưng đến 2018, tụt xuống vị trí thứ 2 sau ung thư gan với gần 24.000 ca mắc mới.
Tuy nhiên đến nay, điều trị ung thư phổi vẫn là thách thức khi số chết gần tương đương mắc mới, với hơn 21.000 ca tử vong mỗi năm.
Bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ
PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K cho biết, nguyên nhân tỉ lệ ung thư phổi tử vong cao do có tới hơn 2/3 số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4, lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.
Ở giai đoạn sớm, ung thư phổi không có dấu hiệu đặc hiệu, triệu chứng rất mơ hồ như đau tức ngực, ho ra dây máu nhưng dễ nhầm với lao. Chỉ đến khi bệnh nhân đau ngực dữ dội, khó thở thường xuyên mới đến bệnh viện khám thì đã ở giai đoạn muộn.
PGS Quảng khẳng định, gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ tuy không hút thuốc trực tiếp, nhưng lại chịu tác động của khói thuốc thụ động từ những người trong gia đình hoặc môi trường xung quanh.
Do đó bác sĩ khuyến cáo, ở lứa tuổi ngoài 50, cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.
Thúy Hạnh
Theo Vietnamnet
Thanh Hóa: Hơn 100 trẻ bị nhiễm bệnh do vi rút hợp bào hô hấp RSV Năm 2018, bệnh do vi rút hợp bào hô hấp RSV bùng phát sớm hơn và là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Thống kê cho hấy, đã có hơn 100 trẻ dương tính với vi rút hợp bào hô hấp RSV phải nhập viện điều trị trong tháng 9. Theo các bác sĩ, vi rút RSV thường...